Sưu tầm tư liệu, hiện vật tại huyện Đô Lương, Nghệ An

Tác giả: admin
Ngày 2020-10-08 07:29:51

Cao trào cách mạng 1930 – 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh là mốc son “đỏ” trong tiến trình lịch sử nước ta kể từ khi có Đảng. Ngay từ buổi đầu thành lập cho đến nay, công tác Nghiên cứu, Sưu tầm tài liệu, hiện vật về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh vẫn luôn là một trong những khâu công tác được đơn vị quan tâm và đặt lên hàng đầu.

Tháng 9/2020, thực hiện Quyết định của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An về công tác sưu tầm tài liệu hiện vật của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoàn cán bộ phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Bảo quản đã tiến hành chuyến công tác sưu tầm các hình ảnh, tư liệu, hiện vật trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại huyện Đô Lương, Nghệ An – địa phương có phong trào đấu tranh sôi nổi trong những ngày đầu Đảng mới thành lập.

Cuối tháng 3/1930, dưới sự lãnh đạo của phái viên Tỉnh ủy Nghệ An, Phủ ủy lâm thời Anh Sơn được thành lập do đồng chí Trần Du làm Bí thư.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Nghệ An và Phủ ủy Anh Sơn[1], nhân dân Đô Lương đã đứng lên tham gia nhiều cuộc đấu tranh trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 như: cuộc tổng biểu tình đòi giảm sưu, hoãn thuế và ủng hộ cuộc đấu tranh ngày 1/5/1930 của công nông Vinh - Bến Thủy; cuộc biểu tình ngày 8/9/1930 trên phạm vi toàn phủ buộc kẻ địch thực hiện các yêu sách mà Tri phủ đã chấp nhận ngày 1/6/1930... 

 Bằng hình thức điền dã, đoàn công tác đã có các buổi làm việc với đại diện Đảng ủy - UBND địa phương và tiếp cận thân nhân gia đình các đồng chí đảng viên năm 1930 – 1931 tại các xã: Thuận Sơn, Trung Sơn, Đà Sơn, Xuân Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn đã tìm hiểu, khai thác các tư liệu, hiện vật quý liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh của các đồng chí đảng viên, lão thành cách mạng 1930 - 1931 địa phương như đồng chí: Trần Châu Bội, Trần Văn Chiêm, Trần Văn Giơi (xã Đà Sơn), Nguyễn Đình Tiến, Trần Văn Biềng (xã Xuân Sơn)…

Những hiện vật, tài liệu, mẩu chuyện kể của thân nhân các đồng chí lão thành cách mạng là những bằng chứng lịch sử sống động về sự đóng góp công sức của thế hệ cha ông nói chung, cũng như tinh thần đấu tranh không quản ngại hy sinh gian khó của nhân dân các xã Thuận Sơn, Trung Sơn, Đà Sơn, Xuân Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An… nói riêng trong phong trào cách mạng 1930 - 1931. Đây cũng là một hoạt động tri ân ý nghĩa góp phần bảo tồn, lưu giữ tài liệu, hiện vật trước nguy cơ mai một vì ảnh hưởng của thời gian và quá trình đô thị hóa đang diễn ra, đồng thời phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ./.

Một số hình ảnh trong chuyến công tác:

Đặng Huyền Trang - Bảo tàng XVNT

Chú thích:

[1] Theo sách "Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX", Đô Lương là một tổng thuộc huyện Nam Đường, phủ Anh Đô. Năm 1831 (niên hiệu Minh Mệnh) đến năm 1963, đổi tên phủ Anh Đô thành phủ Anh Sơn, thành lập tổng Đô Lương thuộc phủ Anh Sơn. Do đó trong thời kỳ cách mạng 1930-1931, nhân dân Đô Lương chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Phủ ủy Anh Sơn.

Video