Sưu tầm tư liệu, hiện vật tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2018-11-16 02:03:30

Thực hiện Kế hoạch năm 2018 và Quyết định của Giám đốc Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh,  đoàn cán bộ phòng Sưu tầm đã tiến hành chuyến công tác sưu tầm các hình ảnh, tư liệu, hiện vật tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh – một trong những địa phương có truyền thống yêu nước và cách mạng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

Cao trào cách mạng 1930 – 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh là mốc son chói lọi trong tiến trình lịch sử nước ta kể từ khi có Đảng, đã cổ vũ, tạo tiền đề và để lại nhiều bài học kinh nghiệm để cách mạng dân tộc dân chủ của ta giành được những thắng lợi cuối cùng. Để làm nên Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng có một phần đóng góp không nhỏ của Đảng bộ và nhân dân huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Trần Hữu Thiều về Đức Thọ, liên lạc và lựa chọn những đảng viên Tân Việt có tư tưởng tiến bộ như Đinh Quế, Trần Tường, Lê Văn Luân kết nạp vào Đảng. Cuối tháng 3/1930, các đồng chí đảng viên ở Đức Thọ đã tổ chức cuộc họp và phân công nhau về các làng xã để tuyên truyền, xây dựng các chi bộ Đảng. Đến tháng 5 năm 1930, trên cơ sở những chi bộ đảng vừa được xây dựng, các đồng chí đảng viên chủ chốt đã họp bàn và bầu ra Ban cán sự lâm thời Đảng bộ huyện Đức Thọ, do đồng chí Đặng Bá Văn làm Trưởng ban. Sự ra đời của Đảng bộ Đức Thọ đã đánh dấu bước phát triển mới của lịch sử cách mạng huyện nhà.

Ngay sau khi ra đời, Ban cán sự Huyện ủy đã phân công các Huyện ủy viên về các làng xã để tiếp tục công tác tuyên truyền, phát triển các chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng.

Cùng với việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, các tổ chức quần chúng cũng được tổ chức và phát triển ở các thôn xóm như: Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Phụ nữ giải phóng, Cứu tế đỏ… thu hút được nhiều quần chúng tham gia.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhằm hòa nhịp với phong trào đấu tranh của công nhân Vinh – Bến Thủy và nhân dân Nghệ An, Đảng bộ huyện Đức Thọ đã lãnh đạo nhân dân tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh chung của toàn tỉnh. Tiêu biểu như: cuộc mít tinh, diễn thuyết, treo cờ đỏ và rải truyền đơn tại các làng trong toàn huyện nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1930, ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc 1/8/1930; cuộc mít tinh của hơn 500 đảng viên, quần chúng tổng Văn Lâm, Thịnh Quả ngày 21/9/1930; cuộc mít tinh kỷ niệm Ngày cách mạng tháng Mười Nga với sự tham gia của 500 nhân dân các làng Lạc Thiện, Yên Vượng, Bùi Xá, Thanh Lạng, Vĩnh Đại… mít tinh tại đình chợ Trổ (Đức Nhân) vào ngày 6/11/1930; Ngày 11/12/1930, 2000 nhân dân của các tổng huyện Đức Thọ chia thành ba đoàn kéo nhau lên huyện lỵ biểu tình nhân kỷ niệm Quảng Châu công xã và hưởng ứng cuộc đấu tranh của nhân dân Nghi Lộc (Nghệ An)…   Tháng 3 đến tháng 4/1931, phong trào cách mạng tại Đức Thọ phát triển sâu rộng và quyết liệt nhất. Các cuộc đấu tranh mang tính chất bạo động kéo lên bao vây đồn, huyện, trấn áp bọn cường hào... Tiêu biểu là cuộc đấu tranh ngày 14/4/1931 của tự vệ Lạc Thiện; cuộc đấu tranh ngày 30/4/1931 của Tổng ủy Văn Lâm tổ chức tại Thái Yên với sự tham gia của hàng ngàn quần chúng các làng Lạc Thiện, Yên Vượng, Thanh Lạng, Đông Khê, Thái Yên… Cờ đỏ búa liềm, biểu ngữ khắp đầu làng, ngõ xóm, tạo nên không khí cách mạng sôi động chưa từng thấy. Sức mạnh của cuộc biểu tình này đã làm cho chính quyền thực dân phong kiến ở các thôn xã bị lung lay, tê liệt. Tinh thần đấu tranh của nhân dân Đức Thọ đã góp phần tô thắm trang sử Xô Viết hào hùng trong lịch sử dân tộc.

Bằng hình thức điền dã, đoàn cán bộ sưu tầm của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã cùng cán bộ văn hóa xã Đức Dũng, Đức Trung, Đức Thủy, Đức Thanh, Đức Thịnh, Đức Vịnh, Bùi Xá, huyện Đức Thọ đến từng gia đình thân nhân các cụ lão thành cách mạng như: Trần Nghiêm, Nguyễn Xuân Kỷ,  Bùi Tám, Đặng Bá Văn, Đinh Đôi Sòng… để tìm hiểu thông tin, khai thác các tư liệu, hiện vật về phong trào cách mạng của nhân dân huyện Đức Thọ trong cao trào cách mạng năm 1930-1931.

Hình ảnh trong chuyến sưu tầm điền dã tại Đức Thọ

Những hiện vật, tài liệu và những mẩu chuyện kể của thân nhân các đồng chí lão thành cách mạng đã sưu tầm được là những bằng chứng lịch sử, tư liệu quý về tinh thần đấu tranh anh dũng, không quản ngại gian hi sinh của nhân dân Đức Thọ trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh cách mạng 1930-1931. Trải qua sự biến thiên của thời gian  chúng ta càng trân quý hơn giá trị lịch sử của những tài liệu, hiện vật đã gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ nhưng vô cùng anh dũng của các chiến sỹ cách mạng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh để từ đó biết gìn giữ và phát huy tốt hơn giá trị di sản văn hóa của quê hương.

 

Đặng Huyền Trang – Bảo tàng XVNT  

 

Video