Phòng trưng bày số 5 - Diễn biến của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2018-08-25 15:25:49

Nhân ngày 1/5/1930, Trung ương Đảng chủ trương phát động phong trào kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động đầu tiên ở Việt Nam. Xứ uỷ Trung Kỳ và các tỉnh đảng bộ Nghệ An và Hà Tĩnh tích cực hưởng ứng chủ trương của Đảng.

Ngày 1/5/1930: dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Mao, hơn 1.200 nông dân các làng Đức Hậu, Ân Hậu (huyện Nghi Lộc), Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thinh(huyện Hưng Nguyên) kéo vào thành phố Vinh – Bến Thuỷ phối hợp với công nhân các nhà máy đòi chủ Pháp thực hiện các yêu sách như: tăng lương, ngày làm 8 giờ, giảm sưu thuế, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy dệt Nam Định... Đoàn biểu tình không trang bị vũ khí, chỉ kéo cờ búa liềm và chăng biểu ngữ, hàng ngũ chỉnh tề vừa đi vừa hát vang bài Quốc tế ca. Trước cuộc đấu tranh mạnh mẽ của công- nông Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp đã nổ súng đàn áp đoàn biểu tình làm 7 người chết, 18 người bị thương và bắt hơn 100 người.

Nhân dân các huyện Nghi Xuân, Hương Khê, Đô Lương đã tổ chức treo cờ mít tinh diễu hành kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động.

Cùng ngày, nhân dân các làng La Mạc, Hạnh Lâm, Đức Nhuận...(huyện Thanh Chương) đấu tranh phá đồn điền Nguyễn Tường Viện( Ký Viện), tịch thu ruộng đất chia cho dân nghèo trong vùng. Hơn 100 học sinh trường tiểu học Pháp - Việt Thanh Chương tập trung diễu hành.

Các cuộc đấu tranh trong ngày 1/5/1930 đã đi vào lịch sử, là sự kiện mở đầu phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Nét nổi bật của của cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 ở Vinh- Bến Thuỷ là: “Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng xứ ta, công – nông – binh bắt tay nhau giữa trận tiền”.

Làn sóng đấu tranh của nhân dân hai tỉnh phát triển mạnh mẽ: tháng 6/1930 có 25 cuộc, tháng 7/1930 có 18 cuộc...

Ngày 20/6/1930: hơn 600 Diêm dân làng Quỳnh Thuận(huyện Quỳnh Lưu) đấu tranh đòi Tây đoan phải giải quyết các yêu sách: không được đánh đập, tự do đổ muối, cạo muối, được đưa muối về nhà dùng, không được bắt bớ tàn sát những người tham gia biểu tình ngày 1/5/1930.

Ngày 1/8/1930, hơn 1.000 nông dân huyện Can Lộc(Hà Tĩnh) kéo vào huyện đường đấu tranh, tri huyện Trần Mạnh Đàn phải nhận yêu sách trình công sứ Hà Tĩnh giải quyết. Từ thời gian này trở đi phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh đã bước sang giai đoạn mới: phát triển với quy mô rộng lớn hơn, quyết liệt hơn.

Ngày 30/8/1930: hơn 3.000 nông dân huyện Nam Đàn trang bị giáo mác, gậy gộc tấn công huyện đường giải thoát tù chính trị, buộc tri huyện Lê khắc Tưởng phải ký và đóng dấu vào bản yêu sách với lời cam đoan: Nam Đàn tri huyện, huyện quan, tự tư dĩ hậu bất đắc nhũng nhiễu nhân dân (Tri huyện Nam Đàn từ nay về sau không được nhũng nhiễu nhân dân). Sau đó đoàn biểu tình kéo về các tổng đốt phá các điếm canh, trừng trị bọn phản động gian ác.

Ngày 1/9/1930, hơn 2 vạn nông dân 5 tổng của huyện Thanh Chương nổi dậy đấu tranh. Tri huyện, nha lại và lính tráng bỏ chạy trốn lên đồn Tây ở làng Thanh Quả. Quần chúng phá đại lý rượu ty, đốt huyện đường, thả tù chính trị. Cuộc biểu tình ngày 1/9/1930 được coi là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô Viết ở Nghệ Tĩnh. Đánh giá sự kiện này, báo “ Người Lao khổ”, số đặc biệt, ngày 6/9/1930 của Xứ uỷ Trung Kỳ đăng tin: “ở Thanh Chương và Nam Đàn, không ai đóng thuế chợ và cũng không ai dám thu. Không ai đi tuần, lính không về canh gác. Đế quốc chủ nghĩa bắt triệt hạ, không ai thi hành. Anh em tự tha cho quốc sự phạm, tự chia cho dân cày nghèo đồn điền Ký Viễn và đất ruộng của giai cấp địa chủ. Anh em cứ tự do lập hội, tự do biểu tình. Thế là luật lệ của đế quốc bị tan tành

 

Video