Sưu tầm tài liệu, hiện vật tại huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2016-09-16 07:49:16

Công tác nghiên cứu sưu tầm là một trong sáu khâu hoạt động của bảo tàng, có vai trò quyết định cho sự tồn tại, phát triển và khả năng thu hút người xem, người nghiên cứu. Trong bảo tàng, hiện vật càng nhiều, càng quý hiếm, càng hấp dẫn, thì sự trường tồn, sự bền vững của bảo tàng trong đời sống xã hội càng cao. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thực hiện kế hoạch công tác năm 2016, phòng Sưu tầm – Kiểm kê – Bảo quản đã xây dựng Kế hoạch sưu tầm tài liệu, hiện vật để xây dựng kho cơ sở và phục vụ trưng bày tuyên truyền, nghiên cứu, giáo dục.

Tháng 5/2016, cán bộ của phòng sưu tầm đã tiến hành đi sưu tầm tài liệu, hiện vật tại các xã của huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Bằng hình thức điền dã, về với thị trấn Vũ Quang và xã Hương Minh, đến với từng gia đình thân nhân các cụ lão thành cách mạng như: gia đình ông Lê Cân, ông Đoàn Tích, ông Phạm Nghiện, Phạm Thị Ba, Phan Trinh, Đoàn Lương, Lê Văn Tình…để tìm hiểu, khai thác các cứ liệu lịch sử, các tài liệu, hiện vật về phong trào cách mạng của nhân dân trong những năm 1930-1931. Bằng nghiệp vụ chuyên môn và kinh nghiệm trải qua nhiều chuyến sưu tầm, các đồng chí đã thu thập được nhiều mẩu chuyện lịch sử, nghiên cứu và sưu tầm được nhiều hiện vật, những giấy tờ cá nhân được lưu giữ tại gia đình của cán bộ đảng viên thời kỳ đó. Cán bộ sưu tầm đã ghi chép, tìm hiểu và vận dụng kiến thức lịch sử để viết ra được những bản ghi chép chuyện kể về quá trình hoạt động của các cán bộ tiêu biểu cũng như phong trào cách mạng của địa phương. Đó là những bằng chứng lịch sử về tinh thần đấu tranh của nhân dân Vũ Quang trong phong trào Xô Vết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931.

Vũ Quang là huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh, được thành lập ngày 4 tháng 8 năm 2000 trên cơ sở những vùng đất thuộc các huyện Đức thọ, Hương Khê và Hương Sơn. Đây là vùng đất có bề dày lịch sử gắn với quá trình dựng nước và giữ nước. Vào nửa cuối thế kỷ XIX mảnh đất này là trung tâm của cuộc khởi nghĩa Hương Khê trong phong trào Cần Vương chống Pháp do Phan Đình Phùng và Cao Thắng lãnh đạo. Nhân dân Vũ Quang luôn có tinh thần yêu quê hương, đất nước, tinh thần cách mạng kiên cường. Từ năm 1925 trở đi, nhiều tổ chức cách mạng lần lượt ra đời ở tỉnh, huyện đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần yêu nước của nhân dân. Họ đoàn kết lại tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống bọn hương hào, lý trưởng, chống áp bức, cường hào, đấu tranh đòi trả lại ruộng đất công, giảm các việc: ma chay, tế tự, biếu xén, không được cản trở việc lập hội tương tế, tương trợ; tổ chức đọc sách báo. Nhiều thanh niên tiên tiến nơi đây đã sớm được giác ngộ tinh thần yêu nước và đã gia nhập vào các tổ chức đoàn thể.

Trong những năm 1928-1929, phong trào cách mạng ở huyện Vũ Quang phát triển. Tổ chức Tân Việt được hình thành. Các đảng viên Tân Việt đã tích cực tuyên truyền dưới các hình thức tổ chức các lớp học, đọc thơ ca, sách báo tiến bộ.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời. Cuối tháng 3-1930 Đảng bộ Lâm thời tỉnh Hà Tĩnh được thành lập. Sau đó là đảng bộ huyện Hương Khê, Hương sơn được thành lập tháng 4 năm 1930, Đảng bộ Đức Thọ hình thành vào tháng 5-1930. Riêng ở Hương Sơn, tháng 4 năm 1930, 17 đảng viên của Tân Việt trong toàn huyện được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Các đồng chí này được phân công về các địa phương xây dựng cơ sở đảng. Tại vùng đất Vũ Quang, chi bộ Mai Hoa thuộc tổng Thượng Bồng được thành lập sớm nhất vào tháng 3-1930, tiếp sau đó là các Chi bộ Hương Khê (Hương Thọ), Chi bộ Vân Cù, Hương Thụ (nay là xã Hương Minh), Chi bộ Đan Trai - Khê Thượng (nay Thị Trấn Vũ Quang): Chi bộ Lâm Thao, Hòa Duyệt (Đức Liên)…lần lượt được ra đời. Sau khi các chi bộ ra đời, các tổ chức quần chúng như: Tự vệ, Nông hội, Thanh niên cũng được thành lập.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng và các tổ chức quần chúng, nhiều cuộc biểu tình đấu tranh của nhân dân thị trấn Vũ Quang và xã Hương Minh diễn ra sôi nổi hòa vào khí thế đấu tranh khắp toàn huyện, tỉnh trong thời gian này. Tiêu biểu là các cuộc mít tinh, biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5-1930, ngày kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga 7/11/1930, ngày 1/8/1930, ngày 8/9/1930.v.v. nhằm đả đảo đế quốc phong kiến và đòi bãi bỏ thuế thân, thuế chợ…Cùng với các huyện trong tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, phong trào đấu tranh của nhân dân Vũ Quang đã làm rung chuyển bộ máy thống trị của thực dân Pháp và bộ máy phong kiến tay sai.

Giữa năm 1931, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân phát triển mạnh hơn, hoảng sợ trước sự lớn mạnh đó, địch vô cùng hoảng sợ và tăng cường lực lượng lính về trấn áp, bắt bớ cán bộ, đảng viên gây nhiều tổn thất cho nhân dân. Phong trào ở Vũ Quang bước vào thời kỳ giằng co quyết liệt với địch. Mặc dù bị khủng bố nhưng phong trào cách mạng ở Vũ Quang vẫn lớn mạnh, nhân dân hết lòng đùm bọc che chở, bảo vệ, tạo điều kiện cho Đảng hoạt động. Với thành tích đó, nhiều gia đình đã được Chính phủ tặng bằng có công với nước.

Phong trào cách mạng 1930-1931 ở huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh có ý nghĩa to lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, nó vẫn còn đọng mãi trong những trang lịch sử, những lí lịch đảng viên và các hiện vật như giáo mác, hũ sành, bình vôi, mâm đồng, bát, đĩa… những đồ dùng sinh hoạt của các gia đình đã dùng nuôi dưỡng các cán bộ đảng hoạt động bí mật hiện đang lưu giữ tại các gia đình. Những tài liệu hiện vật đó là nguồn sử liệu vô cùng quý giá chứng minh cho tinh thần cách mạng quả cảm của những người con Xô Viết ngày ấy. Nhằm mục đích giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi hơn nữa tinh thần đấu tranh của đảng bộ và nhân dân huyện Vũ Quang nói riêng, nhân dân Tỉnh Hà Tinh nói chung trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, cán bộ bảo tàng đã đến sưu tầm tài liệu, hiện vật để bổ sung cho trưng bày về truyền thống cách mạng của nhân dân huyện Vũ Quang trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Số hiện vật sưu tầm được tại Thị trấn Vũ Quang và xã Hương Minh đã góp phần làm phong phú thêm kho hiện vật của Bảo tàng, đồng thời bổ sung vào bộ sưu tập hiện vật của nhân dân huyện Vũ Quang tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay. Du khách đến Nghệ An - quê hương Bác Hồ không thể bỏ qua Bảo tàng xô viết Nghệ Tĩnh. Với sự độc đáo về nội dung trưng bày, Bảo tàng đã trở thành điểm đến thu hút không những khách trong nước mà còn là điểm tham quan đối với du khách quóc tế. Thế hệ thanh niên rất muốn tìm hiểu về lịch sử mà thế hệ trước đã trải qua đấu tranh như thế nào. Chính vì thế, Bảo tàng XVNT muốn hướng tới việc bồi dưỡng, giáo dục cho thế hệ trẻ những kiến thức về lịch sử, một trong những yếu tố để phát triển tri thức.

Võ Hoa - bảo tàng XVNT







.

Video