25
1641
3516
15901
34073
6824346
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Bến Thủy đã cùng đồng bào Nghệ Tĩnh đấu tranh anh dũng góp phần làm nên cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng. Từ mảnh đất đói nghèo nhưng giàu truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng này đã xuất hiện những cán bộ tiền bối xuất sắc của Đảng, những người cộng sản kiên trung như: Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Lợi, Nguyễn Phúc, Lê Doãn Sửu, Nguyễn Thị Vy Nình, Lê Doãn Cường…
Tại thành phố Vinh hiện nay có rất nhiều công trình mang tên đồng chí Lê Mao như: đường Lê Mao, trường mầm non, Tiểu học, THCS Lê Mao, phường Lê Mao… Dù hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng tên tuổi của đồng chí đã được lưu danh vào trang sử vàng của Đảng với sự nghiệp cách mạng vẻ vang và là niềm tự hào của nhân dân Bến Thủy anh hùng.
Đồng chí Lê Mao sinh năm 1903 trong một gia đình nghèo nhưng giàu lòng yêu nước. Ông là con cháu của dòng họ Lê Viết nổi tiếng tại phường Bến Thuỷ.Từ một công nhân nhà máy Diêm khi mới 14 tuổi, đồng chí Lê Mao sớm được giác ngộ trở thành hội viên của Hội Phục Việt; Bí thư Chi bộ nhà máy Diêm; Bí thư lâm thời Tỉnh bộ Vinh – Bến Thủy (tháng 3/1930); Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng (tháng 9/1930); Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ (năm 1931).
Đêm 2/5/1931, trên đường đi công tác, đồng chí Lê Mao - người cộng sản tiêu biểu, một Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Xứ uỷ xuất sắc đã hy sinh cho nền độc lập dân tộc khi tuổi đời mới tròn 28. Đồng chí Lê Mao là người bạn, người đồng chí trung thành, đã kề vai sát cánh cùng đồng chí Nguyễn Phong Sắc trực tiếp chỉ đạo và góp phần làm nên những thắng lợi trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931. Cũng như đồng chí Nguyễn Phong Sắc, tên tuổi của đồng chí Lê Mao gắn liền với Xô Viết Nghệ Tĩnh. Bởi đồng chí đã có công lớn trong việc xây dựng và tập hợp lực lượng cách mạng, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa công – nông liên minh ngay sau khi Đảng ta ra đời... Máu của đồng chí đã hòa vào dòng nước mát lành của quê hương, tiếp tục là mạch nguồn nuôi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Với tài năng, lòng dũng cảm, những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta, đồng chí Lê Mao xứng đáng được tôn vinh và là niềm tự hào của mảnh đất Bến Thủy kiên trung bất khuất, của mảnh đất xứ Nghệ anh hùng.
Sinh ra ở phố Đệ Thập, là con cháu của dòng họ Lê Viết cũng giống như đồng chí Lê Mao, tên tuổi của đồng chí Lê Viết Thuật đã đi vào lịch sử, trở thành tấm gương sáng ngời cho mọi thế hệ học tập và noi theo.
Đồng chí Lê Viết Thuật xuất thân trong một gia đình nghèo nhưng giàu lòng yêu nước. Chính những truyền thống tốt đẹp của quê hương, dòng họ, gia đình đã góp phần tạo nên khí chất, bản lĩnh của người cộng sản kiên trung: yêu nước thiết tha, hoạt động không biết mệt mỏi và không bao giờ chịu khuất phục trước mũi súng kẻ thù.
Từ một công nhân làm việc tại nhà máy Diêm, nhà máy cưa Lao Xiên, nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi, công nhân bốc vác tại Cảng Bến Thủy, đồng chí Lê Viết Thuật đã được giác ngộ trở thành đảng viên Đảng Tân Việt; đảng viên Đông Dương Cộng sản Đảng năm 1929; Bí thư Chi bộ nhà máy Trường Thi, Ủy viên lâm thời Tỉnh ủy Nghệ An (tháng 3/1930); Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (tháng 12/1930).Từ giữa năm 1931, hầu hết cán bộ lãnh đạo của Xứ uỷ lần lượt hy sinh và bị sa lưới địch. Đồng chí Lê Viết Thuật là người đứng đầu Xứ uỷ đã tìm mọi cách bảo vệ tổ chức Đảng, tổ chức đoàn thể cách mạng. Sau khi đồng chí Nguyễn Phong Sắc bị bắt, Lê Mao bị bắn chết, đường dây liên lạc với Trung ương bị đứt, Lê Viết Thuật với cương vị Bí thư Xứ ủy đã tập trung củng cố lại tổ chức Xứ uỷ Trung Kỳ. Đến đầu năm 1932, cơ quan Xứ uỷ Trung Kỳ bị lộ, đồng chí Lê Viết Thuật, người Bí thư Xứ uỷ cuối cùng bị sa vào tay địch.Sau một thời gian chịu đựng tra tấn của kẻ thù tại Nhà lao Vinh, đồng chí Lê Viết Thuật đã anh dũng hy sinh vào tháng 3/1932.
Dù hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng tên tuổi, hình ảnh và những cống hiến của đồng chí Lê Viết Thuật cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân vẫn luôn sống mãi cùng đất nước, quê hương và trong lòng mỗi chúng ta. Tấm gương của đồng chí mãi tỏa sáng, nhắc nhở các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu, vươn lên xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha anh đi trước.
Cùng là đồng hương, đều là công nhân trong các nhà máy ở Vinh – Bến Thủy và luôn sát cánh với đồng chí Lê Mao, Lê Viết Thuật trong những giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là đồng chí Nguyễn Lợi - Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ năm 1930 – 1931.
Đồng chí Nguyễn Lợi sinh năm 1903 trong một gia đình công nhân nghèo. Sau khi cha mất, năm 14 tuổi Nguyễn Lợi theo mẹ vào làm công nhân tại nhà máy Diêm. Năm 1923, anh chuyển sang nhà máy Gỗ, rồi làm thợ bốc vác, làm bồi cho Tây, làm thuê cho Ký Viễn… Chứng kiến cảnh đè nén, áp bức của thân phận người dân mất nước, đồng chí Nguyễn Lợi nhanh chóng được giác ngộ ý thức giai cấp, nhất là sau những buổi nghe các thầy giáo trong Hội Quảng Tri (trong đó có thầy Hà Huy Tập) nói chuyện.
Cũng giống như đồng chí Lê Mao, Lê Viết Thuật và nhiều đồng chí khác quê ở Yên Dũng Hạ, Đệ Thập, từ một công nhân nhà máy Diêm khi chưa đến tuổi lao động, đồng chí Nguyễn Lợi đã được kết nạp vào Hội Hưng Nam (cuối năm 1926, đầu năm 1927), Đông Dương Cộng sản Đảng (năm 1929), công tác ở Ban tài chính của Xứ ủy Trung Kỳ (năm 1930)… Tại những nơi Nguyễn Lợi làm việc như: Nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi (năm 1928), xưởng đại tu ô tô Bạch Thái Đào, nhà máy Diêm (năm 1929)… đồng chí đều tích cực, kiên trì thuyết phục, vận động và hăng hái tham gia, lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân diễn ra sôi nổi. Đặc biệt, trong cuộc đấu tranh mở đầu phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh của công nông Vinh – Bến Thủy ngày 1/5/1930 có sự tham gia lãnh đạo tích cực của đồng chí Nguyễn Lợi. Giữa năm 1931, Xứ ủy Trung Kỳ lâm vào tình trạng bế tắc do nhiều đồng chí chủ chốt hy sinh và sa lưới địch, đồng chí Nguyễn Lợi đã ngày đêm sát cánh cùng đồng chí Lê Viết Thuật chỉ đạo các địa phương cố gắng bảo vệ tính mạng, tài sản của quần chúng, bảo vệ những hạt nhân nòng cốt của cách mạng còn sót lại để có thời gian sẽ phục hồi lại tổ chức và phong trào cách mạng. Dù 3 lần bị bắt vào Nhà lao Vinh, bị đày lên nhà đày Lao Bảo, nhà đày Buôn Ma Thuột, phải nếm trải bao cực hình tra tấn nhưng thực dân Pháp vẫn không thể nào lay chuyển được ý chí, lòng yêu nước của đồng chí Nguyễn Lợi – người chiến sỹ cộng sản kiên trung.
Năm 1945, sau khi được thả tự do, đồng chí Nguyễn Lợi hăng hái tham gia lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền ở các huyện Diên Khánh, Vĩnh Xương, thị xã Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ông tham gia hoạt động trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Cho đến những năm 70 của thế kỷ XX, tuy tuổi đã cao nhưng đồng chí vẫn được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ làm Hiệu trưởng Trường Công nhân kỹ thuật Nghệ - Tĩnh (Việt – Đức).
Với những cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng chí Nguyễn Lợi đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt là Huân chương Hồ Chí Minh năm 1985.
Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, kề vai sát cánh đấu tranh cùng với các đồng chí Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Lợi, Nguyễn Phúc… còn có đồng chí Lê Doãn Sửu. Những hoạt động, hy sinh, cống hiến của đồng chí cũng đã góp phần làm nên những thắng lợi của nhân dân Nghệ Tĩnh trong những ngày đầu có Đảng.
Đồng chí Lê Doãn Sửu ra đời năm 1901. Từ năm 16 tuổi, đồng chí đã phải đi làm thuê cùng với cha trong nhà máy Diêm. Từ một công nhân nhà máy Diêm, đồng chí đã được giác ngộ và trở thành Hội viên của Hội Phục Việt; đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam (tháng 2/1930); Ủy viên Ban chấp hành lâm thời Tỉnh đảng bộ Vinh; Bí thư Thành ủy Vinh - Bến Thủy (tháng 9/1930); Bí thư khu ủy Vinh năm 1931… Đồng chí đã tham gia lãnh đạo hai cuộc biểu tình lớn, tiêu biểu trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là 1/5/1930 và 12/9/1930. Nhà đồng chí còn là một trong những nơi làm việc của Xứ ủy Trung Kỳ năm 1930.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Lê Doãn Sửu đã ba lần sa vào tay giặc nhưng đồng chí giữ vững ý chí, bản lĩnh của người cộng sản kiên trung. Sau khi bị thực dân Pháp bắt và đưa đi an trí tại Trà Khê, Tỉnh Phú Yên (năm 1943), đồng chí đã anh dũng hy sinh tại đây ngày 27/3/1944. Đồng chí Lê Doãn Sửu mất đi là một tổn thất lớn của Đảng. Là một cán bộ lớp đầu tiên, xuất sắc và tận tụy của Đảng, đồng chí đã cống hiến tuổi trẻ của mình cho Tỉnh ủy Nghệ An, cho Tỉnh bộ Vinh – Bến Thủy. Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng, điển hình cho lớp cán bộ vừa lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương, vừa trực tiếp lăn lộn ở cơ sở, chỉ đạo trực tiếp phong trào.
Năm 1970, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Nghệ An, Thành uỷ Vinh đã tổ chức Hội nghị xác minh lịch sử Đảng thời kỳ bí mật của Đảng bộ Vinh- Bến Thuỷ. Hội nghị này đã nhất trí suy tôn 9 cán bộ, đảng viên tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh anh dũng của Đảng bộ và nhân dân thành phố Vinh - Bến Thuỷ (thời kỳ trước cách mạng tháng Tám 1945). Trong số đó, đặc biệt chỉ có một đảng viên nữ, làm công tác giao thông liên lạc đó là Nguyễn Thị Nình (thường gọi là Vi Nình, bí danh là Bính).
Nguyễn Thị Nình sinh năm 1901, tại làng Yên, phố Đệ Thập. Cũng giống như nhiều đồng chí khác, mới 14 tuổi Nguyễn Thị Nình đã phải đi kiếm sống tại nhà máy Diêm. Cùng quê với Nguyễn Thị Nình và cùng làm việc trong nhà máy Diêm có các đồng chí Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Lợi, Nguyễn Phúc là những hội viên Hội Phục Việt lớp đầu tiên ở Vinh - Bến Thuỷ. Thật may mắn cho Vi Nình, chính các đồng chí đó đã giác ngộ ý thức dân tộc và kết nạp chị vào Hội Phục Việt (tức Tân Việt). Từ đó, Vi Nình càng hăng hái tham gia những cuộc đấu tranh trong nhà máy. Do có thành tích nổi bật trong các phong trào đấu tranh tại nhà máy Diêm, Nguyễn Thị Nình được Xứ uỷ Trung Kỳ điều động làm cán bộ giao thông liên lạc cho Xứ uỷ Trung Kỳ. Vượt qua mọi gian nan nguy hiểm, Vi Nình đã luồn lách tránh mạng lưới bao vây dày đặc để đưa tài liệu truyền đơn của Xứ uỷ cho các địa phương trong tỉnh Nghệ An và cả vùng Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Đến cuối năm 1931, cán bộ chủ chốt của Xứ uỷ Trung Kỳ chỉ còn đồng chí Lê Viết Thuật và Nguyễn Lợi. Vi Nình đã cùng Nguyễn Lợi tạo ra một trụ sở rất bí mật của Xứ uỷ ngay trong địa bàn của phố Đệ Thập. Chính nhờ bảo vệ được hạt nhân lãnh đạo của cơ quan Xứ uỷ mà cho đến cuối năm 1931 đầu năm 1932, các Tỉnh uỷ Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn nhận được các chỉ thị của Xứ uỷ Trung Kỳ. Do đó, tình trạng manh động, tự phát được khắc phục, thiệt hại về tính mạng của đảng viên, cán bộ và quần chúng cách mạng được giảm bớt, phong trào vẫn duy trì được ở một số nơi trong hai tỉnh.
Vào một ngày cuối tháng 8/1931, đồng chí Vi Nình sa vào tay giặc khi đang đi công tác. Dù bị kẻ thù tra tấn dã man với thân thể đã bị tàn phế, nhưng tinh thần, ý chí nghị lực của đồng chí như một khối thép đã tôi, không gì lay chuyển nổi. Chị đã giữ được lời hứa thiêng liêng trước Xứ uỷ Trung Kỳ là giữ được trọn phẩm chất người cộng sản, không khuất phục trước uy lực kẻ thù, kiên quyết bảo vệ bí mật của đảng cho dù phải hy sinh cả tuổi thanh xuân. Do không lấy được bí mật gì ở người tù từng chết đi sống lại, nên đến cuối năm 1934, thực dân Pháp đã phải trả tự do cho Nguyễn Thị Nình. Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng chí xứng đáng là tấm gương cộng sản tiêu biểu sáng ngời của Đảng bộ Nghệ An.
Có thể khẳng định rằng Bến Thủy – mảnh đất địa linh, nhân kiệt đã sản sinh ra những người con ưu tú mà tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của họ đã đi vào lịch sử, gắn liền với những thắng lợi của nhân dân Nghệ Tĩnh trong cao trào cách mạng 1930-1931. Tinh thần quả cảm, nghị lực phi thường, kiên trung, bất khuất không bao giờ khuất phục trước những âm mưu thủ đoạn của quân thù là những phẩm chất cao đẹp của những người con Nghệ Tĩnh nói chung và Bến Thủy nói riêng để làm nên những mốc son trong trang sử vàng của dân tộc, của quê hương Xô Viết anh hùng.
Trần Thị Hồng Nhung – Bảo tàng XVNT