Thanh chương – điểm sáng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2017-09-12 07:55:34

 

Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, nhiều tên đất, tên người đã đi vào sử sách, thì ca, trở thành niềm tự hào của mỗi người con xứ Nghệ, trong số đó có Thanh Chương - nơi đánh dấu sự ra đời đầu tiên của chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh năm1930 - 1931.

Thanh Chương - một miền quê non nước hữu tình “ Đất giáp ba sông hiểm. Núi hình muôn ngựa phi. Chương, Hương chia hai ngả. Lam, Phố hợp ba chi”, từ lâu đời đã nổi tiếng với truyền thống yêu nước và cánh mạng. Chính điều kiện thiên nhiên nơi đây đã ảnh hưởng sâu sắc đế sự hình thành tính cách của con người Thanh Chương: Gan góc, thông minh, sống trọng nghĩa tình, luôn nuôi chí lớn.  Thời nào, đất và người Thanh Chương cũng có những đóng góp xứng đáng với quê hương đất nước. Họ xứng đáng với lời khen ngơi: “Cả nước mất, Nghệ Tĩnh vẫn còn. Nghệ Tĩnh mất, làng Lương Điền vẫn chiến đấu”. Truyền thống qúy báu đó đã được thể hiện rõ nét kể từ khi có Đảng Cộng sản ra đời và lãnh đạo.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự chỉ đạo của phân cục Trung ương Đảng ở Trung Kỳ, ngày 20/3/1930, đại biểu các chi bộ Cộng sản ở Thanh Chương đã  tiến hành hội nghị, bầu ra Ban chấp hành lâm thời Huyện uỷ gồm các đồng chí: Tôn Gia Tinh, Hoàng Thuyết, Tôn Thị Quế, Trần Trạch, Nguyễn Như Kỷ, Nguyễn Văn Đồng…Đồng chí Tôn Gia Tinh được bầu làm Bí thư. Đảng bộ huyện Thanh Chương được thành lập là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa Mác - Lê nin và phong trào yêu nước sôi nổi của nhân dân toàn huyện, từ đây phong trào cách mạng của nhân dân Thanh Chương bước vào một giai đoạn mới.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Nghệ An về việc phát động nhân dân đấu tranh nhân ngày quốc tế Lao động 1 tháng 5, huyện ủy Thanh Chương đã nhanh chóng tổ chức họp tại nhà đồng chí Trần Trạch (xã Võ Liệt), bàn phương án và kế hoạch đấu tranh. Hội nghị quyết định treo cờ búa liềm và rải truyền đơn khắp các làng xã, những nơi có điều kiện thì tổ chức mít tinh, diễn thuyết, đưa yêu sách. Sáng ngày 1/5, gần 3000 nông dân các làng La Mạc, Hạnh Lâm, Đức Nhuận, Yên Lậc, Nhuận Trạch sau khi tập trung tại đình làng Thượng nghe cán bộ đảng diễn thuyết về ý nghĩa của ngày quốc tế Lao động, đã kéo đến đồn điền Ký Viễn (tức Nguyễn Trường Viễn - một tên địa chủ kiêm tư sản có nhiều nợ máu với nhân dân) để đưa yêu sách, Ký Viễn run sợ chạy trốn. Sẵn có mâu thuẫn chất chứa từ lâu, nhân dân đã xông vào phá hủy toàn bộ dinh cơ của hắn, trong phút chốc đồn điền ngập chìm trong khói lửa. Cùng  ngày, hơn 100 học sinh trường Pháp - Việt Thanh Chương đã tập trung tại quán Ngũ Phúc (xã Võ Liệt) tổ chức mít tinh và diễu hành thị uy qua huyện đường, biểu thị quyết tâm đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Lần đầu tiên trong lịch sử, phong trào cách mạng Thanh Chương dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nông dân và học sinh đã kề vai sát cánh với giai cấp công nhân, nhân dân lao động trong tỉnh và trong cả nước chống lại ách áp bức bóc lột của đế quốc và tay sai.

Đánh giá những sự kiện này, Trung ương Đảng đã khẳng định: “Vẻ vang thay! Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng xứ ta, công nông binh bắt tay nhau giữa trận tiền!... Thật là một sự thắng lợi lớn lao cho công nông Nghệ Tĩnh, mà cũng là cho cả toàn thể công nông trong nước nữa…” (1)

Những thắng lợi bước đầu của cuộc đấu tranh ngày mồng 1/5 đã cổ vũ, thôi thúc phong trào đấu tranh trong toàn huyện. Sáng ngày 1/6/1930, trên 3000 nông dân trong đó có 100 phụ nữ và 100 học sinh đã diễu hành qua huyện đường rồi tập trung tại chợ Rộ.  Tri huyện Phan Thanh Kỷ sai lính dẫn ra trước đoàn biểu tình hắn sợ hãi, khúm núm cúi đầu nhận bản yêu sách và hứa trình lên cấp trên giải quyết. Đây là cuộc biểu tình đầu tiên với quy mô toàn huyện giành được thắng lợi.  

Từ tháng 6 đến cuối tháng 8/1930, toàn huyện đã có hơn 30 cuộc mít tinh, biểu tình thị uy.Các cuộc đấu tranh diễn ra kế tiếp nhau, tấn công vào bọn hào lý ở các làng xã. Thông qua các phong trào đấu tranh, các chi bộ không ngừng được tăng cường về số lượng và chất lượng. Đến cuối tháng 8/1930, Đảng bộ Thanh Chương đã có tới 20 chi bộ với 200 đảng viên.

Để đối phó làn sóng đấu tranh ngày một phát triển nơi đây, thực dân Pháp và bọn tay sai một mặt nhượng bộ một số yêu sách của nhân dân nhằm xoa dịu tinh thần đấu tranh của quần chúng, mặt khác chúng ngấm ngầm chuẩn bị lực lượng hòng đàn áp cách mạng.

Tri huyện Phan Thanh Kỷ bị cách chức, thay vào đó là tên tri huyện Phan Sỹ Bàng, quê ở xã Võ Liệt – một quan lại đang làm việc trong triều đình Huế vốn nổi tiếng nham hiểm và tàn ác. Ngay sau khi vừa nhậm chức, y đã ra sức trổ tài đàn áp cách mạng. Hắn bắt hương lý các làng trong 10 ngày phải nộp đủ sưu thuế; bắt dân góp tre rào huyện đường, làm thêm nhà tù, đóng thêm gông cùm; ra lệnh tầm nã và bắt giam những người đi theo cách mạng. Những hành động của Phan Sỹ Bàng càng kích động thêm lòng căm thù của nhân dân Thanh Chương.

Nhận thấy tình hình cách mạng có nhiều biến chuyển, ngày 13/7/1930 Xứ Ủy Trung Kỳ ra lời kêu gọi: “Rồi đây, đế quốc sẽ cải lương cho anh em ít nhiều quyền lợi, song chỉ là để anh em đừng phản đối nó thôi. Chỉ khi nào anh em đứng dậy làm cách mạng cộng sản, đánh đổ đế quốc thì mới hết khổ sở”.Đáp ứng lời kêu gọi, một cuộc tổng đình công của công nhân các nhà máy ở khu công nghiệp Bến Thủy đã nổ ra vào giữa tháng 8/1930. Huyện ủy Thanh Chương cũng ngay lập tức họp bàn chủ trương của Tỉnh ủy Nghệ An. Hội nghị tiến hành phân tích âm mưu của địch, thủ đoạn nham hiểm của Trị huyện Phan Sỹ Bàng, nhiệm vụ của từng chi bộ và quyết định tổ chức cuộc tổng biểu tình toàn huyện vào ngày 1/9/1930.

Giữa lúc nhân dân Thanh Chương đang bí mật chuẩn bị thì tin tức về thắng lợi  cuộc biểu tình ngày 30/8/1930  của 3000 nhân dân Nam Đàn bay về đã làm nức lòng và cổ vũ tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân trong toàn huyện. 

Đêm 31/8/1930, các đội tự vệ Xuân Lâm, Đại Đồng, Võ Liệt… đã nhận lệnh canh gác các ngả đường, bến đò nhằm cô lập huyện đường Thanh Chương với các làng xã, cắt đứt nguồn viện trợ của địch từ Vinh lên và từ Đô Lương xuống. Truyền đơn rải đi khắp nơi, cờ đỏ được cắm trên các nóc đình, các cây cao và các đỉnh núi.

Từ 1 giờ sáng ngày 1/9/1930, sau tiếng trống lệnh phát ra từ các đỉnh núi cao của tổng Xuân Lâm, Võ Liệt, Ngọc Sơn…, cả Thanh Chương náo động tiếng chuông, tiếng trống, tiếng mõ và tiếng reo hò, khí thế vang lên ngất trời. Bọn lý hương hoảng sợ, lính đồn ngơ ngác.

Tri huyện Phan Sỹ Bàng ra lệnh cho lính bắn tới tấp sang phía tả ngạn sông Lam, nơi đang tập trung dày đặc dân biểu tình. Bất chấp súng đạn, quần chúng ào ạt tràn sang vây chiếm huyện đường. Tri huyện, nha lại, lính tráng hoảng sợ bỏ chạy lên phía Tây đồn Thanh Quả. Quần chúng xông vào đốt cháy huyện đường, thiêu hủy giấy tờ sổ sách, đập phá nhà giam, giải thoát tù nhân.Thừa thắng, đoàn biểu tình kéo lên đồn Thanh Quả truy bắt Phan Sỹ Bàng. Lính trong đồn bắn ra như mưa, quần chúng cách mạng buộc phải lui quân về Rộ để bảo toàn lực lượng.Trong phút chốc, bộ máy chính quyền thực dân phong kiến ở Thanh Chương từ huyện đến xã thôn hoàn toàn bị tê liệt và tan rã. Huyện đường tiêu tan. Đồn lính khố xanh Thanh Quả “án binh bất động”. Các cai, phó tổng bị trừng trị thích đáng.

Cuộc biểu tình lịch sử ngày 1/9/1930 của hơn 2 vạn nông dân Thanh Chương đã kết thúc thắng lợi, đây là sự kiện “chưa từng thấy ở An Nam đã đưa anh em công nông đến một thời kỳ mới, thời kỳ quyết liệt đấu tranh chống lại bọn tư bản đế quốc và địa chủ phong kiến, thời kỳ công nông phải hy sinh cho cách mạng để đòi quyền sống và quyền tự do” đánh dấu mốc mở đầu cho sự ra đời của chính quyền Xô viết ở Nghệ Tĩnh, đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 - 1931 trong toàn quốc.

Sau khi dành được thắng lợi, các xã bộ nông đã đứng ra giải quyết mọi công việc như một chính quyền cách mạng. Họ tiến hành tịch thu ruộng đất công chia cho dân nghèo, thực hiện xóa bỏ sưu thuế, giảm tô chính, bỏ tô phụ, thiêu hủy giấy tờ, khế ước…Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, vấn đề ruộng đất cho dân cày đã được giải quyết, một thành tựu nổi bật của Xô Viết Nghệ Tĩnh mà Thanh Chương là huyện điển hình.

Cùng với việc giải quyết vấn đề ruộng đất cho người cày, chính quyền Xô Viết ở các làng xã Thanh Chương tiến hành tổ chức các lớp học chữ quốc ngữ cho nhân dân. Trong một thời gian ngắn toàn huyện đã có 124 lớp với 2.549 học viên. Các hủ tục mê tín dị đoan bị bài trừ.Tệ rượu chè, cờ bạc, thuốc phiện, trộm cắp bị nghiêm cấm. Người neo đơn, ốm đau được chăm sóc, nhà dột nát được xã hội góp tranh tre giúp đỡ…

Để bảo vệ chính quyền Xô Viết, các tổ chức quần chúng cách mạng không ngừng được củng cố và tăng cường. Theo con số thống kê chưa đầy đủ thì toàn huyện có 128 đội tự vệ với 1.667 đội viên, trong đó có 122 đội cảm tử. Các tổ chức Nông hội đỏ, Phụ nữ giải phóng, Thanh niên Cộng sản đoàn phát triển nhanh chóng.  Tính đến tháng 10 năm1930, toàn huyện có 6 Ban Chấp hành nông hội tổng, 78 ban chấp hành nông hội xã, 10.077 hội viên nông hội, 322 hội viên Phụ nữ giải phóng, 78 đoàn viên thanh niên cộng sản đoàn.(2)

Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Thanh Chương được thực sự sống trong những ngày tự do, dân chủ, được tự do hội họp, tự do ngôn luận và tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ. Đó là thành quả lớn lao nhất mà chính quyền  Xô Viết đã mang lại, trong đó có sự đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Chương. Khi nhận được báo cáo của Xứ ủy Trung Kỳ về tình hình đã và đang diễn ra trong các làng xã ở Thanh Chương, Nam Đàn, Trung ương Đảng nhận đinh: “ Ở những huyện Thanh Chương, Nam Đàn có mấy xã đã lập Xô viết nông dân, tịch thu ruộng đất phân phát cho dân cày nghèo, thiết lập tòa án cách mạng của nhân dân để xử bắn bọn lý nhân và bọn phản cách mạng… vấn đề chính quyền và thổ địa cách mạng đã giải quyết. Thế là tuy không có vũ trang song đó cũng là bạo động rồi(3)

Vì kẻ địch còn mạnh, nên sau một thời gian cách mạng cả tỉnh đi vào thoái trào, các huyện đồng bằng liên tiếp bị càn quét.  Chiến khu Hòa quân (nay thuộc xã Thanh Hương - Thanh Chương) trở thành căn cứ địa cho những đảng viên bị truy lùng ẩn náu mình về đây hội họp rút kinh nghiệm để chờ thời cơ xây dựng lại phong trào.

Trong những ngày mùa thu tháng Chín này, khi cả nước đang hân hoan kỷ niệm 72 năm ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2017) và chào mừng kỷ niệm 87 năm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930-12/9/2017), chúng ta ôn lại hào khí Xô viết Thanh Chương để một lần nữa thấy rõ giá trị truyền thống lịch sử của mảnh đất này. Lịch sử đã sang nhiều trang mới song ký ức về mảnh đất và con người Thanh Chương anh dũng, kiên cường trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh không bao giờ phai mờ đối với mỗi người dân xứ Nghệ./. 

Trần Thị Thủy - Bảo tàng XVNT 

Chú thích:

1.Văn kiện Đảng toàn tập, T 2, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr 58. 

2. Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương, Tập 1 (1930-1945), NXB Nghệ Tĩnh, tr: 57

3. Trích Thông cáo của Trung ương gửi các đồng chí. Hồ sơ lưu tại Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Nghệ Tĩnh

 

                                                                                   

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Video