Những mẩu chuyện gắn với kỷ vật của Bác Hồ được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2020-05-19 09:03:58

Cứ mỗi dịp tháng 5 về, hàng triệu trái tim người Việt và bạn bè trên khắp thế giới luôn bồi hồi, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất. Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), với tấm lòng kính trọng và biết ơn vô hạn đối với Người, chúng ta cùng tìm hiểu một số mẩu chuyện gắn liền với những kỷ vật của Bác đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Hiện nay, tại phòng trưng bày số 9 Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đang trưng bày cặp kính sáng Bác tặng cho hai đồng chí Võ Nguyên Hiến và Nguyễn Văn Nhu là hai trưởng đoàn ra Hà Nội dự hội nghị sửa sai sau cải cách ruộng đất của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Cặp kính tuy đơn sơ, giản dị nhưng ẩn chứa trong đó là sự nhắc nhở chân tình, nhẹ nhàng và vô cùng sâu sắc.

Ảnh: Cặp kính sáng Bác tặng cho hai đồng chí Võ Nguyên Hiến và Nguyễn Văn Nhu đang trưng bày tại phòng trưng bày số 9 Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Hôm ấy, đúng 14 giờ ngày 8/9/1956, đoàn sửa sai Nghệ - Tĩnh được vào Phủ Chủ tịch gặp Bác. Đoàn đến, chưa vào phòng khách mà đứng ngoài đón Bác Hồ. Bác đến mọi người vui sướng vỗ tay. Bác ra hiệu không cho và lần lượt trìu mến bắt tay từng người một. Bác chủ động hỏi thăm sức khỏe và nói: “Báo cáo của hai tỉnh Bác đã đọc rồi, mời các cô, các chú uống nước”. Mọi người vâng lời mang chén trà thơm của Bác. Không biết vô tình hay hữu ý Bác vương ngón tay làm đổ chén nước ra đĩa. Giọng ấm áp, xúc động, Bác nói: Các cô, các chú cẩn thận được uống nước. Bác làm chén nước đổ không được uống. Nước đổ ra, có rót lại cũng không được đầy như trước. Bác nói tiếp: Mục đích của cải cách ruộng đất là để người cày có ruộng là đúng. Đúng không các chú? Tiếng “Đúng ạ” đồng thanh đáp. Nhưng phương pháp làm, Bác nói tiếp: “Có sai thì sửa” [1]. Những lời nói, hành động gần gũi, giản dị của Bác đã cho chúng ta thấy được sự quan tâm và luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết của Người.

Bên cạnh hai chiếc kính thì bộ sưu tập hiện vật Bác dùng để ký Lời đề tựa là những kỷ vật đặc biệt chỉ có duy nhất ở Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Bộ sưu tập bao gồm: bút lông, đĩa mài mực, viên mực tàu, hai mẫu ký thử của Bác và bản Lời đề tựa. Nội dung Lời đề tựa chỉ gói gọn trong 237 chữ, ngắn gọn, súc tích nhưng rất đầy đủ ý nghĩa, có tác dụng động viên cũng như giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng rất lớn.

Ảnh: Bác Hồ ký Lời đề tựa cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Bác đặt bút ký Lời đề tựa là vào lúc 14 giờ ngày 3/2/1964. Đến dự lễ ký có đồng chí Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ Văn hóa; đồng chí Nguyễn Xuân Linh, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Trần Chí, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh; đồng chí Nguyễn Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Kim Đan, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An.

“... Vừa gặp đoàn cán bộ lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Bác ôn tồn hỏi ngay:

- Tết năm nay trong ta có phát động phong trào trồng cây không?

- Thưa Bác có ạ! Đồng chí Nguyễn Xuân Linh đáp.

Nhìn vào bản đề tựa đặt ngay ngắn trên bàn Bác hỏi tiếp:

Cán bộ Đảng viên tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đến nay còn nhiều không các chú?

Thưa Bác còn nhiều ạ! Đồng chí Nguyễn Văn Minh vội thưa.

Các đồng chí ấy còn công tác nữa không?

Thưa Bác nhiều đồng chí đã nghỉ hưu!

Nghe vậy Bác liền thốt lên như tự trả lời cho mình và cho mọi người:

- À! Thế thì tôi cũng đã quá tuổi về hưu rồi!

Câu nói vui nhưng rất thực lòng của Bác làm cho mọi người có mặt hôm đó đều cảm động…”[2]

Bản Lời đề tựa được đặt ngay ngắn trên bàn. Bác khen chữ viết đẹp, hoa văn trang nhã.

“… Bác miết ngọn bút lông lên đĩa mực, rồi cẩn thận giơ lên xem tuyết bút trước khi ký thử vào tờ giấy nháp, ký xong Bác hỏi mọi người:

- Bác ký như vậy được chưa các chú?

Nhìn nét mặt băn khoăn của mọi người, Người vội nói như để phân bua:

- À! Bác mới ký một chữ thì làm sao các chú chọn được! Rồi Bác tiếp tục ký thử chữ thứ hai cỡ vừa và hỏi:

- Các chú ưng chữ nào?

Đồng chí Nguyễn Văn Minh đứng bên cạnh chỉ vào chữ Bác vừa ký rồi thưa:

- Thưa Bác cháu ưng chữ ký lợ lợ ni ạ!

Nghe vậy Bác cười và nói vui:

- “Lợ lợ” là tiếng Nghệ An “nhà choa đó”!

Mọi người đều cười rộ lên, chờ tiếng cười dứt Bác hỏi tiếp:

- Chú Giám và chú Linh thích cỡ chữ nào?

Đồng chí Hoàng Minh Giám và đồng chí Nguyễn Xuân Linh đều chỉ vào cỡ chữ vừa...” [3]

Trong Lời đề tựa, Bác đánh giá rất cao ý nghĩa lịch sử của sự kiện Xô viết Nghệ Tĩnh: “Xô viết Nghệ Tĩnh là chính quyền cách mạng đầu tiên của công – nông đã lật đổ chính quyền phản động của đế quốc phong kiến ở mấy nơi trong hai tỉnh Nghệ Tĩnh”[4]. Đồng thời, Bác đã ân cần dặn dò: “Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và toàn thể đồng bào Nghệ Tĩnh cần đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi thi đua, xây dựng Nghệ An và Hà Tĩnh thành hai tỉnh gương mẫu, xứng đáng là quê hương của Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng”[5].

Có thể nói, dù bận trăm công nghìn việc nhưng tấm lòng của Bác vẫn luôn hướng về quê hương. Dẫu ở đâu, làm gì, trong hoàn cảnh nào, quê hương luôn tha thiết, canh cánh và đau đáu trong tim Bác

“Quê hương nghĩa trọng tình cao

Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”

Những kỷ vật Bác Hồ tặng cho các lão thành cách mạng và sưu tập hiện vật Bác ký Lời đề tựa cho Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh luôn gây ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc đối với khách tham quan. Lời Bác dạy, những hiện vật, tư liệu có bút tích của Bác luôn là những kỷ vật vô giá, ấp ủ trong đó những giá trị có ý nghĩa động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh qua các thời kỳ luôn khắc sâu, trân quý những kỷ vật về Bác. Kể về Bác là kể về một trái tim rộng lớn, ấm áp và luôn hiện hữu trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Phạm Thị Kim Lân - Bảo tàng XVNT

Chú thích

[1] Tham khảo bài “Đôi điều về sự việc Bác tặng kính sáng cho đồng chí Võ Nguyên Hiến của ông Nguyễn Văn Phượng thư ký đoàn đại biểu sửa sai cải cách ruộng đất Nghệ Tĩnh, được lưu giữ tại kho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

1, 2. Trích bài “Bác Hồ viết Lời đề tựa cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh” của Phan Văn Hùng trên chuyên san Thư viện KHXH&NV, ngày 18/5/2015.

4, 5. Trích “Lời đề tựa” Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 3/2/1964 cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

 

Video