Nói chuyện truyền thống kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Hồ Tùng Mậu (15/6/1896 - 15/6/2016)

Tác giả: admin
Ngày 2016-06-17 09:47:04

Cùng với những hoạt động trưng bày chuyên đề, chương trình văn nghệ, lễ dâng hương, dâng hoa nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Hồ Tùng Mậu (15/6/1896- 15/6/2016), Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã phối hợp với UBND huyện Quỳnh Lưu, xã Quỳnh Đôi tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề: “Quê hương và cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Hồ Tùng Mậu” vào lúc 14 giờ ngày 14/6/2016 tại nhà Văn hóa xã Quỳnh Đôi. Về tham dự có đồng chí Đặng Quỳnh Anh- Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL, Ban lãnh đạo Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Nghệ An, lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu, đại diện các ban ngành đoàn thể xã Quỳnh Đôi cùng đông đảo nhân dân và các em học sinh trường THCS Hồ Tùng Mậu.

Bài nói chuyện “Quê hương và cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Hồ Tùng Mậu” do chị Trần Thị Kim Phượng-Phó Trưởng phòng Trưng bày Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh trình bày, gồm 3 phần: phần 1 về truyền thống quê hương của đồng chí Hồ Tùng Mậu; phần 2 về truyền thống dòng họ và gia đình đồng chí Hồ Tùng Mậu; phần 3 về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hồ Tùng Mậu.

Với thời lượng 70 phút, chị Phượng đã cho người nghe hiểu có dịp được tìm hiểu một cách sâu sắc về truyền thống quê hương, dòng họ, gia đình, và cuộc đời, hoạt động cách mạng của đồng chí Hồ Tùng Mậu.

Hồ Tùng Mậu tên khai sinh là Hồ Bá Cự, sinh ngày 15/6/1896 trong một gia đình có truyền thống khoa cử và yêu nước tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Quỳnh Đôi nói riêng và Quỳnh Lưu nói chung là mảnh đất có bề dày văn hiến với truyền thống cách mạng kiên cường. Mảnh đất này đã hun đúc, sản sinh cho đất nước nhiều đại thần, nhà chính trị, quân sự, ngoại giao, văn học, sử học như: Hồ Quý Ly, Hồ Sỹ Dương, Hồ Phi Tích, Phạm Đình Toái, Hồ Xuân Hương, Hồ Bá Ôn, Hồ Học Lãm, Hồ Tùng Mậu…

Đồng chí Hồ Tùng Mậu là hậu duệ của dòng họ Hồ ở Quỳnh Đôi, dòng họ đã làm rạng rỡ truyền thống làng Quỳnh, huyện Quỳnh với nhiều danh nhân, chí sỹ nổi tiếng.

Hồ Tùng Mậu xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa cử và yêu nước, có 5 thế hệ nối tiếp nhau là chí sỹ yêu nước và cách mạng, đó là: cụ cố nội Hồ Trọng Tuấn, ông nội Hồ Bá Ôn, thân phụ Hồ Bá Kiện, Hồ Tùng Mậu, con trai duy nhất Hồ Mỹ Xuyên.

Truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, dòng họ, gia đình như mạch nguồn nuôi dưỡng tư tưởng yêu nước, ý chí cách mạng và khát vọng được hiến dâng tuổi trẻ cho độc lập dân tộc của Hồ Tùng Mậu. Năm 1920, Hồ Cá Cự lấy tên là Hồ Tùng Mậu xuất dương sang Thái Lan, chính thức bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng.

Từ năm 1923- 1931, Hồ Tùng Mậu tham gia sáng lập tổ chức Tâm Tâm xã, là hội viên nòng cốt của tổ chức Thanh niên, một cây bút sắc sảo của báo Thanh niên, là trợ lý đắc lực và làm phụ giảng cho Bác trong những lớp đào tạo lý luận cách mạng ở số nhà 13 đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc. Đồng chí Hồ Tùng Mậu đã có những đóng góp tích cực trong sự thành công của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam họp tại Hương Cảng, Trung Quốc vào ngày 3/2/1930, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Sau khi Đảng ra đời, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra lời kêu gọi gia nhập Đảng, đồng chí Hồ Tùng Mậu lại tích cực vận động các thanh niên yêu nước theo Đảng.

Đặc biệt trong sự kiện tháng 6/1931, khi Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Anh bắt giam tại Hương Cảng, Hồ Tùng Mậu cùng Trương Vân Lĩnh đã nhanh chóng liên hệ với Hội Cứu tế Đỏ nhờ can thiệp và vận động luật sư Lô-dơ-bai đứng ra bào chữa, buộc chính quyền Anh phải trả lại tự do cho Nguyễn Ái Quốc. Sự nhạy bén đó chỉ có thể có được ở một chiến sỹ cách mạng đã có bề dày kinh nghiệm hoạt động trong những năm khó khăn nhất của phong trào. Ngày 30/6/1931, Hồ Tùng Mậu bị địch bắt tại Hương Cảng, sau đó đưa về giam ở nhà từ Hỏa Lò. Trong suốt 14 năm (1931-1945), đồng chí bị lưu đày qua rất nhiều nhà tù thực dân khét tiếng như: nhà lao Vinh, nhà tù Lao Bảo, ngục Kon Tum, Buôn Mê Thuột, nhà lao Trà Khê. Trong tù, đồng chí đã lãnh đạo anh em tù chính trị chống lại chế độ lao tù hà khắc đồng thời sáng tạo nhiều hình thức hoạt động phong phú, có tác dụng giáo dục sâu sắc như ra “Tờ báo miệng” và cùng với Nguyễn Duy Trinh sáng tác cuốn tiểu thuyết miệng “Giọt máu hồng”. Tác phẩm “Giọt máu hồng” đã được chuyển thành kịch diễn ngay trong tù rất thành công.

Tháng 3/1945, lợi dụng thời cơ Nhật đảo chính Pháp, đồng chí đã lãnh đạo anh em tù vượt ngục trở về quê hương hoạt động cách mạng. Từ năm 1946-1951, đồng chí giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và chính quyền: Giám đốc kiêm Chính ủy Trường Quân chính Trung Bộ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu IV, Tổng Thanh tra Chính phủ, Hội Trưởng đầu tiên của Hội hữu nghị Việt – Hoa, Trưởng ban Kiểm tra TW. Ở bất cứ cương vị công tác nào, Hồ Tùng Mậu luôn làm việc hết mình. Ông thật sự có uy tín trong nhân dân và trong đội ngũ cán bộ. Ngày 23/7/1951, trên đường vào Liên khu IV công tác, Hồ Tùng Mậu bị trúng đạn địch ở ngã ba Còng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Đồng chí Hồ Tùng Mậu ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và nhân dân.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hồ Tùng Mậu đã trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ học tập và noi theo.

Góp phần sinh động, hấp dẫn cho buổi nói chuyện là những tiết mục văn nghệ đặc sắc ca ngợi về quê hương, đất nước, về Bác Hồ vĩ đại của Trung tâm VH,TT&TT Quỳnh Lưu và sự tham gia trả lời xuất sắc 5 câu hỏi của các em học sinh trường THCS Hồ Tùng Mậu.

Buổi nói chuyện truyền thống là nén hương thơm kính dâng lên đồng chí Hồ Tùng Mậu nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông và là hoạt động giáo dục truyền thống có ý nghĩa đối thế hệ trẻ Quỳnh Đôi để các em tăng thêm nhiệt huyết phấn đấu học tập rèn luyện trở thành những người có ích cho xã hội, đóng góp sức mình xây dựng quê hương Quỳnh Đôi ngày càng giàu đẹp. 

Phạm Thị Kim Lân – Bảo tàng XVNT

Video