Phát huy truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-13 08:17:50

Bài của Đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng tại lễ mít tinh ở Vinh ngày 10/9/1995

Thưa các đồng chí!

Tôi rất vui mừng được cùng các đồng chí và đồng bào kỷ niệm 65 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh ngay tại nơi sự kiện lịch sử đã diễn ra, trên quê hương Chủ Tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Nhân dịp này tôi chuyển tới Đảng bộ và quân dân Nghệ An, Hà Tĩnh lời chúc mừng nhiệt liệt và lời thăm hỏi thân thiết của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái, vai trò của Việt Nam Quốc dân Đảng đã chấm dứt trên vũ đài chính trị, quyền lãnh đạo Cách mạng đã chuyển sang tay giai cấp công nhân Việt Nam mà đội tiên phong là Đảng cộng sản. Đảng ta ra đời giữa lúc phong trào cách mạng của nhân dân các nước tư bản và các nước thuộc địa dâng cao khí thế mạnh mẽ. Lúc này, đế quốc Pháp đang ráo riết duy trì bộ máy cai trị, gây nên nhiều tai hoạ khủng khiếp đối với nhân dân ta. Trong các nhà máy, công nhân thất nghiệp. Chốn hương thôn, người nông dân lâm vào cảnh bần cùng. Đời sống của nhân dân lao động rất nặng nề, cơ cực, trước tình hình đó, nhân dân ta chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là làm cách mạng để giải phóng dân tộc. Ngay từ ngày đầu thành lập, Đảng ta đã đảm nhận sứ mệnh lịch sử lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp vĩ đại đó.

Đảng ta đã xác định nhiệm vụ lâu dài là chống đế quốc phong kiến, giành độc lập dân tộc và đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ trước mắt của Đảng lúc bấy giờ là lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống đế quốc và tay sai, chống khủng bố, đòi trả tự do cho các chiến sỹ cách mạng bị bắt và cải thiện đời sống nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng phát triển rộng khắp từ các cơ sở công nghiệp Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hòn Gai, Cẩm Phả, Vinh- Bến Thuỷ, Sài gòn, Chợ Lớn...Đến các vùng nông thôn ở Bắc, Trung và Nam Kỳ. Nhiều sự kiện liên tiếp nổ ra. Mở đầu là cuộc bãi công của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng. Tiếp đến là những cuộc bãi công của công nhân nhà máy sợi Nam Định, nhà máy Diêm, nhà máy cưa Bến Thuỷ và nhiều cơ sở công nghiệp. Hàng nghìn cuộc biểu tình của nông dân, hàng trăm cuộc bãi khoá của học sinh và bãi chợ của tiểu thương trên cả nước. Những cuộc đấu tranh đó đều nhằm chống khủng bố, đòi dân sinh, dân chủ. Nhiều cuộc dấu tranh đã giành được thắng lợi.

Nghệ Tĩnh lúc đó là một trong những nơi chịu hậu quả nặng nề nhất bởi sự bóc lột tàn khốc của đế quốc và phong kiến. Chính trong bối cảnh đó, Xứ uỷ Trung Kỳ đã lãnh đạo nhân dân Nghệ Tĩnh vùng lên đòi quyền sống. Công nhân đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi tự do tổ chức công hội, tự do bãi công, học sinh đấu tranh đòi có trường để học. Binh línhđấu tranh đòi cải thiện đời sống, bỏ đánh đập và phạt giam trong xà lim. Tiểu thương đấu tranh đòi tự do buôn bán. Công chức đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. đặc biệt là các ban chấp hành nông hội do chi bộ Đảng lãnh đạo đã làm chủ nhiều làng xã, quản lý mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế- xã hội trên địa bàn làm nhiệm vụ của một chính quyền nhân dân, tiến hành chia ruộng đất công cho nông dân, xoá bỏ sưu thuế, xoá nợ, giảm tô, tổ chức làm thuỷ lợi, vận động sản xuất, truyền bá quốc ngữ, thực hiện tự do hội họp, tự do biểu tình, nam nữ bình đẳng; bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan...tinh thần cách mạng sôi sục, tạo nên cao trào Xô Viết sâu rộng, hào hứng với khí thế chưa từng có, viết nên thiên anh hùng ca bất diệt trong “pho lịch sử bằng vàng” của dân tộc ta ở thời đại ngày nay.

Là nơi đạt đỉnh cao nhất trong phong trào cách mạng 1930-1931, Nghệ Tĩnh cũng từng chịu đựng khủng bố vô cùng khốc liệt của đế quốc và phong kiến. Chỉ vài tuần sau khi chính quyền Xô Viết hình thành, ở nhiều làng xã tại Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, đế quốc Pháp đã thẳng tay khủng bố, mở đầu bằng cuộc ném bom tàn sát nhân dân biểu tình ở Thái Lão, Hưng Nguyên ngày 12/9/1930, làm hàng trăm người bị chết và bị thương. Kẻ địch tưởng có thể dùng bom phá tan ngay được chính quyền Xô Viết, song chúng đã lầm to. Các vùng vẫn vừa chống khủng bố trắng, vừa duy trì chính quyền Xô Viết, thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường, đầy mưu trí, dũng cảm của nhân dân đưới sự lãnh đạo của Đảng ta.

Đánh giá về Xô Viết Nghệ Tĩnh, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ngay từ ngày mới ra đời, Đảng ta đã tổ chức và lãnh đạo một phong trào quần chúng lớn mạnh chưa từng có ở nước ta...Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong biển máu, nhưng xô Viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc cách mạng tháng Tám sau này”.

Xô Viết Nghệ Tĩnh đã để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý báu cả thành công và chưa thành công về kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, bất khuất, quật cường của dân tộc, quyết không cam chịu làm nô lệ; về tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo không được sao chép, giáo điều; về tình thế cách mạng, phải chớp đúng và vận dụng thời cơ; về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức lực lượng, đoàn kết toàn dân, thống nhất ý chí và hành động, tạo ra cao trào cách mạng trong cả nước...Đó là bài học góp phần quan trọng vào thắng lợi cách mạng nước ta suốt 65 năm qua, trong kháng chiến, kién quốc, cũng như trong sự nghiệp đổi mới công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ngày nay.

Truyền thống đấu tranh oanh liệt của Xô Viết Nghệ Tĩnh dã được Đảng bộ và nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh phát huy mạnh mẽ trong các thời kỳ cách mạng. Trong kháng chiến Đảng bộ và nhân dân Nghệ Tĩnh đã làm tròn nhiệm vụ hậu phương, cung ứng đến mức cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến, đánh thắng chiến tranh phá hoại, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần rất xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta...

Video