3
1641
3494
15879
34073
6824324
Nhân kỷ niệm 92 năm cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2009) Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã phối hợp với hội Hữu nghị Việt – Nga tỉnh Nghệ An, huyện Diễn Châu và trường PTDL Ngô Trí Hoà (Diễn Châu) tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa để tưởng nhớ về sự kiện lịch sử vĩ đại này.
Sáng ngày 6/11 tại nghĩa trang Diễn Ngọc, đ/c Lê Văn Cầm – Phó Bí thư huyện Diễn Châu cùng với đại diện của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, phòng Văn hoá huyện cùng các thầy cô giáo và học sinh trường PTDL Ngô Trí Hoà tổ chức lễ dâng hương dâng hoa lên anh linh 38 chiến sỹ đã hy sinh thân mình cho quê hương Diễn Châu tại nghĩa trang Diễn Ngọc. Nơi này cách đây 79 năm sáng ngày 7/11 năm 30 tiếng trống từ đình Long Ân dồn dập, thúc dục 3000 nông dân các tổng Hoàng Trường, Vạn Phần, Lý Trai hợp với nhân dân Yên Thành rầm rộ kéo về chiếm thành Phủ Diễn. Cờ đỏ búa liềm dương cao, khẩu hiệu cách mạng vang dội. Địch trong thành hoảng loạn bắn vào đoàn biểu tình, làm 38 người hy sinh. Máu của các đồng chí đã nhuộm đỏ cả một khúc sông Bùng. Nghĩa trang Diễn Ngọc ngày nay không chỉ là nơi ghi dấu sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng Diễn Châu mà còn là chứng tích tố cáo tội dã man của bọn thực dân Pháp.
Sau lễ dâng hương dâng hoa, đoàn đại biểu cùng toàn thể các thầy cô giáo và học sinh trở về tham dự buổi nói chuyện truyền thống tại trường PTDL Ngô Trí Hoà. Tham dự có đồng chí Tô Hồng Hải - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo; đồng chí Lê Văn Cầm - Phó Bí thư huyện Diễn Châu; đồng chí Nguyễn Đăng Mười - Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nga tỉnh Nghệ An; phòng Văn hoá huyện Diễn Châu cùng toàn thể thầy cô giáo và các em học sinh của trường PTDL Ngô Trí Hoà.
Mở đầu buổi lễ ông Đậu Xuân Mai - hiệu trưởng trường PTDL Ngô Trí Hoà đã đọc diễn văn khai mạc, ôn lại truyền thống và ý nghĩa to lớn của Cách mạng tháng Mười Nga và cuộc biểu tình năm xưa của nhân dân huyện Diễn Châu dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tiếp theo đồng chí Tô Hồng Hải với tư cách là Chủ tịch Hội Hữu nghi Việt Nga tỉnh Nghệ An, người đã từng sinh sống và học tập ở nước Nga lên phát biểu. Đồng chí được kể lại những kỷ niệm khi học tập và làm việc tại nước Nga thân yêu. Đồng chí cũng có những lời dặn dò, động viên các em học sinh cố gắng phấn đấu học tập để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Không khí của buổi lễ trở nên sôi nổi, vui nhộn với các bài hát bằng tiếng Nga của đồng chí Nguyễn Đăng Mười cùng với cô giáo trường Ngô Trí Hoà.
Tiếp theo đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - cán bộ Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã lên nói chuyện về truyền thống văn hoá - lịch sử vẻ vang cũng như truyền thống khoa bảng nổi tiếng và truyền thống cách mạng hào hùng của nhân dân Diễn Châu trong cao trào cách mạng 1930-1931.
Diễn Châu là một huyện đồng bằng ven biển, nằm ở trung tâm vùng văn hoá xứ Nghệ, từng là lị sở nhiều năm của đất Châu Diễn, Nghệ An. Mảnh đất vàng ngọc Diễn Châu ra đời và gắn bó hữu cơ với sông núi Việt Nam từ buổi hồng hoang của lịch sử. Qua bao thế kỷ hình thành và phát triển, cho đến nay Diễn Châu là một trong những trung tâm phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của tỉnh Nghệ An.
Trong lịch sử đánh giặc của tổ tiên ta, Diễn Châu từng được xem là “phên dậu”, là đất “trọng tấn”, là “thắng địa”, đất “đứng chân” của nhiều đời. Trên mảnh đất Diễn Châu ngày nay còn lưu lại gần 90 di tích lịch sử là dấu tích oai hùng làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, tiêu biểu như Núi mộ Dạ có đền thờ An Dương Vương, làng Vạn Phần với Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn, làng Quần Phương với buổi tế cờ khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn, thành Đông Luỹ trong công cuộc chống quân Minh…
Không chỉ có cảnh đẹp của núi sông, biển cả, giàu của cải thiên nhiên mà Diễn Châu còn là vùng đất có bề dày truyền thống văn hoá. Mảnh đất này là nơi hội tụ, giao lưu của hai nền văn hoá Bắc - Nam với nhiều di tích thời tiền sử đã được phát hiện như Rú Ta (Diễn Thọ), di chỉ lèn Hai Vai (Diễn Minh), di chỉ Đồng Mỏm (Diễn Thọ)…có nhìều hiện vật đồ đá, sắt, gốm…góp phần làm rạng rỡ thêm nền văn hoá Đông Sơn nổi tiếng.
Trong quá trình xây dựng đời sống, sinh cơ lập nghiệp, nhân dân lao động đã tạo nên một đời sống văn hoá tinh thần Diễn Châu riêng biệt, đậm đà tính nhân dân với nhiều thể loại văn nghệ dân gian như các làn điệu dân ca, hát ví hát dặm, ví các phường nghề nghiệp, ca dao tục ngữ, hò vè cùng với nhiều phong tục tập quán tốt đẹp như thờ phụng tổ tiên, tôn trọng người già, cổ vũ việc học và tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong làng xã….
Huyện Diễn Châu còn nổi tiếng là vùng đất có truyền thống hiếu học, chuộng văn chương. Hầu hết các thôn xã đều có ruộng học điền, có văn miếu, hội tư văn, tư võ, hội đồng môn, Nhiều tên làng, tên xã đã nói lên truyền thống đó như làng Văn Hiến, Văn Vật, Văn Tập, Bút Điền, Bút Trận…. Nói đến Diễn Châu là người ta nói đến một vùng đất khoa bảng có lắm người đỗ đạt. Tiêu biểu là vị danh thần họ Ngô quê ở làng Lý Trai mà trường PTDL Ngô Trí Hoà được vinh dự mang tên.
Ngô Trí Hoà (1565-1625) là danh thần đời Lê, quê làng Lý Trai, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An, nay là xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Thưở nhỏ ông là người thông minh, học giỏi, nổi tiếng là thần đồng. Năm 28 tuổi, ông đỗ Đệ nhất Tiến Sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Nhâm Thìn niên hiệu Quang Hưng 15(1592) đời Lê Thế Tông.
Ngô Trí Hoà là người có học thuật uyên bác, có tài trị nước an dân, trải qua phục vụ ba triều, vua chúa đều tín nhiệm, sĩ phu trọng vọng. Với quê hương, ông đã có công chiêu dân lưu tán, thành lập một khu dân cư, lâu ngày thành thôn ấp, gọi là Đông Trai, lại mở chợ, khai hoang, làm lợi lâu dài cho dân. Điều đáng quý nhất trong cuộc đời làm quan của ông là vào năm 1618 ông đã dâng lên chúa Trịnh một bài Khải nêu lên 6 điều cần thiết để sửa sang chính trị, trong đó có 5 điều nói đến dân. Nội dung tờ khải thấm nhuần tư tưởng dân bản, thương dân, vì dân mà chỉ ở những tư tưởng lớn mới có được.
Gia đình Ngô Trí Hoà là một gia đình có truyền thống khoa bảng góp phần làm rạng rỡ “đất học” Nghệ An, đất học Diễn Châu. Thân phụ ông là Ngô Trí Tri thi đỗ cùng khoa với ông, cha con cùng làm quan đồng triều. Con ông là Ngô Sĩ Vinh, các cháu là Ngô Công Trạc, Ngô Hưng Giáo đều có danh tiếng, nhiều đời đỗ đạt.
Phát huy truyền thống quí báu đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân Diễn Châu đã vùng lên đấu tranh mạnh mẽ. Tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh kỷ niệm 13 năm cách mạng tháng Mười Nga 7-11-1930. Kết quả là chính quyền Xô Viết ở các làng xã ra đời đã đem lại rất nhiều thành quả về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế và văn hoá xã hội cho nhân nhân.
* Về kinh tế: Dưới sự điều hành quản lý của các cấp bộ Nông hội đỏ, các quyền lợi của nhân dân được đáp ứng, các thứ sưu thuế, tô tức được cởi bỏ, địa tô, vụ mùa được bãi miễn.
* Về văn hoá – xã hội: Xã hội đã có sự thay đổi căn bản. Tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, mê tín dị đoan, lưu manh, trộm cắp bị cấm đoán chỉ trích. Nông dân lao động trở thành người làm chủ làng xóm, được hưởng các quyền tự do hội họp, tự do đọc sách báo, tự do tham gia hoạt động trong các đoàn thể cách mạng, tự do thảo luận….
Không khí ở nông thôn ngày một nhộn nhịp, vui tươi, ban ngày lo sản xuất đấu tranh, ban đêm lo học tập chính trị, văn hoá. Ở 37 thôn mở được 57 lớp học thu hút 500 người tham gia, giáo viên là các đảng viên. Thông qua học chữ quốc ngữ, thơ ca yêu nước đã được truyền bá rộng rãi.
Giới phụ nữ thoát khỏi cảnh áp bức lễ giáo phong kiến, ngoài việc sinh hoạt theo hội phụ nữ học còn tích cực tham gia vào công việc của làng xã như nam giới. Những tập tục cũ như ma chay, cưới xin, rượu chè, cờ bạc…bị xoá bỏ, cuộc sống được thay đổi, một làn không khí vui tươi, sôi nổi trào dâng trong thôn xóm, lối sống mới được hình thành.
* Về chính trị: Ở các thôn xã bọn hào lý địa phương phải nằm im và giao nộp triện lại cho chính quyền Xô Viết. Một số hiện vật hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh như khế bán ruộng, nghiên mực của địa chủ Nguyễn Lê Bác, triện của lý trưởng thôn Đông Xương, tổng Vạn Phần…cho thấy tội ác của bọn thực dân phong kiến và là sự thất bại thảm hại của bọn chúng trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng nhân dân.
* Về quân sự : Các tổ chức quần chúng ngày một đông lên và được thành lập ở nhiều nơi. Nông hội thu hút được đông đảo dân cày, các tổ chức Hội phụ nữ giải phóng, Thanh niên cộng sản đoàn, sinh hội đỏ, hội tán trợ cách mạng, Cứu tế đỏ…được ra đời thu hút nhân dân tham gia bảo vệ thành quả cách mạng.
Thực tiễn cho thấy phong trào cách mạng 1930-1931 ở Diễn Châu đã đạt được nhiều thành công rực rỡ, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ và sức mạnh đoàn kết của nhân dân Diễn Châu, góp phần viết nên trang sử hào hùng của quê hương.
Những hoạt động trên đã giúp các em học sinh hiểu biết và yêu quí hơn lịch sử quê hương, truyền thống của cha ông mình. Để từ đó hình thành trong các em bản lĩnh, niềm tin, ý chí phấn đấu học tập trên con đường lập thân, lập nghiệp. Đây là hoạt động giáo dục truyền thống có ý nghĩa của Bảo tàng Xô Viết và nhà trường trong việc thực hiện chủ trương “Đưa Xô Viết Nghệ Tĩnh vào trường học” của hai ngành Văn hoá và Giáo dục.
Nguyễn Thị Kim Chi - Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh