Những tấm gương cộng sản kiên trung của quê hương Nghệ An tại nhà đày Buôn Ma Thuột

Tác giả: admin
Ngày 2018-07-24 03:49:39

Nhà đày Buôn Ma Thuột (trước đây có lúc gọi là nhà tù Buôn Ma Thuột), do thực dân Pháp xây dựng trong giai đoạn 1930-1931, để giam cầm, đày ải, tiêu diệt những người yêu nước, những chiến sỹ cộng sản của hầu hết các tỉnh Trung Kỳ. Đây là một trong những nhà đày nổi tiếng tàn ác của đế quốc Pháp ở Đông Dương.

Suốt từ năm 1930-1945, nhà đày Buôn Ma Thuột là nơi giam cầm hàng nghìn lượt tù chính trị, trong đó Nghệ An là tỉnh có số lượng tù nhân bị giam cầm tại đây nhiều nhất với hơn 700 người (số liệu cập nhật tại Ban quản lý Di Tích Đak Lak năm 2018). Giống như Côn Đảo và các địa ngục trần gian khác, Nhà đày Buôn Ma Thuột là nơi đày biệt xứ và giam giữ tù nhân trong những điều kiện rất khắc nghiệt. Không những bị giam cầm, cùm kẹp, bị đánh đập dã man, tù nhân ở Buôn Ma Thuột còn phải đi lao dịch khổ sai làm nhà tù, mở đường chiến lược, xây dựng nhà cửa, cầu cống doanh trại cho quân đội, làm vườn, trồng cây cho bọn cầm quyền. Ngoài việc tận dụng sức lực của tù nhân vào mục đích kinh tế, chúng còn nhằm hành hạ họ cả về thể xác lẫn tinh thần, làm cho tù nhân kiệt sức mà rã rời ý chí chiến đấu, từ bỏ lý tưởng cách mạng. Trên công trường lao dịch khổ sai cũng như trong nhà đày, tù nhân thường bị bọn quản ngục và binh lính canh gác đánh đập tàn nhẫn bằng roi, gậy thay cho mệnh lệnh. Nếu lính không đánh tù nhân thì chính bản thân lính sẽ bị giám binh, quản ngục đánh đập. Lính canh dùng roi, gậy đánh đập tù nhân thay cho ngôn ngữ bất đồng. Các đồng chí bị đánh cả lúc lao động khổ sai, lúc ăn, tắm giặt và kể cả lúc đi vệ sinh…

Ăn khổ, mặc thiếu, chỗ ở tạm bợ, mất vệ sinh, khí hậu khắc nghiệt, chế độ lao dịch nặng nề do đó phần lớn tù nhân ở Buôn Ma Thuột đều mắc các bệnh nguy hiểm nhưng không có thuốc men chữa trị như kiết lỵ, lao, bại liệt, sốt rét, đái ra máu… nên sức khỏe ngày càng suy sụp, chết dần, chết mòn. Đứng trước hai con đường để lựa chọn: một là chết mòn trong yên lặng, hoặc đoàn kết đấu tranh; các chiến sỹ đã chọn con đường tiếp tục đấu tranh. Đấu tranh để giành lấy sự sống, sống để đập tan âm mưu thâm độc của kẻ thù, để về với Đảng, với nhân dân. Với tinh thần không có vinh quang nào bằng được hy sinh cho sự sống còn của Đảng và giữ vững phong trào cách mạng của nhân dân, dù phải chịu đựng cảnh tù tội tối tăm, khổ ải, sự hành hạ, tra tấn vô cùng tàn bạo của thực dân Pháp nhưng những chiến sỹ cách mạng nói chung, của quê hương Nghệ An nói riêng vẫn kiên trung bất khuất, giữ vững chí khí chiến đấu với niềm tin son sắt vào sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tên tuổi của các đồng chí như: Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh, Phan Thái Ất, Tôn Quang Phiệt, Phan Đăng Lưu, Chu Huệ, Tôn Gia Chung, Ngô Tuân… mãi mãi đi vào lịch sử nhà đày Buôn Ma Thuật, góp phần viết nên bản hùng ca chiến thắng của các thế hệ tù nhân nơi đây.

Đồng chí Phan Đăng Lưu, người con ưu tú, người chiến sỹ cộng sản tiêu biểu của quê hương Yên Thành. Sau một thời gian hoạt động cách mạng, cuối năm 1929, đồng chí bị bắt tại Hải Phòng, đưa về giam tại Nhà lao Vinh. Đầu năm 1930, đồng chí cùng với 60 đảng viên của Đảng Tân Việt bị tòa án Nam Triều đưa ra xét xử. Đồng chí bị kết án 3 năm tù khổ sai, đày đi Buôn Ma Thuột. Tại đây, để phân hóa và mua chuộc anh em tù chính trị, thực dân Pháp đã dùng chính sách “biệt đãi”, đưa Phan Đăng Lưu và những người tù thuộc tầng lớp trí thức ra ghi chép sổ sách tại Văn phòng tòa Công sứ Buôn Ma Thuột. Đến giờ, lính giải đồng chí ra làm việc, hết giờ lại áp giải về phòng giam. Nhận thấy đây là cơ hội tốt nên Phan Đăng Lưu cùng các bạn tù đã tìm cách lấy bớt giấy mực, bí mật ra tờ báo tường “Doãn Đê tuần báo” (Tờ báo hàng tuần của người Kinh và người Ê đê), sau đó đổi tên thành báo Bôn -sê-vích, nhằm tuyên truyền, giáo dục anh em tù đoàn kết, giữ vững tinh thần cách mạng. Năm 1933, nhân một số đảng viên người Nghệ An được tha, Phan Đăng Lưu đã gửi một bài báo tố cáo chế độ hà khắc của thực dân Pháp ở nhà tù Buôn Ma Thuột nhưng việc bị bại lộ nên đồng chí bị tăng án lên 5 năm tù khổ sai và đưa vào giam tại xà lim. Giữa năm 1936, Phan Đăng Lưu được thả tự do. Như chim sổ lồng, đồng chí đã tìm mọi cách bắt liên lạc với Đảng tiếp tục hoạt động, cống hiến sức lực, tuổi trẻ cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân.

Đầu năm 1930, đồng chí Tôn Quang Phiệt (quê Thanh Chương) bị bắt lần thứ ba, bị kết án 7 năm tù và là một trong số những người bị giặc Pháp bắt đày lên Buôn Ma Thuột đầu tiên. Tại đây ông đã sáng tác rất nhiều bài thơ thể hiện tâm thế lạc quan, yêu đời của người chiến sỹ cách mạng trong địa ngục trần gian đồng thời kêu gọi quần chúng đứng lên đánh đuổi kẻ thù tiêu biểu như: Đày lên Buôn Ma Thuột; Cảnh Buôn Ma Thuột; Mau mau đứng dậy; Hịch đuổi rệp

Đồng chí Tôn Quang Phiệt và những chiến sỹ cách mạng bị bắt giam tại Buôn Ma Thuột đã biến nhà tù thành trường học chính trị, thành nơi rèn luyện chí khí và thắp lên ngọn lửa hy vọng về một ngày đất nước độc lập, tự do.

 “ - Mau mau hỡi, mấy người nghèo khổ!

Kíp đứng lên đánh đổ quân thù…

- Bạn binh lính mau mau tỉnh dậy!

Cùng công nông giành lấy lợi quyền…

- Chờ khi đất trở trời xoay

Đồng tâm ắt cũng có ngày thành công.”

                                           (Trích bài Mau mau đứng dậy)

Đồng chí Tôn Gia Chung quê ở Võ Liệt, Thanh Chương. Sau một thời gian hoạt động cách mạng tích cực, ngày 21/7/1931, đồng chí và người bạn đời Nguyễn Thị Kỳ cùng một số cán bộ khác bị địch bắt. Sau 4 năm bị giam ở Nhà lao Vinh, đồng chí bị giải vào nhà tù Buôn Ma Thuột. Tại đây, đồng chí đã nhiều lần tham gia đấu tranh và bị tăng án liên tục. Từ tháng 2 đến tháng 10 năm 1932, đồng chí xung phong phụ trách cai bếp để đấu tranh đòi cải thiện chế độ ăn uống trong tù. Ngày 2/9/1935, đồng chí tham gia đấu tranh và bị thực dân Pháp tăng án 5 năm tù giam. Không nao núng trước những thủ đoạn đê hèn của kẻ thù, đồng chí vẫn tiếp tục tham gia vào các cuộc đấu tranh nên bị chúng xử cầm cố 2 lần và bị tăng án 2 lần nữa. Trong thời kỳ 1936-1939, nhiều chính trị phạm được ân xá nhưng đồng chí Tôn Gia Chung với các mức án tăng nặng vẫn bị giam cầm đến tháng 5/1945. Với vốn kiến thức và kinh nghiệm đấu tranh tích lũy được trong 14 năm tù đày, sau khi được thả tự do, đồng chí đã nhanh chóng trở về quê hương, hòa nhập với phong trào khởi nghĩa và tham gia xây dựng cơ sở tổ chức Việt Minh…

Đồng chí Hồ Tùng Mậu (quê Quỳnh Lưu), sau khi bị giam tại Ngục Kon Tum, cuối năm 1933, thực dân Pháp đày đồng chí vào nhà tù Buôn Ma Thuột. Bất chấp mọi thủ đoạn gây chia rẽ trong anh em tù chính trị của thực dân Pháp, là một người với bề dày kinh nghiệm trong đấu tranh, đồng chí Hồ Tùng Mậu luôn tỉnh táo, chín chắn, thận trọng trong công việc, kiên trung bất khuất trước kẻ thù. Trước lập trường kiên định, thái độ khôn khéo, linh hoạt của đồng chí, mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù đều thất bại. Đồng chí đã sáng tác bài thơ “Tin tưởng” để thể hiện ý chí, bản lĩnh của mình đồng thời khích lệ anh em tiếp tục đấu tranh:

“Cái nợ non sông trót hẹn hò,

Đường đời bao quản bước quanh co,…

…Cách mạng đã gieo thì kết quả,

Cường quyền không đốt cũng thành tro,

Anh hùng khôn luận nơi thành bại,

Thà chết còn hơn mất tự do”(1)

Sau một thời gian bị giam ở nhà đày Buôn Ma Thuột, đồng chí Hồ Tùng Mậu lại bị chuyển sang giam ở nhà lao Trà Khê (tỉnh Phú Yên). Tại đây, đồng chí đã tích cực tuyên truyền, vận động lính gác bỏ ngũ rồi phá nhà lao trở về quê hương tiếp tục hoạt động và cống hiến cho cách mạng.

Với những hoạt động cách mạng tích cực tại Nghệ An và Hà Tĩnh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đồng chí Chu Huệ ( quê ở Diễn Châu) bị bắt, kết án 20 năm tù giam và đày vào nhà tù Lao Bảo. Năm 1935, đồng chí bị đày lên Buôn Ma Thuột. Tại đây, đồng chí đã anh dũng đấu tranh chống lại những hành động áp bức, tàn bạo của kẻ thù, luôn là người tiên phong trong các cuộc đấu tranh của anh em tù chính trị, ngày đêm tích cực học tập, tích lũy kiến thức về chính trị, văn hóa, quân sự để ra tù tiếp tục hoạt động cách mạng. Khi có cơ hội, đồng chí đã chớp lấy thời cơ quyết định vượt ngục. Trải qua hàng ngàn cây số đường rừng nguy hiểm, cuối cùng đồng chí đã vượt ngục thành công, trở về quê hương Nghệ Tĩnh tiếp tục dấn thân vào con đường cách mạng vẻ vang đã chọn.

Hoạt động cách mạng tại quê hương trong một thời gian ngắn, đồng chí Chu Huệ tiếp tục bị bắt, bị tăng mức án khổ sai chung thân và đày vào nhà tù Buôn Ma Thuột. Năm 1938, đồng chí lại dũng cảm tổ chức vượt ngục lần thứ hai. Nhưng không may sự việc bị lộ, bọn cai ngục đã nhốt riêng Chu Huệ vào xà lim tách biệt với anh em, đồng chí suốt 1 năm trời… Tấm gương chiến đấu kiên cường không biết mệt mỏi, bất chấp hiểm nguy của đồng chí Chu Huệ đã để ấn tượng mạnh mẽ trong nhiều thế hệ tù chính trị tại nhà tù Buôn Ma Thuột, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, niềm tin, hy vọng vào tương lai của cách mạng.

Đồng chí Ngô Tuân quê ở Hưng Nguyên, Nghệ An, một trong những chiến sỹ cộng sản kiên trung trong lao tù đế quốc. Cuối tháng 11/1935, trên đường từ nước ngoài về đến Cao Bằng đồng chí sa lưới địch. Sau một thời gian bị giam cầm, tra tấn tại nhà tù Cao Bằng, nhà lao Vinh, nhà tù Lao Bảo, cuối cùng đồng chí bị đưa vào nhà tù Buôn Ma Thuột. Tại đây, đồng chí đã nêu cao tinh thần của người chiến sỹ cách mạng, trở thành chỗ dựa tinh thần cho anh em, đồng chí của mình quyết tâm đứng lên đấu tranh để sớm trở về với Đảng với nhân dân.

Bất chấp mọi cực hình, thủ đoạn của đế quốc Pháp, các chiến sỹ cách mạng nói chung và các chiến sỹ của quê hương Nghệ An nói riêng bị tù đày tại Buôn Ma Thuột đã tích cực đấu tranh chống lao tù tàn bạo; nêu cao tinh thần lạc quan cách mạng, tranh thủ thời gian học tập, rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm, không ngừng nâng cao trình độ về nhiều mặt, để khi có cơ hội sẽ tìm cách trở về với Đảng, với nhân dân. Tinh thần bất khuất của các chiến sỹ cộng sản đã chiến thắng mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn trở được bước tiến của cách mạng, mà trái lại nó trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng thêm cứng rắn. Mà kết quả là cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua.”(2)

Trần Thị Hồng Nhung – Bảo tàng XVNT

Chú thích:

(1) Trích Thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh, Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh 1977, trang 54

(2 Trích: Lời khai mạc lễ Kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Đảng. Hồ Chí Minh,  Tuyển tập, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1960, tr765. 

Video