Tài liệu lưu trữ Pháp về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-09 09:35:51

Nằm ở giữa thành phố Aix - En Provence, Trung tâm lưu trữ Quốc gia các nước Hải ngoại(Centre National des Achives d’Outre - Mer) từ lâu đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới nghiên cứu toàn thế giới. Đặc biệt, nhờ tập hợp và lưu trữ được khoảng 11 km tài liệu về Đông Dương, Trung tâm lưu trữ Aix trở thành kho tài liệu về Đông Dương quý báu nhất tại Pháp. Tại đây hiện có một khối lượng lớn những tài liệu xung quanh phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh(1930-1931). Có thể nói, tại trung tâm lưu trữ nổi tiếng này, hiếm có sự kiện lịch sử nào lại được phản ánh tập trung và đầy đủ như sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tuy nhiên vì bị hạn chế vê thời gian cũngnhư kinh phí, qua hai đợt làm việc và khảo sát tư liệu tại chỗ, chúng tôi chỉ mới sưu tầm và khảo sát được một phần những tài liệu vô giá này. Trong khuôn khổ của một hội thảo hôm nay xin được phép giới thiệu vài nét về những tài liệu mà chúng tôi đã tiếp cận được. 

1. Phần lớn của những tài liệu lưu trữ về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là những tài liệu của các cơ quan mật thám và tình báo đương thời, bao gồm: các báo cáo, tờ trình, công văn, công điện, ghi chép...của các quan chức, nhân viên ngành an ninh, mật thám người Pháp cũng như người bản xứ từ cấp địa phương cơ sở cho đến cấp liên bang. Những tài liệu này đã phản ánh những nôi dung chủ yếu như sau: 

- Các hồ sơ trong Hộp số 48, phông Slofom, série III cho biết ngày 30/8/1930, tại huyện Nam Đàn đã diễn ra một cuộc biểu tình lớn của nông dân. Theo tin tức tình báo của mật thám Pháp tại Thượng Hải, Sở mật thám Đông Dương biết rõ cuộc biểu tình này do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Sở mật thám cũng nắm được sơ đồ các mối liên hệ giữa Đảng cộng sản Việt Nam với Quốc tế cộng sản. 

Những tên chỉ điểm tại Nam Đàn đã báo cho Sở Mật thám Trung Kỳ và bộ phận mật thám tại Vinh rằng những người biểu tình đã buộc viên tri huyện Nam Đàn ký vào những yêu sách của nông dân trên lá cờ đỏ đòi bỏ chế độ rượu ty và đốt cháy nhiều căn nhà dùng để giam giữ tù. Cuộc biểu tình cũng đưa ra yêu sách đòi giảm thuế, bồi thường cho những nạn nhân trong cuộc biểu tình ngày 1/5/1930. Bảy giờ sau sự kiện này, công sứ tỉnh Nghệ An mới điều được một phân đội lính khố xanh xuống để đàn áp. 

Mật thám Pháp với sự hồ trợ của lực lượng lính khố xanh đã vây bắt 25 người, trong đó có những người lãnh đạo chủ chốt của Đảng tại Vinh như Thi, Lâm Văn Lâm và Nguyễn Văn Tình. 

- Tờ trình của Chính phủ Đông Dương ngày 10/10/1930 gửi Bộ Thuộc địa trong Hộp số 42, phông Slofom, série II đã viết: ngày 9/9 máu lại bắt đầu chảy. Lực lượng lính khố xanh dưới sự chỉ huy trực tiếp của Công sứ Hà Tĩnh đã bắn vào 300 người biểu tình đang cố xâm chiếm(tentaient d’envahir) huyện đường Cẩm Xuyên. Trước sự đàn áp những người biểu tình buộc phải rút lui, để lại 4 người bị giết và 4 người khác bị thương. Tại một địa điểm khác trong khu vực trước huyện Cẩm Xuyên, lính khố xanh cũng bắn chết một trăm số hàng trăm người biểu tình đang rút lui. 

Cũng trong báo cáo này, toà Công sứ Vinh cho rằng vùng Thanh Chương và Nam Đàn là những vùng có sự tuyên truyền của Đảng cộng sản đặc biệt mạnh mẽ; tại địa bàn hai huyện này nông dân đã từ chối việc bán đồ ăn cho lực lượng lính khố xanh được điều động về nhằm ngăn chặn phong trào. 

- Báo cáo của Giám đốc Mật thám trung Kỳ ngày 12/3/1931 gửi giám đốc các công việc chính trị trước đó( Hộp số 336, Phông Indochine N/F) cho biết sở dĩ lực lượng Pháp tại chỗ không đủ sức đàn áp phong trào cách mạng là do Uỷ viên đặc biệt chỉ có được khoản ngân sách từ 100 đến 120 piastres mỗi tháng để trả cho những kẻ chỉ điểm. 

- Điện văn ngày 7/10/1930 của Toàn quyền Đông Dương gửi Bộ Thuộc địa trong Hộp số 42, Phông Slofom, série III, thừa nhận: Sau 45 năm của chế độ thuộc địa Nghệ Tĩnh dường như bị đảo lộn hoàn toàn. Số người bị giết là quá lớn, không dưới 500 tính đến tháng 10. Các cuộc truy lùng đã bắt tới hơn 1.000 người. Hầu như tất cả các làng nổ ra biểu tình đều bị đốt cháy. Chính quyền đã điều động nhiều phân đội lính khố Đỏ từ Bắc Kỳ để tăng cường cho lực lượng khố xanh tại chỗ dưới quyền chỉ huy của Thanh tra Petit; chính lực lượng này đã tràn vào đàn áp từng làng một. 

Sau những cố gắng nhằm tiêu diệt phong trào, vào tháng 10/1930 viên Thanh tra các công việc về chính trị đã phải thú nhận rằng: chính quyền không còn thể nào kiểm soát được nhiều khu vực tại Vinh và Hà Tĩnh. Hai huyện Nam Đàn và Thanh Chương hoàn toàn bị mất vào tay lực lượng nổi dậy. Tại đây các viên tri huyện không thể đi ra khỏi những đồn có lính khố xanh bảo vệ. Các chức dịch(notabies) không còn có thể tập hợp theo lệnh triệu tập được nữa. Các lý trưởng bị buộc phải ký vào những giấy tờ chỉ thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và không thể thừa nhận triều đình Huế cũng như chế độ bảo hộ nữa. Binh lính thực tế không dám đi xuống các làng. Các toà án nhân dân do lực lượng nổi dậy lập ra đã xử và buộc các nhà giàu phải nộp thóc gạo, tiền bạc vào quỹ của Đảng cộng sản. Tại ba huyện Anh Sơn và Hưng Nguyên, Nghi Lộc 50% số làng xã có tình hình như trên. 

Cũng trong hộp tài liệu các hồ sơ lưu trữ này có bản báo cáo của Petit ngày 16/10/1930 cho biết: cho đến giữa tháng 10, đội quân được tăng cường của Petit đã đốt nhà nhiều làng thuộc các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Nghi Lộc và Hưng Nguyên. Tuy nhiên biện pháp đàn áp bằng cách đốt nhà, bắt người, theo đánh giá của giám đốc các vấn đề chính trị(Directeur des Affaires politiques) chẳng những không có hiệu quả mà còn như đổ thêm dầu vào lửa, làm bùngcháy lan rộng và mạnh mẽ hơn các hoạt động chống lại chính quyền thuộc địa. Phòng các vấn đề chính trị( Bureaudes Affaires Politiques) đã dự tính việc cần thiết phải loại bỏ biện pháp mà Petit đã áp dụng, thay thế bằng việc lập ra những đạo quân nhỏ, với trang bị gọn nhẹ, phải về nhiều địa bàn trong cùng một lúc nhằm tuỳ theo tình hình đàn áp và giải tán các tổ chức do những cuộc nổi dậy tạo ra. 

2. Có thể nói, trong các hồ sơ lưu trữ Pháp, ngoài việc phản ánh những diễn biến vô cùng phong phú và sôi động của phong trào, nhất là chi tiết liên quan đến các sự kiện điển hình, còn chứa đựng những thông tin cho thấy có cả một phong trào vận động cách mạng sâu rộng ở nhiều địa phương trong toàn quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, nhằm phối hợp ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đồng thời, qua một số tài liệu chúng ta cũng có thể thấy ngay trong thời điểm nổ ra phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, với tầm mắt chiến lược đã phê phán những chủ trương sai lầm, quá tả của phong trào trong việc áp dụng những biện pháp khủng bố tại địa phương. 

- Báo cáo số 11946/S, ngày 20/9/1930 của Chánh mật thám Bắc Kỳ gửi các sơ rmật thám địa phương(Phông Thóng sứ Bắc Kỳ mới(SST/NF, Sở Mật thám Bắc Kỳ, Hồ sơ số 2046) cho biết: Chiều ngày 17/9/1930 có một cuộc họp của Đảng cộng sản tại Chùa Láng, nằm giữa Cầu Giấy và tượng đài Henri Rivère. Tại cuộc họp, người ta đã thảo luận nhiều về sự kiện Nghệ An và kiểm điểm việc lãnh đạo cuộc biểu tình do Tỉnh uỷ Hải phòng tổ chức ngày 7 tháng 9 tại địa điểm bên cạnh trại giam thành phố. Hội nghị đã thảo luận về bức thư của Trung ương (do Tỉnh uỷ Hải Phòng cho in lại để phân phát tới các đồng chí). 

Sau khi kiểm điểm những thiếu sót mắc phải trong những ngày sôi sục ở Hải Phòng, bức thư đã chỉ thị: Sự tuyên truyền để đẩy quần chúng phải đứng lên thực hiện đã không thể đem lại một kết quả nào, cái chính là phải làm cho hết thảy mọi người hiểu rằng cần phải biểu tình để đòi xoá bỏ các hội đồng đề hình, trả tự do cho từ chính trị và những công nhân bị bắt ở Bến Thuỷ, cấm binh lính bắn bừa vào những người tham gia biểu tình và bom xuống làng mạc.... 

- Đối với sự kiện Bến Thuỷ, hãy đọc các báo chí. Có rất nhiều yêu sách mà các đồng chí có thể sử dụng để thúc đẩy công nhân: hãy thả ngay những công nhân bị bắt trong vụ Bến Thuỷ; Hãy thả ngay các công nhân nhà máy Descours và không được động đến những người nông dân Nghi Lộc, Nam Đàn và Thanh Chương. 

- Công điện số 1459-SG đi từ Hà Nội ngày 15/4/1931 do Marty ký gửi các chánh mật thám các xứ(Phông RST/NF.2037):
Tháng 9/1930, Lê Văn Kiệt, Phi Vân và Phạm Đực, đại biểu Việt Nam tại Đại hội 5 Quốc tế cộng sản, đã có một cuộc tiếp xúc với Bonnefond, uỷ viên Trung ương Đảng cộng sản Pháp ở Moscou. Trong cuộc gặp này, các đại biểu Đông Dương đã đề nghị: 

1.Đảng cộng sản Pháp gửi thường xuyên những ấn phẩm cộng sản in tại Pháp 

2. Xin Quốc tế cộng sản mua các báo chí xuất bản ở Đông Dương vì các báo chí ấy chỉ gửi đến Moscou không thườg xuyên. 

3. Thành lập tại Pháp một trường cộng sản dành cho những người Đông Dương, tại đó có thể nhận cả những người nói tiếng Pháp và tiếng Việt mà hiện nay đang học Đại học cộng sản của những người lao động Phương Đông(K.V.T.B). 

4. Gửi sang Đông Dương một số nhà hoạt động Pháp, có đủ dũng cảm nhưng chưa bị lộ để hoạt động trong đội ngũ binh lính người Âu tại Đông Dương. 

Ngày 5/1/1931, qua trung gian Ngô Đức Trì là uỷ viên Trung ương, Lê Văn Kiệt đã gửi cho TWĐCSĐD nhiều thư, trong đó Lê Văn Kiệt đã đề nghị Đảng: 

1.Thiết lập đường liên lạc trực tiếp giữa UBTW với Bộ Phương Đông(Bureau du Plan Pacifque) ở Vladivostok(một tổ chức độc lập của UBTWQT các công hội đỏ(ISR) chịu trách nhiệm liên lạc với các công đoàn Viễn Đông. 

2. Chuẩn bị gửi tới Moscou những người có khả năng theo học tại trường Phương Đông khoá từ 6 tháng đến 1 năm. 

3.Thống nhất tất cả các tổ chức công đoàn hiện có ở Đông Dương lại, thành lập một tổ chức tổng Công đoàn của tất cả các xứ Đông Dương và gia nhập vào tổ chức công đoàn của Quốc tế cộng sản. 

4.Gửi những người dũng cảm sang Pháp để tổ chức trong số những người Đông Dương hiện đang ở Macxây, Havre hoặc các hải cảng. 

5.Khẩn trương tổ chức các chi hội Cứu tế Đỏ và xin gia nhập vào các nhóm của Quốc tế cộng sản.
 
6. Đề nghị gia nhập vào liên đoàn Quốc tế kêu gọi liên đoàn tạo ảnh hưởng cho phong trào. 

7. Từ bỏ ngay những phương pháp khủng bố đang sử dụng tại Nghệ An và các địa phương khác. 

- Trong hai tập hồ sơ số 7F3 và 7F4 sous-série tập hợp nguồn tài liệu của Sở Mật thám Đông Dương, có đến hơn một ngàn trang bao gồm các báo cáo, ảnh, truyền đơn, khẩu hiệu cũng như các tài liệu khác của các tổ chức Đảng và quần chúng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Có thể nói đây là những tài liệu vô giá không chỉ cho phép chúng ta có taêr tái hiện lại một cách trung thực những diễn biến, quy mô, tính chất...của phong trào mà còn cho phép chúng ta đi sâu nghiên cứu, làm sáng tỏ một cách có luận cứ vững chắc nhiều vấn đề liên quan của Xô Viết Nghệ Tĩnh. 

Vài nét xung quanh nguồn tài liệu lưu trữ tại Pháp liên quan đến cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh cho thấy nếu chúng ta có điều kiện tập hợp và xử lý tốt được nguồn tài liệu này sẽ là một đóng góp quý giá, bổ ích và thiết thực vào việc sưu tầm và nghiên cứu về một trong những cao trào cách mạng vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

PTS Phạm Quang Trung
Viện Sử học

Video