Ống gỗ, khay gỗ của gia đình ông Nguyễn Tất Bạn (Đậu Xá, Hương Sơn, Hà Tĩnh)

Tác giả: admin
Ngày 2014-10-27 08:19:46

Ông Nguyễn Tất Bạn (còn gọi là Nguyễn Tất Minh), sinh năm 1906, ở làng Bảo Thịnh, tổng Đậu Xá, huyện Hương Sơn, (nay là xóm 5, xã Sơn Bình), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nhân dân nơi đây có truyền thống cần cù lao động, kiên cường chống áp bức, cường hào, họ đoàn kết lại tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống bọn hương hào, lý trưởng. Tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh do cậu Nho Lâm (con ông Cửu Giáp, xóm Lặn) lãnh đạo. Mỗi người mang theo một mo cơm nắm, một bầu nước, đầu đội mũ Mâu Đài (người dân ở đây lấy mo cau cuộn lại thành hình chóp nón để đội lên đầu nên gọi là mũ Mâu Đài), kéo lên huyện đường đòi giám sưu, thuế, buộc bọn cường hào phải trả lại ruộng đất công, giảm các việc: ma chay, tế tự, biếu xén; phải sửa sang đường xá; không được cản trở việc lập hội tương tế, tương trợ; tự do tổ chức đọc sách báo, học chữ Quốc ngữ…Kết quả là làng Bảo Thịnh được trả về 5 mẫu ruộng ở Trọt Ác và Lùm Lòi, làng Yên Đồng thu về 20 mẫu đất ở xứ Cồn Cao và Lùm Lòi. Sau cuộc đấu tranh này bọn chúng gọi nhân dân ở đây là “giặc Mâu Đài”.

Trong những năm 1928-1929, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Tân Việt, làng Bảo Thịnh, Yên Đồng, tổng Đậu Xá có thầy giáo Nguyễn Mỹ Tài, một hội viên tích cực của Hội Tân Việt ở Hương Sơn về làng bắt mối liên lạc, giác ngộ, vận động nhân dân tham gia các phong trào đọc sách , báo tiến bộ, thơ ca yêu nước và cách mạng.

Ngày 3-2-1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. \

Tháng 6-1930, đồng chí Nguyễn Mật, người làng Yên Đồng cùng thầy giáo Trần Chí Tín, thuộc Chi bộ Trường Thịnh Xá về tổ chức Nông hội đỏ, tổ chức kết nạp đảng viên mới ở hai làng Bảo Thịnh và Yên Đồng. Nông hội đỏ làng Bảo Thịnh do ông Nguyễn Bạn phụ trách. Hội tích cực vận động nhân dân tham gia các cuộc biểu tình, thành lập các đội tự vệ đỏ, cửu tế đỏ. Địa điểm tập hợp quần chúng là Cồn Rô, Cồn Săng, Cồn 11 để nghe cán bộ cấp trên nói chuyện, diễn thuyết.

Giữa tháng 9-1930, Hội nghị cán bộ toàn huyện họp tại nhà đồng chí Trần Đức Liêu, làng Đông Trung, xã Sơn Châu, do cán bộ Tỉnh ủy chủ trì họp giao nhiệm vụ cho huyện Hương Sơn tổ chức cuộc biểu tình phá nhà tên án sát Nguyễn Khắc Niệm trả thù cho 2 đồng chí Thân và Đìu ở Nghệ An, vừa cảnh báo những tên khác phản cách mạng. Chi bộ Đảng tổng Đậu Xá tổ chức in ấn tài liệu, truyền đơn. Ông Nguyễn Tất Bạn được phân công phụ trách tổ ấn loát, địa điểm ấn loát là nhà cha mẹ ông Bạn và Lòi Nậy, nhà ông không chỉ là cơ sở ấn loát mà còn là nơi liên lạc, hội họp của Nông hội đỏ. Nội dung tài liệu, truyền đơn của Đảng được chuyển từ Nghệ An về. Tài liệu, truyền đơn in xong được ông Bạn cất dấu trong ống gỗ tròn để trên dàn chuồng Trâu rồi chất rơm, rạ lên trên. Tối đến ông Bạn và ông Uyên, bà Nguyễn Thị Hai (cha mẹ của ông Bạn) mang tài liệu, truyền đơn đi rải ở chợ, đền, chùa, dọc đường làng, và các xã lân cận…Cha, mẹ ông làm nhiệm vụ bảo vệ, nuôi dưỡng tổ ấn loát làm việc. Bát, đĩa, khay gỗ…là những đồ dùng trong gia đình ông bà thường dùng dọn cơm ăn, nước uống hàng ngày cho các đồng chí trong ban ấn loát như: Phạm Tài, Lê kiễm, Lê Mưu, Nguyễn Hồng Cúc…nhất là gần đến ngày tổ chức biểu tình, tổ ấn loát làm việc cả ngày đêm ông Uyên, bà Hai phục vụ rất chu đáo. Ông bà còn tham gia tích cực trong các cuộc biểu tình của nhân dân.

Đúng như kế hoạch, vào 1giờ sáng ngày 19-9-1930, tiếng trống đình làng Bảo Thịnh vang lên làm hiệu, tức khắc tiếng trống, chiêng các làng Sơn Long, Sơn Trà…đều hưởng ứng. Từ khắp các lối xóm, quần chúng kéo về tập trung tại đình Tứ Mỹ với giáo , mác, gậy, đòn gánh, cuốc, cào trong tay. Đến 4 giờ sáng, từ sân đình Tứ Mỹ, đoàn người rầm rập kéo sang tập trung ở đền Võ Dương (xã Sơn Ninh). Sau khi nghe cán bộ huyện nói chuyện, truyền đạt khẩu hiệu, phát truyền đơn, khoảng 7 giờ sáng đoàn tiếp tục kéo về làng Côi Mỹ (Sơn Hoà). Trong chốc lát, ngọn lửa từ nhà Án sát Nguyễn Khắc Niêm đã bốc cao, thiêu cháy toàn bộ dinh cơ, tài sản.

Ngày 22-9-1930 đã diễn ra cuộc biểu tình phá huyện đường. Đêm 21-9-1930, Chi bộ tổng Đậu Xá tổ chức cuộc hop có mặt gồm cán bộ các làng Bảo Thịnh, Tứ Mỹ, Đông Tràng và Đông Trung bàn kế hoạch đấu tranh. Đồng chí Nguyễn Tất Bạn được giao phụ trách một tổ dân, đồng chí Trần Đình Hòe được cử đi treo cờ ở Rú Nầm, sau đó về đình làng đánh mõ. Giữa đêm khuya, tiếng mõ ở đình làng nổi lên liên hồi, thúc dục, cổ vũ quần chúng chuẩn bị cơm nước và các thứ vũ khí cầm tay để ngày mai đi biểu tình. Rạng sáng ngày 22-9-1930, hơn 2000 nhân dân Bảo Thịnh, Yên Đồng, Tứ Mỹ, Đông Trung, Đông Tràng và các xã lân cận kéo về đình làng. Từ đây, quần chúng kéo đến địa điểm tập trung của toàn huyện tại Cầu Nầm. Sau khi nghe cán bộ nói chuyện, đoàn người xếp hàng 5 hàng 7 dương cao cờ đỏ, hô vang khẩu hiệu: “đả đảo đế quốc Pháp, Nam triều quan lại, giảm thuế thân, thuế ruộng, bãi bỏ thuế chợ thuế đò…”,đoàn tiếp tục theo đường 8 tiến về huyện lỵ Phố Châu. Trước sức mạnh của đoàn biểu tình, tri huyện Đặng Văn Oánh bỏ trốn, quần chúng tràn vào đập phá huyện đường. Báo “Tiếng vang An Nam” của Pháp tại Huế ngày 23- 9- 1930 đã đưa tin: “Huyện lỵ Hương Sơn sáng hôm qua đã bị một đoàn dân thường chừng trên 2000 người xông vào. Khoảng 4 giờ sáng họ đã đến trước huyện lỵ, 3 lần họ tấn công, đột nhập chiếm huyện đường nhưng viên khố xanh ở Hà Tĩnh chỉ huy một bộ phận lính ở đây ra lệnh bắn. Lính khố xanh bắt buộc phải bắn vào đoàn biểu tình làm 7 người chết, 20 người bị thương”

Sau hai cuộc đấu tranh lớn ở huyện Hương Sơn, địch đưa lính về xây đồn ở đầu làng nhằm kiểm soát và uy hiếp phong trào đấu tranh của nhân dân. Chúng bắt dân làng phải đóng góp vật liệu và công sức. Chi bộ tổng Đậu Xá bàn kế hoạch đối phó. Chi bộ cho cất dấu tài sản của dân, đồng thời phân công người đến từng nhà củng cố tinh thần, tránh địch nhưng không lẩn tránh đấu tranh. Nhân dân hết sức tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. lính Tây sau một thời gian ngắn không vơ vét được gì cũng rút về Chòi ở Sơn Hà, tri huyện, nha lại không dám nhũng nhiễu nhân dân. Không khí trong các thôn xóm sôi nổi nhộn nhịp chưa bao giờ thấy. Hương lý, lỳ hào lấm lét, không dám nhòm ngó việc làng, việc xóm và xin giao lại cho các Nông hội đỏ.

Năm 1931, Đứng trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, địch tiến hành khủng bố mạnh, chúng đặt mỗi làng một chòi canh, đóng thêm đồn bốt ở Rú Cấm, thuộc xã Sơn Châu, chúng lập hương biểu…để trấn áp nhân dân vùng Hạ Hương Sơn, Chúng tổ chức truy bắt cán bộ, đảng viên, đốt phá 60 ngôi nhà của dân. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy mà trực tiếp là đồng chí Nguyễn Mật, phong trào cách mạng ở làng Bảo Thịnh và Yên Đồng rút vào hợat động bí mật.

Cuối năm 1931, Ông Nguyễn Tất Bạn cùng Nguyễn Thụy, Nguyễn Hữu Quang, Trần Ngô phải tìm đường trốn sang Lào hoạt động. Quá trình hoạt động ở Lào 3 ông đều bị theo dõi và bị bắt giam tại Lào, sau đó chuyển về nhà lao Hà Tĩnh. Ông Bạn bị kết án 3 năm tù giam, 2 năm quán thúc (bản án số 216 ngày 18-12-1931 của tòa án Nam triều tỉnh Hà Tĩnh). Sau khi hết hạn tù về quê tuy chưa bắt được liên lạc với Đảng, ông cùng đồng chí Nguyễn Mật gặp gỡ các cán bộ còn lại ở trong vùng củng cố lại tổ chức hoạt động nhằm củng cố tinh thần cho nhân dân.

Năm 1939, ông Nguyễn Tất Bạn vào làm công nhân tại mỏ vàng Bồng Miêu và nhà máy chè Tam Kỳ, Quảng Nam.

Năm 1989, tuổi gia sức yếu ông về với Tổ tiên. Sau khi ông bà Nguyễn Bạn qua đời, ngày 16/4/1999 con trai duy nhất của ông Bạn là Nguyễn Anh, sinh ra và lớn lên tại xã Tam Lãnh, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam về quê nhập khẩu cư trú tại xóm Bình Tân, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh và ở trong chính ngôi nhà của ông Uyển, bà Hai (là ông bà nội). Đến năm 2012 gia đình được nhận 50 triệu đồng của chế độ “ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ”.
Những hiện vật ống gỗ dùng cất dấu tài liệu, truyền đơn; khay gỗ, bát, đĩa, thời gian gia đình dùng nuôi dưỡng cán bộ đảng hoạt động năm 1930- 1931, ông Nguyễn Anh nhượng lại cho Bảo Tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh lưu giữ trưng bày giới thiệu khách tham quan về truyền thống đấu tranh cách mạng của gia đình và quê hương.

Võ Thị Hoa - bảo tàng XVNT

 

Video