210
644
2866
20381
20962
6849788
Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930/1931 nổ ra đã gây được tiếng vang lớn đối với phong trào cách mạng trong nước và nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Hưởng ứng lời kêu gọi của TW Đảng, khắp trong nước từ Bắc đến Nam đã dấy lên phong trào đấu tranh ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nhiều đoàn biểu tình của công nhân, nông dân các tỉnh như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải phòng, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Phú Yên, Sài gòn, Đồng Tháp... đã dương cao cờ đỏ búa liềm, biểu tình chia lửa với nhân dân Nghệ Tĩnh.
Xô Viết Nghệ Tĩnh cùng nhân dân được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới. Cấp uỷ Đệ tam Quốc tế ra lời kêu gọi Đảng cộng sản Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ huy động thợ thuyền, dân cày và người lao khổ xứ mình ủng hộ cách mạng Đông Dương bằng mọi cách. Thủ đô Pa ri và nhiều thành phố lớn ở nước Pháp, nhân dân xuống đường biểu tình, phản đối Toàn quyền Rô bin gây nhiều tội ác ở Đông Dương. Đảng Cộng sản Pháp phát hành 1.500 truyền đơn bằng chữ Quốc ngữ có hình minh hoạ tố cáo hành động khủng bố dã man của thực dân Pháp ở Việt Nam. Việt Kiều ở Xiêm, Pháp ra truyền đơn kêu gọi đấu tranh. Truyền đơn kêu gọi của binh lính Pháp phản chiến... Nữ ký giả Ăngđrây Viôlít với tác phẩm Đông Dương cấp cứu (SOS) có nhiều bài phóng sự về tình hình ở Đông Dương lúc bấy giờ.
Phong trào đấu tranh ủng hộ của nhân dân cả nước và những người yêu chuộng hoà bình trên thế giới đã tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân Nghệ Tĩnh đương đầu với bom đạn, súng máy của kẻ thù để duy trì phong trào Xô Viết.
Xô Viết Nghệ Tĩnh là trang sử vàng trong lịch sử cách mạng Việt Nam và là sự kiện lớn của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Với Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quốc tế cộng sản đã coi Việt nam là điển hình đầu tiên trong 6 trường hợp điển hình ở các châu lục thuộc khối các nước thuộc địa và phụ thuộc có quá trình đấu tranh thực độc đáo từ khi Quốc tế cộng sản ra đời.
Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Quốc tế cộng sản (4/1931) đã công nhận Đảng cộng sản Đông Dương là một Phận bộ độc lập trực thuộc Quốc tế cộng sản.
Xô Viết Nghệ Tĩnh là đỉnh cao của cao trào cách mạng Việt Nam 1930 – 1931, là cuộc tổng diễn tập đâu tiên để đưa đến cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ .
Thể theo nguyện vọng thiết tha của Đảng bộ và nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, ngày 15/1/1960, Bộ Văn hoá đã ra quyết định thành lập Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Ngày 3/2/1964 tại Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đã ký “Lời đề tựa” cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh .
Sưu tập hiện vật: Bút lông, viên mực, đĩa mài mực, lọ đựng mực của Bác Hồ dùng ký “Lời đề tựa” ngày 3/2/1964 - Đó là tình cảm thiêng liêng Bác giành cho toàn thể đồng bào Nghệ Tĩnh, với lòng mong muốn Nghệ An và Hà Tĩnh phấn đấu trở thành 2 tỉnh giàu mạnh xứng đáng là quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng.