Sưu tập hiện vật về Xô Viết Nghệ - Tĩnh đang lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-13 01:21:01

Xô Viết Nghệ - Tĩnh là một trong những chủ đề quan trọng được trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Bộ sưu tập về chủ đề này gồm 156 ảnh tư liệu và trên 50 hiện vật, tài liệu, đa dạng về chất liệu, phong phú về nội dung và phản ánh được nhiều khía cạnh khác nhau về phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Trong số hiện vật thể khối, trước tiên phải kể đến các loại vũ khí dùng để tự vệ và chiến đấu như: dao găm của đồng chí Tôn Thị Quế dùng để đi hoạt động; dao găm của anh Trần Xuân đội viên đội xích vệ Quảng Xá, Thanh Chương dùng đâm chết hai tên bang tá khi chúng đi lùng bắt cán bộ năm 1931; ngọn mác của anh Vũ Đức Đại ở xã Song Lộc, Nghi Lộc dùng giết tên tri huyện Tôn Thất Hoàn; ống lói của đội xích vệ Thanh Chương dùng để nhồi thuốc nổ uy hiếp tinh thần lính Pháp và tay sai; một số cờ Đảng, các loại trống dùng trong các cuộc biểu tình. Ngày 1-5-1930 như Lá cờ của Chi bộ Hà Linh, huyện Hương Khê – Hà Tĩnh, cờ Đảng của công nhân nhà máy Diêm - Bến Thủy đi biểu tình…trống của huyện Thanh Chương…

Bộ sưu tập còn gồm các văn bản như báo chí, truyền đơn, điện mật, báo cáo của Sở mật thám. Trong thời gian chưa đầy 2 năm từ tháng 5-1930 đến cuối năm 1931 trên đất Nghệ Tĩnh đã xuất bản và lưu hành 8 tờ báo cách mạng như: Tiến lên, Gương vô sản, Xích sinh, Người lao khổ, Công nông binh, Cổ động, Bước tới, Giác ngộ. Đa số báo chí thời kỳ này đều in thạch, khổ nhỏ thường từ 19-20 đến 28cm, số lượng hạn chế. Vì vậy cuối báo cáo thường kèm theo dòng chữ “Đọc xong phổ biến rộng rãi và chuyển cho người khác”. Nội dung các báo cáo ngắn gọn, súc tích, thường có một bài về lý luận cách mạng, về Đảng hoặc về tội ác của thực dân Pháp và tay sai cùng các tin ngắn về phong trào đấu tranh ở các nơi trên đất Nghệ An – Hà Tĩnh cũng như phong trào đấu tranh ủng hộ Xô Viết Nghệ - Tĩnh ở Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hòn Gai, Sa Đéc, Quảng Ngãi…Đặc biệt có những số báo ra nhân ngày 1-5 hoặc sự kiện 12-9. Chẳng hạn tờ Bước tới có bài tường thuật chi tiết về cuộc mít tinh ngày 1-5-1930 ở Bến Thủy; tờ Tiến lên của Đảng bộ Nghệ An có bài nói về ngày 12-9-1930 ở Hưng Nguyên…Ngày nay đọc lại các số báo tuy đã cũ, mờ, rách nát rất nhiều chữ, nhưng vẫn hình dung được khí thế sôi sục của công nông Nghệ Tĩnh 65 năm trước. Trong một số báo Tiến lên, xuất bản vào khoảng tháng 6-1931 có một bài miêu tả tinh thần oanh liệt của tự vệ Anh Sơn như sau: “Ngày 28-5-1931 ở xã Yên Phúc, tổng Đặng Sơn mở cuộc diễn thuyết. Sáng ngày 29 thì tuần hành thị uy bắt một thằng mật thám ra giết giữa chợ Yên Phúc. Thằng đồn Chợ Dừa nghe tin cùng 4 lính đạp xe xuống để đàn áp. Tự vệ mai phục đón đánh 2 tên. Đang lúc thằng Đồn đạp xe chạy qua, một người tự vệ đánh ngay một gậy vào mặt ngã lăn quay, nó bò dậy định chạy, nhưng đã bị một mác của người khác đâm vào lưng. Tên Đồn một tay đỡ mác, một tay cởi áo bỏ chạy, tự về đuổi theo đến đỉnh cồn bên cạnh, nó đã hết sức ngã lăn xuống thở hồng hộc…Trong lúc giết thằng Đồn, tiếng trống, tiếng reo hò rất náo nhiệt, 4 người lính cách sau một cây số hồn lên ngọn cây phải bỏ thầy mà chạy” (Báo Tiến lên, ký hiệu BTCM 6133/G.4492).

Bên cạnh các tài liệu, báo chí cách mạng, kho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam hiện đang lưu giữ khoảng vài trăm trang tài liệu của mật thám Pháp có liên quan đến Xô Viết Nghệ - Tĩnh, như các báo cáo của mật thám Đông Dương, các điện mật của các Sở mật thám ở miền Trung, các điện báo của mật thám Sài Gòn…Trong các tài liệu này Sở mật thám Đông Dương đã báo cáo rất cụ thể về phong trào tuyên truyền cộng sản và đấu tranh chống Pháp ở Đông Dương nói chung và phong trào cách mạng của Nghệ Tĩnh nói riêng. Trong tập báo cáo về những sự kiện trong tháng 9-10-1930 đã mô tả cụ thể cuộc biểu tình ngày 12-9-1930 như sau: “Vào đêm 11 rạng ngày 12-9 những người biểu tình chiếm nhà ga Yên Xuân trên đường xe lửa Vinh – Đà Nẵng, phá huỷ các máy điện báo, đánh đập ký ga. Lính khố xanh đã đến giải tán và bắt đi 23 tên. Cũng trong đêm ấy, đội lính ở Thanh Chương bị tấn công, họ bắt buộc phải nổ súng, 15 tên nổi loạn đã bị giết…

Ngày 12-9, hàng nghìn người từ phía Tây thành phố chia ra làm nhiều mũi định tiến vào Vinh. Nhóm thứ nhất bị giải tán hồi 9 giờ. Vào hồi 11 giờ, khi bọ phiến loạn còn cách phủ Hưng Nguyên không xa, tàu bay đã ném bom để giải tán biểu tình. Hồi 17 giờ, cũng trong khu vực này bọn phiến loạn lại tập trung định cướp phủ Hưng Nguyên, nhưng lại bị ném bom 50 tên bị chết và 63 tên bị bắt. Cũng trong ngày 12 vào hồi 21 giờ đêm đến 3 giờ sáng, bọn phiến loạn đến cướp huyện Nam Đàn. Lính khố xanh nổ súng giết 7 tên và giải tán chúng…

Ngày 19-9. 300 tên từ Nghệ An vào huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đốt nhà một vị quan ở Vinh, cắt đường điện báo và giải tán học sinh ở làng Thịnh Xá, khi máy bay đến, chúng tháo chạy. Ngày 21-9, một toán gồm 300 tên đến cướp đồn Phe-rây ở Hương Sơn, Hà Tĩnh lính khố xanh đã giải tán chúng” (Báo cáo của Mật thám Đông Dương. Ký hiệu BTCM 17094)/

Ngoài các hiện vật, hình ảnh, tài liệu đã được đăng ký vào sổ Kiểm kê của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, trong kho hiện còn lưu giữ một số tài liệu chưa được thẩm định về Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Trong số tài liệu này, đáng chú ý hơn cả là hai bài văn tế của Việt kiều ở Thái Lan tế các chiến sỹ Xô Viết Nghệ - Tĩnh và tế đồng bào ta bị giết ở Hưng Nguyên, nội dung rất xúc động và thắm đậm tình người tha hương, hướng về nơi cố quốc.

Trong bài “Việt Kiều ở Xiêm tế chiến sỹ cách mạng 1930-1931” có các đoạn như sau:

“Miền Quế Hải gió tanh mưa máu, áng ba đào vì tình thế xui nên.

Cõi viêm bang núi thịt cồn xương, nỗi bi thảm xưa nay mới có.

Ngoài nghìn dặm trông về cố quận, sông sầu núi thảm quặn ruột gan như chín khúc tơ vò”

Hoặc “Màn tranh đấu mở tháng 2 năm ngoái, miền Lô Tản trải một phen oanh liệt, máu quốc dân phun nhuộm đám sa trường.

Cuộc biểu tình luôn tháng chín liền dây, cõi Hồng Lam dồn mấy trận xông pha.

Hồn vô sản dậy theo cờ liềm búa”…

Còn bài “Văn truy điệu các chiến sỹ biểu tình ở Hưng Nguyên” mở đầu như sau:

“Than rằng! Hoàng thiên khôn thấu, thương lũ dã man, tạo hóa vô tình ghét người chí sĩ.

Toàn dân tộc ra tay gây dựng một lòng thân ái nâng niu, lũ dã man ngửa mặt hung tàn một phút anh em ly dị…

Và đoạn kết được viết như sau:

“Nay người Thanh Nghệ Tĩnh biểu tình làm lẽ.

Hương một nén đốt lên nghi ngút, hồn cửu nguyên rõ đã hay chưa? Giấy vai hàng đọc trước linh sàng, người thiên cổ thấu chăng chăng nhỉ? Ôi thương ôi!” (Tư liệu gốc đang lưu giữ tại kho giấy vải BTCMVN)

So với toàn bộ số hiện vật, hình ảnh đang lưu giữ trong kho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, thì số hiện vật, hình ảnh tư liệu về XVNT không nhiều. Song đó là những tư liệu gốc quý giá giúp cho các nhà nghiên cứu có điều kiện tiếp cận với những năm tháng hào hùng oanh liệt, khí thế cách mạng xung thiên của công nông Nghệ Tĩnh thời kỳ đầu khi Đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới ra đời.

Triệu Văn Hiển
(Bảo tàng Cách mạng Việt Nam)

Video