Nói chuyện truyền thống tại Tường Sơn, Anh Sơn

Tác giả: admin
Ngày 2009-09-04 08:34:07

Trong không khí náo nức của những ngày thu tháng 8 lịch sử, cùng với nhân dân cả nước chào đón ngày lễ trọng đại cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mồng 2-9, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã tổ chức buổi nói chuyện truyền thống tại xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn vào ngày 18/8/2009 với chủ đề: “Tinh thần đấu tranh của nhân dân huyện Anh Sơn và xã Tường Sơn trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931”.

Trong thời gian một buổi bằng các hình thức: nói chuyện truyền thống, văn nghệ, giao lưu trả lời câu hỏi, phát biểu của các cụ lão thành cách mạng…cùng với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân xã Tường Sơn, từ các cụ lão thành cách mạng đến cán bộ, đảng viên, thanh niên, học sinh, cựu chiến binh, phụ nữ…buổi nói chuyện diễn ra tốt đẹp. Lần đầu tiên nhân dân Tường Sơn được diễn giải một cách hệ thống về bề dày lịch sử của mảnh đất cũng như con người quê hương mình.

Xa xưa Anh Sơn vốn là phủ. Đời Lê Thánh Tông gọi là phủ Yêng Đô. Triều Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 3, đổi lại là phủ Anh Sơn. Năm 1963, Nhà nước ta tách Anh Sơn làm hai huyện Đô Lương và Anh Sơn.

Vùng đất Anh Sơn núi sông quấn quýt, cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú nên thơ. Núi non trùng điệp và dòng sông Lam chảy suốt chiều dài của huyện tạo nên một Anh Sơn “sơn thủy hữu tình” với nhiều hang động đẹp và những địa danh lịch sử nổi tiếng. Tiêu biểu là núi Kim Nhan- một “An Nam tiểu thái sơn”; Bồ Ải, Khả Lưu là di tích lịch sử khác gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi.

Truyền thống yêu nước, tiếng trống Xô-viết 1930 đã rền vang trên vùng đất Anh Sơn; khí thế đấu tranh của công nhân Vinh - Bến Thuỷ và nông dân Hưng Nguyên, Thanh Chương….đã thúc dục quần chúng cách mạng phủ Anh Sơn vùng dậy trong cao trào cách mạng 1930-1931; tiêu biểu là hai cuộc đấu tranh vào ngày 1-6-1930 và ngày 8-8-1930.

Ngày 1- 6-1930 nhân dân hai tổng Lãng Điền, Đặng Sơn biểu tình. Khí thế đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân buộc tri phủ Anh Sơn buộc phải ký vào bản yêu sách, đồng ý cho nhân dân hai tổng Lãng Điền và Đặng Sơn được khất sưu thuế đến tháng 10.

Sáng ngày 8/9 hàng ngàn hàng ngàn quần chúng hàng ngũ chỉnh tề vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu đòi thực hiện yêu sách giảm thuế, đả đảo đế quốc phong kiến đàn áp đồng bào Thanh Chương, Nam Đàn, đả đảo cường hào ác bá, gian tham. Đoàn biểu tình đi đến đâu cũng đều trấn áp, trừng trị bọn tay sai, phản động. Hoảng sợ trước khí thế rung trời chuyển đất của quần chúng nên kẻ địch điên cuồng đàn áp làm bị thương và chết nhiều người.

Trong phong trào đó, nhân dân làng Quan Lãng, tổng Lãng Điền (thuộc xã Tường Sơn ngày nay) đã tích cực tham gia vào các cuộc biểu tình của toàn tổng và toàn phủ. 

Tường Sơn là một xã miền núi của huyện Anh Sơn có vị trí chiến lược quan trọng cả về quân sự, chính trị và kinh tế, là hậu cứ trực tiếp chi viện cho chiến trường Lào trong những năm chiến tranh. Trên địa bàn xã có những công trình kinh tế quốc phòng lớn của Nhà nước như sân bay Dừa, trạm thuỷ điện Đò Rồng, đường quốc lộ 7A. Đặc biệt có dãy Lèn Bút với hệ thống hang động, núi đồi trùng điệp. Có lẽ vì vậy mà mảnh đất Tường Sơn có truyền thống cách mạng kiên cường, nhân dân xã Tường Sơn có tinh thần đấu tranh bất khuất, anh dũng. Từ những năm 1930-1931 phong trào cách mạng trên xã Tường Sơn đã nổi lên sôi động cho đến cách mạng tháng 8/1945. Trong thời gian giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc thì Tường Sơn luôn là vùng cách mạng kiên trung.

Cuối năm 1930 chi bộ Quan Lãng ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 12-1-1931 nhân dân làng Quan Lãng cùng với nhân dân các làng khác trong Tổng đã tham gia tích cực vào các cuộc mit tinh tại Tổng uỷ để phản đối đế quốc phong kiến tàn sát dân làng Song Lộc, Tân Hợp ở Nghi Lộc. Ngày 18-4-1931 cùng với nhân dân toàn tổng Lãng Điền đấu tranh làm áp lực buộc nhà giàu phải cho dân nghèo vay lúa. Đặc biệt vào ngày 9-8-1931, 500 nhân dân Quan Lãng kéo đến phá nhà bang tá phủ Ngô Tiến Lực, ngày 19-8-1931, tự vệ Quan Lãng cắt phá dây điện trên trục đường 7 vứt xuống sông Lam.

Phong trào cách mạng ở đây phát triển mạnh ngoài vai trò dẫn dắt của các tổ chức Đảng, các đảng viên nòng cốt, các đồng chí có tinh thần cách mạng kiên trung phải kể đến sự góp sức nuôi dưỡng, che chở của nhân dân và các gia đình ở làng Quan Lãng như gia đình ông bà Bùi Công Mạch, Bùi Công Huấn, Trần Đăng Lương….

Truyền thống cách mạng ấy lại được phát huy trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Con em Quan Lãng đã cùng nhân dân cả nước lập nhiều chiến công hiển hách làm nên một Tường Sơn anh hùng, tô thắm thêm truyền thống Xô Viết vẻ vang. Đặc biệt trong những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc thì Tường Sơn là một trong những túi bom đạn rốckét, là trọng điểm đánh phá vô cùng ác liệt. Dầu vậy, nhân dân Tường Sơn vẫn vừa tham gia sản xuất vừa phục vụ chiến đấu “ngày đánh địch, đêm sản xuất”. Trong làn mưa bom bão đạn Tường Sơn vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Phát huy truyền thống cách mạng của cha ông, trong sự nghiệp đổi mới Tường Sơn đã vượt qua nhiều thách thức, đạt được những thành tựu trên các mặt Kinh tế - Văn hoá - Xã hội. Năm 1998 xã Tường Sơn đã được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quí “Anh hùng lực lượng vũ trang”. Trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay, Đảng bộ và nhân dân xã Tường Sơn đã và đang tiếp tục phấn đấu xây dựng, học tập phát huy truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh, xây dựng quê hương Tường Sơn ngày một giàu mạnh để xứng danh là xã “Anh hùng”.

Không khí của buổi nói chuyện trở nên sôi động trong phần giao lưu trả lời câu hỏi. Các đoàn viên thanh niên hăng hái trả lời 3 câu hỏi của Ban tổ chức: những cuộc đấu tranh tiêu biểu của nhân dân Anh Sơn trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; thời gian chi bộ Quan Lãng ra đời lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân Tường Sơn trong thời kỳ 1930-1931; và những thành tích trong thời kỳ đổi mới mà xã Tường Sơn đã đạt được. Các bạn trẻ nắm bắt rất nhanh nội dung của bài nói chuyện nên trả lời đầy đủ, ngắn gọn. Điều đó chứng tỏ thế hệ trẻ Tường Sơn hôm nay cũng ý thức được và rất tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương.

Các cụ lão thành như được hồi tưởng lại quá khứ hào hùng của quê hương, đất nước mà trong đó có công sức đóng góp, có sự hy sinh của chính bản thân và gia đình mình. ý kiến phát biểu của các cụ một lần nữa khẳng định thêm tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân Tường Sơn trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Buổi nói chuyện truyền thống đã kết thúc tốt đẹp. Đây là một hoạt động thiết thực của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh và Uỷ ban nhân dân xã Tường Sơn để kỷ niệm 64 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh mồng 2-9. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng này là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại để các thế hệ hôm nay được tiếp cận với truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước.

Nguyễn Thị Kim Chi - Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Video