Quá trình thành lập Xứ uỷ Trung Kỳ và các Tỉnh đảng bộ Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2009-03-31 07:49:56

I- Một số suy nghĩ trước khi vào đề tài

1. Lí do chọn đề tài:

Xô Viết Nghệ Tĩnh là cuộc cách mạng rung trời chuyển đất của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng nước ta, chính quyền Xô Viết được ra đời ở nhiều nơi trong hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Kỳ tích vẻ vang đó là sự chỉ đạo tài tình của Trung ương Đảng, Xứ uỷ Trung Kỳ và các cấp uỷ Đảng trong những năm 1930-1931.

Cuộc tổng diễn tập đầu tiên ấy đã để lại nhiều bài học quý báu cho Đảng ta trong quá trình chỉ đạo cách mạng Việt Nam.

Các nhà lịch sử đã nghiên cứu về vai trò lãnh đạo của Đảng và các cấp uỷ Đảng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Nhiều tác giả đã làm khá sáng tỏ nội dung qua qua trình hội thoả khoa học như 60 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, 65 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, về vai trò của đồng chí Nguyễn Phong Sắc v.v. Tuy nhiên, công cuộc nghiên cứu về di sản quý báu đó không phải một sớm, một chiều hoàn tất được mà là sự kế tục của nhiều thế hệ.

Với tư cách là một cán bộ tuyên truyền trên quê hương Nghệ Tĩnh, nơi trước đây Xứ uỷ Trung Kỳ đóng, nơi xẩy ra nhều cuộc đấu tranh của công nông Nghệ Tĩnh trong những năm 1930-1931, tôi muốn góp phần nhỏ bé của mình bổ sung thêm tư liệu. Đó là những địa danh với những tên người, tên đất cụ thể đã tham gia phong trào cách mạng này, đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cách mạng Quốc gia.

Những tư liệu trên giúp cho nội dung ngày càng phong phú để độc giả có một tầm khái quát về hệ thống tổ chức Đảng thời kỳ này. Vì vậy tôi quyết định chọn đề tài “Quá trình thành lập Xứ uỷ Trung Kỳ và các Tỉnh Đảng bộ Nghệ Tĩnh” làm đề tài nghiên cứu.

2. Phạm vi, đối tuợng nghiên cứu của đề tài.

Phạm vi nghiên cứu đề tài này tương đối rộng rãi, từ các tổ chức tiền thân đến hệ thống tổ chức Đảng từ Xứ uỷ đến cơ sở.

Nội dung chính được đề cập đến ở sự ra đời của Xứ uỷ Trung Kỳ, cơ quan lãnh đạo Đảng cao nhất miền Trung đến các cấp uỷ Đảng từ Tỉnh xuống cơ sở.

3. Bố cục đề tài: Được chia làm 3 phần:

- Phần thứ nhất: Sự hình thành các tổ chức tiền thân, điều kiện thuận lợi để nhanh chóng thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Phần thứ hai: Quá trình thành lập Xứ uỷ Trung Kỳ và các Tỉnh Đảng bộ Nghệ Tĩnh.

- Phần thứ ba: Đánh giá, tổng kết việc kiện toàn hệ thống tổ chức Đảng từ Xứ uỷ đến cơ sở trong phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh, vai trò của nó đối với phong trào cách mạng này. Qua đây để khẳng định vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lịch sử.

II- Nội dung đề tài

1. Sự hình thành các tổ chức tiền thân ở Nghệ Tĩnh.

a. Từ Phục Việt đến Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Tiếp nối phong trào Văn thân Cần Vương trên dải đất Hồng Lam, ngày 14-7-1925 tại núi Con Mèo(Bến Thuỷ), Trần Phú, Tôn Quang Phiệt, Trần Mộng Bạch, Lê Huân v.v…thành lập tổ chức Phục Việt. Đây là bộ phận yêu nước trong tần lớp trí thức hoat động nhằm mục đích khôi phục lại nước Việt Nam. Nhớ lại ngày lập Hội, đồng chí Tôn Quang Phiệt kể: “khi chúng tôi chuẩn bị tuyên thệ thì cụ Giải Huân đến. Cụ rất hoan nghênh việc tổ chức đoàn thể yêu nước, sẵn sàng tham gia. Cụ đã gần 60 tuổi nhưng ý chí rất kiên cường được mọi người kính phục. Cụ nói: tôi xin đặt tên cho Hội ta là Hội Phục Việt, mọi người tán thành ngay”. (“Nguồn gốc Tân Việt” của Hoàng Thanh Đạm- Kỷ yếu 65 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh tháng 3/1996;tr 158)

Dưới sự lãnh đạo của Hội Phục Việt, đông đảo nhân dân đặc biệt là học sinh đã đấu tranh đòi tự do, dân chủ, đòi huỷ bỏ bản án tử hình cụ Phan Bội Châu. Kết quả thật mỹ mãn, ngày 23-5-1925 toàn quyền Va ren đã phải ký Nghị định huỷ bỏ bản án cụ Phan.

Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh hiện đang trưng bày con dấu của ông Trần Mộng Bạch, nguyên là Hội trưởng Tân Việt được tổ chức này dùng hoạt động từ năm 1925-1927. Sự tồn tại của Đảng Tân Việt tuy không lâu nhưng nó đã góp phần thúc đẩy phong trào yêu nước ở Nghệ Tĩnh nhất là tầng lớp trí thức, học sinh. Vì vậy khi Chủ nghĩa Mác – Lê nin du nhập vào Nghệ Tĩnh và nhóm Đông Dương Cộng sản Đảng cử người vào Trung Kỳ lập Đảng thì trường Quốc học Vinh nhanh chóng trở thành một trong những chi bộ cộng sản đầu tiên.

Đầu năm 1927 hội đổi tên thành Việt Nam cách mạng đồng chí Hội. Đến tháng 7-1928 tổ chức này lại đổi thành Tân Việt cách mạng Đảng tức Đảng Tân Việt.

Năm 1929, do ảnh hưởng của Đông Dương cộng sản Đảng, phái cấp tiến trong Đảng Tân Việt ra thông đạt giải tán Đảng này để thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Ngày 1-1-1930 tại bến đò Trai( Đức Thọ, Hà Tĩnh), Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được ra đời, đánh dấu sự thắng thế của Xứ uỷ Trung Kỳ hướng cách mạng mang tính vô sản.

b. Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Nghệ Tĩnh.

Tháng 6-1925 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu(Trung Quốc) gọi tắt là Thanh niên. Tiểu tổ đầu tiên được ra đời ở thành phố Vinh, Nghệ An dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách quê ở làng Tú Viên(Thanh Chương) với trọng trách Bí thư Kỳ bộ Thanh niên Trung Kỳ.

Do ảnh hưởng của Đảng Thanh niên, Chủ nghĩa Mác-Lê nin đã xâm nhập sâu vào các tầng lớp nhân dân lao động Nghệ Tĩnh nhất là công nhân, nông dân “Hiệu Yên Xuân (Di tích đã được xếp hạng ngày 16/11/1988 theo Quyết định số 1288; VH/QĐ) ở làng Dương Xuân(phủ Anh Sơn) là một điển hình về hoạt động của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội các phủ huyện. Tổ chức này bên ngoài là hiệu buôn nhưng bên trong là cơ sở kinh tài và nơi liên lạc của Hội. Khi phong trào cách mạng lên cao, được đồng chí Nguyễn Phong Sắc trực tiếp chỉ đạo, số thanh niên của tổ chức trên đã nhanh chóng chuyển thành chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở phía Tây Nghệ An.

Đồng chí Trần Hữu Thiều, người con của quê hương Anh Sơn hoạt động trong tổ chức trên đã trở thành Bí thư lâm thời đầu tiên của Tỉnh bộ Hà Tĩnh.

Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đã góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê nin vào các tầng lớp nhân dân, tạo một bước chuyển biến nhảy vọt trong phong trào yêu nước ở Nghệ Tĩnh. Được chủ nghĩa Mác- Lê nin soi sáng, nhiều Đảng viên Tân Việt đã trở thành những lãnh tụ của Đảng như: Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Sỹ Sách v.v…

c. Đông Dương Cộng Sản Đảng.

Do hoạt động tích cực của Đảng Thanh niên, chủ nghĩa Mác-Lê nin đã ăn sâu bén rễ ở Nghệ Tĩnh thì giữa năm 1929 Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ được thành lập. Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung vào Nghệ Tĩnh để xây dựng Đảng. Các đồng chí đã bắt liên lạc với đồng chí Võ Mai lập ra Đông Dương Cộng sản Đảng. Trụ sở đặt tại làng Vang( nay là Đông Vĩnh, thành phố Vinh). Từ đây nhiều cơ sở của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội đã bắt liên lạc và chuyển thành các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng.

Cùng với sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng, các tổ chức quần chúng của Đảng như tổng Công hội, tổng Sinh hội, tổng Nông hội đã hình thành. “Tháng 10-1929 dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Hội nghị đại biểu công nhân Nghệ An đã họp ở thành phố Vinh lập nên tổng Công hội do đồng chí Cát Sửu (công nhân nhà máy Diêm) làm Bí thư.

Hai hệ thống tổ chức công nhân và nông dân Nghệ An hình thành đặt nền móng cho khối công nông trong cao trào cách mạng 1930-1931” (Nguyễn Phong Sắc - người cộng sản đầu tiên của Hà Nội, Nxb Hà Nội năm 1986)

Cuối tháng 11-1929 Nguyễn Phong Sắc thành lập tổng Sinh hội Nghệ An do Nguyễn Tiềm làm Bí thư. Để tuyên truyền cho Đảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc thay mặt Kỳ bộ mở lớp huấn luyện 20 ngày về Tuyên ngôn Đông Dương Cộng sản Đảng tại Yên Dũng Hạ (Nguyễn Phong Sắc - người cộng sản đầu tiên ở Hà Nội, tr.66).

Cùng thời gian đó, đồng chí Nguyễn Sĩ Sách đại biểu thanh niên Trung Kỳ sau khi dự Hội nghị trù bị của Đại hội đại biểu Hội Thanh niên toàn quốc ở HươngCảng đã về nước bắt liên lạc với số thanh niên ở nhà máy Trường Thi, nhà máy Diêm, trường Quốc Học lập ra các nhóm cộng sản ở Vinh.

Như vậy là đến tháng 1-1930 ở Nghệ Tĩnh đã có 3 tổ chức cộng sản cùng hoạt động: Đông Dương Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn và các nhóm cộng sản do Nguyễn Sỹ Sách sáng lập. Trong 3 tổ chức trên thì Đông Dương Cộng sản Đảng đóng vai trò tích cực nhất, có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng Nghệ Tĩnh giai đoạn này.

2. Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930.

Như đã trình bày ở phần trên, sự xuất hiện các tổ chức tiền thân ở Nghệ Tĩnh là bước phát triển mới của phong trào cách mạng. Sự kiện đó tất yếu phải có sự thống nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng duy nhất. Vì vậy ngày 3-2-1930, tại Cửu Long – Hương Cảng - Trung Quốc, đồng chí Nguyến Ái Quốc đã chính thức thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện trọng đại này có ý nghĩa, tác dụng to lớn đến tiến trình thành lập Đảng ở Nghệ Tĩnh.

“Sau ngày 3-2-1930 đồng chí Nguyễn Phong Sắc với trách nhiệm uỷ viên Ban chấp hành Trung ương lâm thời triệu tập Kì bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ và các đại biểu của Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn ở Nghệ An, Hà Tĩnh họp tại thị xã Vinh để thành lập Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ.” (Nguyễn Phong Sắc - Người cộng sản đầu tiên của Hà Nội. Nxb Hà Nội năm 1986, tr. 67)

“Cơ quan lãnh đạo đầu tiên của Phân cục Trung ương đặt tại nhà ông Thất Cán đường M. Phốc thành phố Vinh” (Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Vinh, tập I, Nxb Nghệ Tĩnh năm , tr. 34)

“Các đại biểu đã cử ra Ban chấp hành Phân cục Trung ương gồm có 3 đồng chí: Nguyễn Phong Sắc tức Thịnh, Lê Mao tức Cát, Lê Viết Thuật tức Luyện do đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư” (Nguyễn Phong Sắc - Người cộng sản đầu tiên ở Hà Nội)

Ban chấp hành đầu tiên đó với những con người trung kiên đã đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của quê hương và làm rạng rỡ trang sử vàng chói lọi của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1902-1931) quê ở Bạch Mai( Hà Nội), sau khi tốt nghiệp xuất sắc tại trường Bưởi, được chính phủ bảo hộ cho đi Pháp học nhưng đồng chí đã từ chối. Là viên chức có tài, được trả lương cao nhưng đồng chí đã hi sinh tất cả để dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai, gian khổ. Ngày 21-7-1929, khi còn là thành viên của Đông Dương Cộng sản Đảng, sau khi tham dự Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lâm thời tại nhà đồng chí Ngô Gia Tự ở Từ Sơn, Bắc Ninh), đồng chí được phân công vào phụ trách Trung Kỳ.

“Nhiệm vụ của đồng chí Nguyễn Phong Sắc rất nặng nề. Lúc đầu là Bí thư Kỳ bộ Trung Kỳ sau đó làm Bí thư Phân cục Trung ương có trách nhiệm xây dựng hệ thống tổ chức Đảng. Với trọng trách Bí thư phân cục, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã đi khắp mọi nẻo đường quê Nghệ Tĩnh từ khu vực Vinh - Bến Thuỷ cho đến những vùng xa xôi hẻo lánh như phủ Anh Sơn để xây dựng cơ sở Đảng. Tên gọi “Anh Thịnh” đã đi vào tâm hồn tình cảm của anh em công nhân, nông dân Nghệ Tĩnh bấy giờ. Đồng chí đã sống, chiến đấu, hi sinh trên mảnh đất nóng bỏng tinh thần cách mạng này. Lúc ấy đồng chí Nguyễn Phong Sắc mới 29 tuổi.

Lê Mao (1903-1931), quê ở làng Yên Dũng Hạ(tổng Yên Trường, Hưng Nguyên, nay là phường Bến Thuỷ- Vinh), là công nhân nhà máy Diêm - Bến Thuỷ. Đồng chí hoạt động tích cực trong phong trào công nhân, tham gia hoạt động trong Đảng Tân Việt, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, Đông Dương Cộng sản Đảng và Đảng Cộng sản Việt Nam. Đầu năm 1930, Lê Mao làm Bí thư chi bộ cộng sản ở các nhà máy Vinh - Bến Thuỷ: “Khi phân cục Trung ương thành lập, Lê Mao là một trong những đại biểu hoạt động trong các nhà máy, được mời dự Hội nghị và được cử làm uỷ viên thường trực của phân cục Trung Kỳ phụ trách phong trào công nhân” (Nghệ An những tấm gương cộng sản, tập II, Nxb Nghệ An năm 1998, tr. 135) và là đồng chí Bí thư đầu tiên của Tỉnh uỷ Vinh - Bến Thủy. Tháng 4-1931, Lê Mao được bầu là uỷ viên Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương lần thứ hai họp tại Sài Gòn. Đồng chí Lê Mao đã cống hiến tuổi xuân của mình cho cách mạng và hi sinh anh dũng tại cầu cảng Bến Thuỷ. Lúc đó đồng chí vừa tròn 28 tuổi.

Lê Viết Thuật (1905-1931), quê ở làng Yên Dũng Hạ(nay là phường Bến Thuỷ, thành phố Vinh). Đồng chí là công nhân nhà máy Trường Thi – Vinh, phụ trách phong trào công nhân ở vùng Yên Dũng Hạ và phố Đệ Thập. Khi Lê Mao hy sinh, Lê Viết Thuật đảm nhận trách nhiệm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ từ tháng 6-1931 đến cuối năm 1931. Báo “Chỉ đạo” tiếng nói của Xứ uỷ do Lê Viết Thuật soạn thảo rồi thông qua giao thông Lê Thị Vi Nình ở làng Yên chuyển đi các cơ sở. Nữ đồng chí Vi Nình bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Vinh, tra tấn hết sức dã man nhưng không một lời khai báo và đã anh dũng hy sinh tại nhà lao Vinh vừa lúc tuổi tròn 25.

“Giữa năm 1930 phân cục Trung ương lâm thời họp bầu ban chấp hành chính thức và đổi tên gọi Phân cục Trung ương Trung Kỳ thành Kỳ bộ Trung Kỳ. Đứng đầu Kỳ bộ là Xứ uỷ. Tháng 10-1930, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cử Nguyễn Đức Cảnh quê ở Thái Bình, Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ vào công tác ở Trung Kỳ. Nguyễn Đức Cảnh được bổ sung vào ban thường vụ Xứ uỷ Trung Kỳ cùng Nguyễn Phong Sắc, Lê Viết Thuật và Lê Mao. Ban lãnh đạo Xứ ủy Trung Kỳ được kiện toàn một bước” (Kỷ yếu Hội thảo 65 năm XVNT, bài của Đức Vượng – Ban tổ chức Trung ương Đảng, tr. 25)

Việc thành phần Ban chấp hành chính thức không thay đổi so với Ban chấp hành lâm thời, điều đó càng thấy rõ uy tín to lớn của các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao, Lê Viết Thuật trong cơ quan Xứ uỷ giai đoạn cách mạng này.

“Cuối năm 1930 Hội nghị Trung ương lần thứ nhất họp ở Hương Cảng từ ngày 22 đến ngày 27-12-1930. Hội nghị đã vận dụng Nghị quyết của Trung ương đi sâu vào thảo luận những vấn đề về chấn chỉnh tổ chức Đảng, duy trì và bảo vệ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cũng trong Hội nghị này Phân cục Trung ương được chuyển thành Xứ uỷ Trung Kỳ. Nguyễn Phong Sắc và Lê Mao là hai cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Xứ uỷ” (Nghệ An những tấm gương cộng sản).

Xứ uỷ Trung Kỳ cử cán bộ xuống chỉ đạo tận các cơ sở. Đồng chí Tôn Gia Chung, Tôn Thị Quế đã xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng ở huyện Thanh Chương, Nam Đàn. Đặc biệt, tổ chức phụ nữ đã được đồng chí Tôn Thị Quế dày công huấn luyện. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí và các cấp uỷ Đảng, một cuộc biểu tình toàn chị em phụ nữ đã được phát động ở làng Kim Liên(huyện Nam Đàn) gây cho địch nhiều hoang mang.

Đồng chí Lê Xuân Đào quê ở Hưng Xá – Hưng Nguyên, Tỉnh ủy viên Nghệ An, cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ năm 1931. Trong hoàn cảnh khó khăn của phong trào cách mạng đồng chí đã cùng Tỉnh uỷ chỉ huy cuộc rút lui vào hoạt động bí mật để bảo toàn lực lượng. Có khi cả tuần trong rừng sâu đầy thú dữ, đói rét hoành hành mà vẫn một lòng kiên trung với Đảng để chờ thời cơ móc nối gây dựng lại cơ sở Đảng. Các đồng chí trong cơ quan Xứ uỷ ở Vinh - Bến Thuỷ thường đứng mũi chịu sào trong các cuộc đấu tranh. Nguyễn Phúc, Nguyễn Lợi luôn sát cánh với Hoàng Trọng Trì đi đầu cuộc biểu tình ngày 1-5-1930 của công nông Vinh - Bến Thuỷ.

Ở Hà Tĩnh, đồng chí Hoàng Khoái Lạc (huyện Can Lộc), Trần Hưng. Mai Kính (huyện Thạch Hà)v.v…ngày đêm bám đất, bám dân lãnh đạo phong trào. Các cuộc đấu tranh của nhân dân Can Lộc ngày 1-8,7-9-1930 đều gắn với tên tuổi của các đồng chí. Làng Đỉnh Lữ (huyện Can Lộc), quê hương đồng chí Hoàng Khoái Lạc là nơi phong trào phát triển rầm rộ nhất. Dưới sự lãnh đạo của Hoàng Khoái Lạc, làng Đỏ Xô Viết- Đỉnh Lự đã đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của quê hương Hà Tĩnh.

Trụ sở chính của Xứ uỷ Trung Kỳ năm 1930-1931 đặt tại thành phố Vinh và trụ sở thứ hai đặt tại Đà Nẵng. Tuy vậy trụ sở chính đặt ở Vinh và các vùng phụ cận là quan trọng nhất. Vì từ những năm 1925-1926 Tân Việt và Việt Nam Thanh Niên cách mạng đồng chí hội đã có cơ sở mạnh. Tổng bộ Tân Việt và Kì bộ Thanh niên đóng ở thành phố Vinh. Nơi đây đã trở thành đầu mối của đường dây liên lạc từ Nam ra Bắc.

“Sự đặc biệt chú ý của Đảng đối với Nghệ Tĩnh và tình hình cơ sở Đảng đã khá mạnh là điều kiện quyết định trực tiếp cho cao trào cách mạng ở hai tỉnh này” (Tập san nghiên cứu lịch sử Đảng Nghệ Tĩnh 1960)

Qua nghiên cứu khảo sát gần đây của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, chúng tôi đã phát hiện một địa điểm hoạt động của cơ quan Xứ uỷ Trung Kỳ ở Vinh và các vùng phụ cận Nghệ An.

“Ở Lộc Đa, Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Vinh - Bến Thủy đóng tại nhà Hoàng Trọng Trì, nhà thờ họ Hoàng từ tháng 3 đến tháng 5/1930” (Nhà thờ họ Hoàng xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, cơ sở làm việc của Xứ ủy Trung Kỳ. Di tích đã xếp hạng. Quyết định số 2223/VH-QĐ; tr.5).

“Khi bị lộ, cơ quan Xứ uỷ lại chuyển đến nhà thờ họ Uông. Tại đây Xứ uỷ Trung Kỳ đã làm việc từ tháng 6-1930 đến tháng 10-1930. Lãnh đạo Xứ ủy có các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Chu Văn Biên, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Khuê”(Hồ sơ nhà thờ họ Uông xã Hưng Lộc, thành phố Vinh cơ sở làm việc của Xứ uỷ Trung Kỳ từ tháng 6 đến tháng 10-1930. Di tích đã xếp hạng theo quyết định số 599/QĐ ngày 11-3-1992)

Gần làng Lộc Đa là làng Yên Dũng, một điểm nóng của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tại đây còn lưu giữ nhiều dấu tích nơi làm việc của Xứ uỷ Trung Kỳ năm 1930. “Từ tháng 8-1930 cơ quan Xứ uỷ Trung Kỳ do Nguyễn Phong Sắc, Lê Viết Thuật, Lê Mao, Nguyễn Phúc, Nguyễn Lợi đã quyết định chuyển cơ quan Xứ uỷ về đóng tại làng Đỏ Hưng Dũng… ở nhà ông Nguyễn Đình Ky thuộc làng Xuân Thọ…nhà ông Nguyễn Bá Nhàn, Nguyễn Bá Ất ở làng Yên. Cơ quan ấn loát đóng tại nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến, trạm liên lạc đóng tại nhà ông Ngãi.” (Hồ sơ làng Đỏ - Hưng Dũng, thành phố Vinh, cơ sở làm việc của Xứ uỷ Trung Kỳ, xếp hạng theo quyết định số 84 QĐ, ngày 27-4-1990; tr. 5; lưu ở Bảo tàng Xô Viết ).

“Cuối năm 1931 phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị khủng bố khốc liệt, cơ quan Xứ uỷ vẫn được nhân dân đùm bọc, che chở. Qua bao lần chuyển địa điểm sơ sán, Hưng Dũng vẫn là điểm bám trụ của cơ quan Xứ uỷ” (Hồ sơ Làng Đỏ).

Các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Viết Thuật, Lê Mao được gia đình ông Nguyễn Sỹ Huyến nuôi dấu, che chở. Bảo tàng Xô Viết Xô Viết Nghệ Tĩnh đang trưng bày chiếc hộp gỗ khảm ngọc trai của gia đình ông Huyến dùng cất giữ tài liệu cho Đảng năm 1930. Còn ngôi nhà của gia đình ông đã trở thành một trong những di tích làng Đỏ - Hưng Dũng. Nhiều đồng chí cán bộ hoạt động trước đây được ông Huyến nuôi dưỡng khi mỗi lần về thăm quê hương đều ghé thăm ngôi nhà này để ôn lại kỉ niệm xưa.

“Đến năm 1938, cơ quan Xứ uỷ Trung Kỳ trở lại làm việc ở Hưng Dũng. Những gia đình cách mạng như bà Diên, ông Hộ, ông Ngãi…cơ quan Xứ uỷ Trung Kỳ lấy làm nơi làm việc, in ấn tài liệu. Nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo Trung ương như Nguyễn Tạo, Chu Văn Biên, Trần Quỳ, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh trở về đây làm việc”(Hồ sơ làng Đỏ Hưng Dũng)

Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã có thời gian về chỉ đạo phong trào ở Nghệ Tĩnh. “Đồng chí đã từng làm việc tại đình Trung. Cuối năm 1940 trên đường đi công tác, đồng chí bị địch vây bắt tại làng Phong Toàn. Đồng chí đã được nhân dân ở đây ngụy trang che chở thoát khỏi sự vây bắt của kẻ thù” (Hồ sơ làng Đỏ Hưng Dũng).

Cách Vinh, Hưng Dũng không đầy 10 km, tại một địa điểm của huyện Hưng Nguyên, “đồng chí Lê Doãn Sửu, Lê Viết Thuật công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi, cán bộ lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ cùng với đồng chí Lê Xuân Đào – Bí thư Phủ uỷ Hưng Nguyên đã về Hưng Châu hoạt động. Thời gian từ tháng 9-1930 đến tháng 8-1931” ( Trích hồ sơ nhà ông Hoàng Viện, làng Phúc Mỹ - Hưng Châu, cơ sở hoạt động của Xứ uỷ Trung Kỳ năm 1930. Di tích đã xếp hạng theo quyết định số 457-QĐ/VH ngày 25-3-1991;tr. 3)

Ở Nghi Lộc, nhiều đền thờ, miếu mạo và các gia đình cơ sở cách mạng đã trở thành nơi hoạt động của các cơ quan Xứ uỷ.

Đền Phượng Cương ở Nghi Phong là nơi cơ quan ấn loát của Xứ làm việc từ tháng 3 đến tháng 10-1939 gồm các đồng chí: Nguyễn Duy Trinh phụ trách in ấn, viết tin có Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Duy Trinh. Người in có Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Phúc, Trương Văn Lý, Trương Văn Đôn. “Đêm đêm trong đền Phượng Cương, dưới ánh nến mờ trên bàn hương án cùng những chiếc màn che với dụng cụ in đơn sơ, hàng trăm tờ truyền đơn, báo Lao khổ, báo Chỉ đạo, tin tranh đấu, chỉ thị, nghị quyết của Đảng được các đồng chí in ra phục vụ kịp thời”. (Hồ sơ đền Phượng Cương ở Nghi Phong, Nghi Lộc, cơ sở hoạt động của Đảng năm 1930-1931. Di tích đã xếp hạng theo quyết định số 1460VH-QĐ; tr. 8)

“ Nhiều gia đình như Trương Văn Lý, Trương Văn Đán v.v… đã nuôi dưỡng cán bộ cấp trên như Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Hữu Cơ, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Xân v.v…”( Hồ sơ đền Phượng Cương, tr. 9)

Nhiều kỉ vật của các gia đình nuôi dưỡng cán bộ được lưu giữ tại Bảo tàng: bàn gỗ của ông Trương Văn Đán, dùng đánh cờ che mắt địch nhưng mặt trái bàn gỗ dùng đổ thạch in tài liệu năng suất nhất cho Xứ uỷ Trung kỳ.

Quả sơn bằng gỗ của gia đình ông Trương Văn Lý, dùng đựng hoa quả thờ tự gia tiên trên bàn thờ nhưng bên trong dùng cất dấu tài liệu của Xứ ủy.

Thật cảm động biết bao tấm lòng những người mẹ, người chị ở thành phố Vinh và các phủ huyện không quản ngại hi sinh gian khổ, không tiếc của, tiếc công nuôi dấu cán bộ Xứ ủy, Tỉnh ủy hoạt động trong nhà mình. Sưu tập nuôi dưỡng cán bộ Đảng trưng bày tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã thể hiện tấm lòng vàng của các mẹ, các chị về đức hy sinh cho cách mạng, cho Đảng.

Là cơ quan lãnh đạo của Đảng cao nhất ở miền Trung, địa bàn hoạt động của Xứ uỷ Trung Kỳ khá rộng. Chiều dài xuyên suốt từ Thanh Hóa vào đến Bình Định, Phú Yên. Từ Vinh - Bến Thuỷ nơi cơ quan đầu não của Xứ ủy đóng, các đồng chí lãnh đạo phân công cán bộ đi vào các tỉnh phía Nam để xây dựng cơ sỏ Đảng. Đồng chí Bí thư Xứ uỷ Nguyễn Phong Sắc thay mặt Trung ương Đảng tham dự Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi họp vào tháng 3-1930 tại làng Phổ Phong, huyện Đức Phổ. Và đồng chí đã dự Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi. Hội nghị đã thảo luận chủ trương của Tỉnh uỷ và đề ra kế hoạch phát động phong trào đấu tranh rộng lớn trong toàn tỉnh” (Nguyễn Phong Sắc - người cộng sản đầu tiên của Hà Nội, tr. 68). Xứ uỷ Trung Kỳ đã cử đồng chí Phan Thái Ất quê ở Anh Sơn, Bí thư tổng Nông hội Nghệ An vào Quảng Ngãi xây dựng phong trào. “Để che mắt địch, đồng chí Phan Thái Ất khi thì khoác áo một thầy đồ đi tìm nơi dạy học, lúc thì đóng vai một thầy thuốc xứ Nghệ đi vào các tỉnh tìm nhân mối liên lạc, xây dựng cơ sở Đảng ở tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên” (Nghệ An, những tấm gương cộng sản, Nxb Nghệ An năm 1998, tập 1, tr. 56)

Đây là những tư liệu quý giá giúp chúng ta xác định vùng hoạt động của Xứ uỷ Trung Kỳ giai đoạn tiền khởi nghĩa.

Sau khi Xứ ủy kiện toàn, dưới ánh sáng nghị quyết của Xứ uỷ, 3 tổ chức Tỉnh ủy đã nhanh chóng được thành lập:

Tỉnh ủy Vinh-Bến Thuỷ ra đời tại nhà đồng chí Hoàng Trọng Trì ở làng Lộc Đa.

“Ban chấp hành lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Vinh đầu tiên gồm các đồng chí: Hoàng Trọng Trì, Nguyễn Xuân Thân, Nguyễn Công Sửu, Nguyễn Hữu Cơ, Hoàng Bá do Lê Mao làm Bí thư” (Lịch sử Đảng bộ thành phố Vinh, Nghệ An, Nxb Nghệ Tĩnh, tr. 34)

Tỉnh ủy Vinh có nhiệm vụ chỉ đạo các hoạt động của công nhân ở thành phố Vinh - Bến Thuỷ, hai huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc và Thị xã Thanh Hóa.

“Đến tháng 4-1931 thấy chưa hợp lý Xứ ủy quyết định giải tán cấp Tỉnh uỷ, thành lập Khu ủy Vinh và Khu ủy Bến Thủy do đồng chí Phan Công Vượng và Lê Doãn Sửu phụ trách” (Lịch sử Đảng bộ thành phố Vinh, NXB Nghệ Tĩnh , tr. 73).

Tháng 10-1930 tại nhà ông Nguyễn Đình Kình làng Đồng Xuân(huyện Nam Đàn, nay là xã Xuân Tường, Thanh Chương), Tỉnh ủy Nghệ An được ra đời. Ban chấp hành Tỉnh uỷ có 7 người: Nguyễn Tiềm, Tôn Gia Chung, Nguyễn Sinh Diên, Phan Đình Đồng, Nguyễn Trần Thâm, Phạm Huy Thường do Nguyễn Tiềm làm Bí thư”.

Đồng chí Nguyễn Tiềm (1902-1932) quê ở Nam Trung, Nam Đàn. Đồng chí là học sinh trường Quốc học Vinh. Sớm có tư tưởng yêu nước tiến bộ, đồng chí đã sớm trở thành lãnh tụ của tổ chức tổng Sinh hội Nghệ An. Tháng 6/1930 Nguyễn Tiềm trở thành Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Nghệ An. Tháng 5-1931 nhiều cán bộ Xứ ủy, Tỉnh ủy bị bắt, đồng chí Nguyễn Tiềm được bổ sung vào Ban thường vụ Xứ ủy phụ trách công tác tuyên truyền. Tháng 11-1931, Nguyễn Tiềm bị bắt, thực dân Pháp kết án tử hình, sau đó giảm xuống khổ sai chung thân và đày đi Lao Bảo. Đồng chí Nguyễn Tiềm hy sinh tại nhà tù Lao Bảo ngày 11/10/1932.

“Tháng 9-1930, tại nhà ông Mai Kính, xã Thạch Việt, Thạch Hà, dưới sự chủ tọa của Bí thư lâm thời Trần Hữu Thiều, Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành chính thức Tỉnh ủy Hà Tĩnh gồm Nguyễn Châu, Trần Hưng, Võ Quê, Bùi Thi, Nguyễn Trọng Hào do Nguyễn Châu làm Bí thư”(Hồ sơ di tích: nhà cụ Mai Kính, Thạch Việt, Thạch Hà nơi thành lập Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, đã xếp hạng theo quyết định số 575-QĐ/VH ngày 14-7-1990).

Đồng chí Nguyễn Châu (1894-1932) quê ở làng Phù Việt(huyện Thạch Hà). Là giáo viên dạy học ở quê nhà, lại sớm tham gia cách mạng, đồng chí nhanh chóng trở thành cán bộ nòng cốt ở đây. Tháng 9-1930 Nguyễn Châu được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Tháng 5-1931 đồng chí được cơ quan tỉnh uỷ điều ra để bổ sung Ban chấp hành Xứ ủy sau khi Nguyễn Phong Sắc và Lê Mao hy sinh. Trong những ngày cơ quan Xứ uỷ gặp khó khăn, Nguyễn Châu đã cùng Lê Viết Thuật chỉ đạo phong trào. Tháng 6-1931 Nguyễn Châu bị bắt ở phố Đệ Thập- Vinh, thực dân Pháp giam đồng chí ở nhà lao Vinh tra tấn gần như kiệt sức. Sau đó chúng chuyển đồng chí vào Ban Mê Thuột, Nguyễn Châu hy sinh tại đây vào ngày 16-12-1932.

Về tổ chức Đảng từ cấp Tỉnh xuống cơ sở, theo báo cáo của mật thám Pháp để lại kèm theo 2 sơ đồ tổ chức Đảng Cộng sản ở Hà Tĩnh. Sơ đồ do đồng chí Trần Hoặc – Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh vẽ bằng bút chì. Qua 2 sơ đồ này ta thấy tổ chức Đảng ngày càng được kiện toàn từ Tỉnh bộ, huyện bộ, chi bộ và chịu sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ.

Sơ đồ 1: Tổ chức Đảng ở Hà Tĩnh trước khi lập Ban Thường vụ từ tháng 5-1930 đến tháng 1-1931. Tổ chức Đảng từ tỉnh xuống chi bộ đều có một đồng chí Bí thư, một phó bí thư, một tiểu ban tuyên truyền, một tiểu ban huấn luyện và tiểu ban thanh niên. Tổ chức thanh niên đặt chung trong tổ chức nông hội.

Sơ đồ 2: Tổ chức Đảng ở Hà Tĩnh sau khi thành lập Ban Thường vụ từ tháng 1-1931 đến tháng 4-1931. Thời gian này tổ chức Đảng được củng cố vững hơn. Tỉnh Đảng bộ đã lập Ban Thường vụ gồm: Bí thư Trần Hoặc, các hội viên có đồng chí Mai Kính, Lê Lộc v.v…

Các bộ phận như ban chuyên môn, ban quân ủy, ban tuyên truyền huấn luyện, ban ấn hành, ban công nông vận. Cơ cấu thường vụ huyện bộ và tổng bộ cũng đầy đủ chức danh như Thường vụ tỉnh đảng bộ.

Đoàn Thanh niên đã tách ra khỏi tổ chức nông hội. Đoàn đã có hệ thống tổ chức từ chi bộ đến tỉnh bộ và đã thành lập Ban Thường vụ gồm Bí thư, đồng chí phụ trách tổ chức, đồng chí phụ trách tuyên truyền.

Như vậy trình độ tổ chức Đảng được nâng cao trong thời gian này rất phù hợp với sự phát triển phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Tĩnh.

Nhờ sự nỗ lực của các đồng chí trong Xứ ủy và các Tỉnh ủy, chỉ sau một thời gian ngắn, hệ thống tổ chức Đảng từ Xứ ủy đến cơ sở đã hình thành.

Theo thống kê ở Bảo tàng Xô Viết, trên cơ sở khảo sát thực tế các địa phương, qua quá trình nghiên cứu cho thấy: hệ thống tổ chức Đảng và quần chúng ở Nghệ Tĩnh năm 1930-1931 có: 3 Tỉnh ủy với 368 chi bộ, 3427 đảng viên, 1631 công hội đỏ, 57046 nông hội đỏ, 1152 phụ nữ, 4170 thanh niên,115434 tự vệ đỏ, 65 sinh hội đỏ, 4164 cứu tế đỏ, 374 thiếu nhi. Đấy là con số mang sức sống mãnh liệt hun đúc thêm niềm tin tuyệt đối cho nhân dân đối với Đảng cộng sản Việt Nam. Từ đây dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nghệ Tĩnh hăng hái lao vào cuộc chiến đấu đầy hi sinh gian khổ nhưng anh dũng, vẻ vang để làm nên Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng.

Năm 1931, trước âm mưu khủng bố trắng của thực dân Pháp và phong kiến, đáng tiếc thay Xứ ủy Trung Kỳ đã phạm một số sai lầm tả khuynh. Dù thời gian xảy ra yếu điểm đó rất ngắn ngủi (khoảng một tháng) nhưng nó đã gây ra tổn thất cho phong trào bấy giờ: Chỉ thị thanh Đảng của Xứ ủy Trung Kỳ ra đời đầu tháng 4-1931. Trong chỉ thị này có câu “Trí phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” “Đuổi sạch sành sanh ra ngoài hết thảy những bọn trí phú địa hào. Nếu đồng chí nào muốn làm cách mạng, tự nguyện đứng về phía giai cấp vô sản mà phấn đấu cũng không cho đứng trong Đảng.” Sau khi nhận được chỉ thị thanh Đảng, các đảng viên thuộc thành phần lớp trên không tránh khỏi đột ngột.

Bà Tôn Thị Quế, nguyên là Tỉnh ủy viên Nghệ An, người có công lớn trong công tác xây dựng cơ sở Đảng ở huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã kể lại: “Khi nhận được quyết nghị hạ tầng công tác của Tỉnh ủy, tôi bàng hoàng cả người. Trở lại công tác ở Ngọc Lâm, lòng tôi vô cùng đau xót. Ngày đêm tôi không ăn, không ngủ được. Biết tôi là một cán bộ bị hạ tầng, quần chúng đối đãi khác hẳn.” (Chỉ một con đường - Hồi kí của Tôn Thị Quế. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, Tỉnh ủy Nghệ An, xuất bản năm 1972, tr. 54).

Nghiên cứu đặc điểm Đảng ta và tìm hiểu thành phần xuất thân của lớp đảng viên đầu tiên ở Nghệ Tĩnh như Trần Phú, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Sỹ Sách, Nguyễn Tiềm v.v… phần lớn họ là trí thức tiểu tư sản thuộc các gia đình khá giả. Chính họ đã tiếp thu truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Nguyễn Ái Quốc vào phong trào yêu nước. Phần đông trong số họ giữ cương vị chủ chốt trong các cấp bộ Đảng. Vì vậy chỉ thị thanh Đảng của Xứ uỷ Trung Kỳ đánh vào lực lượng nòng cốt của Đảng. “Tuy các địa phương không khai trừ đảng viên song việc chuyển vị trí và hạ tầng công tác nhất loạt hầu hết đảng viên thuộc đối tượng thanh Đảng ra khỏi các cương vị chủ chốt trong cấp ủy và thay thế bằng những đảng viên thành phần bần cố nông trình độ quá thấp. Trong tình hình địch khủng bố trắng lúc bấy giờ đã gây trở ngại và tổn thất không nhỏ.” (Trích bài “Nhìn lại một số sự kiện về Xô Viết Nghệ Tĩnh trong thời kỳ chống khủng bố trắng” của Bùi Ngọc Tam, Ban sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An trong tập kỉ yếu 65 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, tr. 262)

Có thể nói chỉ thị thanh Đảng của Xứ uỷ Trung Kỳ trong thời kì cuối của Xô Viết Nghệ Tĩnh là một sai lầm lớn về công tác xây dựng Đảng. Chỉ thị đó bộc lộ tư tưởng cô độc, hẹp hòi nghiêm trọng và sự ấu trĩ về nguyên lý xây dựng Đảng, về nhận thức đặc điểm của Đảng ta.

Trong hoàn cảnh đó, Trung ương Đảng đã kịp thời ra chỉ thị uốn nắn phong trào. Chỉ thị về vấn đề thanh Đảng Trung kỳ ngày 20-5-1931 của Thường vụ Trung ương Đảng đã chỉ rõ: “Xứ uỷ Trung Kỳ, nhất là đồng chí Bí thư ra chỉ thị thanh Đảng viết rõ từng chữ: thanh trừng trí phú, địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ, như vậy thì lấy gốc đâu mà đào, xem rễ ở đâu mà trốc, quả là một ý nghĩ mơ hồ, một chỉ thị võ đoán và là một lối hành động quàng xiên chi tướng” Các địa phương đã báo cáo về Xứ ủy có hiện tượng một số đảng viên thuộc đối tượng thanh Đảng ra đầu thú với địch, hoặc chuẩn bị ra đầu thú. Xứ uỷ Trung Kỳ phải tuyền lệnh thu hồi chỉ thị đó.

Trên thực tế ở hầu khắp các địa phương có cơ sở Đảng tại Nghệ An, không có hiện khai trừ Đảng viên.

“Theo điều tra của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh uỷ Nghệ An, cả Đảng bộ Thanh Chương - Đảng bộ có số lượng đảng viên đông nhất tỉnh, không có trường hợp nào khai trừ đảng viên theo chỉ thị thanh Đảng” và sáng suốt thay “đã không xảy ra một cuộc thanh trừng, sát phạt trong các Đảng bộ” (Bài của Bùi Ngọc Tam trong tập Kỷ yếu 65 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, sách đã dẫn, tr 260)

III. Phần kết luận:

Nhìn lại quá trình nghiên cứu về sự thành lập Xứ ủy Trung Kỳ chúng ta thấy: Dù có lúc mang tính tả khuynh nhưng khi được Trung ương uốn nắn, Xứ ủy đã nhanh chóng sửa sai kịp thời.

Cơ quan Xứ ủy và các Tỉnh ủy là nơi tập trung những đảng viên, cán bộ trung kiên bất khuất. Những người con ưu tú của Đảng như Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao, Nguyễn Tiềm, Nguyễn Châu, Tôn Thị Quế, Lê Xuân Đào v.v…đã không sợ hy sinh gian khổ, kiên cường bám đất, bám dân, chỉ đạo phong trào.

Từ các lán đơn sơ, những căn hầm ẩm ướt trong lòng đất, báo chí, truyền đơn của Đảng vẫn ra hàng ngày đến nhân dân, chỉ đạo động viên phong trào cách mạng.

Đã một thời các báo: Lao khổ, Chỉ đạo, Công nông binh, Tiến lên, Bước tới v.v…là ngọn hải đăng soi đường cho Xô Viết Nghệ Tĩnh và cách mạng Việt Nam.

Số cán bộ đảng viên khác như Hoàng Trọng Trì, Hoàng Văn Tâm, Nguyễn Phúc, Nguyễn Lợi, Hoàng Khoái Lạc v.v…thường đứng mũi chịu sào, đầu sóng ngọn gió trong các cuộc biểu tình. Và đẹp biết bao, nhiều cán bộ đảng viên đã ngã xuống trên đường tranh đấu, trong lao tù đế quốc để giữ vững khí tiết như Lê Viết Thuật, Nguyễn Thị Nghĩa.

Nói về tư cách, đức hy sinh của cán bộ đảng viên thủa ấy, báo “Lao khổ” ra ngày 13/7/1930 viết “Đảng Cộng sản từ khi thành lập đã hết sức hy sinh để bênh vực anh em. Càng bị tù tội đày ải, càng bị đế quốc hành hạ dã man thì các đảng viên cộng sản lại càng hăng hái hi sinh dẫn đầu anh em đòi quyền lợi.”

Tất cả điều đó giải thích tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam lại tập hợp được đông đảo quần chúng dưới ngọn cờ tiền phong của mình.

Sau khi tổ chức Đảng ổn định, Xứ ủy Trung Kỳ và các Tỉnh Đảng bộ đã nhanh chóng lãnh đạo một phong trào cách mạng rầm rộ chưa từng thấy. Mở đầu là phong trào đấu tranh của công nông Vinh - Bến Thuỷ trong ngày 1-5-1930. Tiếp đến là làn sóng đấu tranh khổng lồ trào dâng khắp nơi trong 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Từ tháng 9-1930 đến tháng 5-1931, phong trào như nước vỡ bờ cuốn phăng hệ thống cai trị của đế quốc, phong kiến ở nhiều nơi, thiết lập nên chính quyền Xô Viết.

Qua Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 và thực tiễn cách mạng Việt Nam, chúng ta khẳng định rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam, người lãnh đạo duy nhất của cách mạng Việt Nam bởi Đảng đã tập hợp được sức mạnh “của khối đoàn kết toàn dân mà công, nông, trí thức là nòng cốt”

 

Nguyễn Thị Hồng Vân - Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Video