Phòng trưng bày số 8 - Nhà lao Vinh

Tác giả: admin
Ngày 2018-08-25 15:35:03

Nhà lao Vinh nằm trong thành cổ Nghệ An, tồn tại đến năm 1945. Đặc biệt từ cuối thế kỷ XIX, khi phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ An phát triển ngày càng cao thì số lượng tù chính trị bị bắt về giam tại nhà lao Vinh càng nhiều. Nhà lao Vinh là nơi đã từng giam tại nhà lao Vinh ngày càng nhiều. Nhà lao Vinh là nơi đã từng giam giữ nhiều chí sỹ văn thân Cần Vương yêu nước tiêu biểu như cụ nghè Nguyễn Xuân Ôn, cụ Hồ Bá Kiện, bà Trần Thị Trâm, Đội Quyên, Đội Phấn, ông Nguyễn Sinh Khiêm, bà Nguyễn Thị Thanh và hàng ngìn chiến sỹ cộng sản kiên cường như đồng chí: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Duy Trinh, Siêu Hải, Hoàng Trọng Trì, Lê Viết Thuật... Nhà lao Vinh đã trở thành lò luyện thép “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” nơi rèn luyện tinh thần, nghị lực, nhân cách, ý chí của người cách mạng.

1- Thành cổ Nghệ An :

Thành cổ Nghệ An xây dựng bằng đất năm 1804. Đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), nhà Nguyễn cho xây dựng kiên cố bằng gạch và đá ong. Thành tuy có ảnh hưởng của lối xây dựng thành trì kiểu Vô băng( Vauban) của Pháp được du nhập vào nước ta từ thế kỷ XVIII, nhưng vẫn giữ được cấu trúc thành trì truyền thống kiểu phương Đông. Thành có 3 cửa: Cửa Tiền, Cửa Tả, Cửa Hữu. Thành cấu tạo hình lục giác, chu vi là 630 trượng (2.520 m), diện tích 420.000 m2; là trung tâm, chính trị, văn hoá, kinh tế và là pháo đài phòng thủ quân sự vững chắc của tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ.

2. Nhà lao Vinh:

Nhà lao Vinh có diện tích 19.500m2(dài 150 m, rộng 130 m). Nhà lao được rào quanh kín bằng 4 bức tường cao 3 m, dày 0,4 m; trên tường cắm nhiều mảnh chai. Mỗi góc nhà lao có một bốt gác cao 6 m, hình bát giác, xây gạch dày 0,35 m có 2 tầng.

Trong khu vực nhà lao 6 ngôi nhà được xếp thành từng dãy dùng giam tù nhân, có thiết kế giống nhau( tên gọi nhà Nhất, Nhị, Tam, Tứ, Ngũ, Lục) và một dãy xà lim.

Mỗi nhà dài 20 m, rộng 5,2 m. Móng nhà xây bằng đá hộc cao 0,4 m, tường xây gạch cao 3,6 m, dày 0,2 m. Nhà có trần vững chắc. Trên đó mái kèo sườn làm bằng gỗ, lợp ngói Tây. Trong mỗi nhà giam có 2 phòng, sắp xếp đối diện nhau bởi hành lang chạy ở giữa, mỗi quãng có đặt bục cho lính ngồi gác. Trong mỗi buồng giam có một dãy sàn gỗ dùng cho tù nhân nằm dài 9 m, rộng 1,8 m được kê trên bệ xi măng cao 0,7 m.

* Hệ thống buồng giam được gọi theo thứ tự của ngôi nhà từ phải qua trái; Nhất Đông, Nhất Tây; Nhị Đông, Nhị Tây; Tam Đông, Tam Tây; Tứ Đông, Tứ Tây; Ngũ Đông, Ngũ Tây; Lục Đông, Lục Tây.

Trong đó được chia ra :

  • Nhất Đông, Nhất Tây dùng giam tù phụ nữ;
  • Tam Đông, Tam Tây, Tứ Đông, Tứ Tây dùng giam tù án kinh tế; số còn lại giam tù bị kết tội chống lại triều đình và Nhà nước bảo hộ Pháp.
  • Nhị Đông, Nhị Tây dùng giam tù án chính trị( trong đó buồng Nhị Tây giam tù án từ 8 đến 15 năm; buồng Nhị Đông giam tù án chung thân và tử hình)

* Dãy xà lim ở phía trước nhà Nhị: dài 13 m , rộng 5,2 m. Móng xà lim xây đá cao 0, 6 m; tường xây gạch cao 3,5 m, dày 0,3 m; trần đổ bê tông. Xà lim có 12 buồng nhỏ, 2 buồng đầu nhà dùng cho lính gác ở, còn 10 buồng dùng giam tù chính trị.

Ngoài ra còn có nhà giấy, nhà cấp phát thuốc, nhà bếp, nhà cân cơm và công trình vệ sinh.

Sưu tập dụng cụ tra tấn của thực dân pháp đối với các chiến sỹ yêu nước và cách mạng bị giam cầm tại nhà lao Vinh.

3. Tinh thần đấu tranh của các chiến sỹ Xô Viết tại nhà lao Vinh:

Vượt qua khó khăn, nguy hiểm và sự theo dõi, giám sát của bọn cai ngục, nhưng dựa vào sức mạnh tập thể, chi bộ Đảng nhà lao Vinh đã lãnh đạo các đồng chí trong tù tổ chức các cuộc đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù với nhiều hình thức như: làm reo, tuyệt thực... ra tờ báo miệng, sáng tác thơ, diễn kịch, tố cáo thực dân Pháp và bọn cai ngục; đồng thời động viên tinh thần của anh em tù chính trị. Tù chính trị ở nhà lao Vinh đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, coi nhà tù đế quốc là một trận tuyến đấu tranh mới.

4. Chân dung các chiến sỹ Xô Viết đấu tranh anh dũng tại nhà lao Vinh:

Trong chế độ nhà tù khắc nghiệt đã nổi bật lên nhiều tấm gương đấu tranh anh dũng tiêu biểu, họ là đại diện hàng trăm, hàng ngàn chiến sỹ cách mạng bị bắt giam, bị tra tấn dã man nhưng vẫn lạc quan, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Từ ngục tù tăm tối, họ chính là những người đã thắp sáng lên ngọn lửa yêu nước, tinh thần vì độc lập của dân tộc.

Nhà lao Vinh trở thành chứng tích lịch sử ghi lại tội ác tàn bạo của thực dân Pháp và phong kiến Nam Triều, đồng thời là biểu tượng cao đẹp về tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường của các chiến sy yêu nước và cách mạng Nghệ Tĩnh.

 

Video