1592
771
3442
15827
34073
6824272
Cao trào đấu tranh của Công – Nông Việt Nam những năm 1930-1931 mà đỉnh cao của nó là sự xuất hiện các Xô Viết Công Nông ở Nghệ - Tĩnh đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam suốt 70 năm qua.
Một trong nhiều bài học quý báu đó là bài học liên minh Công Nông - một trong những bài học lớn, xuyên suốt bảo đảm cho Đảng ta phát động và tổ chức nhân dân thực hiện các mục tiêu cách mạng do Đảng ta đề ra, bảo đảm cho Đảng giữ được bá quyền lãnh đạo cách mạng trước đây cũng như hiện nay vẫn còn nguyên giá trị.
Chúng ta đều biết cao trào công nông toàn quốc những năm 1930-1931 nổ ra trong một bối cảnh lịch sử mà những mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa đế quốc xâm lược đã trở nên hết sức gay gắt, chín muồi cho sự bùng nổ một cao trào đấu tranh của Công Nông cả nước. Công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp ở Đông Dương để bù đắp lại những tổn thất ở chính quốc trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất đã đẩy tất cả các giai cấp, các tầng lớp nhân dân lao động vào sự cùng cực, không có lối ra. Tình cảnh bị áp bức đối với các giai cấp, các tầng lớp nhất là công nhân và nông dân lại càng trở nên bi thảm hơn bởi những kẻ “bảo hộ” trút gánh nặng của cuộc khủng hoảng kinh tế có quy mô toàn thế giới những năm 1929-1933 lên đầu nhân dân các thuộc địa. Bức tranh về tình cảnh Công – Nông ở Đông Dương được Hồ Chí Minh khắc họa “Người Việt Nam nói chung đều phải è cổ ra mà chịu những “Công ơn bảo hộ” của nước Pháp. Người nông dân Việt Nam nói riêng lại càng phải è cổ ra mà chịu sự bảo hộ ấy một cách thảm hại hơn. Là người Việt Nam họ bị áp bức; là người nông dân họ bị người ta ăn cắp, cướp bóc, tước đoạt làm phá sản” (Nguyễn Ái Quốc, Lên án chủ nghĩa thực dân, Nxb ST,H,1959, tr.74). Hai giai cấp đông đảo nhất ở Đông Dương thì công nhân bị bóc lột đến tận xương tủy, còn nông dân không chỉ mất đất mà còn rơi vào một tình cảnh không có lối ra bởi lẽ “nền kinh tế cũ thì phá hoại rất mau, mà công nghệ mới thì phát triển rất chậm, những người đói khổ và thất nghiệp không thể hóa ra công nhân hết mà phải đọng lại trong nhà quê” (Văn kiện Đảng 1929-1935, Nxb Sự thật, H.1964,tr.48).
Với sự ra đời chính đảng cách mạng của giai cấp Công nhân - Đảng Cộng sản Việt Nam cuộc đấu tranh một mất một còn chắc chắn sẽ bùng nổ đúng như Hồ Chí Minh đã tiên đoán: “Bây giờ căm hờn đã sục sôi trong lòng những người nô lệ và từ đây đế quốc Pháp không còn có thể bóc lột dân chúng Đông Dương mà không gặp những cuộc đấu tranh một sống một chết” (Nguyễn Ái Quốc, Đây công lý của thực dân Pháp ở Đông Dương, Nxb ST, H.1962, tr.15)
Cao trào Công Nông 1930-1931 đã nổ ra bắt đầu từ Nam bộ. Như một phản ứng dây truyền cao trào lan ra Trung bộ và Bắc bộ. Nhìn lại diễn biến của cao trào có thể nhận xét bước đầu là cao trào đã bắt đầu ở chính những nơi sự lãnh dạo của Đảng. Cao trào mạnh mẽ, quyết liệt ở những nơi có sự liên hệ, sự kết hợp của công nhân với nông dân ở Phú Riềng, ở Quảng Ngãi, ở Nghệ - Tĩnh, ở Nam Định.
Với những tư liệu mới, tư duy mới trong nghiên cứu lịch sử cách mạng Việt Nam cùng với độ lùi của thời gian, giới sử học nước ta đã ngày càng nhận rõ cao trào Công Nông 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra trong vòng ảnh hưởng của một sự chi phối lớn của đường lối tả khuynh “giai cấp chống giai cấp” đang tồn tại chính thống trong phong trào Cộng sản và Công nhân Quốc tế. Những biểu hiện của những sai lầm tả khuynh trong Xô Viết Nghệ - Tĩnh về tập hợp lực lượng, về việc giải quyết hai nhiệm vụ chống đế quốc với chống phong kiến, về hình thức và phương pháp đấu tranh hoàn toàn không chỉ do ấu trĩ, do thiếu kinh nghiệm ở một Đảng còn trẻ tuổi mà cái chính, cái gốc là sự hiện thực một cách trung thành, một cách máy móc đường lối của Quốc tế cộng sản lúc đó.
Là người sáng lập Đảng và có những đóng góp lý luận sắc sảo, đúng đắn thể hiện trong “Chính cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” được Hội nghị hợp nhất thông qua nhưng những tư tưởng chiến lược, sách lược của Hồ Chí Minh không được thực hiện trong cao trào 1930-1931 và Xô Viết Nghệ - Tĩnh, thậm chí còn bị phủ nhận và phê phán gay gắt trong Quốc tế cộng sản.
Giống như thái độ của K.Mác đối với công xã Pari, Hồ Chí Minh không tán thành chủ trương đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến để giành chính quyền ngay trong cao trào 1930-1931 và Xô Viết Nghệ - Tĩnh vì thời cơ chưa xuất hiện. Nhưng khi Xô Viết Nghệ - Tĩnh đã nổ ra và giành được chính quyền ở một số nơi, và những chủ trương của Người không được chấp nhận Hồ Chí Minh vẫn có những biểu dương kịp thời, đã chăm chú theo dõi, có những thông tin đến Quốc tế Cộng sản giúp cho các Đảng Cộng sản ở chính quốc, các phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc hiểu tình hình cuộc đấu tranh ở Đông Dương, làm dấy lên phong trào ủng hộ cách mạng Đông Dương trong phong trào cộng sản Quốc tế.
Vậy cái gì làm cho Nghệ -Tĩnh trở thành đỉnh cao của cao trào Công Nông 1930-1931? Không thể tìm ở nguyên nhân nào khác hơn đó là Đảng đã thực hiện được sự liên minh, tìm được tiếng nói chung của hai giai cấp chính - chủ nhân của thời đại mới.
Xứ uỷ Trung Kỳ và Đảng bộ Nghệ An – Hà Tĩnh đã thấy rõ đặc điểm của sự liên minh giai cấp một cách tự nhiên ở địa phương tạo ra trong những năm thực dân Pháp mở rộng khai thác ở Đông Dương sau chiến tranh thế giới Thứ nhất và việc trút gánh nặng khủng hoảng kinh tế xuống thuộc địa.
Là một nơi giai cấp công nhân tương đối tập trung đông đảo ở Vinh - Bến Thủy, nơi có đội ngũ công nhân đa dạng bao gồm công nhân Điện, Diêm, xe lửa, giao thông…giai cấp công nhân mà lãnh tụ chính trị của giai cấp là Đảng Cộng sản đã thấu hiểu tình cảm và gắn bó với nông dân trên cơ sở những quyền lợi chung. Nhiều công nhân xuất thân từ nông dân các vùng gần khu công nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ với nông dân và họ có chung một kẻ thù giai cấp là đế quốc Pháp cướp nước. Pháp lại cấu kết chặt chẽ với triều đình phong kiến, biến bọn quan lại, địa chủ ở địa phương là cơ sở xã hội, là tay chân của đế quốc để áp bức bóc lột và chống lại nhân dân. Do đó mục tiêu chính trị chống đế quốc là mục tiêu chung của Công – Nông. Độc lập dân tộc là mục tiêu chung của cả dân tộc đồng thời cũng là mục tiêu của giai cấp nông dân bởi vì chính đế quốc Pháp cũng là kẻ cướp đất và bảo trợ cho kẻ cướp đất của nông dân. Khi được Xứ ủy Trung Kỳ giác ngộ các đoàn thể Công hội, Nông hội đã liên lạc chặt chẽ với nhau. Công nhân Vinh - Bến Thủy đã cử nhiều cán bộ về giúp đỡ nông dân, hướng dẫn giác ngộ nông dân trong cuộc đấu tranh cho quyền lợi cụ thể của giai cấp mình.
Chính vì vậy các cuộc biểu tình của công nhân ở Vinh - Bến Thủy có đông đảo nông dân tham gia. Ngược lại khi phong trào đến đỉnh cao vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1930 với những cuộc biểu tình lớn ở Nam Đàn, Thanh Chương (Nghệ An), Can Lộc (Hà Tĩnh) có đông đảo công nhân tham gia. Nét bao trùm trong các khẩu hiệu đấu tranh là những khẩu hiệu chính trị. Các quyền lợi kinh tế cho giai cấp mình tuy có được đặt ra và được giải quyết một phần, tạo ra động lực trong việc tập hợp lực lượng, trong việc liên minh giai cấp nhưng chưa phải là chính.
Đối với nông dân vấn đề lớn nhất, cơ bản nhất là ruộng đất. Nhưng phong trào đấu tranh của công nông Nghệ - Tĩnh mới chỉ giải quyết vấn đề tịch thu ruộng công điền, lúa công chia cho nông dân. Số ruộng công tịch thu được trong hai tỉnh là 7.512 mẫu Trung bộ. Nhưng những quyền lợi mà giai cấp nông dân trong khi sát cánh cùng với công nhân đã đòi được là quyền lợi chính trị. Đó là việc đánh đổ uy thế chính trị của chủ nghĩa đế quốc và chính quyền phong kiến tay sai ở huyện, xã, làng, xóm. Đó là các quyền tự do dân chủ, quyền bình đẳng trong xã hội.
Sự liên minh giai cấp giữa công nhân và nông dân ở Nghệ Tĩnh đã đảm bảo cho Đảng nắm được phong trào, lãnh đạo duy trì được phong trào trong một thời gian tương đối dài. Chính quyền địch ở cơ sơ xã, thôn tan rã tạo điều kiện cho các xã bộ nông sau này chúng ta gọi là hình thức chính quyền Xô Viết thực hiện chức năng Nhà nước trong việc quản lý xã hội ở nông thôn Nghệ Tĩnh.
Liên minh công nông trong cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh là một thành công lớn được Quốc tế cộng sản xem như là một sự biểu hiện của một đảng Bôn sê vích là tiêu chí đánh giá sự trưởng thành của Đảng và công nhận Đảng ta là một bộ phận độc lập trực thuộc Quốc tế cộng sản trong Hội nghị toàn thể lần thứ XI của Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản năm 1931.
Phát huy truyền thống của Xô Viết Nghệ - Tĩnh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng bộ Nghệ An – Hà Tĩnh đã không ngừng quan tâm xây dựng và phát huy cao độ bài học liên minh Công Nông lên một tầm cao mới, sự quan tâm đến quyền lợi của giai cấp ngày càng rộng lớn, toàn diện hơn.
Liên minh Công Nông được hình thành từ Xô Viết Nghệ - Tĩnh không ngừng được củng cố và phát triển, trở thành nhân tố làm nên thắng lợi của Công Nông trong cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân, trong 30 năm tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương định hướng lên Chủ nghĩa xã hội.
Ngày nay trong công cuộc đổi mới vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trên con đường Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa vấn đề liên minh công nông đang được Đảng bộ Nghệ An, Hà Tĩnh quan tâm và phát huy cao độ.
Nếu trong cao trào 1930-1931 và Xô Viết Nghệ - Tĩnh liên minh Công Nông trước hết chủ yếu là dựa trên quyền lợi chính trị là chính thì nay mối liên minh ấy sẽ trở nên vững mạnh, là nền tảng của chế độ trên cơ sở một sự liên minh toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong đó đặc biệt chú trọng giải quyết những quyền lợi về kinh tế.
Trên con đường định hướng lên chủ nghĩa xã hội với tư cách là giai cấp đại diện cho một phương thức sản xuất tiên tiến nhất, đại diện cho cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, giai cấp công nhân luôn chăm lo đến lợi ích của nông dân, sát cánh cùng với giai cấp nông dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Bên cạnh sự gắn bó trong sự liên minh chính trị để thực hiện nhiệm vụ chung là bảo vệ nền Độc lập dân tộc, sự toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta và Hồ Chí Minh đã lựa chọn, giai cấp công nhân và nông dân còn cùng nhau kề vai sát cánh trong công cuộc đấu tranh giải phóng con người, đưa nhân dân đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong cuộc đấu tranh này mỗi giai cấp bên cạnh những mục tiêu chung còn có những quyền lợi riêng. Sự liên minh kinh tế trong việc giải quyết những vấn đề đặt ra cho giai cấp được đặc biệt quan tâm.
Trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai cấp công nhân hướng sự chú ý, sự ưu tiên của mình đến việc phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Công nghiệp hóa phải chú ý đến việc phục vụ cho yêu cầu cơ giới hóa nông nghiệp, điện khí hóa nông thôn, chú trọng đến việc xây dựng các cơ sở công nghiệp chế biến sản phẩm, biến sản phẩm từ khu vực sản xuất của nông dân trở thành hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải hướng đến giải quyết vấn đề xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội, chính sách xã hội đối với lực lượng nông dân phát huy tinh thần làm chủ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ổn định an ninh lương thực, chú trọng sản xuất ra sản phẩm phục vụ cho công nghiệp, thực hiện thắng lợi đường lối chính trị của Đảng, cùng giai cấp công nhân và trí thức trở thành nền tảng của chế độ mới. Trên con đường xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, tranh thủ sự hợp tác, hội nhập quốc tế, xu hướng toàn cầu hóa kinh tế, xu hướng đô thị hóa đang tác động lớn đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn Đảng ta đang từng bước hoàn thiện một hệ thống chính sách để củng cố khối liên minh chiến lược này. Việc đề ra chủ trương giao đất, giao rừng cho nông dân để ổn định sản xuất lâu dài, chú trọng đến lợi ích của người lao động, cùng với hệ thống các chính sách xã hội đã củng cố vững chắc khối liên minh công nhân – nông dân – trí thức.
Xô Viết Nghệ - Tĩnh là một trong những sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử cách mạng Việt Nam, là sự kiện khởi đầu cho sự toàn thắng của cách mạng nước ta trong thế kỷ XX. Bài học về sự liên minh công nông trong cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo vẫn và sẽ là bài học xuyên suốt có tính nguyên tắc trong lãnh đạo của Đảng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa đất nước ta vững bước vào thiên niên kỉ thứ ba – thiên niên kỷ của độc lập, tự do, ấm no hạnh phúc.
TS. Trình Mưu