Phan Hữu Khiêm (1905 – 1984)

Tác giả: admin
Ngày 2014-09-18 01:18:58

Phan Hữu Khiêm ( bí danh là Hoa) sinh ngày 25 tháng 9 năm 1905 tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nho học. Thân phụ là ông Phan Bá Viễn ( tức Phan Hữu San), là thầy dạy chữ hán. Thân mẫu là bà Dương Thị Huệ làm nghề dệt lụa. Thời thơ ấu, cậu bé Khiêm sống trong hoàn cảnh thật đáng thương, mới được 15 ngày tuổi thì mẹ mất, lên 6 tuổi cha ông cũng chẳng may qua đời. Ba chị em sống côi cút, may được ông nội đón về nuôi và cho học chữ hán. Mười tuổi ông nội và bà dì kế mất, thương cháu bơ vơ, côi cút nên ông chú đã đưa 3 chị em về cưu mang. Phan Hữu Khiêm được chú tạo điều kiện cho học tiếp trường Pháp - Việt vì cậu học rất giỏi. Đến 15 tuổi thì cậu phải bỏ học để làm đồng giúp chú.

Gia cảnh như vậy nên vừa tròn 19 tuổi, Khiêm đã lập gia đình, anh chí thú làm ăn và ít giao du với mọi người. Thi thoảng Khiêm có đến nhà các đồng chí: Phạm Diên, Dương Đình Thúy, Dương Ngọc Liễn, Dương Vũ Toản là những người trong xóm để nghe các anh kể chuyện cũng như mượn sách đọc nâng cao kiến thúc. Những đồng chí này vốn đã được đồng chí Hoàng Ngọc Ân, cán bộ của tổ chức Hội Việt nam cách mạng Thanh niên giác ngộ nên Phan Hữu Khiêm cũng thấm dần tư tưởng cách mạng. Những năm 1928 và 1929 Phan Hữu Khiêm tham gia hoạt động trong “nhóm đọc sách báo”, “tổ truyền bá quốc ngữ” nhằm tuyên truyền tư tưởng tiến bộ và phổ biến những bài ca yêu nước như “Chiêu hồn nước”, “Huyết lệ thư” cho bà con trong làng.

Với những hoạt động tích cực đó, ngày 10 tháng 8 năm 1930 Phan Hữu Khiêm được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam. Sau lễ kết nạp, đồng chí nhận công tác tổ trưởng Đảng rồi trưởng thành rất nhanh làm Bí thư chi bộ xã Quỳnh Đôi. Thời gian này, thực dân Pháp khủng bố gắt gao, với vai trò huyện ủy viên, Phan Hữu Khiêm đã bằng mọi cách đưa phong trào cách mạng Quỳnh Lưu thoát khỏi những đợt càn quét của địch. Mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng trước chính sách khủng bố trắng hết sức tàn bạo của địch, cuối năm 1931 toàn huyện Quỳnh Lưu đã có 20 cán bộ hy sinh và trên 20 người khác bị bắt giam, trong đó có đồng chí Phan Hữu Khiêm và Hồ Ngọc Diệu. Hai đồng chí bị kết án 5 năm tù tại nhà Lao Vinh.

Cuối năm 1935 vừa mới ra tù, Phan Hữu Khiêm đã lao ngay vào việc bắt nối liên lạc hoạt động với các cơ sở cách mạng. Ngày 13 tháng 9 năm 1936, Tỉnh ủy Nghệ An mở Hội nghị ở Nghi Lộc quán triệt tình hình mới nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương và Quốc tế cộng sản – tập trung mũi nhọn đấu tranh chống phát xít, đòi quyền dân sinh, dân chủ. Xét thấy Nghĩa Đàn là một trong những huyện còn non yếu vê phong trào cách mạng nên Tỉnh ủy đã quyết định điều Phan Hữu Khiêm lên Nghĩa Đàn hoạt động. Ngày 1/5/1939, Huyện ủy Nghĩa Đàn tổ chức một cuộc mít tinh tại hang đền Rú Ấm (xã Nghĩa Khánh) nhằm tiếp tục duy trì khí thế cách mạng của quần chúng, các đồng chí Phan Hữu Khiêm, Phạm Đức Nhuận được giao nhiệm vụ bí mật lãnh đạo cuộc mít tinh, còn Phan Duy Hiến và Trần Ngọc Cán làm nhiệm vụ tổ chức, điều hành công khai. Cuộc mít tinh đã thành công với trên 200 người tham gia.

Tháng 8/1939, nhà đồng chí Trần Ngọc Cán- địa điểm liên lạc của Huyện ủy và các cơ sở khác ở Thọ Lộc, Cự Lâm bị tri huyện Nguyễn Xuân Liên đưa người đến khám xét. Sau vụ đó, đồng chí Cán bịm quản thúc ở huyện còn các đồng chí khác như: Phan Đình Lại, Nguyễn Đình Thạc, Phan Hữu Khiêm, Trần Mật bị chúng bắt đưa về nhà Lao Vinh.

Trong nhà tù Đế quốc, dù bị tra tấn dã man đồng chí vân kiên trinh, bảo vệ cơ sở cách mạng đến cùng. Thực dân Pháp kết án đồng chí 3 năm tù.

Đầu năm 1942 Phan Hữu Khiêm ra tù, đồng chí tìm cách nhen nhóm lại đường dây liên lạc giữa cách mạng Quỳnh Lưu với Tỉnh ủy Nghệ An. Tiếc rằng đường dây vừa mới được thành lập chưa được bao lâu thì bị cắt đứt bởi sự khủng bố của bọn thực dân. Đầu năm 1943, lần lượt đồng chí Chu Huệ, Hoàng Trung Tư, Phan Hữu Khiêm bị mật thám bắt giam vào nhà Lao Vinh. Ba lần bị bắt giam, chịu đủ mọi đòn tra tấn của kẻ thù nhưng trước sau Phan Hữu Khiêm vẫn luôn tỏ rõ được khí tiết của mình, tấm lòng trung đối với Đảng, với dân luôn được đồng chí thắp sáng trong chốn lao tù.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), đồng chí Phan Hữu Khiêm và một số chính trị phạm ở Quỳnh Lưu được tha. Trở về quê, đồng chí bắt liên lạc với các đồng chí Dương Đức Nhuận, Hoàng Văn Nồng, Dương Đình Thúy, Hồ Viết Thắng…bàn bạc kế hoạch đẩy mạnh phong trào cách mạng tiến tới giành chính quyền ở huyện nhà; tìm cách liên lạc với Tỉnh ủy và các huyện xung quanh để xây dựng mặt trận Việt Minh.

Ngày 8/8/1945, Việt Minh liên tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tiến hành Đại hội đại biểu (tại xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên), để bàn kế hoạch tổng khởi nghĩa, đồng chí Phan Hữu Khiêm đại diện huyện Quỳnh Lưu đã vào dự nhận kế hoạch.

Hòa vào khí thế cách mạng tháng 8, ngày 17/8/1945 hàng vạn người từ các làng xã kéo vào huyện đường Quỳnh Lưu hô vang khẩu hiệu: “chống đế quốc phong kiến”, “lập chính quyền công nông”. Trước sức mạnh vũ bão của quần chúng nhân dân, chính quyền thực dân phong kiến nhanh chóng sụp đổ. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời gồm 13 người do đồng chí Nguyễn Xuân Mai làm chủ tịch, Phan Hữu Khiêm và Hồ Viết Thắng làm phó chủ tịch, ra mắt công chúng.

Sau khi cướp chính quyến về tay nhân dân thành công, đồng chí Phan Hữu Khiêm được Tỉnh ủy tiếp tục điều lên huyện Nghĩa Đàn công tác. Tại đây đồng chí giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện.

Năm 1950, sau lớp học chính trị khóa 5 ở trường Đảng Trần Phú, Phan Hữu Khiêm được điều về nghiên cứu công tác chính quyền ở cơ quan Khu ủy và sau đó (năm 1951) là cán bộ Tòa án nhân dân khu Bốn. Năm 1957 Phan Hữu Khiêm được cử làm ủy viên Ban Thanh tra Quân khu Bốn, nhằm sửa sai trong cải cách ruộng đất, do một số nơi làm việc quá đà. Từ năm 1958 đến lúc nghỉ hưu (1973) đồng chí giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An. Dù ở đâu và ở cương vị nào Phan Hữu Khiêm vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người chiến sỹ cộng sản, “chí công, vô tư” trong xét xử, bảo đảm tính khách quan trong công việc góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.

Đồng chí Phan Hữu Khiêm đã về cõi vĩnh hằng nhưng cuộc đời cao đẹp của đồngc chí vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước ta.

Với những đóng góp to lớn trên, Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng đồng chí Phan Hữu Khiêm Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Video