Phan Thái Ất với cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2009-01-08 03:12:00

Những năm 1930-1931, chính quyền Xô Viết với cách gọi của cán bộ và quần chúng cách mạng lúc bấy giờ là “Xã bộ nông” đã xuất hiện đầu tiên ở các vùng nông thôn Nghệ An thuộc các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn…Vì vậy có tài liệu hồi đó đã gọi chính quyền Xô Viết ở Nghệ Tĩnh là “Xô Viết nông dân” (để phân biệt với Xô Viết công nhân hoặc chủ yếu là công nhân thành thị và binh sĩ). Đó là một nét độc đáo của Xô Viết Nghệ Tĩnh. Vì sao chính quyền Xô Viết xuất hiện ở nông thôn ? Điều đó có nguồn gốc sâu xa.

਍ഀ

Qua hoạt động của một con người cụ thể là Phan Thái Ất, chúng ta có thể lý giải được vấn đề đó.

਍ഀ

Phan Thái Ất với các bí danh là Tân, Bạch, Hồng Sơn sinh năm 1894, trong một gia đình nông dân thuộc làng Dương Xuân, tổng Đặng Sơn, phủ Anh Sơn (nay là xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn), tỉnh Nghệ An. Đây là vùng đất nhiều đồi núi, có cây đặc sản là chè xanh (chè Gay); nhân dân có truyền thống cần cù, tiết kiệm, có tính cương trực, khảng khái, giàu lòng yêu nước và đức hy sinh vì nghĩa lớn. Thời xưa, dân vùng Gay (Lĩnh Sơn, Anh Sơn) nổi tiếng là “cứng đầu”. Hồi còn thiếu niên, Phan Thái Ất đã từng được chứng kiến cảnh bà con nông dân bắt trói lão chánh tổng giải lên huyện “trả cho quan huyện”, vì y phạm tội tham nhũng. Sở dĩ Phan Thái Ất nhớ được lâu vì người đi đầu cầm đơn tố cáo lên huyện chính là cậu ruột của Phan Thái Ất. Cũng như nhiều vùng khác ở Nghệ An, Hà Tĩnh, vùng quê Lĩnh Sơn của Phan Thái Ất thường nổi lên những cuộc đấu tranh gay gắt giữ hai phe hào và hộ. Phe hào bao gồm bọn hào lý đương chức và những nhà giàu có thế lực. Phe hộ bao gồm nông dân cùng một số ít thuộc tầng lớp trên nhưng bị lép vế. Nội dung những cuộc đấu tranh giữa phe dân và phe hào lý là chống tham nhũng, phù thu lạm bổ, nổi cộm là vấn đề ruộng đất công.

਍ഀ

Có thể nói, mâu thuẫn sâu sắc giữa phe hộ và phe hào được biểu hiện bằng những cuộc đấu tranh quyết liệt giành ruộng đất công – là khâu yếu nhất trong guồng máy xã hội thực dân - phong kiến mà các tổ chức yêu nước và cách mạng có thể đột phá vào đó để tạo động lực thúc đẩy phong trào cách mạng. Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương đã ghi: “…Ruộng đất công từ nhiều năm trước đã là vấn đề tranh chấp giữa phe hộ và phe hào. Gần đây (1928), các tiểu tổ Tân Việt lại nhằm đúng vào những yêu cầu bức bách ấy của quần chúng để kêu gọi họ đấu tranh. Nông dân các làng Hoa Quân, Thường Long, Phủ Lập (1926), Xuân Tường, Phong Nậm (1927), Cao Điền, Đức Nhuận, Cát Ngạn, Diên Tràng (1928), Tiên Hội, Hạnh Lâm, Cao Điền (1929) đấu tranh đòi bỏ việc tế lễ xôi thịt, đòi lại ruộng đất công, tiền lúa công. Có nơi gửi đơn kiện lên tri huyện, lên cả triều đình. Có những vụ kiện kéo dài suốt 10 năm, bà con nông dân góp tiền bạc, cử người vào tận Huế kêu kiện…”

਍ഀ

Các cuộc đấu tranh giữa phe hộ với phe hào đã được thể hiện qua những bài vè sinh động:

਍ഀ

Hào lý làm việc cho Tây
਍ഀ Tây no, Tây báo các thầy mới no
਍ഀ Phận dân, dân liệu, dân lo.
਍ഀ (Vè Nam Giang)

਍ഀ

Chính Phan Thái Ất, người đã từng được hun đúc trong môi trường tranh đấu của phe dân đối với hào, đặc biệt là vấn đề ruộng đất công.

਍ഀ

Những năm 1923-1924, tại Nghệ An có phong trào vận động thanh niên xuất dương sang Xiêm học tập, lao động, rèn luyện ở Trại Cày của Đặng Thúc Hứa, lúc bấy giờ Phan Thái Ất đã nuôi chí lớn. Anh đã bỏ học và cùng các bạn Cao Xuân Khoách, Hoàng Khắc Bạt lập ra tổ Tâm giao để quyên góp tiền của ủng hộ phong trào xuất dương. Táo bạo hơn, Phan Thái Ất cùng các bạn đã xin ruộng đất gia đình đem bán lấy tiền để lập một “Trại Cày” ở bãi Lơi Lơi thuộc làng Dương Xuân; đồng thời mở hiệu buôn Yên Xuân để thu hút thanh niên tiến bộ trong vùng vào những hoạt động ái quốc.

਍ഀ

Đến cuối năm 1926, Phan Thái Ất cùng các bạn trong tổ Tâm giao đã được các đồng chí Võ Mai, Dương Đình Thuý giới thiệu, kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (tên gọi tắt là Hội Thanh niên ). Từ đó, Phan Thái Ất cùng các đồng chí trong tiểu tổ Thanh niên trở thành hạt nhân nòng cốt trong việc phát triển tổ chức Hội Thanh niên ở huyện Anh Sơn.

਍ഀ

Sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Bắc Kỳ (17-6-1929), đồng chí Võ Mai, Uỷ viên Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung kỳ đã lên Anh Sơn thành lập chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở làng Dương Xuân do đồng chí Phan Thái Ất làm Bí thư chi bộ. Đây là một trong 4 chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở Trung Kỳ.

਍ഀ

Sau khi đồng chí Võ Mai vào công tác vùng miền Trung Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc từ trong ấy ra hoạt động ở Bắc Trung Kỳ. Được Võ Mai giới thiệu, Nguyễn Phong Sắc đã gặp gỡ Phan Thái Ất. Tìm hiểu nông thôn Nghệ Tĩnh qua khảo sát thực tế một số vùng như Thanh Chương, Anh Sơn và qua trao đổi với những cán bộ giàu kiến thức thực tiễn như Phan Thái Ất, Lê Mao, Nguyễn Phong Sắc đã đặc biệt chú ý đến phong trào đấu tranh ở nông thôn giữa phe hộ với phe hào, nhất là vấn đề ruộng đất công.

਍ഀ

Tất nhiên, với tầm nhìn của một cán bộ lãnh đạo Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, Nguyễn Phong Sắc vẫn coi trọng việc thúc đẩy phong trào đấu tranh của công nhân vùng Vinh - Bến Thuỷ, song, đồng chí đã nhận rõ khâu yếu nhất trong guồng máy xã hội thực dân phong kiến ở Nghệ Tĩnh là ở vùng nông thôn với các cuộc đấu tranh không khoan nhượng của phe hộ đối với phe hào nhằm giành lại ruộng đất công bị hào lý chiếm đoạt.

਍ഀ

Tháng 11-1929, Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ đã tổ chức một cuộc hội nghị thành lập Ban Chấp hành Tổng Nông hội Nghệ An. Phan Thái Ất được bầu làm Bí thư Tổng Nông hội Nghệ An.

਍ഀ

Sau khi nhận trọng trách Bí thư Tổng Nông hội Nghệ An, Phan Thái Ất đã đi xây dựng tổ chức và phát động phong trào đấu tranh ở các huyện Thanh Chương, Yên Thành, Diễn Châu…Có lần, Phan Thái Ất và Trần Hữu Thiều đã bị tên Chánh Kỳ ở Thanh Chương bắt giải về huyện, nhưng đồng chí đã dùng tài thuyết phục của mình, đánh trúng tâm lý sợ cộng sản của y, nên cuối cùng đã thoát hiểm. Do hoạt động tích cực của Phan Thái Ất, cơ sở Đảng ở Thanh Chương được hình thành và phát triển rất nhanh.

਍ഀ

Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương có ghi: “Cùng với phong trào trong tỉnh, cơ sở Hội Thanh niên ở Hạnh Lâm, La Mạc được các đồng chí Phan Thái Ất và Trần Hữu Thiều bắt liên lạc, chuyển thành chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên gồm 7 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Đình Sòng làm Bí thư. Chi bộ đã nhanh chóng xây dựng được các tổ chức nông hội ở các làng Hạnh Lâm, Cát Ngạn, Cao Điền, Tiên Hội”.

਍ഀ

Những hoạt động không biết mệt mỏi của Phan Thái Ất đã làm cho tổ chức Đảng và nông hội ở các vùng nông thôn trong tỉnh phát triển mạnh. Riêng huyện Anh Sơn, đến cuối năm 1929 đã có 10 chi bộ Đảng (Dương Xuân, Phú Lĩnh, Vĩnh Yên, Đa Thọ, Tri Lễ, Lãng Điền, Lương Sơn, Yên Lương, Long Điền, Thuần Trung). Đồng thời, nhiều tổ nông hội và thanh niên “Xích sắc” cũng được hình thành ở nhiều nơi.

਍ഀ

Chính những tổ chức Đảng, nông hội cùng các đoàn thể quần chúng cách mạng khác là nhân tố chủ yếu thúc đẩy phong trào phát triển lên đỉnh cao với sự xuất hiện chính quyền Xô Viết ở nhiều vùng nông thôn rộng lớn trong hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh,

਍ഀ

Sở dĩ chính quyền Xô Viết xuất hiện ở nông thôn là do các cấp bộ Đảng từ Xứ uỷ xuống cơ sở đã biết đột phá vào khâu yếu nhất của guồng máy xã hội ở Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ là mâu thuẫn giữa phe hộ và phe hào, đặc biệt là vấn đề ruộng đất công. Thực tế đã chứng minh, vùng nào đã từng có nhiều cuộc đấu tranh gay gắt giữa phe hộ và phe hào thì chính quyền Xô Viết thành lập sớm nhất và rộng diện nhất như các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn…

਍ഀ

Phan Thái Ất không những đã có những thành tích đáng kể đối với phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh mà còn có đóng góp không nhỏ đối với phong trào cách mạng ở các tỉnh miền Trung Trung Kỳ. Đầu năm 1930, sau khi đã gây dựng được nhiều cơ sở Đảng và tổ chức quần chúng cách mạng như nông hội, thanh niên “xích sắt”… ở nhiều nơi trong tỉnh Nghệ An, Phan Thái Ất được Xứ uỷ Trung kỳ cử vào công tác ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định (cùng với Võ Mai, Trần Toản đã vào trước đó).

਍ഀ

Mới đến một nơi xa lạ chưa thuộc địa lý và chưa quen phong tục tập quán, Phan Thái Ất gặp nhiều khó khăn trong công tác. Nhưng đồng chí đã khéo ngụy trang che mắt địch bằng cách đóng các vai thầy đồ dạy học và thầy thuốc đi chữa bệnh cho dân ở khắp nơi. Là một cán bộ nông hội, đã quen công tác xây dựng tổ chức cách mạng ở quê hương Xứ Nghệ, Phan Thái Ất đã thâm nhập sâu sát vào các tầng lớp quần chúng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng và đặc biệt đã góp phần thành lập Tỉnh uỷ Lâm thời tỉnh Quảng Ngãi.

਍ഀ

Khi cao trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh phát triển lên đỉnh cao với việc xuất hiện chính quyền Xô Viết ở nông thôn, nhận được chỉ thị của Xứ uỷ Trung Kỳ, Phan Thái Ất đã cùng Tỉnh uỷ Quảng Ngãi tổ chức được nhiều cuộc đấu tranh bằng hình thức mít tinh, biểu tình, nổi bật nhất là cuộc biểu tình của nhân dân huyện Đức Phổ ngày 16-8 Canh Ngọ (tức 8-10-1930). Cuộc biểu tình này bắt đầu từ Phổ Phòng, Phổ Thuận huyện Đức Phổ với trên 3000 người có vũ trang tự vệ xông vào huyện đường, dán truyền đơn lên tường, hô vang các khẩu hiệu cách mạng. Tri huyện cùng nha lại, lính tráng hoảng sợ bỏ chạy hết. Quần chúng liền đập phá công đường, tiêu huỷ hồ sơ án từ, giải phóng tù nhân và giải phóng huyện lỵ. Các cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn ở các nơi khác vào các ngày sau. Đáng chú ý là trong yêu sách của đoàn biểu tình có khẩu hiệu: “Chống khủng bố đồng bào Nghệ Tĩnh ! Không được động đến công nông Nghệ Tĩnh !”.

਍ഀ

“Lời vừa dứt tiếng hoan hô như sấm.
਍ഀ Người người tay đưa quả đấm lên cao
਍ഀ Miệng thét to: “Giảm thuế, giảm xâu
਍ഀ Chống khủng bố đồng bào Nghệ Tĩnh!..”

਍ഀ

Đây chính là cuộc biểu tình đầu tiên mở đầu cao trào cách mạng 1930-1931 ở Quảng Ngãi, với ý nghĩa ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Phong trào Quảng Ngãi lên cao là do nhiều nhân tố, trong đó có vai trò lãnh đạo của Xứ uỷ Trung kỳ mà người trực tiếp chỉ đạo là Phan Thái Ất .

਍ഀ

Với những thành tích đã đạt được trong cao trào cách mạng 1930-1931 ở vùng Bắc và Trung Trung Kỳ, Phan Thái Ất đã được hội nghị Xứ uỷ Trung Kỳ họp ngày 25-6-1931 bầu là uỷ viên Xứ uỷ (cùng với Lê Xuân Đào tức Phương và Nguyễn Xuân Thanh, tức Chắt Bảy, Yên Xuân). Ngay sau khi bầu cử bổ sung uỷ viên Xứ uỷ, Phan Thái Ất được Xứ uỷ chỉ định về Vinh làm công tác thường trực tại cơ quan Xứ uỷ. Đồng chí đã xin phép trở vào bàn giao công việc rồi sẽ trở ra nhận nhiệm vụ mới. Nhưng không may, đồng chí đã bị sa lưới địch tại QuảngNgãi vào ngày 22-7-1931. Thực dân Pháp đã kết án tử hình Phan Thái Ất, sau hạ xuống tù chung thân, giam tại nhà đày Buôn Ma Thuột rồi chuyển ra Côn Đảo,

਍ഀ

Đời hoạt động cách mạng của Phan Thái Ất còn dài và có những sự kiện đặc biệt quan trọng, mà trong thời điểm hiện nay, chúng ta chưa được phép trình bày công khai. Tuy nhiên, chỉ tính riêng thời gian hoạt động từ giữa năm 1929 đến giữa năm 1931, Phan Thái Ất đã có những thành tích nổi bật đối với phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh nói riêng và cao trào cách mạng trong cả nước nói chung.

਍ഀ

Là Bí thư của một trong 4 chi bộ đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ, là Bí thư Tổng Nông hội Nghệ An, là cán bộ của cơ quan Xứ uỷ rồi trở thành uỷ viên Xứ uỷ Trung kỳ, Phan Thái Ất đã có đóng góp xứng đáng cho phong trào cách mạng ở Nghệ An và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định.

਍ഀ

Chính đồng chí Võ Mai, một trong ba người chủ chốt của Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung kỳ đã tha thiết yêu cầu đồng chí Nguyễn Phong Sắc cử đích danh Phan Thái Ất vào miền Trung Trung Kỳ để cùng hợp lực đẩy mạnh phong trào cách mạng ở trong đó. Đến khi lực lượng của Xứ uỷ bị mỏng do địch khủng bố trắng (các đồng chí Lê Mao, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc lần lượt hy sinh, một số khác thì bị tù dài hạn), chính đồng chí Lê Viết Thuật, Bí thư Xứ uỷ cuối cùng trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã giới thiệu Phan Thái Ất bổ sung vào đội ngũ uỷ viên Xứ uỷ và điều động đồng chí về Thường trực Xứ uỷ.

਍ഀ

Những việc trên đã chứng tỏ Phan Thái Ất đựơc sự tín nhiệm cao của lãnh đạo Xứ uỷ Trung kỳ.

਍ഀ

Phan Thái Ất thật xứng đáng là tấm gương cộng sản tiêu biểu của đất Hồng Lam, của quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh, đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930-1931 do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. 

਍ഀ

Bùi Ngọc Tam
਍ഀ Nhà nghiên cứu lịch sử

Video