Sáng mãi ngọn cờ Đảng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2018-07-02 01:37:43

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930, Đảng đã giương cao ngọn cờ lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, làm nên một cao trào cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao Xô Viết Nghệ Tĩnh. Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh là cuộc diễn tập đầu tiên của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, chuẩn bị cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh diễn ra sôi nổi với các cuộc đấu tranh tiêu biểu của nhân dân trong hai tỉnh như: công nông Vinh - Bến Thủy (ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930); nhân dân Can Lộc (ngày 1/8/1930), 3000 nông dân huyện Nam Đàn (ngày 30/8/1930); 2 vạn nông dân huyện Thanh Chương (ngày 1/9/1930); 7000 nông dân huyện Anh Sơn (ngày 7/9/1930); 1000 nông dân Thạch Hà (ngày 8/9/1930) và tiêu biểu là cuộc biểu tình đẫm máu của hàng vạn nông dân ở Hưng Nguyên, Nam Đàn ngày 12/9/1930 đã trở thành đỉnh cao của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Các cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân Nghệ Tĩnh đã làm cho bộ máy chính quyền thực dân và phong kiến tan rã, hình thành nên chính quyền Xô viết ở nhiều địa phương.

Dù bị địch dìm trong biển máu nhưng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh với hình ảnh của lá cờ đỏ búa liềm (1) cùng với chính quyền kiểu mới sẽ mãi như ngọn lửa Xô Viết Nghệ Tĩnh khắc sâu trong tâm trí quần chúng nhân dân.

Hiện nay, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đang trưng bày và lưu giữ được sưu tập cờ Đảng trong phong trào cách mạng 1930-1931, tiêu biểu như:    

Lá cờ đỏ của nhân dân Nghi Xuân trong cuộc biểu tình tại núi Cơm, huyện Nghi Xuân. Rạng sáng ngày 1/5/1930 ở Hà Tĩnh, Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh đã tổ chức lễ kỷ niệm 1/5 ở nhiều nơi trong tỉnh, cờ đỏ búa liềm phấp phới bay trên đỉnh Núi Cơm (Nghi Xuân), Cầu Đò Trai ( Đức Thọ), Rú Nầm (Hương Sơn), đình Chợ Chùa (Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên), núi Bàn Đô ( Kỳ Anh). Lá cờ làm bằng vải trắng nhuộm đỏ, qua thời gian đã phai màu nhưng lá cờ vẫn nguyên ý nghĩa sâu sắc.

Lá cờ của nông dân huyện Hương Khê đã dùng trong cuộc biểu tình ngày 1/5/1930. Từ tháng 5/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hương Khê, nhân dân Hương Khê đã đấu tranh quyết liệt chống đế quốc và phong kiến, cờ đỏ búa liềm và truyền đơn đã xuất hiện ở các nơi trong huyện, các cuộc mít tinh nhỏ cũng đã được tổ chức ở một số thôn xã để kỷ niệm ngày Quốc tế lao động (1/5/1930).  

Lá cờ đỏ búa liềm của nhân dân làng Giao Tác, xã Thuận Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh dùng trong các cuộc biểu tình năm 1930, tiêu biểu như cuộc biểu tình ngày 1/8/1930, nhân dân kéo xuống huyện đường đấu tranh; cuộc biểu tình đêm 24/8/1930 (âm lịch) toàn tổng Lai Thạch tập trung tại cây đa Đại Hoàng làng Giao Tác, nghe diễn thuyết và đấu tranh đòi giảm sưu thuế; cuộc biểu tình ngày 22/10/1930 (âm lịch) tại chợ Nhe (Vĩnh Lộc) do huyện tổ chức. Lá cờ hình chữ nhật làm bằng chất liệu vải thô nhuộm đỏ, búa liềm cắt dán bằng giấy bìa cứng màu vàng. Qua thời gian lưu giữ, lá cờ đã có nhiều thay đổi về màu sắc.

Lá cờ đỏ búa liềm của tiểu đội tự vệ Đỏ xã Yên Vượng, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh dùng trong thời kỳ 1930-1931. Ngay sau khi ra đời, chính quyền Xô Viết đã chủ trương thành lập đội tự vệ Đỏ để làm nòng cốt trong các cuộc đấu tranh, trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ an ninh thôn xóm và bảo vệ chính quyền Xô Viết còn non trẻ. Lá cờ đỏ búa liềm của tiểu đội tụ vệ Đỏ xã Yên Vượng treo trên ngọn cây đa ở các làng, dùng trong nhiều cuộc biểu tình, đấu tranh năm 1930-1931…

Lá cờ đỏ của Đảng bộ huyện Hưng Nguyên dùng trong buổi lễ truy điệu những người hy sinh khi tham gia cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 ở Thái Lão, Hưng Nguyên. Vụ thảm sát ở Hưng Nguyên gây chấn động trong và ngoài nước. Dư luận khắp nơi lên án hành động dã man của thực dân Pháp và phong kiến. Xứ ủy Trung kỳ chỉ thị cho các cấp ủy đảng tổ chức truy điệu, kêu gọi nhân dân tiếp tục đấu tranh. Sau khi có chỉ thị này, tháng 10/1930 Phủ ủy huyện Hưng Nguyên lâm thời đã tổ chức lễ truy điệu các chiến sĩ hy sinh ngày 12/9/1930 ở Thái Lão. Ðịa điểm tổ chức lễ truy điệu là Dăm Ðồng - Lùng (ở làng Phù Xá).

Lá cờ của nhân dân làng Lương Sơn, xã Bắc Sơn, tổng Đặng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An dùng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong năm 1930-1931, các cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra yêu cầu có nhiều cờ để phân phát cho nhân dân các tổng. Tổ chức đảng đã bố trí người đi mua vải về nhuộm đỏ (thời kỳ này cờ còn nhuộm đơn giản), vải được cắt và may thành nhiều mảnh hình chữ nhật tại hiệu Yên Xuân ở Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn rồi phân công người lấy vôi trắng vẽ hình búa liềm giữa nền vải đỏ. Với cách làm sáng tạo và đơn giản trong điều kiện hoạt động vô cùng khó khăn vất vả, đảng ta đã làm ra nhiều lá cờ đỏ búa liềm. Cờ may xong được phát về các tổng ở Đặng Sơn để dùng trong nhiều cuộc biểu tình, đấu tranh. Lá cờ cũng được dùng để chi bộ kết nạp Đảng viên mới tham gia tích cực trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Lá cờ đỏ búa liềm treo trên cây đa cạnh đình làng Phúc Hậu trong cuộc biểu tình đêm 13/5/1931 ở xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Đêm 13/5/1931, cờ đỏ búa liềm được lực lượng tự vệ Đỏ địa phương thực hiện treo trên cây đa. Lá cờ đỏ búa liềm tung bay trong gió trên ngọn cây ngay trước mặt đám binh lính hung hăng đang đóng ở đình Phúc Hậu, thể hiện sục sôi khí thế cách mạng, lòng người hướng về Đảng, hướng về phong trào cách mạng với khát vọng tự do.

Lá cờ đỏ treo trên cây đa trong các cuộc biểu tình năm 1930-1931 ở Thanh Chương, Nghệ An. Lá cờ đỏ được chi bộ đảng Tiên Hội giao cho đồng chí Nguyễn Văn Long, cán bộ giao thông liên lạc đi treo trên ngọn cây đa ở các làng chuẩn bị cho các cuộc biểu tình, sau này lá cờ được đồng chí Nguyễn Văn Long vẽ thêm hình ngôi sao để đi đấu tranh biểu tình cướp chính quyền năm 1945.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng có một số lá cờ như của nhân dân các tỉnh trong các cuộc đấu tranh ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931 như: Lá cờ búa liềm của nhân dân sông Cầu tỉnh Phú Khánh ; Lá cờ của nhân dân Bắc Ninh...

Ngoài những lá cờ trong thời kỳ 1930-1931, Bảo tàng còn lưu giữ được lá cờ đỏ sao vàng mà nhân dân ta đã dùng cờ trong những ngày đầu cướp chính quyền tháng 8/1945. Cờ làm bằng vải nỉ đỏ, sao vàng may bằng lụa gấm hoa.

 

88 năm đã trôi qua, lịch sử đã sang nhiều trang mới nhưng hình ảnh lá cờ đỏ của Đảng dùng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh vẫn mãi còn vẹn nguyên giá trị và ý nghĩa. Màu cờ đỏ tuy đã dần phai nhạt theo thời gian nhưng mỗi lá cờ đều gắn liền với những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khách tham quan khi đến với Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đây cũng là nguồn cảm hứng cho các thế hệ trẻ khi đến thăm quan bảo tàng học tập và noi theo tấm gương của những thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu cho đất nước được độc lập, tự do.

Nguyễn Vân Anh – Bảo tàng XVNT

Chú thích:

(1) Biểu tượng búa và liềm đặt chéo nhau được hình thành trong cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), là biểu tượng cho liên minh giai cấp công nhân và nông dân. 

(2) Hồ Chí Minh toàn tập; Tập 3; NXB Chính trị quốc gia năm 1999, tr. 71. 

 

Video