Sưu tầm tư liệu, hiện vật tại tỉnh Bình Định, KonTum và Đaklak

Tác giả: admin
Ngày 2018-05-17 03:43:51

Ngày 3/2/1930, Đảng cộng sản Việt Nam thành lập đã trở thành sự kiện chính trị vô cùng trọng đại, là mốc lịch sử quyết định tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Vừa mới ra đời, Đảng đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nông với quy mô lớn trên toàn quốc với đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931.

Sau khi chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh ra đời và bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, Trung ương Đảng ra “Thông cáo gửi các đồng chí” kêu gọi nhân dân khắp trong cả nước đứng lên đấu tranh ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Trung ương Đảng, một phong trào đấu tranh từ Bắc đến Nam đã dấy lên mạnh mẽ nhằm “chia lửa” với nhân dân Nghệ Tĩnh, trong đó tiêu biểu có phong trào đấu tranh của nhân dân huyện Hoài Nhơn của tỉnh Bình Định.

Tính đến tháng 10/1930, huyện Hoài Nhơn đã thành lập được sáu chi bộ, nhận nhiệm vụ chỉ đạo phong trào quần chúng trong toàn huyện đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp và tay sai chấm dứt cuộc khủng bố trắng đối với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Phong trào đấu tranh được quần chúng tham gia ủng hộ một cách rầm rộ, tiêu biểu nhất là cuộc biểu tình lịch sử đêm 22, rạng ngày 23/7/1931 tại Cây số 7 Tài Lương với sự tham gia của hơn 3000 quần chúng nhân dân đủ mọi tầng lớp.

Điên cuồng trước sự nổi dậy của quần chúng cách mạng tại Nghệ Tĩnh, phong trào đấu tranh ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh của nhân dân các tỉnh, thực dân Pháp đã tiến hành đàn áp, dìm các cuộc đấu tranh ấy trong biển máu. Các chiến sỹ cách mạng bị bắt giam vào các nhà lao các tỉnh. Để giải quyết lượng tù nhân quá tải, thực dân Pháp đày ải những đoàn tù chính trị từ nhà lao Vinh, Nhà lao Hà Tĩnh, nhà lao Quy Nhơn lên giam giữ tại ngục Kon Tum và nhà đày Buôn Mê Thuột. Ngục Kon tum và nhà đày Buôn Mê Thuột là nơi giam cầm nhiều chiến sỹ cộng sản tiêu biểu của thời kỳ cách mạng 1930 – 1931 như Hồ Tùng Mậu, Phan Thái Ất, Ngô Đức Đệ, Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Nguyễn Hoàng, Lê Viết Lượng,…

Tháng 4 năm 2018, thực hiện quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 của Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Nghệ An, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh cử đoàn cán bộ tiến hành chuyến công tác sưu tầm các hình ảnh, tư liệu, hiện vật tại 3 tỉnh thuộc Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là Bình Định, Kon Tum và Đaklak . Đây cũng là dịp để Bảo tàng bổ sung các tài liệu, hiện vật vào kho cơ sở bảo quản lâu dài, phục vụ cho công tác nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng cho thế hệ trẻ.

Tại Tỉnh Bình Định, bằng hình thức điền dã, đoàn cán bộ sưu tầm của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã cùng cán bộ Ban tuyên giáo huyện ủy Hoài Nhơn, cán bộ văn hóa xã Tam Quan, Tam Quan Nam, Hoài Sơn, Hoài Thanh… đến từng gia đình thân nhân các liệt sỹ, các lão thành cách mạng như: Nguyễn Trân, Võ Tế, Đinh Thế Thiệp, Huỳnh Bích, Đinh Duyệt… để tìm hiểu thông tin, khai thác các tư liệu, hiện vật về tinh thần bất khuất của nhân dân địa phương trong phong trào đấu tranh ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931. Những hiện vật, tài liệu và các mẩu chuyện kể của thân nhân các đồng chí lão thành cách mạng là những bằng chứng lịch sử sống động về sự đóng góp công sức của nhân dân Hoài Nhơn nói chung, về tinh thần đấu tranh không quản ngại hi sinh gian khó của nhân dân các xã Tam Quan, Tam Quan Nam, Hoài Sơn, Hoài Thanh… nói riêng trong phong trào đấu tranh ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

Cũng trong chuyến công tác này, được sự phối hợp của Ban quản lý di tích ngục KonTum, Bảo tàng tỉnh Kontum, Ban quản lý di tích tỉnh Daklak, Bảo tàng Daklak, đoàn công tác của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã có buổi tiếp xúc, làm việc nhằm khai thác, sưu tầm tài liệu, hiện vật về đời sống và phong trào đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sỹ cộng sản Xô Viết Nghệ Tĩnh trong nhà đày đế quốc tại di tích nhà đày Buôn Mê Thuột và ngục Kon Tum.

Kết thúc hành trình, đoàn công tác đã sưu tầm được nhiều hiện vật có giá trị lịch sử như: đĩa sứ, bát sứ, hũ sành, mâm đồng, mác...  Đó là những hiện vật gắn với hoạt động cất giấu tài liệu, truyền đơn của Đảng, nuối giấu cán bộ cách mạng của nhân dân Hoài Nhơn, Bình Định cũng như những hiện vật gắn liền với đời sống và phong trào đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sỹ cộng sản Xô Viết Nghệ Tĩnh trong nhà đày đế quốc. Các tư liệu, hiện vật sưu tầm được sẽ góp phần làm phong phú thêm mảng sưu tập hiện vật về chí khí trong lao tù của các chiến sỹ cách mạng, về phong trào đấu tranh ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931 của nhân dân các tỉnh trong cả nước./.

Đặng Huyền Trang – Bảo tàng XVNT

Video