30
1641
3521
15906
34073
6824351
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm XVNT ( 12/9/1930- 12/9/2010) ngày 8/9/2010, Bảo tàng XVNT đã phối hợp huyện Anh Sơn, xã Lĩnh Sơn tổ chức buổi nói chuyện truyền thống, giao lưu văn hóa văn nghệ với chủ đề: “ Nhân dân Anh Sơn, Lĩnh Sơn trong phong trào cách mạng 1930-1931” tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn.
Về tham dự buổi nói chuyện truyền thống, giao lưu văn hóa văn nghệ có đại diện của Ban Tuyên giáo Huyện ủy, UBND Huyện, các cụ lão thành cách mạng, các ban ngành đoàn thể xã cùng đông đảo nhân dân và các thầy cô, học sinh của trường Mầm non, Tiểu học và trường THCS Lĩnh Sơn.
Lần đầu tiên nhân dân Lĩnh Sơn được tham dự buổi nói chuyện về truyền thống lịch sử quê hương mình. Một không khí náo nức bao trùm trong toàn xã, băng cờ khẩu hiệu màu sắc rực rỡ với nội dung chào mừng ngày kỷ niệm 80 năm XVNT giăng rợp đường làng ngõ xóm đã mang lại một không khí lễ hội sôi nổi, nhộn nhịp.
Trước buổi lễ, đại biểu đã đến thắp hương tại di tích Hiệu Yên Xuân - di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.
Buổi lễ được mở đầu bằng những lời ca, điệu múa của các cô giáo và học sinh trường Mầm non xã Lĩnh Sơn. Sau lời khai mạc của đồng chí Nguyễn Quang Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn là phần nói chuyện của cán bộ Bảo tàng Xô Viết.
Phần một nội dung bài nói chuyện giới thiệu khái quát về diễn biến, thành quả và ý nghĩa của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Trong trang lịch sử hào hùng của Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhân dân Anh Sơn đã đứng lên đấu tranh mạnh mẽ làm nên một Anh Sơn “một phen dậy rồi” vang mãi trong bài ca Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đó chính là nội dung thứ hai của bài nói chuyện truyền thống.
Anh Sơn là một huyện miền núi phía Tây xứ Nghệ có vị trị chiến lược về kinh tế, chính trị, an ninh và quốc phòng. Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Anh Sơn trở thành mảnh đất anh hùng. Từ cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi, đến sự nghiệp áo vải cờ đào của vua Quang Trung Nguyễn Huệ và dưới cờ nghĩa Cần vương chống Pháp của cụ Phan Đình Phùng, nhân dân Anh Sơn đã có nhiều sự đóng góp về sức người sức của, xây đồn đắp lũy đánh đuổi kẻ thù.
Tiếp nối truyền thống yêu nước của ông cha trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy Anh Sơn, hàng loạt cuộc đấu tranh của nhân dân đã nổi lên sôi động, tiêu biểu là hai cuộc đấu tranh toàn phủ vào ngày 1/6/1930 và 8/9/1930.
Ngày 1/6/1930 của nhân dân các tổng Lãng Điền, Đặng Sơn kéo về huyện đường đưa yêu sách buộc tên tri huyện Anh Sơn phải đồng ý cho khất sưu thuế đến tháng 10.
Cùng với nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh trong thời kỳ đỉnh cao, ngày 8/9/1930 hàng vạn quần chúng nhân dân đã trừng trị những tên tay sai gian ác. Trước khí thế đấu tranh rung trời chuyển đất của nhân dân, kẻ địch điên cuồng đàn áp. Chúng cho lính bắn xả vào đoàn biểu tình và cho máy bay ném bom ở các địa điểm tập trung dân chúng ở các tổng khiến cho nhiều người chết và bị thương. Cuộc biểu tình bị đàn áp dã man nhưng đây là bước chuyển về chất của phong trào cách mạng trong toàn phủ: là cuộc tập hợp lực lượng lớn, có sự chuẩn bị và có tổ chức chỉ đạo chặt chẽ, khí thế mạnh. Sau đó nhiều cuộc đấu tranh liên tục nổ ra ở các làng trong tổng để gây thanh thế và trấn áp những tên tay sai phản động.
Sự phát triển mạnh của các tổ chức Đảng và các tổ chức quần chúng, cùng với sự vùng dậy dồn dập của nhân dân đã làm tê liệt, vô hiệu hóa bộ máy chính quyền địch ở các làng, Nông hội đỏ đứng ra đảm nhiệm chức năng điều hành, quản lý xã hội. Nhiều quyền lợi của nhân dân được đáp ứng, các tệ nạn xã hội bị cấm đoán chỉ trích, một không khí vui tươi bao trùm trong làng xã.
Phần ba bài nói chuyện nêu lên những đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân xã Lĩnh Sơn trong cao trào cách mạng 1930-1931.
Lĩnh Sơn được xem là cái nôi cách mạng của Anh Sơn trong những năm 1930-1931. Tại đây “Hội Tâm giao” được thành lập do các thanh niên tích cực, tiến bộ đứng đầu là đồng chí Phan Thái Ất, mở “Trại Cày”, mở hiệu buôn Yên Xuân làm cơ sở cách mạng, cung cấp kinh tài cho hoạt động xuất dương của các chí sĩ yêu nước. Hưng nghiệp hội xã đã có nhiều hoạt động trên mảnh đất Lĩnh Sơn: lập ra các hội ái hữu, bài trừ các tệ nạn xã hội, tổ chức đọc sách báo tiến bộ, tập hợp lực lượng…..
Từ cái nôi cách mạng Yên Xuân Hiệu, phong trào phát triển rộng ra trong toàn phủ Anh Sơn và có ảnh hưởng sâu rộng cả vùng miền núi phía Tây Nghệ An. Những hạt nhân của hiệu là cơ sở để phát triển Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội và Đông Dương cộng sản Đảng. Họ đều trở thành những cán bộ chủ chốt của Đảng không chỉ riêng cho Nghệ An mà ở Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Kon Tum và cả Cao Miên, đó là các đồng chí Phan Thái Ất, Trần Hữu Thiều, Lê Mạnh Duyệt, Nguyễn Hữu Cơ, Hoàng Khắc Bạt, Cao Xuân Khoách, Cao Xuân Quế….. 77 bộ hồ sơ tù đày của các chiến sĩ cách mạng quê Lĩnh Sơn và một số tài liệu, hiện vật của hiệu buôn Yên Xuân được trưng bày tại Bảo tàng XVNT đã minh chứng cho tinh thần cách mạng của nhân dân Lĩnh Sơn trong những năm 1930-1931.
Bởi vậy họ lắng nghe một cách chăm chú, các cụ lão thành cách mạng như được sống lại không khí hào hùng, sôi nổi của những ngày tháng hoạt động cách mạng.
Không khí của buổi nói chuyện truyền thống trở nên sôi nổi hơn trong phần trả lời câu hỏi của các em học sinh. Sự trả lời xuất sắc của các em học sinh Tiểu học và THCS Lĩnh Sơn về truyền thống cách mạng kiên trung của nhân dân Anh Sơn, Lĩnh Sơn đã cho thấy các em nắm bắt một cách nhanh chóng, đầy đủ nội dung bài nói chuyện. Các em đã tỏ rõ niềm vinh dự tự hào vì được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy truyền thống cách mạng này. Các em còn có những lời hứa cố gắng phấn đấu học tập tốt để noi gương các bậc tiền bối, nối tiếp truyền thống của cha ông làm rạng danh cho quê hương.
Những bài hát, điệu múa ca ngợi Đảng, Bác Hồ và quê hương đất nước của thầy cô giáo và các em học sinh và các cán bộ đoàn xã Lĩnh Sơn xen kẽ trong buổi nói chuyện đã góp phần làm cho buổi lễ tôn vinh được giá trị của XVNT anh hùng. Bài phát biểu của đại diện lão thành cách mạng và lời cảm ơn của Chủ tịch UBND xã Lĩnh Sơn đã thay cho lời kết hoạt động kỷ niệm 80 năm XVNT tại Lĩnh Sơn, Anh Sơn.
Buổi nói chuyện truyền thống, giao lưu văn hóa văn nghệ kết thúc tốt đẹp và đã để lại một ấn tượng tốt đối với quần chúng nhân dân Lĩnh Sơn. Đây Hoạt động này của Bảo tàng XVNT có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ truyền thống lịch sử quê hương, đất nước và tưởng nhớ, tôn vinh tới các bậc cách mạng tiền bối.