Ống gỗ, hộp sắc phong, mâm gỗ, khay gỗ, tráp gỗ, đĩa sứ, bát yêu của gia đình đồng chí Nguyễn Mật Sơn Bình, huyện Hương Sơn.

Tác giả: admin
Ngày 2018-09-19 09:16:29

Đồng chí Nguyễn Mật ( thường gọi là Tứ ) sinh năm 1911 tại làng Yên Đồng, tổng Đậu Xá, nay là xóm 3 xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Sơn Bình xưa gồm hai làng Yên Đồng và Bảo Thịnh, đây là một vùng đất rộng, người đông, nhân dân lại thuần phác, có tấm lòng yêu nước nồng nàn. Lớn lên, đồng chí Nguyễn Mật được gia đình cho đi học ở trường tư thục do cụ Nguyễn Dương phụ trách, sau đó đi học tiếp ở trường Thịnh Xá. Trong thời gian theo học, đồng chí đã sớm tiếp thu thơ văn yêu nước và tư tưởng tiến bộ, dần dần hiểu biết thêm về thời cuộc, căm thù bọn đế quốc và cường hào, lại được các đồng chí Trần Chỉ Tín, Trần Bình, là thầy giáo dạy học ở Sơn Châu, dìu dắt và khuyến khích tham gia vào các phong trào đấu tranh.

Năm 1927-1929, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Tân Việt, nhân dân làng Yên Đồng, Bảo Thịnh hăng hái tham gia các cuộc biểu tình, đoàn kết chống lại bọn hương lý, cường hào. Ông Nguyễn Mật và một số thầy giáo, anh em học sinh cũng họp nhau, tổ chức đọc sách báo, học quốc ngữ…và ra lập các hội dân sinh như: hội lập nhà, hội góp tiền, hội góp thóc gạo, hội đi săn thú rừng để giúp đỡ nhau khi khó khăn.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), thì đến cuối tháng 3-1930, Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh được thành lập. Sang tháng 4-1930 Tỉnh ủy phái đồng chí Nguyễn Kính về Hương Sơn lựa chọn một số đảng viên Tân Việt kết nạp thành Đảng viên đảng cộng sản Việt Nam và phân công các đồng chí về cơ sở tuyên truyền, kết nạp đảng viên và thành lập Chi bộ ở trường Thịnh Xá, trường Phố Châu, làng Tứ Mỹ, Gôi Mỹ...Còn các làng khác chưa có điều kiện thì tổ chức hội Nông hội đỏ. Đồng chí Nguyễn Mật là một người trẻ tuổi, mưu trí, không nề hà bất cứ việc gì, từ việc viết truyền đơn, in tài liệu cũng như luôn nhận làm những công việc khó khăn nguy hiểm nhất trong các cuộc biểu tình trấn áp bọn cường hào, cuộc đấu tranh vay lúa cứu đói cho dân ...nên đồng chí đã được kết nạp vào Đảng trong thời gian này, thuộc Chi bộ trường Thịnh Xá.

Tháng 6 năm 1930, đồng chí Nguyễn Mật được giao nhiệm vụ về gây dựng cơ sở và hoạt động ở làng Yên Đồng và các làng lân cận. Đồng chí Nguyễn Mật đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, dồn hết tâm trí lo lắng làm sao đưa được tiếng nói của Đảng đến với quần chúng nhân dân, bắt liên lạc xây dựng cơ sở tổ chức, hòa mình vào cuộc sống của quần chúng. Nguyễn Mật có tác phong giản dị, cởi mở nên đồng chí được mọi người tin yêu, cảm phục và đồng chí đã tổ chức được Nông hội đỏ ở hai làng Yên Đồng và Bảo Thịnh, tổ chức ra các đội tự vệ đỏ, tập hợp quần chúng ở Cồn Rô, Công Sang, cồn Mười Một để nghe cán bộ cấp trên về nói chuyện kêu gọi đấu tranh đòi giảm sưu, giảm thuế, không được bắt đi phu đi lính, đòi được tự do hội họp.

Vào ngày 1/8/1930, làng Yên Đồng cùng các xã, các huyện trong tỉnh phối hợp đấu tranh, nhân ngày kỉ niệm chống chiến tranh đế quốc. Trước ngày biểu tình, đồng chí Nguyễn Mật đã hướng dẫn mọi người làm băng cờ, cách sắp xếp đội ngũ ..., chỉ đạo cho hội viên nông hội đỏ rải truyền đơn. Đồng chí Nguyễn Mật lấy truyền đơn, tài liệu được được chuẩn bị sẵn, cất dấu trong tráp gỗ, ống gỗ, hay trong hộp sắc phong mà bình thường dùng để cất sách vở, quần áo đem giao cho các đồng chí trong nông hội đỏ của làng Yên Đồng để đi rải với nội dung: Đả đảo đế quốc gây chiến tranh, ủng hộ Nga Xô Viết. Sáng sớm ngày 1/8/1930 truyền đơn, cờ búa liềm, khẩu hiệu được rải và treo, dán ở các nơi công cộng, ở chợ Thóc và các ngả đường. Đặc biệt cờ búa liềm được cắm trên núi Đùng Dùng, người dân thì vui mừng xôn xao, còn bọn lý trưởng thì hoang mang, hoảng sợ.

Để chuẩn bị cho cuộc biểu tình 19/9/1930, đồng chí Nguyễn Mật đã kịp thời tổ chức các cuộc họp tại nhà mình, phía sau nhà cây cối um tùm, gia đình giành nơi ở kín đáo nhất làm nơi hội họp, liên lạc của tổ chức Đảng, ăn nghỉ cho các đồng chí Trần Chỉ Tín, Trần Bình, Trần Đình Hòe, Phạm Tài, Lê Xuân Thống, Lê Kiểm, Lê Khoát ...Dưới ánh đèn dầu, các đồng chí họp bàn quên cả thời gian, khi trời gần sáng thì cuộc họp mới kết thúc. Những vật dụng như đĩa sứ, bát yêu, khay gỗ hàng ngày gia đình dùng để sinh hoạt cũng được gia đình đem ra để phục vụ cơm nước. Rạng sáng ngày 19/9/1930, nhân dân làng Yên Đồng được trang bị giáo mác, gậy gộc kéo về làng Gôi Mỹ ( Sơn Hoà), phá nhà Án sát Nguyễn Khắc Niêm. Trong chốc lát, ngọn lửa từ nhà án sát đã dâng cao, thiêu cháy toàn bộ dinh cơ, tài sản.

Cuộc biểu tình ngày 22/9/1930 phá huyện đường, nhân dân làng Yên Đồng và các làng ở tổng Đậu Xá, nhân dân Tứ Mỹ, Đông Trung, Đông Tràng... kéo đến địa điểm tập trung của toàn huyện tại Cầu Nầm, sau đó theo đường 8 tiến về huyện lỵ Phố Châu. Trước sức mạnh của đoàn biểu tình, tri huyện Đặng Văn Oánh bỏ trốn. Sau cuộc biểu tình này, bộ máy chính quyền địch từ huyện đến xã hầu như tan rã.

Tháng 11-1930, Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho thành lập Huyện ủy Lâm thời để lãnh đạo giữ vững phong trào và tìm mọi cách tránh sự khủng bố của địch. Ban chấp hành Lâm thời do đồng chí Trần Chỉ Tín làm Bí thư và các ủy viên: Nguyễn Mật, Nguyễn Xứng, Đinh Nho Khoách, Lê Kinh Phổ. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy và trực tiếp là đồng chí Nguyễn Mật, phong trào ở làng Yên Đồng, Bảo Thịnh dần dần ổn định.

Tháng 5-1931 để kiện toàn bộ máy lãnh đạo của huyện Hương Sơn, Tỉnh ủy giao cho Huyện ủy lâm thời triệu tập Đại hội Đảng bộ Huyện. Đại hội đã họp tại làng Gôi Mỹ ( Sơn Hòa) có trên 20 đại biểu dự họp, đồng chí Nguyễn Mất là đại biểu của xã Sơn Bình. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Huyện ủy chính thức: Đồng chí Nguyễn Xứng - Bí thư, Đinh Nho Đàng - Phó Bí thư, Nguyễn Mật - thường vụ Huyện ủy, Hoàng Ngại, Nguyễn Quang Tự ủy viên chấp hành.

Bước sang năm 1932, hầu hết cán bộ lãnh đạo ở hai làng cũng như của huyện bị bắt, một số trốn được sang Lào, phong trào tạm thời lắng xuống. Ở làng Bảo Thịnh, làng Yên Đồng địch đã bắt được các đồng chí Nguyễn Mật, Phạm Tài, Lê Xuân Thống...

Đồng chí Nguyễn Mật, chúng biết là cán bộ chủ chốt nên tra tấn rất dã man như bắt ngồi trên lưỡi cày nung đỏ, treo ngược hai chân lên xà nhà, lấy kim châm vào đầu mười ngón tay, không một ngón đòn nào làm cho đồng chí kêu van, khai ra nửa lời, quân địch chỉ nhận được một câu trả lời duy nhất "Không biết, không biết". Chúng biết không khai thác được gì hơn nên giải đồng chí đến nhà lao Hà Tĩnh để tiếp tục tra tấn, sau đó đưa vào giam ở nhà lao Lao Bảo, khi bị giải đi, đồng chí vẫn ung dung nói:
“ Cùm ơi, cùm với ta đây
Theo ta đi tới nơi đày Lao gia"

Năm 1936, đồng chí Nguyễn Mật, Nguyễn Hữu Quang, Nguyễn Thụy, Trần Ngô... hết hạn tù được thả về, các đồng chí trở về quê tục hoạt động cách mạng, cùng với các cán bộ trong vùng, góp sức đưa phong trào ở làng Yên Đồng và Bảo Thịnh ngày càng lớn mạnh.

Tháng 5-1945, đồng chí Nguyễn Mật đã triệu tập các đồng chí Lê Kiểm, Lê Cự Hiếu, Hà Huy Mạn, Lê Mưu, Lê Kính, Nguyễn Cửu ...họp tại nhà đồng chí Lê Cự Hiếu để thành lập chi bộ Việt Minh. Hội nghị cử đồng chí Lê Kiểm làm Bí thư chi bộ Việt Minh làng Yên Đồng.

Ngày 10-9-1945, đồng chí Nguyễn Mật thay mặt Thường vụ huyện ủy triệu tập các đồng chí Lê Kiểm, Hà Huy Mạn, Lê Cự Hiếu, Lê Miu...để thành lập chi bộ Đảng làng Yên Đồng do đồng chí Lê Kiểm làm Bí Thư.

Sau cách mạng tháng Tám, đồng chí Nguyễn Mật vẫn tham gia phong trào đoàn thể ở địa phương. Đến năm 1969 vì những ảnh hưởng di chấn thương do địch gây nên trong thời gian bị tù đày nên đồng chí bị bệnh nặng và đã qua đời. Nhớ đến đồng chí Nguyễn Mật là nhớ đến một con người ưu tú của quê hương xã Sơn Bình, một chiến sĩ cộng sản, một con người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đảng, của dân tộc. Ghi nhận công lao của đồng chí, Nhà nước đã truy tặng Huân chương Kháng chiến Độc lập hạng Nhì vào năm 1997.

Những hiện vật Ống gỗ, hộp sắc phong, mâm gỗ, khay gỗ, tráp gỗ, đĩa sứ, bát yêu gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Mật thời kì 1930-1931 nên gia đình giao lại cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh lưu giữ.

                                                                                                                                  Nguyễn Vân Anh - Bảo tàng XVNT

Video