21
787
1339
1755
20962
6831162
Thực hiện kế hoạch công việc năm 2016, cuối tháng 6/2016, đoàn cán bộ của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã có chuyến công tác đi đến một số huyện, xã của tỉnh Bình Định để sưu tầm những hình ảnh, tài liệu, hiện vật gốc tiêu biểu cho phong trào đấu tranh của nhân dân Bình Định ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931. Chuyến công tác cũng là dịp để Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh mở rộng mối quan hệ, giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm với các bảo tàng, nhà truyền thống, nhà lưu niệm của tỉnh Bình Định.
Cách đây hơn 85 năm, những người con kiên cường, anh dũng của quê hương Bình Định đã đứng lên đấu tranh mạnh mẽ để chia lửa cùng nhân dân Nghệ Tĩnh, thể hiện tình đoàn kết đối với nhân dân Nghệ Tĩnh và nhiều người con của mảnh đất này đã anh dũng hi sinh trong các cuộc biểu tình ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh những năm 1930-1931.
Tại Bình Định, sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, chi bộ Nhà Đèn - Quy Nhơn (3-1930), Chi bộ Cửu Lợi (8-1930) là những cơ sở Đảng đầu tiên được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ...ra đời đã thu hút đông đảo công nhân, thợ thủ công, nông dân, học sinh tham gia vào các cuộc đấu tranh ở nhiều nơi trong tỉnh Bình Định để hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai trong cao trào 1930-1931. Tiêu biểu như từ tháng 8/1930, nhân dân các huyện: Tam Quan, Hoài Nhơn, An Nhơn, Quy Nhơn…liên tiếp đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp và tay sai chấm dứt cuộc khủng bố trắng đối với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ngày 26/9 và 28/9/1930, Đảng bộ huyện Hoài Nhơn tổ chức rải truyền đơn tại huyện lỵ Bồng Sơn và trường sơ học Tam Quan, hô hào quần chúng hưởng ứng phong trào đấu tranh phản đối đế quốc Pháp đàn áp đẫm máu công nông Nghệ Tĩnh. Cuộc đấu tranh ngày 26/4/ 1931, nhân dân Hoài Nhơn đã xuống đường đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, phản đối thực dân Pháp khủng bố trắng nhân dân Nghệ Tĩnh. Tiêu biểu cho khí thế đấu tranh cách mạng của nhân dân Bình Định trong cao trào 1930-1931, ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là cuộc biểu tình đêm 22 rạng ngày 23/7/1931 tại Cây số 7 Tài Lương (Hoài Nhơn) của hơn 3000 quần chúng nhân dân huyện Hoài Nhơn đấu tranh phản đối thực dân Pháp và bè lũ tay sai chấm dức đàn áp nhân dân Nghệ Tĩnh.
Với mục đích nghiên cứu sâu hơn và có cái nhìn, kiến thức cụ thể hơn về phong trào cách mạng ở Bình Định trong cao trào 1930-1931, đoàn cán bộ bảo tàng đã có buổi gặp mặt và trao đổi công việc với Huyện ủy Hoài Nhơn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định, thăm quan một số di tích như nhà lưu niệm chi bộ Cửu Lợi, di tích Cây số 7 Tài Lương và đến thắp hương tại đền thờ liệt sỹ huyện Hoài Nhơn.
Đoàn công tác cũng đã đến thăm hỏi, làm việc với các gia đình, người thân của một số đồng chí lão thành cách mạng, những tấm gương cộng sản kiên trung, mà tiêu biểu là những người con của mảnh đất Hoài Nhơn – đây là nơi phong trào đấu tranh phát triển mạnh mẽ. Thông qua đó đoàn cán bộ bảo tàng đã được tiếp cận với những cuốn hồi ký viết tay với nội dung lịch sử chân thực, là nguồn sử liệu vô cùng quý giá, được nghe các cụ già, các nhân chứng còn sống kể lại các câu chuyện lịch sử đầy xúc động, qua đó thêm yêu quý, tự hào về những người con cần cù, anh dũng, bất khuất của mảnh đất Bình Định. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng đã sưu tầm được thêm nhiều hiện vật có giá trị, góp phần phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, tham quan, trưng bày, tuyên truyền, giáo dục, giúp cho khách tham quan hiểu rõ hơn về tinh thần đoàn kết, cũng như tôn vinh những tấm gương đảng viên và quần chúng yêu nước ở Bình Định đã tham gia đấu tranh ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh vẫn vang mãi khí phách hào hùng, giá trị lịch sử hết sức to lớn và quý báu. Với bản lĩnh, kinh nghiệm nghề nghiệp, cán bộ sưu tầm của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã không quản ngại khó khăn, làm tốt nhiệm vụ của mình, sưu tầm, lưu giữ và bảo quản những hiện vật quý giá để giáo dục cho thế hệ mai sau về truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Nguyễn Vân Anh - Bảo tàng XVNT