306
601
4398
16783
34073
6825228
Tiếp nối với phong trào đấu tranh yêu nước trên dải đất Hồng Lam. Ngày 14/7/1925, tại núi Con Mèo( cạnh núi Quyết, Bến Thuỷ) Hội Phục Việt ra đời do các trí thức yêu nước sáng lập như: Lê Văn Huân, Trần Mộng Bạch, Ngô Dức Diễn, Tôn Quang Phiệt. Hội đã phân công cán bộ đi các địa phương trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh để xây dựng các tổ chức cơ sở; đồng thời cử Lê Duy Điếm sang Trung Quốc liên lạc với những người Việt Nam yêu nước đang hoạt động tại đó. Hội tổ chức nhiểu hoạt động như: rải truyền đơn kêu gọi học sinh và trí thức yêu nước tham gia phong trào đấu tranh đòi ân xá Phan Bội Châu ... Trong quá trình hoạt động, Hội đã nhiều lần đổi tên và cuối cùng ngày 14/7/1928, Hội đổi tên thành Tân Việt cách mạng Đảng(gọi tắt là Đảng Tân Việt).
Tháng 1/1927, tiểu tổ Thanh niên ra đời ở Vinh. Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách (quê làng Tú Viên, huyện Thanh Chương, Nghệ An) được Hội Hưng Nam cử sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện của Hội Thanh niên. Về nước anh được cử làm Bí thư Kỳ bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội Trung Kỳ. Vinh - Bến Thuỷ trở thành trung tâm chỉ đạo của Kỳ bộ Hội Thanh niên và Hội Hưng Nam. Sự phối hợp hành động của hai tổ chức này khá chặt chẽ như: tổ chức lễ kỷ niệm một năm ngày mất của cụ Phan Chu Trinh(15/3/1927) tại chùa Diệc đã thu hút hàng ngàn quần chúng ở Vinh và các vùng phụ cận tham gia. Cuộc kỷ niệm này đã cổ vũ mạnh mẽ ý thức dân tộc và tinh thần cách mạng của các tầng lớp nhân dân ở Nghệ An. Nhờ sự hoạt động tích cực của hai tổ chức, chủ nghĩa Mác – Lê nin được truyền bá sâu rộng trên đất Nghệ Tĩnh, mở đường cho phong trào cách mạng ở hai tỉnh phát triển.
Tháng 6/1929, Trung ương Đông Dương cộng sản Đảng cử đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung vào Nghệ Tĩnh cùng đồng chí Võ Mai lập Kỳ bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở Trung Kỳ. Tổ chức này đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia; đồng thời phát động được phong trào đấu tranh rộng lớn trong 2 tỉnh. Nhân ngày kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1929), Kỳ bộ Đông Dương cộng sản Đảng Trung Kỳ tổ chức rải truyền đơn kêu gọi nhân dân đấu tranh. Theo con số thống kê của mật thám số cuộc rải truyền đơn lên tới 583 lần, treo cờ đỏ 24 lần. Cuối năm 1929, các tổ chức quần chúng của Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nghệ An được thành lập như Tổng Công hội(do Nguyễn Công Sửu làm Bí thư), Tổng Nông hội (do Phan Thái Ất làm Bí thư) và Tổng Sinh hội(do Nguyễn Tiềm làm Bí thư).
Trước ảnh hưởng to lớn của Đông Dương cộng sản Đảng, tháng 9/1929 các thành viên tiên tiến của Đảng Tân Việt đã đứng ra thành lập tổ chức Đông Dương cộng sản Liên Đoàn tại Bến Đò Trai (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh ).
Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời(3/2/1930), hệ thống tổ chức Đảng ở Nghệ Tĩnh nhanh chóng được thành lập. Xứ uỷ Trung Kỳ (3/1930), do đồng chí Nguyễn Phong Sắc (quê ở phố Bạch Mai – Hà Nội ) làm bí thư. Xứ uỷ Trung Kỳ đã chỉ định ra hai Ban chấp hành Lâm thời Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tại Nghệ An:
Tỉnh uỷ Vinh(3/1930): bao gồm Vinh- Bến Thuỷ, huyện Nghi lộc, Hưng Nguyên và thị xã Thanh Hoá, do đồng chí Lê Mao, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên thường trực Xứ uỷ làm Bí thư Lâm thời.
Tỉnh bộ Nghệ An( gồm các huyện còn lại) do Nguyễn Liễn phụ trách
Tháng 3/1930, Tỉnh uỷ Lâm thời Hà Tĩnh được thành lập cho đồng chí Trần Hữu Thiều làm Bí thư Lâm thời.
Tháng 10/1930, tại nhà ông Nguyễn Đình Kình (làng Đồng Xuân, huyện Nam Đàn nay là xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương ), Tỉnh uỷ Nghệ An tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất, đồng chí Nguyễn Tiềm được bầu làm Bí thư.
Tháng 9/1930, Tỉnh uỷ Hà Tĩnh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất tại nhà ông Mai Kính (xã Thạch Việt, huyện Thạch Hà), đồng chí Nguyễn Châu được bầu làm Bí thư.
Dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Trung Kỳ, sau một thời gian ngắn hệ thống tổ chức Đảng từ cấp tỉnh đến cơ sở được hình thành. Tính đến năm 1930, ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có 368 chi bộ với 3.427 đảng viên. Từ đây dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nghệ Tĩnh bước vào cuộc chiến đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất anh dũng để làm nên Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng.