Phan Thái Ất (1894-1967)

Tác giả: admin
Ngày 2010-05-24 14:22:05

Phan Thái Ất sinh năm 1894 tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Từ thưở thiếu thời, Phan Thái Ất đã từng nghe thấy bao chuyện đấu tranh diễn ra trên quê hương mình. Ấn tượng để lại sâu sắc trong anh là cuộc nổi dậy của dân làng bắt trói viên chánh tổng bỏ vào thùng gánh lên phủ Anh Sơn tố cáo tội tham nhũng của y và đòi giảm sưu thuế. Tiếp đó, họ rủ nhau mang cào cuốc đến san phẳng ấp trại của tên thầy tu người Pháp để giành lại ruộng đất bị chiếm đoạt. Rồi những cuộc đấu tranh giữa phe hộ và phe hào diễn ra trong làng xã. Sẵn có mối thù của gia đình, cha tham gia phong trào yêu nước bị giặc Pháp bắt giam, mẹ bị chúng đánh trọng thương ở đầu vì ủng hộ nghĩa quân nên Phan Thái Ất tiếp thụ nhanh chóng truyền thống đấu tranh quật cường của nhân dân.

Vào khoảng năm 1823-1924, nhân có phong trào vận động thanh niên sang “Trại Cày” của cụ Đặng Thúc Hứa ở Xiêm (Thái Lan), Phan Thái Ất bỏ học, cùng với bạn lập ra hội Tâm giao quyên góp tiền bạc ùng hộ phong trào. Học tập các sĩ phu, anh và các bạn xin ruộng đất gia đình đem bán lấy tiền để lập một “Trại Cày” ở bãi Lơi Lơi và mở hiệu buôn Yên Xuân làm nơi tập hợp những thanh niên có xu hướng tiến bộ trong vùng đến đọc sách báo và bàn việc đánh Pháp. 

Cuối năm 1925, hội Tâm giao của Phan Thái Ất bắt được liên lạc với Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, tức Hội Thanh niên. Phan Thái Ất và phần lớn hội viên trong hội Tâm giao trở thành hạt nhân đầu tiên của Hội. Hiệu buôn Yên Xuân chuyển thành trung tâm liên lạc giữa Anh Sơn với thành phố Vinh.

Đến giữa năm 1929, tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng vào xây dựng cơ sở ở Nghệ Tĩnh. Chi bộ Hội Thanh niên của Phan Thái Ất được Đông Dương Cộng sản Đảng bắt liên lạc, xây dựng thành nòng cốt cho việc vận động thành lập Đảng ở Nghệ - Tĩnh. Ngoài việc tham gia in truyền đơn, tuyên ngôn của Đảng phân phát đi các nơi, Phan Thái Ất cùng với các đồng chí trong chi bộ hăng hái đi về các làng xã vận động thành lập đoàn Thanh niên xích sắc và các tổ chức tương tế, ái hữu để làm cơ sở cho việc thành lập chi bộ Đảng.

Tháng 11 năm 1929, Kỳ bộ Trung kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng triệu tập hội nghị thành lập Tổng nông hội Nghệ An, đồng chí Phan Thái Ất được kỳ bộ chỉ định làm Bí thư. Với nhiệm vụ ấy, đồng chí đã bắt liên lạc xây dựng cơ sở tổ chức ở các phủ huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Yên Thành, Diễn Châu…Đồng chí hoạt động say sưa, bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm. Có lần, cùng với Trần Hữu Thiều sang công tác ở Thanh Chương, bị tên phó lý làng La Mạc bắt tại chợ Chùa, nhân lúc đồng bào đi chợ kéo đến xem, đồng chí nhảy lên mô đất diễn thuyết tuyên truyền cách mạng. Tên phó lý thúc đoàn phu bắt trói đồng chí. Đồng chí thẳng thắn cảnh báo bọn chúng:
- Đối với cách mạng, chúng tôi chẳng qua là một cái lá cây trong rừng rậm. Cây còn thì lá còn. Các ông không thể hái hết được lá cây trên rừng đâu. Tôi khuyên các ông không nên làm việc “lấy gậy chống trời” mà để hối hận về sau cho con cháu…
Thấy đồng chí nói có lý, trên đường giải về huyện đường Thanh Chương, người đoàn phu đã để đồng chí trốn thoát.

Cuối năm đó, nhiều làng xã ở Anh Sơn, Thanh Chương…Thanh niên xích sắc nổi lên chống mê tín dị đoan, chống bọn hào lý bắt dân góp tiền cúng tế xôi thịt. Tiếp đó, các đồng chí trong chi bộ Tri Lễ trừng trị tên mật thám làm tay sai cho Pháp. Địch tập trung khủng bố, nhiều cán bộ đảng viên và quần chúng bị bắt, Phan Thái Ất cũng bị truy nã. Để bảo vệ cán bộ, Kỳ bộ Trung kỳ điều động đồng chí vào hoạt động ở các tỉnh miền trung Trung Kỳ.

Để che mắt địch, khi thì khoác áo một thầy đồ đi tìm nơi dạy học, lúc thì đóng vai một thầy thuốc xứ Nghệ, đồng chí đi vào các tỉnh tìm nhân mối liên lạc, xây dựng cơ sở Đảng, nhen nhóm phong trào. Đồng chí đã đến nhiều phủ huyện ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Tháng 5 năm 1930, Phan Thái Ất cùng với đồng chí Nguyễn Nghiêm - một chiến sĩ cộng sản người Quảng Ngãi trực tiếp xây dựng cơ sở Đảng ở tỉnh Quảng Ngãi. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Tỉnh uỷ lâm thời tỉnh Quảng Ngãi thành lập và phát động quần chúng đấu tranh theo các khẩu hiệu của Đảng.

Giữa tháng 9 năm 1930, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh phát triển tới đỉnh cao chưa từng có. Nhận được chỉ thị của Phân cục Trung ương Trung kỳ, đồng chí cùng với Tỉnh uỷ Quảng Ngãi phát động phong trào quần chúng vùng dậy đấu tranh để ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tại các cuộc mit tinh của 3000 nhân dân huyện Đức Phổ ngày 8 tháng 10 năm 1930, đồng chí thay mặt Tỉnh uỷ Quảng Ngãi đứng ra hiệu triệu quần chúng đấu tranh. Sau khi vạch tội ác của đế quốc Pháp và Nam triều đối với nhân dân Việt Nam, đồng chí kêu gọi công - nông - binh xiết chặt tay nhau giành quyền lợi chung phá tan ách nô lệ.
Buổi diễn thuyết của đồng chí đã kích động mạnh mẽ tinh thần cách mạng sẵn có của nhân dân Quảng Ngãi, một trong những địa phương có bề dày truyền thống yêu nước, chống Pháp. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, hàng ngàn quần chúng biểu tình đã kéo lên huyện đường Đức Phổ đưa yêu sách. Tri huyện, nha lại bỏ trốn. Nhân dân tràn vào phá nhà giam, nhà riêng viên tri huyện và đốt hết giấy tờ, sổ sách trong công đường rồi giải tán. Sau Đức Phổ, nhân dân các huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức cũng liên tiếp nổi dậy biểu tình. Từ Quảng Ngãi, phong trào lan dần sang các tỉnh khác tạo thành cao trào cách mạng ở các tỉnh miền trung Trung kỳ, phối hợp hành động với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Hoảng hốt trước cơn bão táp cách mạng, thực dân Pháp và Nam triều tập trung lực lượng đàn áp. Ngày 17 tháng 2 năm 1931, đồng chí Nguyễn Nghiêm bị bắt, Quảng Ngãi mất liên lạc với Xứ uỷ. Tình hình hết sức khó khăn. Trong hoàn cảnh ấy, Phan Thái Ất không chịu bó tay, kiên trì lãnh đạo số đồng chí còn lại tiếp tục duy trì phong trào.

Ngày 22 tháng 7 năm 1931, Phan Thái Ất bị sa lưới địch. Bọn thực dân Pháp đưa đồng chí vào giam ở nhà lao Quảng Ngãi, nơi trước đó không lâu, người anh họ của đồng chí đã hy sinh. Dụ dỗ, tra tấn mãi không đem lại kết quả gì, tên tuần vũ Quảng Ngãi mượn tiếng “cách mạng quốc gia” mơn trớn đồng chí: 
- Trước đây tôi cũng có hoài bão như các anh, nhưng sau thấy chưa có cơ hội, đành phải sống như thế này cho còn con người để chờ thời cơ. Tôi khuyên anh cũng nghĩ như vậy.
Phan Thái Ất điềm tĩnh trả lời:
- Cách “chờ thời cơ” của hạng người “cách mạng” như ông, chúng tôi đã biết thừa. Những người cộng sản chúng tôi thà chết chứ không thèm làm những việc nhơ bẩn như các ông.
Tên Li-véc-xê, chánh mật thám Trung kỳ gọi đồng chí lên bàn giấy tán tỉnh:
- Làm cách mạng là đúng, nhưng làm cộng sản là bậy. Tôi đã sang nước Nga, ở bên ấy lộn xộn lắm…
Đồng chí ngắt lời hắn:
- Tôi chưa sang nước Nga, nhưng tôi biết nước Nga không có người thất nghiệp, không có áp bức….như nước các ông. Ông nói cộng sản nước Nga lộn xộn, tại sao họ lại đánh bại được 14 nước đế quốc, trong đó có nước Pháp?
Nói chuyện trực tiếp không có lợi, hắn nêu câu hỏi bắt đồng chí viết bản trả lời. Dựa vào các câu hỏi của hắn nêu ra, đồng chí viết bản tố cáo tội ác của thực dân Pháp và vạch trần luận điệu nói xấu cách mạng, nói xấu cộng sản với bọn chúng.
Nhận được bản viết của Phan Thái Ất, Li-véc-xê tức tốc gọi đồng chí đến dọa:
- Anh nghĩ như thế nào về những việc làm của anh vừa qua?
- Tôi cho đó là việc làm chính nghĩa.
- Còn tính mạng của anh?
- Sống chiến đấu cho Đảng, cho cách mạng, chết cũng vì Đảng, vì cách mạng
- Anh có tin chủ nghĩa cộng sản thành công không?
- Tôi tin một trăm phần trăm!

Ngày 26 tháng 8 năm 1931, thực dân Pháp kết án tử hình Phan Thái Ất, nhưng bị dư luận phản đối, bọn chúng hạ xuống án chung thân và đày vào nhà lao Buôn Ma Thuột. Vào đây chưa được bao lâu, nhân cuộc đấu tranh của anh em tù, bọn chúng lại chuyển đồng chí ra nhà tù Côn Đảo.

Bọn chúa ngục Côn Đảo đưa Phan Thái Ất xuống giam ở “hầm xay lúa” cùng với nhiều chiến sĩ cộng sản mà chúng cho là “cứng đầu”. Tại đây đồng chí tham gia sinh hoạt chi bộ đảng và tiếp tục chiến đấu. Sống trong ngục tù đen tối của thực dân Pháp, nhiều đồng chí đã hy sinh. Số còn lại, ai nấy đều ốm yếu không còn ra hình người. Ăn uống khổ sở, lao động mệt nhọc, bệnh tật uy hiếp thường xuyên. Có lần bệnh sốt rét và kiết lỵ lan tràn trong nhà tù. Trước sự đấu tranh của anh em tù, bọn cai ngục phát cho mỗi đồng chí hai viên ky - ninh để uống phòng. Thấy đồng chí Lương Nhưng sức khoẻ kém hơn mình, đồng chí Phan Thái Ất tìm cách giấu hai viên thuốc đó rồi trao cho đồng chí Lương Nhưng.

Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Đông Dương, tình hình thay đổi có lợi cho cách mạng, Đảng ta phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền. Nhận được tin này, chi bộ nhà tù bàn kế hoạch chiếm đánh Côn Đảo khi thời cơ đến. Mọi việc đang được khẩn trương chuẩn bị thì ngày 23 tháng 9, một đoàn tàu, thuyền, ca nô của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà giương cao cờ đỏ sao vàng tiến ra Côn Đảo đón anh em tù chính trị về đất liền. Đồng chí Phan Thái Ất được cho về quê nhà điều trị sức khoẻ nhưng đồng chí một mực tình nguyện ở lại công tác và được Đảng giao nhiệm vụ sang giúp nước bạn xây dựng cơ sở kháng chiến.

Suốt 7 năm chiến đấu trên đất nước bạn, khó khăn thiếu thốn mọi bề, đồng chí Phan Thái Ất vừa chiến đấu với bệnh tật, vừa đối phó với âm mưu phá hoạt của địch để công tác. Nhờ kiên trì bám trụ, đồng chí đã cùng với đoàn công tác giúp bạn xây dựng được hệ thống tổ chức cách mạng từ Trung Ương đến địa phương, làm cơ sở cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

Đến năm 1961, đồng chí được Trung Ương Đảng và Chính phủ cho về nghỉ hưu tại quê nhà.
Mặc dù đã ngoài bảy mươi tuổi, bệnh tật hoành hành nhưng đồng chí Phan Thái Ất vẫn giữ vững tinh thần cách mạng trong sáng của một chiến sĩ cộng sản lão thành. Ngay cả lúc nằm trên giường bệnh, đồng chí vẫn lạc quan cách mạng và luôn quan tâm đến mọi người.

Do hậu quả của tra tấn, tù đày, vết thương ở phổi lại tái phát. Mặc dù được Trung Ương Đảng và Đảng bộ tỉnh nhà tận tình chạy chữa nhưng đồng chí không qua nổi cơn bệnh hiểm nghèo và đã qua đời tại bệnh viện Nghệ An vào ngày 29 tháng 6 năm 1967.

Để ghi nhớ công lao của đồng chí Phan Thái Ất đối với sự nghiệp cách mạng, Chính phủ đã tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba và Huân chương Kháng chiến hạng nhất cho đồng chí.

Video