211
644
2867
20382
20962
6849789
Trước những thành quả của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách khủng bố trắng nhằm dìm Xô Viết Nghệ Tĩnh vào biển máu. Ngày 18/10/1930, Lơ phôn(khâm sứ Trung Kỳ) ra Thông điện chỉ thị cho công sứ và tổng đốc các tỉnh ở Trung Kỳ về cách đối phó với cộng sản: “Phàm những người xướng - xuất cộng sản thì xem như là ở ngoài vòng pháp luật và phải lập tức đến quan trên mà trích - giải ngay, những đứa xướng - xuất ấy phạm tội quả tang và cổ động hay là xung đột tức thì phải dùng cái phương pháp bất kỳ phương pháp chi để trừ khử ngay chúng nó, không cần phải chiếu theo lệ thường mà khám xét và tróc nã cũng được”.
Thực dân Pháp đã tăng cường bộ máy thống trị ở địa phương hai tỉnh, chuyển nhiều quan chức có kinh nghiệm từ Huế như: Ngyễn Khoa Kỳ về làm Tổng đốc Vinh thay Phạm Bá Phổ (ngày 15/12/1930), cử Bonnom( chánh thanh tra chính trị của toà Khâm sứ Trung Kỳ) và Thượng thư Bộ Hình Tôn Thất Đàn ra trực tiếp chỉ huy cuộc “dẹp loạn cộng sản” ở Nghệ Tĩnh. Tôn Thất Đàn đã tuyên bố “Hữu Nghệ - Tĩnh bất phú, vô Nghệ - Tĩnh bất bần” (có Nghệ Tĩnh không giàu, không có Nghệ Tĩnh không nghèo). Chúng tăng cường điều lính ở các nơi về Nghệ - Tĩnh, lập thêm đồn bốt: đầu năm 1931ở Nghệ An có 68 đồn, Hà Tĩnh có 55 đồn, chưa kể mạng lưới bang tá rải đều khắp các tổng; mở rộng và lập thêm nhà tù...; tăng cường đàn áp bắn giết những người dân tham gia các cuộc biểu tình
Để lừa phỉnh, dụ dỗ nhân dân, xuyên tạc và đả kích cộng sản, chúng cho ra hàng loạt báo như “Thanh- Nghệ -Tĩnh tân văn”, “Hoan Châu tân báo”.. hoặc dán yết thị, yết cáo khắp nơi dụ dỗ mua chuộc nhân dân đừng theo cộng sản, cấm tụ tập từ 40 người trở lên; Ngoài ra thực dân Pháp còn tổ chức “rước cờ vàng”, “phát thẻ quy thuận”, lập Đảng Lý Nhân nhằm chia rẽ cô lập lực lượng cách mạng trong quần chúng nhân dân.
Hình ảnh: những người tham gia biểu tình bị bắn chết trong cuộc đấu tranh ủng hộ Quảng Châu công xã (12/12/1930) ở huyện Can Lộc; cảnh tra tấn khi khám thấy có dấu cờ Đảng trong người trên đường phố ở Vinh... cùng với sưu tập hiện vật: vỏ trái phá, viên gạch - ngói ở đình Yên Phúc (huyện Anh Sơn), dao xếp, lưỡi lê, cột nhà cháy (huyện Diễn Châu, huyện Thạch Hà)... đã phơi bày tội ác dã man của bọn thực dân Pháp và phong kiến tay sai.
Sự khủng bố gắt gao của kẻ thù đẩy hàng ngàn người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vào lao tù đế quốc. Nhà lao Vinh, Hà Tĩnh, Buôn Ma Thuột, Lao Bảo, Kon Tum... là những “địa ngục trần gian”. Giữa muôn vàn hy sinh, gian khổ trong nhà tù, các chiến sỹ cách mạng luôn động viên nhau giữ vững khí tiết cộng sản; biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, với một lòng tin son sắt vào Đảng. Áo tù, sổ tay, tài liệu học lý luận, hộp gỗ, giỏ mây... là những hiện vật ghi dấu thời kỳ đầu đấu tranh anh dũng của chiên sỹ cách mạng trong tù. Các đồng chí Nguyễn Huy Lung, Phan Thái Ất, Chu Trang, Mai Kính, Nguyễn Sỹ Sách... là tấm gương sáng tiêu biểu trong số hàng ngàn người con bất khuất của xứ Nghệ.
Được sự chỉ đạo của TW Đảng, các cấp uỷ Đảng Nghệ Tĩnh một mặt lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống khủng bố trắng, chống đầu thú; mặt khác tổ chức rút lui vào rừng núi để bảo toàn lực lượng và duy trì phong trào cách mạng. Đồng chí Lê Xuân Đào, người lãnh đạo cuộc rút lui của Tỉnh uỷ Nghệ An vào vùng núi Tràng Ri (huyện Nam Đàn ), Đông Sớ (huyện Anh Sơn ), Hoà Quân (huyện Thanh Chương )... Tỉnh uỷ Hà Tĩnh dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Đình Mai rút vào vùng núi Hồng Lĩnh, huyện Hương Khê... một số cán bộ khác rút sang Xiêm để chờ thời cơ trở về hoạt động.
Bộ sưu tập nuôi dưỡng cán bộ: thê rhiện nhân dân Nghệ Tĩnh không sợ hy sinh, đem hết tính mạng, của cải nuôi dấu cán bộ Đảng, bảo vệ cách mạng.
Trước những âm mưu thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, để duy trì vai trò và giữ uy tín của Đảng, đập tan mọi luận điệu tuyên truyền phản cách mạng của địch. Xứ uỷ Trung Kỳ và các cấp bộ Đảng đã chú trọng đến công tác tư tưởng, mở các lớp tập huấn ngắn ngày, sử dụng mọi phương tiện tuyên truyền cổ động để củng cố nâng cao giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân. Các loại báo của Đảng đã ra đều đặn, kịp thời và phong phú như: Báo “Lao khổ”, “Tiến lên”, “Bước tới ”, “Cổ động”, “Gương vô sản”... thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong thời kỳ địch khủng bố dữ dội.
Tinh thần cách mạng của nhân dân Nghệ Tĩnh được đồng chí Nguyễn Ái Quốc đánh giá cao trong báo cáo gửi Quốc tế cộng sản ngày 19/2/1931: “Bom đạn, súng máy, đốt nhà... của chính phủ Pháp không thể dập tắt nổi phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh... ”.