353
601
4445
16830
34073
6825275
Hà Tĩnh là vùng đất có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, liên tục được phát huy qua các thời kỳ lịch sử. Nhân dân Hà Tĩnh cần cù, hiếu học, kiên cường bất khuất trong chiến đấu. Tiếp nối mạch nguồn được tích trữ và lưu truyền từ cha ông, thế kỷ XX đã xuất hiện nhiều chiến sỹ cách mạng kiên trung như Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, anh hùng Lý Tự Trọng... Kế tục truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc, phụ nữ Hà Tĩnh đã có những đóng góp lớn lao góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên một Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng. Đó là nữ chiến sỹ Phạm Thị Dung, người cầm cờ đi đầu trong cuộc biểu tình ngày 7/11/1930 của nhân dân Can Lộc, Hà Tĩnh
Chị Phạm Thị Dung sinh năm 1910 trong gia đình có truyền thống yêu nước ở làng Kẻ Lù, tổng Phù Lưu, nay là xã Tân Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Cha và chú ruột là những người đã tham gia tích cực phong trào Cần Vương chống Pháp. Anh ruột là đảng viên Đảng Tân Việt và sau này là đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam. Sẵn có tinh thần yêu nước, lại được tiếp xúc với tầng lớp thanh niên tiến bộ như: Hồ Ngọc Tàng, Hồ Thân, Mai Hưu...là những đảng viên ưu tú, chị Phạm Thị Dung sớm được giác ngộ cách mạng và có ý thức đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Qua sự dìu dắt tận tình của các đồng chí, ban đầu chị tham gia một số hoạt động như: chuyển tài liệu, dẫn đường, quyên góp tiền bạc giúp đỡ các đồng chí trong công tác. Táo bạo hơn có lần chị bán dấu thóc gạo của nhà, lấy tiền chi tiêu vào công việc cách mạng.
Tháng 4/1930, Chi bộ Kẻ Lù được thành lập, chị được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tiên phong đi đầu trong các hoạt động cách mạng và được giao làm Bí thư hội phụ nữ giải phóng.
Vốn xuất thân trong gia đình khá giả, chị thường được giao việc đi chợ thay mẹ. Mỗi tháng trong tổng Phù Lưu có 15 phiên chợ huyện và 15 phiên chợ Lù, chị dựa việc đi chợ giúp mẹ để che dấu hoạt động của mình. Nhiều chị em ở vùng nội - ngoại Phù Lưu đều quen biết chị, một số chị em sau này đã trở thành những quần chúng tốt của Đảng.
Được tổ chức tin tưởng và giao trách nhiệm vận động phụ nữ vùng Hạ Can, chị Phạm Thị Dung càng lao vào công việc. Vất vả, khó nhọc, đi đêm về hôm, bị mang đủ tiếng dèm pha chị vẫn không hề nao núng. Phong trào càng đi lên chị càng thấy phấn khởi, hăng hái.
Để thiết thực kỷ niệm 13 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, huyện ủy Can Lộc quyết định tổ chức cuộc biểu tình với quy mô lớn. Công tác chuẩn bị được tiến hành rất chu đáo, khẩn trương. Như bao lần trước chị Phạm Thị Dung được giao nhiệm vụ vận động tổ chức quần chúng tham gia biểu tình.
Suốt mấy ngày liền, Chị không hề nghỉ chân. Chị đảo qua từng xóm, từng tổ, kiểm tra lại thật tỉ mỉ mọi việc và vận động chị em tham gia đi biểu tình. Ai cầm cờ, ai cầm băng, ai hô khẩu hiệu, hô như thế nào cho đều, đi như thế nào ....đều được chị phân công, nhắc nhở.
Theo quyết định của Huyện ủy, lúc đầu quần chúng vùng Hạ Can sẽ tập trung tại Truông Gió vào giữa trưa. Nhưng rồi thấy chưa thuận tiện, giờ tập trung tại các xóm được quy định lại vào chập tối. Đến chiều tối ngày 7/11/1930, quần chúng vùng Hạ Can từ Ba Xã, Ngọc Mỹ, Thanh Dương, Đại Lữ, Đỉnh Lữ, Kim Trì...đến Yên Điềm, Yên Định... do chị Phạm Thị Dung tập hợp đã nhập thành một đoàn, băng qua chợ Lù, vượt Truông Gió nhập với quần chúng ở Yên Tập, Hàm Anh, ...tập trung tại chợ Đình Sóc. Đến nơi đoàn biểu tình dừng lại nghe đồng chí Phạm Thị Dung tuyên truyền về ý nghĩa của cách mạng Tháng Mười và kêu gọi nhân dân đứng lên chống lại áp bức cường quyền, vững bước đi theo ngọn cờ của Đảng.
Đến giờ quy định, đồng chí Phạm Thị Dung phất cao cờ đỏ, dẫn đầu đoàn đấu tranh tiến thẳng về huyện lỵ. Cả đoàn vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: Đả đảo đế quốc phong kiến giết người; chống sưu cao thuế nặng; ủng hộ Liên bang Xô Viết công nông. Khi đoàn biểu tình đến cầu Ngèn, bọn lính khố xanh trong đồn đã nổ súng bắn thẳng vào đoàn người. Một số người trúng đạn ngã xuống, Chị Dung bình tĩnh hét lên “ hãy giữ vững hàng ngũ”. Ngọn cờ búa liềm trên tay chị bay phần phật trước gió. Từng loạt đạn lại tiếp tục xối xả, chị Phạm Thị Dung trúng đạn ngã xuống tay vẫn cầm chặt cán cờ, miệng gắng hô thêm “Anh chị em hãy bình tĩnh tiến lên!”.
Trước sự đàn áp đẫm máu của kẻ thù, đoàn biểu tình tạm thời giải tán. Chị Phạm Thị Dung bị kẻ địch khiêng lên xe và chở về nhà thương Hà Tĩnh. Sáng hôm sau chị bắt đầu hồi tỉnh thì bọn mật thám mò tới tra khảo. Trong thời gian trị thương tại nhà lao Hà Tĩnh chịu đựng đủ sự tra tấn thâm độc, xảo quyệt của kẻ thù hòng khai thác thông tin từ chị. Nhưng kẻ thù đã phải đầu hàng trước người con gái mảnh mai nhưng đầy nghị lực này. Mỗi lần tỉnh lại, chị kìm nén cơn đau nhớ lại những việc đã qua, những công tác còn bỏ dở, những chỗ cất giấu tài liệu chưa ai biết, những đầu mối cơ sở quần chúng tốt....rồi nhờ Chị Vánh, (người tin cậy trong làng đang làm thuê tại nhà thương) bàn giao lại cho cấp ủy, hy vọng hạn chế được phần nào sự tổn thất của Đảng. Chính chị Vánh đã mạnh dạn, khôn khéo giúp chị làm tròn nhiệm vụ ấy.
Suốt những ngày tại nhà thương Hà Tĩnh, vết mổ sưng tấy, tính mạng nguy kịch cộng với những trận đòn tra tấn dã man của kẻ thù đã cướp đi người con gái kiên cường. Đồng chí Phạm Thị Dung đã mãi mãi ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của anh em đồng chí, khi mới tròn 20 tuổi, khi chưa kịp thực hiện được lễ cưới của mình. Đồng chí mất đi là tổn thất lớn cho Đảng bộ và phong trào đấu tranh của nhân dân Can Lộc. Tấm gương hy sinh của đồng chí mãi mãi là nguồn động viên khích lệ quần chúng đấu tranh và là tấm gương sáng để chúng ta học ta học tập và noi theo./.