Phòng trưng bày số 2 - Những điều kiện trực tiếp dẫn đến phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2018-08-25 15:09:58

* Điều kiện thứ nhất: phong trào yêu nước của nhân dân Nghệ Tĩnh cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.

Nghệ Tĩnh là mảnh đất giàu tài nguyên, nhân lực dồi dào và thuận lợi về giao thông. Vì vậy, khi đặt chân đến Việt Nam, thực dân Pháp đã nghĩ ngay đến việc đánh chiếm Nghệ Tĩnh.

Năm 1858, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, nhân dân Nghệ Tĩnh đã nối tiếp nhau đứng lên đấu tranh chống Pháp. Mở đầu là cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn, Đặng Như Mai ( huyện Thanh Chương) với ngọn cờ “ Binh Tây sát tả ”.

Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi(7/1885), cả một dải Hồng - Lam bừng lên khí thế “ Binh Tây phục quốc ”.

Ở huyện Yên Thành có khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã; huyện Nam Đàn có khởi nghĩa của Vương Thúc Mậu, huyện Nghi Lộc có khởi nghĩa của Đinh Văn Chất, huyện Đức Thọ có khởi nghĩa của Lê Ninh. Tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa này kéo dài hơn 10 năm (1885 – 1896), hoạt động trên địa bàn rộng lớn từ Thanh Hoá vào Quảng Bình.

Sau khi phong trào Cần Vương lắng xuống, vào đầu thế kỷ XX một phong trào cứu nước theo xu hướng dân chủ tư sản là phong trào Đông Du với lãnh tụ là nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu(quê làng Đan Nhiệm, tổng Xuân Liễu, Nam Đàn, Nghệ An).

Theo tiếng gọi của Phan Bội Châu, nhiều thanh niên yêu nước Nghệ Tĩnh đã xuất dương sang Xiêm, sang Quảng Châu (Trung Hoa), tiêu biểu như linh mục Đậu Quang Lĩnh, tú tài Đặng Thúc Hứa, Đặng Thị Quỳnh Anh... Tại Xiêm họ đã lập ra tổ chức “ Trại Cày ” để xây dựng cơ sở kinh tế và đào tạo thanh niên yêu nước.

Năm 1908, khi phong trào Đông Du phát triển mạnh ở hải ngoại thì ở trong nước diễn ra phong trào chống thuế ở Trung Kỳ lan rộng từ Quảng Nam ra Hà Tĩnh và tác động mạnh đến Nghệ An. Hưởng ứng lời kêu gọi của Nguyễn Hằng Chi (huyện Can Lộc), Trinh Khắc Lập (huyện Nghi Xuân), Chu Trạc (huyện Yên Thành), nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tham gia phong trào chống thuế sôi nổi.

Các phong trào đấu tranh yêu nước cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX phát triển mạnh mẽ và liên tục nhưng đều bị thất bại vì thiếu một đường lối lãnh đạo đúng đắn. Mặc dù vậy, nó đã chứng tỏ tinh thần yêu nước và cách mạng của nhân dân Nghệ Tĩnh.

* Điều kiện thứ 2: Sự ra đời của đội ngũ công nhân Nghệ Tĩnh.

Để phục vụ chính sách cai trị và khai thác thuộc địa, thực dân Pháp và phong kiến tay sai đã đặt ra rất nhiều thứ thuế vô lý như: thuế thân, thuế muối, thuế chợ, thuế đò, thuế chó... Dưới 3 tầng áp bức bóc lột, cuộc sống của nhân dân Nghệ Tĩnh lầm than cơ cực.

Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã xây dựng hàng loạt các nhà máy ở Vinh - Bến Thuỷ và chiếm đất lập đồn điền ở miền Tây Nghệ An và Hà Tĩnh. Người nông dân bị bần cùng hoá, không có ruộng đất sản xuất phải vào làm thuê trong các nhà máy, đồn điền của thực dân Pháp. Nghệ Tĩnh trở thành nơi có số lượng công nhân đông đảo, sống tập trung. Do hoàn cảnh xuất thân và điều kiện sinh hoạt nên đội ngũ công nhân, nông dân Nghệ Tĩnh có mối liên kết chặt chẽ với nhau tạo cơ sở thành khối liên minh Công – Nông vững chắc, làm nòng cốt cho phong trào cách mạng sau này.

* Điều kiện thứ 3: Sự truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê Nin thông qua những hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và những học trò xuất sắc của Người: Trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân sống trong lầm than nô lệ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước( 6/ 1911). Sau nhiều năm bôn ba ở các nước: Anh, Pháp, Mỹ, châu Phi... tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đã đọc được Luận cương của Lê nin về “Vấn đề dân tộc và thuộc địa ”. Người đã tìm ra con đường cho cách mạng Việt Nam.

Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những đảng viên sáng lập Đảng cộng sản Pháp và là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Cuối năm 1924, Nguyễn Ái quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc). Người đã lập nhóm “Cộng sản đoàn” gồm có chín thanh niên ưu tú: Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Quảng Đạt, Vương Thúc Oánh, Trương Văn Lĩnh, Lưu Quốc Long, Lý Quý, Lâm Đức Thụ( 8 người quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh). Trên cơ sở những hạt nhân nòng cốt đó, tháng 6/1925 tổ chức “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội”(gọi tắt là Hội Thanh niên) được thành lập. Hội có tôn chỉ, mục đích rõ ràng, có điều lệ chặt chẽ và phương thức hoạt động gần như một đảng. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện chính trị, đào tạo hội viên thành những cán bộ cốt cán đưa về nước xây dựng cơ sở cách mạng. Một số học viên xuất sắc được Người gửi đi đào tạo tại trường Đại học Phương Đông (Liên Xô) và trường Quân sự Hoàng Phố của Tôn Trung Sơn. Nhiều đồng chí quê ở Nghệ Tĩnh sau này đã giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta như; Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Thị Minh Khai...

Nhờ những hoạt động tích cực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và những học trò xuất sắc của Người, chủ nghĩa Mác - Lê nin đã sớm được truyền bá về Việt Nam nói chung và mảnh đất Nghệ Tĩnh nói riêng, phong trào yêu nước phát triển theo xu hướng mới, tiến bộ hơn.

Video