Phạm Văn Thàng – Người chiến sỹ cộng sản của quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2017-11-24 08:34:35

Nghệ An là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng, quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, nơi đây đã sản sinh ra nhiều nhà cách mạng, những người con ưu tú của quê hương, họ đã hy sinh và cống hiến một phần xương máu của mình vì nền độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc, trong số đó có đồng chí Phạm Văn Thàng – người chiến sỹ cộng sản kiên trung.

Đồng chí Phạm Văn Thàng sinh ngày 20/2/1914 trong một gia đình giàu lòng yêu nước và cách mạng tại làng Cẩm Thái, tổng Đại Đồng (nay là xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Năm lên 7 tuổi, Phạm Văn Thàng được cha mẹ cho đi học chữ Hán với các thầy đồ trong làng. Lên lớp 3, anh chuyển lên học tại trường Tiểu học Pháp - Việt (phủ Anh Sơn). Hè năm 1929 học đến học kỳ hai của lớp Nhì đệ nhị thì bị bắt và đuổi học vì tham gia vào vụ phá cửa hàng ký rượu (đại lý rượu Phông ten ở Rạng). Về làng anh gia nhập vào nhóm mục đồng làng Cẩm Thái. Vốn rất căm ghét bọn hào lý hà hiếp nhân dân, anh đã cùng các bạn thường xuyên đả kích chúng bằng các hình thức như viết tờ rơi thóa mạ hay đặt các bài vè chế giễu...

Năm 1930 dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Lâm thời, phong trào cách mạng ở Thanh Chương phát triển mạnh, Phạm Văn Thàng được chi bộ Đại Đồng cử làm đội trưởng đội thiếu niên, vì tích cực tham gia các cuộc trấn áp phản động trong làng vào tháng 9 năm 1930 nên anh bị tri huyện Phạm Ngọc Bích bắt giam 2 tháng.

Đầu năm 1931 Phạm Văn Thàng theo cha là ông Phạm Văn Thực và một số người trong làng như Võ Văn Hợi, Phan Bá Phàm, Phan Nhiều, Hồ Sỹ Ới.... lên bãi Đào Ngang, sông Giăng (Con Cuông) để mở trại cày. Vào tháng 2 năm sau (1932) thì tổ chức này bị giải tán.

Từ tháng 6 năm 1932 đến giữa năm 1934, đồng chí Phạm Văn Thàng làm thợ nguội tại nhà máy Đềpô ga Vinh. Sau khi gặp một số đồng chí hoạt động mới ra tù như: Nguyễn Cu Tràng, Nguyễn Như Cầu, Tôn Thị Quế... đồng chí Phạm Văn Thàng được tin tưởng giao nhiệm vụ liên lạc đưa thư từ Vinh về Rộ (huyện Thanh Chương). Cũng từ đây đồng chí được giác ngộ thêm và đi vào con đường hoạt động cách mạng…

Giữa năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền, Chính phủ Pháp thi hành một số chủ trương tiến bộ như việc thả tù chính trị ở các thuộc địa của Pháp. Chính phủ Pháp cử Đặc sứ Gô-đa sang tìm hiểu điều tra tình hình kinh tế - xã hội ở Đông Dương, điều này rất có lợi cho phong trào cách mạng ở nước ta, sách báo được bán tự do, tự do ngôn luận, đồng thời các hội tương trợ từ thiện hoạt động sôi nổi. Đồng chí Phạm Văn Thàng trở thành thành viên tích cực trong những hoạt động đó.

Cuối năm 1938, đồng chí Phạm Văn Thàng và Phan Bá Phàm được đồng chí Nguyễn Như Cầu giao nhiệm vụ lên sông Giăng (Con Cuông) của bang Nhương (bang Hưng) cày trại nhằm mục đích gây dựng cơ sở cách mạng. Tại đây đồng chí đã liên lạc được với đồng chí Nguyễn Đình Sòng (Hạnh Lâm), đồng chí Đoan (Lương Khê), đồng chí Mai (Cao Điền) để giáo dục cách mạng cho những người làm thuê cho bang Hưng. Sau này, trong số họ đã có những người trở thành đảng viên Đảng Cộng sản như Hồ Sỹ Cơ, Nguyễn Hữu Thụ...

Tháng 6 năm 1940, Huyện ủy Thanh Chương được lập lại, Tổng ủy Đại đồng được khôi phục, đồng chí Phạm Văn Thàng được bầu vào Ban chấp hành Tổng ủy và phụ trách tuyên truyền cổ động kiêm Bí thư chi bộ ghép Cẩm Bình.

Tháng 2 năm 1941, trên đường đi vào Lăng Cô (Huế) tìm gặp thầy giáo Nguyễn Thức Tiềm để xin ý kiến về một số vấn đề tuyên truyền cách mạng đồng chí Phạm Văn Thàng bị thực dân Pháp bắt vì chúng tình nghi đồng chí tham gia cuộc nổi dậy của Đội Cung. Chúng giam đồng chí ở Huế rồi chuyển về giam tại Nhà lao Vinh 15 ngày. Sau đó chúng lại đưa đồng chí về Đồn Rạng (Thanh Chương) để nhận diện. Cuối cùng chúng tiếp tục chuyển đồng chí về  giam ở Nhà lao Vinh, cùng giam với đồng chí còn có đồng chí Trần Văn Quang, Phan Tố Đức...

Đời sống của tù nhân trong các nhà tù của thực dân Pháp ở Việt Nam nói chung và Nhà lao Vinh nói riêng vô cùng cực khổ.Thực dân Pháp nhốt đồng chí Phạm Văn Thàng vào nhà nhị, với hai dãy xà lim, đây là nơi giam giữ những tù nhân nặng án. Lúc đó Bát Tạo là người trông coi dãy xà lim, mỗi lần gọi tù nhân lên tòa mật thám, chúng tra tấn vô cùng  tàn ác, dã man để lấy khẩu cung. Nhưng với ý chí kiên cường, bất khuất, một lòng một dạ trung thành với lí tưởng cách mạng, đồng chí nhất quyết không khai. Những ngày ở Nhà lao Vinh, chúng đối xử với đồng chí thậm tệ, ăn uống thì chúng bỏ cơm gạo hẩm vào mê rách, đẩy qua khe cửa vào, thức ăn thì chỉ có cá ươn có dòi, rau muống già. Về ở thì tù nhân nằm ván sàn, muỗi, rệp như trấu... Tuy đời sống cực khổ nơi lao tù là vậy nhưng anh em tù nhân vẫn hiên ngang kiên cường, nêu cao khí tiết người cách mạng, lạc quan yêu đời, tìm mọi cách bắt liên lạc với Đảng.

Vào tháng 6/1941 có cuộc đấu tranh làm reo, tuyệt thực ở Nhà lao Vinh, bọn quản ngục rất sợ các cuộc làm reo của các tù nhân, nên đàn áp dữ dội và tàn bạo, đồng chí Hồ Sỹ Cởi người Thanh Đồng - Thanh Chương bị bọn chúng đánh chết trong xà lim. Khi reo, các tù nhân ở phòng bên cạnh cùng đồng tình lên tiếng ủng hộ, với khẩu hiệu của cuộc đấu tranh là:

                        - Không được đánh đập tù nhân.

                        - Cải thiện ăn uống, sinh hoạt cho người tù.

Sau sự kiện ấy, tổ chức Đảng trong lao cũng quy củ hơn, sinh hoạt của người tù cũng được cải thiện hơn, ngồi ăn mỗi mâm có sáu người, có trưởng buồng chia thức ăn đều cho từng mâm...

Trong những ngày lao tù, đồng chí Phạm Văn Thàng luôn một lòng tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Đồng chí đã làm thơ tặng bạn, động viên tinh thần đấu tranh kiên cường của anh em, làm thơ gửi về nhà động viên mẹ già... Sau này đồng chí Phạm Văn Thàng có bài thơ về Nhà lao Vinh như sau:

“Ai còn ai mất chốn lao Vinh

Trăm chết ngàn đau thuở ngục hình

Trí phú giam cầm do quốc sỹ

Sỹ phu xiềng xích bởi dân sinh

Đầu rơi máu đổ xua nô lệ

Thịt nát xương tan đổi thái bình

Thuở ấy lưu truyền trên sử sách

Chốn này thơm mãi khí anh minh”(1)

Tháng 7 năm 1941 sau khi xử án xong, đồng chí Phạm Văn Thàng bị thực dân phong kiến kết án 18 năm tù, đày đi nhà lao Buôn Mê Thuật. Đến tháng 5 năm 1945 sau khi Nhật đảo chính Pháp, Phạm Văn Thàng và nhiều đồng chí khác được ra tù. Về quê, đồng chí tiếp tục tham gia Tổ chức Việt Minh giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí được bầu làm chủ nhiệm Việt Minh kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời làng Cẩm Thái.

Tháng 3/1946 đến tháng 2/1949 đồng chí tham gia các chức vụ: Thư ký Ủy ban hành chính  xã Bình Dương; Huyện ủy viên phụ trách dân vận, công an khu 5 thị xã Vinh.

Tháng 2/1949 đến tháng 6/1954, đồng chí là Huyện ủy viên, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã Đại Đồng...

Tháng 7/1954 đến tháng 6/1958, đồng chí là cửa hàng trưởng Cửa hàng lương thực, thực phẩm Vinh – Bến Thủy. Cuối năm 1958 đồng chí chuyển về công tác tại địa phương giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn.

Năm 1960 – 1962, đồng chí làm Trưởng ban kiểm tra kiêm Viện trưởng Viện Công tố huyện và nhiều chức vụ khác cho đến khi nghỉ hưu.

Trong quá trình hoạt động cách mạng từ năm 1948 đến năm 1961 đồng chí Phạm Văn Thàng vinh dự được gặp Bác Hồ 3 lần. Lần thứ nhất vào năm 1948, đồng chí đi học lớp Huyện ủy viên ở tỉnh Tuyên Quang 3 tháng. Chương trình có học về công tác Tuyên giáo, dân vận, kháng chiến kiến quốc. Buổi trưa anh em đang nằm trong lán, bỗng nghe có tiếng kẻng. Học viên tập trung đông đủ tại hội trường, phía bên ngoài có tiềng ngựa đi lộp cộp, mọi người nhìn ra thấy Bác Hồ đến. Người đi xuống nhà bếp, nhà vệ sinh xem có sạch sẽ không. Sau đó Bác lên hội trường nói chuyện với học viên.

Năm 1955, đồng chí Phạm Văn Thàng được cử đi dự Hội nghị mậu dịch viên cả nước tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng chủ trì cuộc họp này. Cả lớp đang nghe cán bộ giảng bài thì Bác Hồ đến, tiếng vỗ tay vang cả hội trường. Sau khi hỏi thăm sức khỏe cán bộ, giáo viên, Bác nói: Lâu nay các cô các chú có nghe nói đạn bọc đường không? Làm cán bộ, Đảng viên học chính trị cũng chưa đủ, mà phải học ăn, học nói, học gói, học mở mới làm tròn phận sự…

Tháng 12/1961 Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2, đồng chí Phạm Văn Thàng lại được gặp Bác. Sau khi nghe Bác nói chuyện xong, tỉnh ta làm bữa cơm mời Bác và các cụ lão thành cách mạng. (Theo lời kể của bà Thái Thị Tư- vợ của đ/c Phạm Văn Thàng).

Đồng chí Phạm Văn Thàng mất năm 2008 (thọ 94 tuổi). Trong suốt cuộc đời của mình, đồng chí đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý như: Kỷ niệm chương các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày; Huy chương đại đoàn kết dân tộc, Huy chương bảo vệ pháp chế; Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba và Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Đồng chí là một lão thành cách mạng, người cán bộ đã đóng góp nhiều tư liệu quý cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, xứng đáng là tấm gương sáng để thế hệ trẻ chúng ta noi theo./.

Phan Thị Thảo – Bảo tàng XVNT                                                             

Chú thích:

(1) Tập thơGiọt nắng chiều” - NXB Hội nhà văn, năm 2009)

Tài liệu tham khảo:

- Lời kể của cụ bà Thái Thị Tư ( vợ Đ/c Phạm Văn Thàng).

- Bản ghi mẫu chuyện (bản hồ sơ khảo cứu nhà lao Vinh).

- Sách “Gương sáng cộng sản” (tập 5).                                                                                    

Video