Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ở Hưng Nguyên và cuộc biểu tình ngày 12/9/1930.

Tác giả: admin
Ngày 2014-09-22 02:41:30

 Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đất và người Hưng Nguyên đã để lại những dấu ấn lịch sử không thể phai mờ.

Tháng 4/1930, Xứ ủy Trung Kỳ cử đồng chí Tôn Gia Tinh về bắt liên lạc với Lê Xuân Đào – một đảng viên Tân Việt hăng hái ở Phù Xá, thành lập ra Chi bộ cộng sản Trúc - Lam - Giang.

Cùng thời gian này, Xứ ủy Trung Kỳ cử đồng chí Ngô Văn Sở về liên lạc với Bùi Hải Thiệu (ở Nam Cường) tổ chức họp tại Nam Trung, thành lập ra chi bộ ghép Phù Long – Nam Kim gọi là chi bộ Kim – Mộc – Thủy – Hỏa Thổ.

Từ đó, hai chi bộ Trúc – Lam – Giang và Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ tự nhận trách nhiệm phát triển các chi bộ mới trong vùng như chi bộ Phù Xá (tháng 5/1930) và các chi bộ khác trong thời gian tiếp theo.

Đến tháng 5/1930 đã có 5 Chi bộ Cộng sản, có trên 10 đảng viên cắm vào các địa điểm Yên Trường, Phù Long của Hưng Nguyên và Nam Kim của Nam Đàn. Các chi bộ đã ra sức xây dựng và phát triển cơ sở đảng, các tổ chức quần chúng và phát động quần chúng đấu tranh.

Tin tức đấu tranh của công nông các nơi dồn dập dội về đã thôi thúc đảng viên, quần chúng nhân dân Hưng Nguyên đứng lên hành động. Đêm ngày 30/4 và ngày 1/5/1930, hưởng ứng chủ trương của Đảng về kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5, truyền đơn, cờ đỏ búa liềm xuất hiện đầu tiên ở nhiều nơi như: Lộc Đa, Đức Thịnh, Chợ Vực, Chợ Đón, Chợ Liễu, Thông Lãng… Đặc biệt, ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930 được công nhân Vinh – Bến Thủy và nông dân một số làng xã của Hưng Nguyên lần đầu tiên kỷ niệm công khai bằng một cuộc biểu tình lớn.

Cuộc biểu tình ngày 1/5/1930, bị đàn áp đẫm máu và phải giải tán giữa chừng nhưng có ý nghĩa đặc biệt và ảnh hưởng to lớn. Lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, 2 giai cấp công nhân và nông dân kề vai sát cánh xuống đường, trực diện đấu tranh với kẻ thù và được sự đồng tình của binh lính địch. Đây là cuộc đấu tranh mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh.

Sau cuộc biểu tình ngày 1/5/1930, nhân dân nhiều nơi lại nổi lên liên tiếp đấu tranh. Ngày 25/5/1930, nhân dân nhiều làng xã ở các tổng Phù Long, Văn Viên, Thông Lạng rải truyền đơn phản đối thực dân Pháp bắn giết đồng bào và đòi chúng thả những người bị bắt. Ngày 30/8/1930, 100 nông dân Dương Xá cùng 3000 nông dân Nam Đàn kéo đến huyện lỵ Nam Đàn đấu tranh buộc tri huyện phải ký nhận làm theo bản yêu sách. Ngày 31/8/1930, nông dân nhiều làng xã tổ chức những cuộc mít tinh nhỏ hưởng ứng các cuộc đấu tranh ở Bến Thủy, Hạnh Lâm. Ngày 11/9/1930, nông dân nhiều làng xã lại biểu tình, tuần hành, thị uy.

Đặc biệt, ngày 12/9/1930 đã nổ ra một cuộc biểu tình lớn, cuộc đấu tranh cách mạng quyết liệt của nông dân Hưng Nguyên.
Trước đó, ngày 6/9/1930, đồng chí Lê Xuân Đào chủ trì cuộc họp các chi bộ phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng chi bộ, đảng viên và cử ra ban chỉ huy cuộc biểu tình gồm 3 người do đồng chí Nguyễn Ngọc Ngoạn (ở Xuân Hòa – Long Cù) làm tổng chỉ huy. Theo kế hoạch, quần chúng tập kết ở đình Yên Hòa, kéo xuống ga Yên Xuân rồi tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên để đưa yêu sách cho tri phủ.

Khoảng 3 giờ sáng ngày 12/9/1930, hơn 8000 nhân dân từ các Tổng Phù Long, Thông Lạng, Nam Kim hàng ngũ chỉnh tề, trang bị gậy gộc, giáo mác, dây thừng… dương cao cờ đỏ búa liềm kéo về ga Yên Xuân. Đoàn người xếp hàng tư, một đội cầm cờ và hai đội tuyên truyền đi trước, hai đội yểm trợ hai bên, nhân dân đi giữa. Ban chỉ huy ra lệnh trói viên xếp ga và cắt đường dây điện để triệt đường liên lạc của địch. Chị Nguyễn Thị Phia đứng lên diễn thuyết, tố cáo tội ác của thực dân Pháp và Phong kiến Nam Triều. Nhiều bó truyền đơn được tung lên các toa tàu. Tiếng vỗ tay, tiếng hô khẩu hiệu vang lên như sấm dậy. Thực dân Pháp đã tung lực lượng ra đàn áp cuộc biểu tình. Mặc dù vậy đoàn biểu tình vẫn hùng dũng tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên. Tới làng nào, đoàn cũng dừng lại diễn thuyết, cổ động, hô khẩu hiệu và vạch trần tội ác của địch, cảnh cáo một số tên tay sai gian ác của bọn đế quốc, thực dân. Số người tham gia cuộc biểu tình mỗi lúc một đông thêm, đầu đoàn đã tới Phù Xá nhưng cuối đoàn vẫn ở ga Yên Xuân. Mặc cho trời mưa nặng hạt, quần chúng vẫn vững vàng tiến bước. Khi đoàn biểu tình vừa tiến đến Thái Lão, thực dân Pháp đã đưa máy bay đến trút bom làm nhiều người chết và bị thương. Đến chiều khi bà con ra chôn cất những người đã hy sinh, máy bay Mỹ lại đến ném bom một lần nữa. Tổng số người chết trong cuộc biểu tình này là 217 người, 125 người bị thương.

Cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 tuy bị đàn áp đẫm máu nhưng đã chứng minh sức mạnh vùng lên to lớn của nhân dân Hưng Nguyên, đặc biệt là của giai cấp nông dân, khi có sự lãnh đạo của Đảng. Sự đàn áp dã man của địch không những không làm cho nhân dân run sợ, chùn bước mà càng làm tăng thêm lòng căm thù của nhân dân đối với chính quyền thực dân, phong kiến. Ngọn lửa đấu tranh như được đổ thêm dầu, ngày càng bốc cao, đã gây tiếng vang lớn đối với nhân dân trong nước và thế giới.

Cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 đã đi vào lịch sử Hưng Nguyên và Nghệ Tĩnh như một bản hùng ca bất diệt, làm cho cả thế giới thấy rõ tại Đông Dương đang có biến cố chính trị. Để khắc sâu tội ác của thực dân Pháp và cổ động quần chúng nhân dân tiếp tục đấu tranh, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã lấy ngày 12/9/1930 làm ngày kỷ niệm Xô Viết Nghệ Tĩnh hàng năm. Đây là dấu ấn lịch sử đặc biệt của phong trào cách mạng ở Hưng Nguyên thời kỳ 1930-1931.

Tính đến cuộc biểu tình ngày 12/9/1930, toàn phủ Hưng Nguyên đã có 9 chi bộ, gồm trên 50 đảng viên. Nhiều xã thôn đã xây dựng được các tổ chức quần chúng như: Nông hội đỏ, Thanh niên cộng sản đoàn, Phụ nữ giải phóng, Cứu tế đỏ… Số hội viên, đoàn viên lên đến hàng ngàn người và ngày càng phát triền.

Trước tình hình đó, tháng 10/1930, Tỉnh ủy Vinh – Bến Thủy cử đồng chí Lê Công Cảnh về Hưng Nguyên cùng đồng chí Lê Xuân Đào để thành lập Phủ ủy và quyết định triệu tập hội nghị đại biểu các chi bộ. Hội nghị đã lập ra Phủ ủy lâm thời do đồng chí Lê Xuân Đào (quê Phù Xá) làm Bí thư, cùng các Phủ ủy viên; Nguyễn Ngọc Ngoạn, Trần Hữu Lan, Nguyễn Ngô Dật, Nguyễn Thị Quỳnh Nga.

Cuối năm 1930-1931, thực dân Pháp tăng cường lực lượng đàn áp khốc kiệt phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh nói chung và Hưng Nguyên nói riêng. Trước tình hình đó, Phủ ủy Hưng Nguyên đã đề ra những biện pháp uốn nắn phong trào đấu tranh của quần chúng, mở rộng phong trào ra đồng đều hơn, đi vào chiều sâu nhằm giành lại những quyền lợi thiết thực hàng ngày của quần chúng như: đòi lại những khoản tiền của hào lý nhũng lạm, chia lại ruộng đất công cứu đói… Về quy mô và hình thức đấu tranh, Phủ ủy chủ trương tổ chức những cuộc mít tinh, biểu tình nhỏ để vừa có tác dụng giáo dục, động viên sâu rộng, vừa tránh được sự khủng bố đàn áp của địch, hạn chế những cuộc tập trung quần chúng quá đông và ồ ạt không cần thiết…

Các chủ trương của Phủ ủy được phổ biến nhanh chóng xuống các chi bộ, các cơ sở quần chúng, làm chuyển biến mạnh mẽ phong trào cách mạng về nhiều mặt.

Nhiều cuộc biểu tình ở các làng xã tiếp tục nổ ra phản đối chính sách khủng bố của thực dân Pháp. Ngày 6/10/1930, thực dân Pháp đưa lính về đốt trụi 2 làng Yên Phú và Yên Thọ, trên 400 nóc nhà bị thiêu cháy. Lập tức, một làn sóng căm phẫn sôi lên trong quần chúng. Nhiều cuộc biểu tình phản đối diễn ra. Những cuộc lạc quyên cứu giúp những gia đình bị nạn được tổ chức. Đặc biệt trong thời gian này nhiều cuộc đấu tranh đã kết hợp đấu tranh kinh tế, chính trị với vũ trang trấn áp địch, đòi kẻ địch pahir giải quyết các yêu cầu bức bách của quần chúng. Cuối năm 1930 đến tháng 5/1931, nhân dân các làng xã khắp cả 6 tổng liên tiếp nổi dậy đấu tranh như: Yên Khánh, Hoàng Cần, Phan Thôn, Hạ Khê, Yên Dũng, Phú Điền, Phúc Mỹ, Yên Xá, Yên Thái, Cự Thôn, Phú Văn, Phú Vinh… Nhân dân đã giành lại được hàng ngàn mẫu ruộng đất, hàng vạn quan tiền.

Trong thời gian này, tự vệ vũ trang cũng tổ chức nhiều cuộc phục kích bao vây đồn địch, đón đánh địch đi tuần quấy phá phong trào như: giết chết tên đội lệ tại làng Yên Phú (ngày 2/10/1930), đón đánh toán lính do sỹ quan Pháp chỉ huy qua Cầu Yên Xuân (ngày 11/10/1930), xung đột với lính lê dương ở ga Yên Xuân (ngày 7/1/1931), đón đánh toán lính khố xanh đi tuần (ngày 11/4/1931)… Ngày 30/4/1931, sau khi cùng quần chúng tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, 35 tự vệ Dương Xá, Long Cù lại tiếp tục đi đánh phá đồn Đồng Lợi. Các cuộc đấu tranh này kết hợp với các cuộc đấu tranh chính trị đxa làm cho bộ máy cai trị của địch ở các thôn xã nhanh chóng rệu rã, mất tác dụng, bọn mật thám tay sai cũng khiếp sợ, chùn tay. Binh lính các đồn mặc dù có đủ vũ khí vẫn không dám tự do hoành hành như trước.

Phong trào đấu tranh như ngọn lửa, lan rộng ra cả giới học sinh. Học sinh Hưng Nguyên đã cùng học sinh Vinh – Hà Tĩnh đồng loạt nổi dậy bãi khóa phản đối khủng bố, đòi tự do đọc sách báo, tự hội họp, tự do du học nước ngoài, chống đánh đập, chửi mắng và vô cớ học sinh.

Từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, bất chấp bom đạn, súng máy, đốt nhà, đồn binh. Công nông Hưng Nguyên cùng với công nông Nghệ Tĩnh, sớm tiến bước dưới lá cờ đỏ búa liềm vẻ vang của Đảng, đã liên tục vùng dậy đấu tranh quyết liệt, xông pha từ trận này đến trận khác. Từ trận mở đầu 1/5/1930 đến trận lịch sử 12/9/1930, bom đạn của kẻ thù càng làm ngọn lửa đấu tranh càng bốc lên dữ dội, làm sụp đổ hầu hết bộ máy thống trị của thực dân và phong kiến tay sai ở Hưng Nguyên, thiết lập nên chính quyền Xô Viết ở nhiều thôn, xã.

Từ tháng 9/1930 đến tháng 5/1931, chính quyền Xô Viết ra đời đã đem lại nhiều quyền lợi thiết thực cho quần chúng nhân dân Hưng Nguyên.

Về chính trị: mọi luật lệ của đế quốc, phong kiến bị xóa bỏ, quyền tự do, dân chủ của nhân dân được ban bố. Nam, nữ bình đẳng, tự do tham gia các hoạt động trong các đoàn thể cách mạng, tự do hội họp, thảo luận những vấn đề xã hội cần giải quyết, tự do xem sách báo cách mạng, truyền đơn, tự do nghe diễn thuyết về cách mạng, truyền đơn, về cộng sản, về nước Nga Xô Viết… Thôn xóm ngày đêm nhộn nhịp trong không khí ngày hội cách mạng của quần chúng lao động.

Về kinh tế: thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng, Phủ ủy đã kịp thời chỉ đạo các chi bộ Đảng, nông hội tập trung trước hết vào việc thu hồi ruộng đất công chia cho dân cày nghèo. Nhiều nơi đã thu thắng lợi lớn như: Dương Xá thu hồi được 250 mẫu ruộng đất công; Lộc Điền, Khánh Sơn mỗi nơi 180 mẫu; Đức Quang 123 mẫu; Yên Thái 81 mẫu; Phù Xá 70 mẫu; Phú Điền 80 mẫu; Hoàng Cần 60 mẫu… Tổng số ruộng đất công thu hồi được 1364 mẫu. Nơi nhiều diện tích thì chia cho dân đinh, người nghèo được chia nhiều hơn, nơi ít diện tích thì cày chung. Cùng với việc thực hiện chính sách ruộng đất nhiều nơi đã tịch thu các công quỹ như: “nghĩa thương, tuần sương, hoa ngư lạc túc” các khoản do hào lý tham nhũng, phù thu lạm bổ… đem chia cho dân.

Các thứ thuế chợ, thuế đò đều bị bãi bỏ. Một số nơi đã xóa bỏ tô phụ như các lễ tết, lễ mừng, lễ làm công không cho địa chủ…

Về quân sự: Phủ ủy đã lãnh đạo xây dựng các đội tự vệ đỏ. Nhiều làng xã đã tổ chức được đội tự vệ từ 30 đến 80 đội viên. Tổng số có 49 đội tự vệ gồm 699 đội viên. Nhiệm vụ của tự vệ thời gian đầu là bảo vệ cơ quan, bảo vệ các cuộc họp, giữ trật tự trong các cuộc biểu tình, mít tinh. Khi địch khủng bố, tự vệ làm nhiệm vụ đi tiên phong trong các cuộc biểu tình, đấu tranh của quần chúng, trấn áp bọn mật thám phản động…

Về văn hóa – giáo dục: đi đôi với việc giáo dục, giác ngộ chính trị, Phủ ủy chủ trương mở các lớp học chữ quốc ngữ, nâng cao dân trí, đồng thời vận động cải cách phong tục tập quán. Thống kê trong 26 làng đã có 75 lớp gồm 690 học viên, 54 người dạy. Nhờ có phong trào học chữ quốc ngữ, nhiều người đã biết đọc, biết viết, xem truyền đơn, đọc sách báo, đọc viết các khẩu hiệu của Đảng.

Phủ ủy chỉ đạo các chi bộ, nông hội tích cực vận động cải cách phong tục tập quán ở nông thôn, bài trừ nạn cờ bạc, rượu chè, đồng bóng, bói toán và nạn lưu manh trộm cắp… Ma chay, cưới hỏi tổ chức theo nếp sống mới… Nạn trộm cắp ít xẩy ra, trật tự trị an thôn xóm được giữ vững…

Với những thành quả thiết thực, khá toàn diện, chính quyền Xô Viết đã đứng vững trong 8-9 tháng giữa một hệ thống đồn bốt dày đặc, nằm sát nách trung tâm đầu não của bọn thống trị cấp tỉnh. Trong lịch sử chống ngoại xâm, chống áp bức bóc lột, đây là lần đầu tiên hàng vạn công nông Hưng Nguyên từ kiếp nô lệ vùng lên giành được chính quyền trong một thời gian khá dài. Chính nhờ cuộc tập dượt này mà trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, Hưng Nguyên là một trong hai phủ huyện của tỉnh Nghệ An giành được chính quyền sớm, nhanh gọn và an toàn nhất.

Có thể khẳng định rằng, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, truyền thống yêu nước quật cường của đất và người Hưng Nguyên đã được phát huy mạnh mẽ, tiêu biểu cho tinh thần, khí phách của con người Nghệ Tĩnh. Nhân dân Hưng Nguyên với cuộc biểu tình 12/9/1930 đã đi vào lịch sử Nghệ Tĩnh và lịch sử dân tộc như một mốc son sáng chói. Âm hưởng của cuộc biểu tình này đã, đang và sẽ còn vang vọng mãi truyền thống cách mạng kiên cường của nhân dân Hưng Nguyên.

Trần Thị Hồng Nhung - Bảo tàng XVNT

 

Video