“Tiểu Trưng” Trần Thị Trâm – tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước

Tác giả: admin
Ngày 2018-10-29 03:45:37

Bà Trần Thị Trâm – tấm gương phụ nữ trung kiên trong phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sinh năm 1860 ở xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bà là con của Cát sỹ Trần Hữu Dực và là mẹ của nhà yêu nước nổi tiếng Hồ Học Lãm. Lên 1 tuổi bà mồ côi cha, được mẹ và anh ruột Trần Anh nuôi dạy khôn lớn. Từ những tấm gương bà Trưng, bà Triệu mà anh trai thường kể, với vốn chữ Hán được truyền dạy đã dần khơi dậy trong tâm hồn Trần Thị Trâm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc. Năm 1876, bà được danh sỹ Phạm Đình Toái (bạn học của cha) mai mối đã về làm dâu làng Quỳnh cùng Hồ Bá Trị (con án sát Hồ Trọng Toàn).

Năm 1885, sau 9 năm làm dâu, bà một lần nữa chịu nỗi đau lớn mất chồng khi Hồ Bá Trị anh dũng hy sinh trong cuộc thảm sát của thực dân Pháp đối với làng Bào Hậu và Quỳnh Đôi. Chịu cảnh góa bụa với hai con thơ còn nhỏ dại là Hồ Xuân Khiêm mới lên 5 và Hồ Xuân Lan (Hồ Học Lãm) mới lên 2 tuổi, Trần Thị Trâm đã nén nỗi đau vào lòng, quyết tâm đóng góp sức mình cho phong trào yêu nước đang âm ỉ cháy chờ thời cơ sẽ bùng lên mạnh mẽ lúc bấy giờ. Bà đã tham gia tích cực vào phong trào Cần Vương và có những đóng góp không nhỏ vào những thắng lợi của nghĩa quân Phan Đình Phùng và Nguyễn Xuân Ôn.

Qua thử thách, bà Trần Thị Trâm càng được các thủ lĩnh phong trào Cần Vương tin tưởng, giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Để che mắt kẻ thù, dễ bề hoạt động, bà đã cải trang thành người đi buôn lụa (nghề phổ biến ở làng Quỳnh lúc bấy giờ), theo năm tháng, Trần Thị Trâm được mọi người gọi với nhiều tên trìu mến, thân thương, gần gũi là chị Lụa, bà Lụa hay cô Lụa.

Vào cuối năm 1892, sau khi giả làm người điên, giúp nghĩa quân của Cao Thắng và Nguyễn Huy Thuận đột kích thắng lợi vào Thị xã Hà Tĩnh, bà Trâm bị bắt vào Nhà lao Vinh. Tên án sát khét tiếng gian ác Cao Ngọc Lễ đã đích thân tra khảo và hỏi cung bà với những âm mưu thâm độc và hành động tàn ác nhất từ dụ dỗ mua chuộc đến dọa dẫm tra tấn. Dù phải chịu đựng đủ mọi ngón đòn roi, cực hình tra tấn bà vẫn không nao núng. Bà đã khéo léo tùy cơ ứng biến trả lời các câu hỏi của giặc vừa tránh cho bản thân, vừa giữ được bí mật của tổ chức yêu nước. Không lấy được lời khai, tên án sát Cao Ngọc Lễ khét tiếng gian ác đã trút mọi tức giận lên bà, đích thân chỉ huy việc hỏi cung, tra khảo với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc. Hắn đã dùng thanh sắt nung đỏ dí vào người bà, nhưng Trần Thị Trâm vẫn không hề nao núng. Bên trong thân hình bé nhỏ của người phụ nữ yêu nước luôn chứa đựng một sức mạnh phi thường. Trước những thủ đoạn tra tấn dã man của kẻ thù, bà đã chửi thẳng vào mặt chúng: “Ông cha tôi mấy đời đều làm án sát nhưng có ác độc gì đâu mà nay con cháu phải chịu tội tình thế này…” (1) Câu nói vừa đanh thép vừa chứa nhiều ẩn ý của bà đã làm cho Cao Ngọc Lễ phải xấu hổ, dừng tay và vội ra lệnh tha cho bà về. Rút kinh nghiệm về sau, mỗi lần bị bắt vào Nhà lao Vinh xét hỏi, tra tấn, bà Trâm lại bí mật thủ vào người một nắm thuốc lào thật ngon, phòng khi chúng có tra tấn tàn ác quá, bà liền nuốt một nắm thuốc để say ngất đi, buộc bọn chúng phải buông tha cho bà. Sau những lần từ Nhà lao Vinh trở về, bà Trần Thị Trâm lại có thêm kinh nghiệm trong công tác hoạt động bí mật.

Bà đã 3 lần được cụ Phan ủy thác sang Xiêm (Thái Lan) mua sắm vũ khí. Từ căn cứ Vũ Quang ở Hương Khê (Hà Tĩnh), bà đã không quản thân gái dặm trường theo đường rừng xuyên đất Lào sang thị trấn Na Khỏn của Xiêm để làm tròn nhiệm vụ được giao.

Cuối thế kỷ XIX, phong trào Cần Vương ở Nghệ Tĩnh tạm thời lắng xuống do sự đàn áp dã man của kẻ thù, trước những tổn thất lớn về lực lượng, Trần Thị Trâm vẫn không hề nao núng, càng quyết tâm chiến đấu đến cùng. Bà đã ra sức tuyên truyền, thuyết phục và dẫn đường cho nhiều thanh niên yêu nước quê nhà ra liên lạc với cụ Đề Thám đồng thời trực tiếp sang Trung Quốc mua sắm, tiếp vận vũ khí cho nghĩa quân Yên Thế.

Bước vào những năm đầu thế kỷ XX, Trần Thị Trâm gia nhập hội Triêu Dương Thương quán (một tổ chức yêu nước) do Đặng Thái Thân và Ngô Đức Kế sáng lập nhằm tập hợp những người yêu nước xây dựng cơ sở khuyến khích và xúc tiến các hoạt động yêu nước dưới nhiều hình thức như mở trường dạy học, tuyên truyền văn hóa, mở mang dân trí…  Chính bà đã góp phần quan trọng vào  việc xây dựng cơ sở vật chất, tài chính cho Hội. Khi phong trào yêu nước ở Nghệ Tĩnh phát triển mạnh mẽ theo xu thế mới, bà đã tích cực hoạt động trong hội Duy Tân (1904) và phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng (1905). Bà được cụ Phan tin tưởng giao nhiệm vụ đưa thanh niên yêu nước như: Nguyễn Thức Canh, Trần Hữu Lực, Hồ Sỹ Thanh… vượt biên sang Nhật du học. Bà cũng đã gạt nước mắt, quyết tâm vận động con trai thứ hai là Hồ Học Lãm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân với lời căn dặn: “Con sinh ra là để rửa nhục cho nước… Chuyến này con xuất dương, chắc chắn sẽ gặp nhiều gian truân, con phải cố gắng vượt quan, nhất thiết không được giữa đường bỏ cuộc…”(2)

Trong những năm tiếp theo, với lòng yêu nước, tinh thần nghị lực phi thường của người con gái Xứ Nghệ, bà Trần Thị Trâm tiếp tục cống hiến hết mình cho các phong trào yêu nước như: Việt Nam Quang Phục Hội (1912), cuộc vận động sang Xiêm xin đất lập Trại Cày của cụ Đặng Thúc Hứa, phong trào đấu tranh đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, truy điệu cụ Phan Châu Trinh, hoạt động của tổ chức Tân Việt và Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Những thanh niên yêu nước ở làng Quỳnh lúc bấy giờ muốn bắt liên lạc với cách mạng hoặc đọc sách báo tiến bộ đều tìm đến bà. Không chỉ có con trai mà cháu của bà là đồng chí Hồ Tùng Mậu khi xuất dương năm 1920 sang Xiêm đến lúc trở về nước hoạt động đều do bà giới thiệu bắt mối liên lạc. Nhà bà cũng đã trở thành nơi liên lạc và nuôi dấu cho nhiều nhà hoạt động yêu nước trong suốt hơn 40 năm, chính vì vậy gia đình bà thường xuyên bị lục soát, khám xét và bà được xem là đối tượng nguy hiểm trong mắt kẻ thù, dù không giữ chức vụ gì to lớn trong hoạt động yêu nước.

Phát huy những phẩm chất quý báu của người phụ nữ xứ Nghệ, bà Trần Thị Trâm đã cân bằng được việc nhà và việc nước, giữ chữ hiếu và chữ trung. Chính vì vậy bà không chỉ được con cháu kính trọng mà còn được những bậc tiền bối, những nhà yêu nước tin tưởng, mến phục.

Vào năm 1928, khi bà Trần Thị Trâm gần 70 tuổi, công sứ Nghệ An gọi bà vào nhà lao Vinh dụ dỗ: “Thôi bây giờ bà đã già rồi, nếu bằng lòng thì ở lại đây. Nhà nước bảo hộ sẽ nuôi dưỡng chu đáo…”(3) Không cần suy nghĩ bà khảng khái trả lời ngay lập tức: “ Người Nam chúng tôi không quen lối sống tầm gửi. Còn riêng tôi không quen dùng những thứ mà người khác bố thí cho mình. Xin ông cho tôi về”(4). Tinh thần yêu nước, kiên cường và ứng xử thông minh của bà Trâm đã có tác dụng rất lớn trong việc động viên khích lệ những người tù chính trị tại Nhà lao Vinh về lập trường kiên định, bền gan, vững chí, không bị mắc mưu trước những thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù.

Năm 1929, dù sức khỏe yếu nhưng bà Trần Thị Trâm vẫn cố gắng vào Huế thăm cụ Phan Bội Châu. Đầu năm 1930, lúc sắp mất nhưng được tin phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nổi lên mạnh mẽ, với nụ cười rạng rỡ bà nói: Sự nghiệp cứu nước trước đây chưa thành thì nay đã có anh em cộng sản làm tiếp rồi. Ngày 6/5/1930, khi ngọn lửa đấu tranh của công - nông Nghệ Tĩnh bắt đầu được thắp lên thì trái tim yêu nước của bà lụa Trần Thị Trâm cũng ngừng đập để lại niềm tiếc thương vô hạn cho con cháu và quê hương.

Tròn 70 năm sống, cống hiến, thầm lặng hy sinh cho phong trào yêu nước của quê hương, Bà Trần Thị Trâm với tâm hồn, tinh thần, nghị lực luôn sáng như ngọc, thơm như hoa và nồng như lửa, xứng đáng với danh hiệu “Tiểu Trưng” (5)  mà cụ Phan Bội Châu đã tặng. Bà đã trở thành tấm gương sáng cho chúng ta thêm tự hào về truyền thống yêu nước, cách mạng của các bậc tiền bối, của phụ nữ Nghệ An trên quê hương Xô Viết anh hùng.

Trần Thủy – Bảo tàng XVNT  

Chú thích:

(1)(3)(4) Nhà lao Vinh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, NXB Nghệ An 2005, tr 63,64

(2) Người Xứ Nghệ, NXB Nghệ An, Tạp chí VH Nghệ An, 2007, T2, tr144

 

 (5) Theo Sào Nam Phan Bội Châu con người và thi văn của Phạm Quang Tộ. Tủ sách Văn học, Bộ Giáo dục và Thanh niên, 1974. Sài Gòn, trang 126,386)

 

Video