Sưu tập hiện vật cổ vũ đấu tranh trong Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-04 08:41:04

Sưu tập hiện vật cổ vũ khí thế đấu tranh của nhân dân luôn có mặt trong các sự kiện lịch sử của phong trào cách mạng 1930 – 1931, được trưng bày ở phòng 5, phòng 6. Sưu tập có 11 hiện vật gồm: tù và, chiêng, mõ tre, mõ gỗ, thanh la, trống... đa dạng về chất liệu: gỗ, tre, ngà, kim loại... và phong phú về các loại hình.

Tuy số lượng ít nhưng bộ sưu tập đã phản ánh khí thế đấu tranh của nhân dân trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Ngày 1/8/1930 các chi bộ trong huyện Can Lộc, Hà Tĩnh huy động quần chúng tham gia biểu tình. Cờ đỏ búa liềm, băng cờ biểu ngữ đỏ rực; chiêng, tù và, mõ tre vang lên trong các xóm thôn. Đoàn biểu tình kéo vào huyện lỵ. Trước khí thế hùng mạnh của quần chúng, tri huyện Trần Mạnh Đàn phải ra cầu Nghèn cúi đầu chấp nhận bản yêu sách của quần chúng nhân dân.

Ngày 1/9/1930, dưới sự lãnh đạo của huyện uỷ, trên 2 vạn nông dân huyện Thanh Chương với gậy, giáo, mác từ ra hai bờ sông Lam kéo về huyện lỵ Thanh Chương. Tiếng chiêng, tiếng mõ vang lên liên hồi như tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân vây phá huyện đường, trừng trị bọn hào lý gian ác, làm chủ xã thôn.

Chiếc thanh la: dùng làm hiệu lệnh cổ vũ của cuộc đấu tranh của nhân dân huyện Kỳ Anh (ngày 9/9/1930) cùng tiếng hô khẩu hiệu, tiếng reo hò của đoàn biểu tình đã góp phần làm cho hào lý ở địa phương khiếp sợ.

Phong trào ở Hà Tĩnh đã lan toả ra các huyện Hương Sơn, Hương Khê trong tháng 9, tháng 10/1930.

Tù và (của ông Nguyễn Hồng Đăng ở Phú Gia) dùng làm hiệu lệnh tập trung, cổ vũ các cuộc biểu tình của nhân dân Hương Khê năm 1930.

Trống vũ khí đặc biệt gắn với nhiều cuộc đấu tranh tiêu biểu của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh:

  • Trống của làng Lộc Đa dùng trong cuộc biểu tình công nông Vinh- Bến Thuỷ ngày 1/5/1930.
  • Trống của tổng Phù Long dùng phát lệnh mở đầu cuộc đấu tranh của nhân dân Hưng Nguyên (ngày 12/9/1930).
  • Trống của nhà thờ Học sỹ ( Đặng Sơn, Đô Lương) dùng cổ vũ cuộc đấu tranh của nhân dân Đô Lương( ngày 8/9/1930).
  • Trống của nhân dân Thái Yên( huyện Đức Thọ) đã vang lên trong cuộc biểu tình đêm 30/4/1931 và buổi truy điệu(ngày 29/4/1931) những người hy sinh trong trận càn tại Thanh Long.
  • Trống của nhà thờ họ Vi (dân tộc Thái ở Môn Sơn, huyện Con Cuông) dùng làm hiệu lệnh cổ vũ nhân dân trong cuộc đấu tranh tháng 8/1931.

Trống, chiêng, tù và, nỏ, thanh la... đã đi vào lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh là vũ khí cổ vũ cho phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh, đã góp phần thắng lợi của cách mạng. Như đồng chí Tố Hữu đã viết:

Trống Xô Viết Nghệ An vang động.

Bắc – Trung –Nam tràn sóng đấu tranh

Hầm than, xưởng máy, lều tranh

Đứng lên tự cứu mà giành ấm no.

Video