Thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh – vũ khí đấu tranh độc đáo của quần chúng nhân dân Nghệ Tĩnh trong phong trào cách mạng 1930-1931

Tác giả: admin
Ngày 2021-06-15 03:23:19

Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 đã nổ ra và đi vào lịch sử dân tộc như mộc mốc son chói lọi đầu thế kỷ XX. Trong các cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân luôn có loại vũ khí đặc biệt đó là thơ văn. Thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh đã ra đời và góp phần làm nên những thắng lợi trong phong trào cách mạng trên quê hương Nghệ Tĩnh.

Từ sự cai trị và khai thác, bóc lột dã man của chính quyền thực dân, phong kiến, sự đấu tranh anh dũng của quần chúng nhân dân… những bài thơ, áng văn đã ra đời trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, trở thành nguồn cổ vũ động viên mạnh mẽ quần chúng trong lao động sản xuất và trong đấu tranh chống lại kẻ thù.

Thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh là bản cáo trạng đanh thép tố cáo chế độ áp bức một cổ đôi tròng của chính quyền thực dân, phong kiến.

Những chính sách khai thác và bóc lột trên của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều đã đẩy nhân dân Nghệ Tĩnh vào cảnh bần cùng không lối thoát. Chính sách bóc lột của thực dân Pháp đã tạo nên ở Nghệ Tĩnh một đội ngũ công nhân đông đảo. Tính đến năm 1930, có khoảng 5000 công nhân sống tập trung tại Vinh – Bến Thủy và hàng vạn công nhân trong các đồn điền. Phần lớn công nhânVinh – Bến Thủy xuất thân từ nông dân. Rời nhà máy, ngày nghỉ, họ là những nông dân thực thụ. Nỗi thống khổ của người công nhân xuất thân từ nông dân được lột tả qua những vần thơ chân thực trong bài Đứng lên! Công nhân Trường Thi:

“Rời máy ra chết đói thê thảm tình

Ôm lấy máy liều mình cố sống

Lăn lóc giữa than hồng lửa nóng,

Hơi sức tàn, người rũ chẳng bao lâu.

Cảnh tượng này, hỏi bởi vì đâu?

Bởi xã hội thảm sầu tư bản đó…

Quân đế quốc tóc quăn mũi lõ,

Hút sức ta, hút mãi không thương”.(1)

Đối với những người nông dân chân lấm tay bùn, dù bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng cuộc sống vẫn vô cùng khổ cực, cơm vẫn không đủ ăn, áo vẫn không đủ mặc:

“Manh áo mỏng chung phần năm bảy

Củ khoai dây bẽ gãy hai ba.

 Lòng con mát, đói dạ cha,

Thân em được ấm, tức là lạnh anh.”(2)

                                 (Dân cày, bạn thợ chúng ta)

Từ bức tranh chung của đời sống nhân dân, thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh đã vạch trần chỉ rõ nguyên nhân của nỗi thống khổ mà nhân dân phải gánh chịu. Đó chính là sự bóc lột trắng trợn, lối sống xa hoa của bọn thực dân, phong kiến trên mồ hôi, nước mắt nhân dân cần lao:

"Bọn tư bản tóc quăn mũi lõ,

Tiền của ai mà nó xa hoa?

Lũ nhặng xanh ba đứa gian tà,

Tiền của ai mà vòng vàng nhẫn bạc?

Bọn hào lý dọc ngang, ngang dọc,

Bóp cổ dân đếm thóc lấy tiền,

Bọn nha môn xiên xỏ xỏ xiên,

Lừa quần chúng bạc tiền đâm thủng giấy…”(3)

Chính những bài thơ thấm đẫm tinh thần nhân văn lột tả hết mọi góc cạnh của một xã hội đầy bất công và áp bức, đời sống khổ cực của mọi tầng lớp nhân dân và bản chất bóc lột của chính quyền thực dân, phong kiến… đã giúp nhân dân Nghệ Tĩnh nhìn thấy con đường đấu tranh là con đường duy nhất để đòi lại ruộng đất, cơm áo và tự do cho mình.

Thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh cổ vũ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho quần chúng nhân dân trong các cuộc đấu tranh.

Nói đến thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh chúng ta không thể không nhắc tới những bài thơ, ánh văn như tiếng kèn xung trận thôi thúc cổ vũ quần chúng nhân dân trong các cuộc đấu tranh sống chết với kẻ thù. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến “Bài ca cách mạng” do đồng chí Đặng Chánh Kỷ (Cán bộ phụ trách Ban Tuyên truyền cổ động Tỉnh ủy Nghệ An, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Nam Đàn năm 1930) sáng tác với những vần thơ vẫn còn sống mãi trong những trang sử quê hương và trong ký ức của các thế hệ tiền bối cách mạng:

“… Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước,

 Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên.

 Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên,

 Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi.

Không có lẽ ta ngồi chịu chết?

 Phải cùng nhau cương quyết một phen.

 Tổng này, xã nọ kết liên,

 Ta hò, ta hét, thét lên mau nào!

Trên gió cả cờ đào phất thẳng,

Dưới đất bằng giấy trắng tung ra

Giữa thành một trận xông pha

Bên kia đạn sắt, bên ta gan vàng…”(4)

Với những câu từ, mộc mạc, gần gũi, bài thơ là lời kêu gọi, giục giã mọi người vùng lên đấu tranh và trở thành bức tranh tiêu biểu của ý chí quật cường, khí thế xung thiên của quần chúng nhân dân trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Ngoài “Bài ca cách mạng”, đồng chí Đặng Chính Kỷ cùng cán bộ trong ban Tuyên truyền Tỉnh uỷ Nghệ An đã sáng tác một bài vè dài (trên 100 câu) “Lời hiệu triệu của Đảng Cộng sản Đông Dương”, trong đó có đoạn:

“... Đảng Cộng sản truyền bá 

Chủ nghĩa Mác - Lê nin

Nào cổ động thanh niên

Nào hô hào nữ giới

Công nông binh một phái

Anh em phải đồng tình

Quyết mộ dạ nhiệt thành

Để cùng nhau chiến đấu

Trận cuối cùng chiến đấu…”(5)

Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, trình độ văn hoá của cán bộ, đảng viên và quần chúng còn rất thấp. Do vậy công tác truyên truyền có vị trí đặc biệt quan trọng. Phát huy năng lực và sở trường sáng tác thơ văn, vận động, diễn thuyết của mình, đồng chí Đặng Chính Kỷ đã góp phần xứng đáng vào công tác tuyên truyền, cổ động của Đảng. Với bài văn “Nói chuyện với thanh niên”, đồng chí đã phân tích, so sánh và chỉ rõ vai trò quan trọng của lực lượng Thanh niên, thuyết phục được hàng trăm thanh niên Nghệ Tĩnh đứng lên đấu tranh, phát huy hết sức mạnh của mình trong sự nghiệp cách mạng của Đảng.

“... Thanh niên là gì? Là những người tuổi trẻ hồn nhiên, không chịu cúi lòn, mang một tâm hồn cao đẹp... Kìa như nước Nga- la- tư xưa kia chẳng phải là một nước quân chủ chuyên chế ư? Nhờ có Đoàn Thanh niên chia vai gánh vác, hết sức giăng cầm mà nước Nga -la -tư ngày nay đã trở thành vô sản chuyên chính. Kìa như nước Bô - li - vi xưa kia chẳng phải là nước phụ thuộc với Đức ư? Nhờ có Đoàn Thanh niên chuông dồn trống giục, thức tỉnh hồn mê mà nước Bô -li- vi ngày nay cũng trở thành nước tự do bình đẳng. À! Đáng kính thay thanh niên! Đáng sợ thay thanh niên! Dẫu ai nói thanh niên lay trời, trời cũng phải chuyển, lay đất, đất cũng phải long... Thanh niên ngoại quốc đã nắm chặt cái vận mệnh xã hội trong tay. Ngó lại thanh niên nước mình thì sao?

… Kìa ngọn cờ tranh đấu đã phấp phới giữa hoàn cầu. Nọ làn sóng dân quyền đã tràn lan trong bốn bể. Xin anh em thanh niên hãy mau mau đứng dậy! Dốc một lòng dũng cảm, quyết một chí hy sinh. Đổ máu đào để đòi lại lợi quyền, phất cờ đỏ để sửa sang lại nền xã hội…”(6)

Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và trong cả quảng đời hoạt động của mình, đồng chí Đặng Chánh Kỷ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là người cán bộ tuyên truyền của Tỉnh ủy Nghệ An với những dấu ấn đặc biệt bằng những áng thơ văn bất hủ.

Không chỉ mạnh mẽ cổ vũ tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân, những áng văn điếu các liệt sỹ hy sinh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh cũng rất lay động lòng người. Hội Việt kiều yêu nước ở Thái Lan cũng gửi điếu văn chia buồn, tiếc thương các liệt sỹ đã quên mình vì quê hương sau cuộc đấu tranh lịch sử ngày 12/9/1930 của nhân dân Hưng Nguyên và Nam Đàn:

“… Thương những kẻ gan vàng dạ sắt, lăn lóc  tuyên truyền cổ động, rủi gặp cơ mưu bại lộ, nhẹ lông hồng khi lên máy chém đoạn đài;

Xót những người rách áo đói cơm, ước ao hạnh phúc nhân quyền, nguyện đem tính mạng hy sinh, phá hang cọp để tìm đường sinh lộ.

Chị má phấn phất cờ nương tử, chí tang bồng, duyên hồ thỉ, phận liễu bồ vui giữa chốn binh đao.

Anh đầu xanh kết đội Thanh niên, đi diễn thuyết, phát truyền đơn, đem tính mạng các ra ngoài phận số…

Than ôi!

Tấc dạ trung thành

Tấm lòng kiên cố

Một cái chết đáng thương, đáng nhớ, đáng tạc dạ ghi lòng;

Một cái chết đáng quý, đang yêu đáng bia đồng tượng gỗ,

Được anh em mà còn sống lại, thì ích lợi cho quốc gia xã hội phần nhiều…

Thương những người đồng tâm đồng chí, bỗng chốc xa đường đất tổ, dạ quan hoài khôn xiết nỗi bi ai;

Thương những người cùng hội cùng thuyền, mấy lâu vì sự tồn vong, văn truy điệu tỏ lòng ái mộ.”(7)

Cảm kích trước sự hy sinh của hơn 200 tù chính trị phải nằm lại trên con đường 14 mà thực dân Pháp cho xây dựng nhằm mục đích tiêu diệt dần những người cộng sản, đồng chí Đặng Thái Thuyến khi bị đày lên ngục Kon Tum đã sáng tác bài Văn tế rất xúc động. Với lối văn biền ngẫu, sử dụng từ ngữ vô cùng linh hoạt và trau chuốt, tác giả đã thể hiện sâu sắc sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ cách mạng, đồng thời lên án tội ác dã man của thực dân Pháp đối với tù chính trị:

“… Nhớ anh em xưa:

Sinh đất Hồng Lam – Vốn dòng Âu Việt.

Tư trời hun đúc chí hy sinh – Nết đất sẵn sàng lòng cảm quyết…

Gặp hội cơ trời đổi lúc, mấy nghìn triệu anh em chung cơ cực khổ, hăm hở giơ liềm dựng búa, vỗ tay lên toan đòi lại lợi quyền – Nhân nay cơ hội xui nên bảy mươi năm chìm đắm đã chán chường, ngổn ngang vỗ cánh giương vây, cất đầu dậy quyết theo gương Xô viết.

Có kẻ đứng treo cờ rải giấy, liều thân vàng vào những chốn cơ nghiêm – Có người ra đầu đạn mũi tên, hô quần chúng bước lên đường kịch liệt.

Khí quốc dân càng tiến lại càng hăng – Hồn đế quốc mỗi ngày em mỗi khiếp.

Những tưởng thời cơ đã đến, chí quyết tháo lồng sổ cũi, dắt anh em lên thẳng cõi đài xuân – Nào hay đế quốc còn mê, hãy đương cương pháp làm uy, bắt chí sĩ nhốt vào vòng luy tiết…

Phát vãng, lúc đào cây xẻ núi, trải Đăk Pao sàn Đăk Pét khôn xiết dãi dầu…

Tủi lúc mình trần thân trụi, mưa không tơi nắng không nón, cảnh phong trần đến thế nghĩ mà ghê – Buồn khi tay trói chân cùm, cơm pha trấu mắm pha dòi, ơn đế quốc đãi mình xem đã riết.

Lúc ngọa bệnh thuốc trời thang đất, bát cháo hồ bữa có bữa không – Buổi lâm chung quan dế quách trùn, mảnh chăn rách nửa đùm nửa bít.

Thân bách luyện trải trăm than nghìn lửa, dẫu mấy tuyết sương bao quản, mượn non sông làm gối cả màn vây – Bước thiên gian khi một vực một trời, thương thay mưa nắng vô cùng, đem hồn phách theo hang cùng núi biếc…”(8)

Chính những áng văn điếu đã thể hiện sự đồng cảm, tiếc thương sâu sắc, sự tri ân đối với những hy sinh anh dũng của các tầng lớp nhân dân trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đồng thời cũng thể hiện lòng căm thù giặc và là lời hiệu triệu những người còn sống tiếp bước đứng lên đấu tranh để giành lại độc lập cho quê hương, đất nước.

Thơ văn đã trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén của những người chiến sỹ cách mạng trong lao tù đế quốc

Không chỉ trở thành vũ khí cổ vũ nhân dân trong đấu tranh, uy hiếp tinh thần của bọn phản cách mạng, thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh còn là những vũ khí đặc biệt được các chiến sỹ sử dụng trong lao tù đế quốc. Trong những song sắt lạnh lẽo với những đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù, khi đứng trên ranh giới của sự sống và cái chết thì những bài thơ được sáng tác trong hoàn cảnh ấy của các chiến sỹ đã trở thành bất tử.

Đồng chí Dương Huyền quê xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh (Bí thư Chi bộ Đông Phan) bị bắt vào Nhà lao Hà Tĩnh cuối năm 1930, mặc dù bị tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn quyết không khai báo điều gì. Trong lao tù đế quốc, đồng chí đã làm thơ để vượt qua nỗi đau về thể xác, vững tin vào ngày mai tươi sáng của cách mạng:

“Một ống roi song ác quỷ bầy

Tha hồ chúng nó cứ ra tay

Voi gầm, hổ thét lồng đâu chuyển

Thịt nát xương rơi chí chẳng lay

Nghĩa mẹ, công cha đành tạm gác

Hiếu dân, trung Đảng mới là đây

Anh hùng, liệt nữ hai lăm triệu

Tổ quốc vinh quang hẳn có ngày”(9)

Để tiếp thêm sức mạnh cho các đồng chí của mình tại Nhà lao Vinh tiếp tục đứng lên đấu tranh, đồng chí Bùi Khắc Thựu đã sáng tác bài thơ “Tiến lên đi các bạn tù ơi” với những lời kêu gọi thống thiết:

 “… Tiến lên đi các bạn tù ơi

Đừng lưỡng lự hoài nghi chi nữa

Đừng tranh nhau quyền riêng lợi nhỏ,

Mà quên đi một mối lợi quyền chung,

Quyết hy sinh chiến đấu đến kỳ cùng

Phá xiềng xích chim lồng cá chậu

Đuổi đế quốc quân tham tàn khát máu

Tụi cường hào phản động diệt trừ ngay

Đại đồng thế giới là đây.”(10)

Và trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời người chiến sỹ, những vần thơ cũng chính là thông điệp từ trái tim để gửi lại cho anh em, đồng chí. Tại Sở mật thám và Nhà lao Vinh, dù bị tra tấn dã man nhưng chị Nguyễn Thị Nghĩa là cán bộ giao thông liên lạc của Xứ ủy Trung Kỳ vẫn không khai nửa lời. Trước lúc hy sinh chị vẫn cố sức đọc bài thơ nói lên khí tiết của mình:

 “  Rồng tiên con cháu nước nhà

Nước ta tuy mất, hồn ta vẫn còn

Còn người, còn nước, còn non

Hãy còn quân giặc, ta còn đấu tranh”

Đồng chí Nguyễn Thị Phúc là Bí thư Chi bộ nữ Nhà lao Vinh. Vốn là một nữ sinh của trường Đồng Khánh – Huế, nhưng sau khi được đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai giác ngộ, chị đã nghỉ học tham gia đấu tranh. Không chỉ là một chiến sỹ có tài vận động cách mạng, chị còn sáng tác rất nhiều thơ văn tuyên truyền, khích lệ tinh thần yêu nước của anh chị em trong tù. Bài thơ “Thằng lính Pháp” là một trong những tác phẩm trào phúng, đả kích thâm thúy của Nguyễn Thị Phúc đã được các đồng chí trong Nhà lao Vinh, đặc biệt là các chị em phụ nữ thuộc lòng:     

« … Hóa ra lính pháp tới nhà lao.

Thằng cao ngất ngưởng in sào nứa

Đứa béo tùm hum tựa lợn Lào

Khéo đem ba bị mà trêu nhát

Trêu nhát gì choa có sợ nào”.

Nhiều bài thơ của các chiến sỹ đã cảm hóa được những binh lính canh gác trong các nhà tù đế quốc, giúp họ nhận ra được bản chất của chính quyền thực dân, phong kiến và họ đã  giúp đỡ những cán bộ chiến sỹ đang bị giam cầm. Nữ chiến sỹ Trí Thị Cẩm khi bị đưa về giam ở đồn Bình Hòa (xã Bình Lộc, Can Lộc) đã bàn với các anh em làm công tác binh vận bằng cách cử một số chị em đọc những bài thơ cách mạng cho bọn lính nghe:

“… Sự Bắc Nam hô thử nghĩ làm sao

Ơn sinh thành chín chữ cù lao

Nghĩa báo đáp ra vào đâu cho tiện…

Nền cộng sản nam nhi phải nhớ

Móng xây trên khung giữ mãi tương lai…

25 triệu đồng bào Nam Việt

Cũng giống nòi khí huyết tiên long

4000 năm sinh trưởng giữa non sông…

Đưa rắn về thả ở gà tiên

Ơ anh ơi sự ấy không nên

Sao cho phải tổ tiên dòng dõi nữa

Phận con gái thuyền quyên thuộc nữ

Cũng ra tay gìn giữ non sông

Nữa phường gì áo mạo gia long

Tụi tàn Định em ngóng buồn bã trở

Nết na ấy xin chàng về đổi tệ

Sự đá vàng mình trễ dám đâu sai

Muốn thương em xin nhớ mấy lời.”(11)

Hình thức vận động bằng thơ ca mang lại nhiều kết quả, bọn lính canh giữ đã giúp đỡ anh em tù chính trị rất nhiều trong sinh hoạt động ngày.

Có thể khẳng định rằng thơ văn Xô Viết Nghệ Tĩnh là những viên ngọc quý trong kho tàng văn học cách mạng Việt Nam. Không chỉ thẫm đẫm tinh thần nhân văn sâu sắc, những bài thơ áng văn là con đẻ của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã trở thành vũ khí độc đáo trên mặt trận tuyên truyền, cổ động cách mạng, góp phần không nhỏ vào những thắng lợi vẻ vang của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những dấu ấn của thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh đối với phong trào cách mạng (1930-1931) không bao giờ phai mờ trong dòng văn học cách mạng nước nhà./.

                                                                      ThS. Trần Thị Hồng Nhung

Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT

Chú thích:

  • (1), (2), (3) “Qua thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh cái nhìn Xô viết Nghệ Tĩnh dưới góc độ nhân văn”, Ninh Viết Giao, Sở Văn hóa Thông tin Nghệ An, Nghệ An, 2000, tr 60,61,62.
  • (4) Trích Bài ca Cách Mạng của đồng chí Đặng Chánh Kỷ trưng bày tại Bảo tàng XVNT
  • (5),(6) Đặng Chánh Kỷ (1890-1931), Bùi Ngọc Tam, Sở Văn hóa Thông tin Nghệ An, Nghệ An, 2000, tr 399,400,401.
  • (7) Trích Văn điếu các chiến sĩ cách mạng hy sinh trong những năm 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh của Hội Việt Kiều ở Xiêm năm 1930 trưng bày tại Bảo tàng XVNT
  • (8) Trích Văn truy điệu trên 200 tù chính trị bỏ xác trên đường 14, Chiếc va ly màu đỏ, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An, 2018, tr 253, 254
  • (9) Trích Những vần thơ thép, Chiếc va ly màu đỏ, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An, 2020, tr 241
  • (10) Trích “Tiến lên đi các bạn tù ơi” của đồng chí Bùi Khắc Thựu trưng bày tại Bảo tàng XVNT
  • (11) Trích Nữ chiến sỹ làm công tác binh vận, Chiếc va ly màu đỏ, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An, 2020, tr 340,341

Video