Tin hoạt động kỷ niệm 86 năm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh và 115 năm ngày sinh đồng chí Lê Doãn Sửu

Tác giả: admin
Ngày 2016-09-16 01:42:21

Nhân dịp kỷ niệm 86 năm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930-12/9/2016) và 115 năm ngày sinh đồng chí Lê Doãn Sửu – cán bộ tiền bối của Đảng (1901-2016), Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh phối hợp với Phòng Giáo dục – Đào tạo thành phố Vinh tổ chức chương trình giao lưu văn hóa với chủ đề: “ Ngọn lửa Xô viết năm 1930” giữa học sinh hai trường THCS Bến Thủy và THCS Trường Thi.

Đúng 14 giờ ngày 12/9/2016, sau khi làm lễ dâng hương dâng hoa tại Nhà tưởng niệm các liệt sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh, chương trình giao lưu văn hóa được tổ chức long trọng tại hội trường Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.Tham dự chương trình có các đồng chí: Phan Thị Anh – Phó trưởng phòng Quản lý Di sản Sở VHTT&DL, thầy Nguyễn Đức Lam và thầy Nguyễn Quốc Bình- chuyên viên phòng Giáo dục – Đào tạo thành phố Vinh, đồng chí Cao Văn Xích – Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh cùng Ban Giám hiệu, các thầy, cô giáo và gần 300 em học sinh đại diện của hai trường.

Trải qua bốn phần thi với những nội dung phong phú, hấp dẫn và đầy kịch tính, các em học sinh như được trở về với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh hào hùng năm xưa, về với những năm tháng hoạt động sôi nổi của đồng chí Lê Doãn Sửu.

Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là đỉnh cao của cao trào cách mạng năm 1930-1931, được mở đầu bằng cuộc biểu tình của 1200 công nhân Vinh- Bến Thủy, nông dân các vùng phụ cận nhân kỷ niệm ngày Quốc Tế Lao Động 1/5/1930. Phong trào tiếp tục lan rộng ra ở hầu khắp các huyện trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh và đạt tới đỉnh cao là cuộc biểu tình với hơn 8000 nhân dân Hưng Nguyên, Nam Đàn vào ngày 12/9/1930 dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Lê Doãn Sửu. 86 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm của Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp cách mạng hiện nay.

Đồng chí Lê Doãn Sửu sinh năm 1901 tại làng Yên Dũng Hạ, tổng Yên Trường (nay là phường Bến Thuỷ), thành phố Vinh. Tháng 3/1930, đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Lâm thời Tỉnh bộ Vinh – Bến Thủy và được phân công phụ trách phong trào cách mạng huyện Nghi Lộc và Hưng Nguyên. Khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra, đồng chí là người đã trực tiếp lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh, đặc biệt là cuộc biểu tình ngày 12/9/1930. Cuộc đấu tranh này bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu làm 217 người chết, 125 người bị thương và hàng trăm người khác bị bắt giam. Đồng chí Lê Doãn Sửu đã có mặt tại hiện trường trong thời điểm cam go, ác liệt nhất để kịp thời chỉ đạo Ban Chỉ huy tổ chức tốt công tác liệt sỹ, chăm sóc những người bị thương, đồng thời đứng lên kêu gọi nhân dân các huyện trong tỉnh biểu tình phản đối hành động dã man của thực dân Pháp. Tháng 4/1931, đồng chí được giao giữ chức vụ Bí thư khu ủy Bến Thủy.

Trong quá trình hoạt động, đồng chí đã nhiều lần bị rơi vào tay giặc nhưng khi được trả tự do đồng chí lại tích cực tiếp tục hoạt động cách mạng. Ngày 27/3/1944, đồng chí đã anh dũng hy sinh tại nhà lao Trà Khê (Phú Yên). Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí đã trở thành một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo….

Xen kẽ giữa các phần thi là những tiết mục văn nghệ đặc sắc ca ngợi về quê hương, đất nước, về nghề giáo viên nhân dân. Chương trình văn nghệ và các câu hỏi giao lưu giành cho cổ động viên của hai trường đã góp phần tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt cho buổi giao lưu văn hóa.

Kết thúc cuộc thi, đội trường THCS Bến Thủy đã dành giải nhất, đội trường THCS Trường Thi đạt giải nhì. Qua buổi giao lưu, các em đã thể hiện sự hiểu biết, ham học hỏi và tự hào về truyền thống của ông cha, tự hào được sinh ra và lớn lên trên quê hương Xô Viết anh hùng. Các em – thế hệ trẻ của đất nước đã, đang và sẽ học tập, noi theo các bậc tiền nhân, góp phần “giữ lửa” truyền thống để cho tinh thần Xô Viết Nghệ Tĩnh, tinh thần cách mạng của đồng chí Lê Doãn Sửu mãi mãi tỏa sáng.

Phạm Thị Kim Lân – Bảo tàng XVNT

 

Video