Sưu tầm tư liệu, hiện vật tại huyện Yên Thành, Nghệ An

Tác giả: admin
Ngày 2018-03-28 00:34:11

Cao trào cách mạng 1930 – 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh là mốc son chói lọi trong tiến trình lịch sử nước ta kể từ khi có Đảng, đã cổ vũ, tạo tiền đề và để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho cách mạng dân tộc dân chủ của ta giành được những thắng lợi cuối cùng. Hòa chung không khí đấu tranh sôi nổi của nhân dân khắp các huyện ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Thành đã đứng lên đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng, góp sức người, sức của để góp phần tô thắm thêm trang sử hào hùng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tháng 3/1930, Đảng Bộ lâm thời Nghệ An ra đời đã cử một số cán bộ chủ chốt như Nguyễn Hữu Bình, Tôn Thị Quế, Tôn Gia Chung... ra tăng cường cho các huyện Yên Thành, Diễn Châu. Được sự hướng dẫn của các đồng chí Tỉnh ủy, phong trào cách mạng của nhân dân Yên Thành có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Ngày 10/11/1930, Đảng bộ lâm thời huyện Yên Thành cũng nhanh chóng được thành lập gồm 5 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Ứng làm Bí thư. Sự ra đời của Đảng bộ Yên Thành đã đánh dấu bước phát triển mới của lịch sử huyện nhà. Ngay sau khi ra đời, Ban chấp hành Huyện ủy đã phân công các Huyện ủy viên về các Tổng để phát triển các chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng. Tính đến tháng 12 năm 1930, toàn huyện đã có 6 chi bộ với 43 đảng viên, tổ chức Nông hội đỏ với 964 hội cùng 21 đội tự vệ đỏ với 238 đội viên.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Nghệ An, Đảng bộ huyện Yên Thành đã lãnh đạo nhân dân tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh chung của nhân dân cả tỉnh, cả huyện. Tiêu biểu như các cuộc đấu tranh: ngày 7/11/1930 của nhân dân các tổng Trụ Pháp, Quỳ Lăng, Quỳ Trạch; ngày 9/11/1930 của nhân dân các làng Trụ Pháp, Phong Niên, Quảng Cư; ngày 7/2/1931, cuộc đấu tranh của nhân dân Mỹ Thành phối hợp với lực lượng cách mạng địa phương tại đình chợ Kè… Dưới sự chỉ đạo của các chi bộ Đảng, quần chúng nhân dân Yên Thành đã hăng hái tham gia cách mạng. Cờ đỏ búa liềm, biểu ngữ tung bay khắp đầu làng, ngõ xóm, tạo nên không khí cách mạng sôi động chưa từng thấy. Sức mạnh của cuộc biểu tình này đã làm cho chính quyền thực dân phong kiến ở các thôn xã bị lung lay, tê liệt.

Thực hiện kế hoạch công tác năm 2018, vào giữa tháng 3, đoàn cán bộ phòng Sưu tầm của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã tiến hành chuyến công tác tầm các hình ảnh, tư liệu, hiện vật trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại huyện Yên Thành. Đây cũng là dịp để đơn vị bổ sung các tài liệu, hiện vật vào kho cơ sở bảo quản lâu dài, phục vụ cho công tác nghiên cứu, trưng bày,tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng cho thế hệ trẻ. Bằng hình thức điền dã, đoàn cán bộ sưu tầm của Bảo tàng đã cùng cán bộ văn hóa xã Tăng Thành, Đồng Thành, Đô Thành, Kim Thành… đến từng gia đình thân nhân các cụ lão thành cách mạng như: Bùi Thị Vận, Nguyễn Văn Vên, Hồ Lạc, Luyện Nhận, Hoàng Văn Ước… để tìm hiểu thông tin, khai thác các tư liệu, hiện vật về phong trào cách mạng của nhân dân huyện Yên Thành trong cao trào cách mạng năm 1930-1931.

Những hiện vật, tài liệu và những mẩu chuyện kể của thân nhân các đồng chí lão thành cách mạng là những bằng chứng lịch sử sống động về sự đóng góp công sức của nhân dân quê lúa Yên Thành nói chung, về tinh thần đấu tranh không quản ngại hi sinh gian khó của nhân dân các xã Tăng Thành, Đồng Thành, Đô Thành, Kim Thành… nói riêng trong phong trào cách mạng 1930-1931.

Đặng Huyền Trang – Bảo tàng XVNT

Video