1234
431
4916
16638
20962
6846045
Xứ Nghệ - mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất nổi bật qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc. Từ đây đã sản sinh ra rất nhiều hạt giống đỏ của quê hương với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta. Trong số những cán bộ tiền bối cách mạng tiêu biểu của Đảng thời kỳ đầu, chúng ta không thể không nhắc tới đồng chí Võ Nguyên Hiến - người con ưu tú của quê hương Nghệ An. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn, đặc biệt là trên cương vị Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ năm 1935-1936.
Đồng chí Võ Nguyên Hiến (hay còn gọi là Võ Thiện Kế, Võ Khắc Đạo, Võ Hiến, Chắt Kế) sinh ngày 15/10/1890 trong một gia đình giàu lòng yêu nước tại làng Hậu Luật, tổng Thai Xá, Phủ Diễn Châu (nay thuộc xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Ông là con trai trưởng của Võ Khang Tế (tức Vũ Minh Quang) và bà Cao Thị Viên. Thân phụ là một nghĩa sĩ tham gia phong trào Cần Vương, từng được Nguyễn Xuân Ôn phong làm Tương tán Quân vụ, chỉ huy cánh quân tổng Thái Xá từ Vĩnh Tuy đến Hòa Lạc, xã Diễn Bình.
Theo gia phả dòng họ Võ làng Hậu Luật, Diễn Bình (Diễn Châu, Nghệ An), nguyên tổ Võ Nguyên Hiến là người làng Mộ Trạch (Hải Dương), di cư vào lập nghiệp tại làng Hậu Luật; đến đời thân phụ là hậu duệ đời thứ 15 của dòng họ Võ vùng này. Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, thân phụ Võ Nguyên Hiến đã bắt mối liên lạc với ông Vương Thúc Oánh và Đặng Thúc Hứa (lúc này đang hoạt động ở Thái Lan) để đưa những thanh niên yêu nước ra nước ngoài hoạt động.
Thời niên thiếu, dưới sự giáo dục, chỉ dạy của cha, Võ Nguyên Hiến được tiếp thu văn hóa Hán học cơ bản và nổi tiếng trong làng về khả năng thư pháp. Nhiều bức bức hoành phi, câu đối, thơ phú của Võ Nguyên Hiến vẫn được gìn giữ cho đến hôm nay. Ngoài ra, Võ Nguyên Hiến còn được biết tiếng là một thợ mộc, thợ nề tài hoa, từng tham gia xây dựng và tôn tạo nhiều đình, đền, chùa thờ tự, cùng nhiều cải tiến cho các dụng cụ lao động như xe thồ, xe đẩy phục vụ nông dân trong vùng.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lại được cha dìu dắt, được gặp gỡ nhiều chí sĩ yêu nước nổi tiếng như Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc nên Võ Nguyên Hiến đã sớm giác ngộ cách mạng và quyết tâm đi theo con đường mà thân phụ đã lựa chọn - con đường giải phóng dân tộc.
Từ năm 1926, đồng chí cùng một số thanh niên xuất dương sang Trung Quốc tham dự các lớp huấn luyện của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy. Năm 1928, Võ Nguyên Hiến về nước và đứng ra thành lập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Diễn Bình. Từ Hậu Luật, tổ chức Thanh niên đã phát triển sang các vùng khác như Đệ Nhất (Diễn Nguyên), Nho Lâm (Diễn Thọ). Đầu năm 1928, nhóm Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Nghệ An trong đó có đồng chí Võ Nguyên Hiến đã xuất bản tờ báo "Vừng hồng" để tuyên truyền cách mạng.
Tháng 7/1928, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tấm thẻ căn cước là Nguyên Lai đã đến hoạt động ở Udon(Xiêm), đưa hoạt động của cơ sở cách mạng Việt Kiều ở đây phát triển mạnh. Với mong muốn học tập thêm kinh nghiệm xây dựng tổ chức cách mạng ở Trại Cày, Võ Nguyên Hiến đã lấy cớ đi làm ăn xa để sang Xiêm hoạt động. Mùa xuân năm 1929, Võ Nguyên Hiến đã có mặt trên đất Xiêm đón Tết cùng các đồng chí Đặng Thúc Hứa, Võ Tùng, Đặng Thái Thuyến, Trần Tố Chấn…
Sau khi trở về quê hương, năm 1929, Võ Nguyên Hiến và Võ Thức Hòe đã mở thêm cơ sở buôn bán đại lý nước mắm và rượu Nam Hồng Ích để có thêm kinh phí và dễ bề hoạt động.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 3/1930 tại thành phố Vinh - Nghệ An đồng chí Nguyễn Phong Sắc với tư cách là Uỷ viên Ban Chấp hành lâm thời của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, triệu tập Hội nghị liên tịch giữa Kỳ bộ Trung Kỳ của Đông Dương Cộng sản Đảng và các đại biểu của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn để thống nhất việc chỉ đạo thành lập Đảng trong cả Xứ, thành lập Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung Kỳ (Xứ ủy Trung Kỳ). Hội nghị bầu ra Ban Chấp hành lâm thời, gồm các đồng chí Nguyễn Phong Sắc (tức Thịnh), Lê Mao (tức Cát), Lê Viết Thuật (tức Luyện), đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư.
Xứ ủy Trung Kỳ có nhiệm vụ chỉ đạo việc hợp nhất các tổ chức Đảng ở Trung Kỳ từ tỉnh cho tới tận cơ sở, giải tán các ban chỉ đạo cũ của các tổ chức cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn), lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Xứ ủy Trung Kỳ đặt trụ sở chính tại Vinh - Nghệ An và một trụ sở tại Đà Nẵng để có điều kiện lãnh đạo các tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Định.
Ngay sau khi Xứ ủy Trung Kỳ thành lập đã thống nhất tổ chức Đảng ở các tỉnh, nhanh chóng xây dựng hệ thống tổ chức Đảng các cấp ở Trung Kỳ đồng thời phân công công tác cán bộ trong phân cục Trung ương Trung Kỳ về địa phương gây dựng cơ sở Đảng, lãnh đạo phong trào, chỉ định các đồng chí trong Ban chấp uỷ Trung Kỳ phụ trách từng khu vực.
Đảng ra đời cũng đã trở thành bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Nguyên Hiến, với những hoạt động của mình, đồng chí đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, trở thành một trong những người cộng sản tiền bối.
Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, đồng chí Võ Nguyên Hiến đã không quản ngại khó khăn nguy hiểm, tích cực với các hoạt động như: tuyên truyền, bồi dưỡng, đưa nhiều thanh niên đi theo con đường cách mạng; vận động, thu hút cả những người hoạt động trong hàng ngũ địch quay về với cách mạng, tham gia vào các cuộc đấu tranh cùng nhân dân; trực tiếp vào tận các thôn xóm, đi các địa phương rải truyền đơn, tài liệu; vận động gia đình đem bán cả ruộng đất để có kinh phí hoạt động cho Đảng, đồng thời lấy gia đình làm nơi in ấn, cất dấu tài liệu, truyền đơn, báo chí của Đảng. Bên cạnh đó, Võ Nguyên Hiến còn thành lập các Hội tương trợ, Hội lợp nhà, Hội hát tuồng để quần chúng nhân dân giúp đỡ nhau và tuyên truyền tinh thần yêu nước. Đồng chí mở thêm các lớp học chữ Quốc ngữ nhằm nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân…
Sau khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đi vào giai đoạn thoái trào do sự khủng bố trắng của thực dân Pháp, các đồng chí là cán bộ cốt cát của Xứ ủy Trung Kỳ như Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Mao, Lê Viết Thuật… lần lượt hy sinh và sa vào tay giặc. Đầu năm 1934, với sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, Ban lãnh đạo Hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu. Từ ngày 14 đến ngày 26/6/1934, Ban Lãnh đạo Hải ngoại và các đại biểu các đảng bộ trong nước đã họp để kiểm điểm việc thực hiện Chương trình hành động của Đảng ở trong nước. Hội nghị đã chủ trương phát truyền đơn kỷ niệm lần thứ tư Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1934) để khơi dậy tinh thần đấu tranh của quần chúng.
Thực hiện chủ trương của Hội nghị, Đông Dương viện trợ Bộ đã cử đồng chí Ngô Tuân (Ba Đốc) về Nghệ An chỉ đạo phong trào. Tháng 10/ 1934, đồng chí Ngô Tuân đã quyết định chuyển cơ quan Tỉnh ủy Nghệ An từ làng Đông Chữ (nay thuộc xã Nghi Trường, Nghi Lộc) ra làng Hậu Luật (Diễn Châu). Tại đây đã tổ chức Hội nghị đại biểu các Đảng bộ Huyện để bầu Tỉnh ủy lâm thời. Đồng chí Võ Nguyên Hiến được cử làm Bí thư Tỉnh ủy. Trên cương vị này, đồng chí Võ Nguyên Hiến đã tích cực hoạt động, tổ chức và thành lập nhiều các chi bộ, sau đó cử cán bộ tăng cường đi các huyện góp phần quan trọng trong việc phục hồi hoạt động của Đảng bộ tỉnh Nghệ An và phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân. Đồng chí Võ Nguyên Hiến cùng đồng chí Ngô Tuân đã ngày đêm lăn lộn với phong trào, xuống tận các cơ sở để tổ chức lớp học và hướng dẫn, giải thích để các đồng chí đảng viên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng. Đồng chí Võ Nguyên Hiến đã hoàn thành xuất sắc công việc được giao trên cượng vị Bí thư Tỉnh ủy, củng cố niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của con đường cách mạng mà lãnh tụ đã lựa chọn, giúp anh em, đồng chí có thêm động lực, tinh thần và sức chiến đấu dưới lá cờ vinh quang của Đảng.
Tháng 3/1935, khi Ban lãnh đạo hải ngoại triệu tập Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Đảng tại Ma Cao (Trung Hoa), đồng chí Ngô Tuân và Võ Nguyên Hiến được Đông Dương viện trợ Bộ chỉ định đi dự Đại hội, thay mặt cho Đảng bộ Trung Kỳ. Đồng chí Võ Nguyên Hiến được cử làm trưởng đoàn. Ngày 13/2/1935, từ nhà đồng chí Võ Nguyên Hiến, đoàn đại biểu lên đường đi dự Đại hội, chặng hành trình khó khăn, nguy hiểm này được đồng chí Võ Nguyên Hiến kể lại như sau: “ Ba Đốc và tôi lên tàu hỏa đi Tân Ấp. Tôi ra đi trước vào buổi sáng. Hai người kia đi buổi chiều. Từ Tân Ấp chúng tôi mất 8 ngày để đến Thakek. Ở Thakhek chúng tôi đi đò ngược dòng sông Mê Kong trong đêm và đến Pak Hiu Bour… Phải mất 8 ngày để đến Udon, đi bộ, do một người Việt dẫn đường. Hai người Việt tiếp chúng tôi tại cơ quan ở Udon… Sau một ngày ô tô và hai ngày đi tàu hỏa thì đến Băng Cốc… Mười ngày sau, chúng tôi lên một chiến tàu thủy Trung quốc do một người Anh chỉ huy… Sau 9 ngày vượt biển, chúng tôi đến Hồng Kong. Tôi chỉ có trong người tấm thẻ thuế thân mà thôi. Không lúc nào chúng tôi bị lo lắng gì cả…”(1)
Trong Hồi ký của mình, đồng chí Ngô Tuân cũng ghi lại những tháng ngày đi dự Đại hội Đảng lần thứ nhất cùng đồng chí Võ Nguyên Hiến như sau: “… Để chuẩn bị cho đoàn chúng tôi đi dự Đại hội được thuận lợi, Đảng bộ Xiêm lúc đó ở Udon đã lo cho chúng tôi đầy đủ giấy tờ xuất nhập cảnh, vé xe, vé tàu, quần áo cải trang và tiền Xiêm, tiền Trung Hoa dân quốc để chi tiêu dọc đường. Mỗi người trong đoàn chúng tôi được trang bị hai bộ âu phục và được phát 100 đến 150 đồng lộ phí. Cuối tháng 3 năm 1935, đoàn chúng tôi đến Hương Cảng…
Trong suốt thời gian Đại hội làm việc, tất cả các đại biểu phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy bảo mật phòng gian. Không một ai được đi lại tự do ra khỏi phòng ở và phòng làm việc. Phải giữ bí mật, lời nói phải thận trọng, không nói to, ăn, nghỉ tắm rửa tại nơi đã quy định. Việc giao dịch với bên ngoài và việc mua sắm đã có người chịu trách nhiệm.
Hàng ngày tuy hai bữa cơm ăn đủ no, nhưng thức ăn thì chỉ có canh lá lốt nấu với đầu cá khô (ở Ma Cao người ta thường dùng đầu cá biển khô để nuôi sức vật). Chỉ có bữa liên hoan mừng thành công của Đại hội mới có món thịt. Ban đêm hai đến ba đại biểu phải ngủ chung một giường, có đồng chí phải nằm trên sàn.
Tuy điều kiện ăn ở kham khổ như vậy và tinh thần lại rất căng thẳng nhưng các địa biểu dự Đại hội đều rất phấn khởi, hăng hái, làm việc rất khẩn trương không kể ngày đêm…”(2)
Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Đảng tại Ma Cao họp từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935 với 15 đại biểu. Đồng chí Hà Huy Tập chủ trì Đại hội. Trong đại hội này có đồng chí Ngô Văn Anh (tức Trần Tố Chấn, quê ở Đô Lương, Nghệ An) hoạt động tại Xiêm và Phùng Chí Kiên (quê Diễn Châu, Nghệ An), một trong những đại biểu của Ban lãnh đạo Hải ngoại của Đảng. Cả hai đồng chí đều được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội đã khẳng định là đại đa số đảng viên “Vừng hồng” ở Nghệ An, đã chuyển thành đảng viên cộng sản hoặc chịu ảnh hưởng của Đảng Cộng sản. Đại hội yêu cầu các đảng bộ phải nhanh chóng củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong phong trào cách mạng của quần chúng. Tại Đại hội này, đồng chí Võ Nguyên Hiến và Ngô Tuân đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí Võ Nguyên Hiến được phân công phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Ngô Tuân phụ trách Nam Kỳ.
Trong Hồi ký của Ngô Tuân, đồng chí cũng nhớ lại: “ Đại hội đã bầu ra một ban chấp hành Trung ương Đảng… Ban chấp hành Trung ương Đảng đã giao cho các đồng chí trưởng đoàn chịu trách nhiệm bảo vệ những văn kiện chính thức và chủ yếu của Đại hội. Đồng chí trưởng đoàn chúng tôi giấu kín những văn kiện đó bằng cách khâu vào dưới đũng quần lót của mình, mang về nước trót lọt…”(3)
Kết thúc Đại hội đồng chí Võ Nguyên Hiến trở về quê hương vào ngày 6/6/1935, nhờ sự mưu trí, dũng cảm của đồng chí nên những văn kiện, tài liệu quan trọng của Đảng đã được đưa về nước an toàn. Vừa về tới Nghệ An, Võ Nguyên Hiến đã bắt tay ngay vào công việc. Trên cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí đã triệu tập ngay Hội nghị đại biểu các huyện để phổ biến Nghị quyết của Đại hội Ma Cao. Hội nghị quyết định đổi tên tờ báo Chuông cách mạng thành tờ báo Tự cứu và in các văn kiện của Đại hội để huấn luyện cho các cấp bộ Đảng.
Đồng chí Võ Nguyên Hiến đã cho phân phát hết số tài liệu mang từ Trung Quốc về, ngoài ra còn cho in sao hàng trăm bản để kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân: “Ở nhà tôi, chúng tôi đã in sao tuyên ngôn ấy thành 500 bản. Thuyết nhận rải hơn một trăm ở Thanh Hóa; Y (Nguyễn Thức Y) thì phải phụ trách Phủ Diễn và Đô Lương. Tôi đã giao cho Cu (Nguyễn Ngọc Cu) ở Đông Thái rải ở Hà Tĩnh…”(4) Nhờ những hoạt động tích cực đó của đồng chí Võ Nguyên Hiến và nhiều đồng chí khác, phong trào cách mạng của nhân dân các tỉnh Trung Kỳ đã có bước phát triển mới, đồng thời Tỉnh ủy Nghệ An đã gây được uy tín trong tỉnh và đã nối được liên lạc, phối hợp hành động với Huyện ủy Nghi Lộc.
Bị mật thám theo dõi từ lâu vì nghi ngờ hoạt động cộng sản, mặc dù chưa tìm được bằng chứng kết tội nhưng chính quyền thực dân, phong kiến vẫn ráo riết theo dõi đồng chí. Để tránh sự chú ý của bọn mật thám, Võ Nguyên Hiến cùng các đồng chí trong Xứ ủy Trung Kỳ đã quyết định chuyển địa điểm bộ phận ấn loát tài liệu của Đảng về nhà tờ cụ Nguyễn Thức Tự tại xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, Nghệ An và giao công việc in ấn cho đồng chí Nguyễn Thức Y phụ trách.
Về quê nhà hoạt động chưa được bao lâu, Tri phủ Diễn Châu lấy cớ Võ Nguyên Hiến vắng nhà lâu ngày đã ra lệnh đưa đồng chí lên Phủ để xét hỏi. Với nhiều thủ đoạn khác nhau, chúng đã ra sức tìm chứng cớ để buộc đồng chí nhưng trước sau như một, Võ Nguyên Hiến với lý luận nhạy bén, sắc sảo đã buộc tri phủ Diễn Châu phải thả đồng chí. Được trả tự do, Võ Nguyên Hiến tiếp tục hòa mình vào phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, cống hiến trí tuệ và sức lực, tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp của Đảng.
Tháng 10/1935, đồng chí Võ Quang Trị làm giao thông liên lạc cho Xứ ủy Bắc Kỳ sa vào tay giặc. Mật thám tay sai đã khám xét và phát hiện ra bức thư của Xứ ủy Bắc Kỳ gửi cho đồng chí Võ Nguyên Hiến – Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Chính quyền thực dân, phong kiến vui mừng vì nghĩ rằng đã có được bằng chứng kết tội Võ Nguyên Hiến nhưng một lần nữa đứng trước mặt kẻ thù với trí tuệ, lý luận sắc bén, đồng chí đã bẻ gãy tất cả những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù do đó đồng chí đã trắng án.
Để chuẩn bị kỷ niệm 18 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1935), ngay từ tháng 9 và tháng 10/1935, đồng chí Võ Nguyên Hiến đã cho in ấn truyền đơn, báo chí tuyên truyền với số lượng lớn. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo này của Võ Nguyên Hiến mà công tác tuyên truyền của Xứ ủy Trung Kỳ trong giai đoạn này đã phát huy tối đa tác dụng, góp phần vào việc củng cố, kiện toàn lại các cơ sở Đảng, đồng thời gây dựng niềm tin trong quần chúng nhân dân nhờ đó phong trào cách mạng dần được phục hồi, phát triển.
Đầu tháng 11/1935, lo sợ đồng chí Võ Nguyên Hiến sẽ tổ chức các cuộc đấu tranh kỷ niệm 18 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1935), tri phủ Diễn Châu đã cho bắt đồng chí Võ Nguyên Hiến giải vào giam tại Nhà lao Vinh. Đây cũng là lần thứ 6 đồng chí bị bắt.
Nhà lao Vinh hình thành từ năm 1804 tồn tại đến năm 1945, là nơi chính quyền phong kiến, thực dân từng giam giữ nhiều thế hệ chiến sĩ yêu nước và cách mạng. Từ trong chế độ lao tù tối tăm khắc nghiệt, các thế hệ tù nhân tại đây trong đó có đồng chí Võ Nguyên Hiến đã thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất, một lòng, một dạ trung thành với lý tưởng cách mạng. Các đồng chí đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, thành nơi rèn luyện ý chí và thử thách bản lĩnh chính trị của mình.
Tù chính trị tại Nhà lao Vinh phải đi lao động khổ sai khắp nơi. Công việc chủ yếu của họ là đi hốt rác, dọn vệ sinh, chăn nuôi, gánh đất, đào đá, chuyên chở vật liệu, xây dựng đồn trại, công sở. Ngay trong khi ra hành dịch, dưới sự điều khiển bằng roi vọt và canh giữ chặt chẽ, thì các tù nhân cũng không được hoàn toàn tự do về thân thể, nếu không bị xích tay, thì cũng chịu xiềng chân. Ở đâu cần mồ hôi và gân cốt của con người, bọn mật thám và cai ngục đã giải người đến đó.
Không những phải lao động khổ sai, tạp dịch mà tù nhân còn bị đánh đập hết sức thậm tệ. Chính quyền thực dân - phong kiến đã sử dụng nhiều hình thức tra tấn tàn bạo như: sử dụng các loại roi cao su, vặn thừng, roi gân bò, dùi cui, roi xương cá sấu thay nhau đánh đập; lấy điện dí vào người; bắt tù nhân lột trần, sau đó đổ xà phòng lên bụng rồi dùng giày đinh dẫm lên bụng cho máu mồm, máu mũi tuôn chảy ra mới thôi; dùng đèn cồn đốt mười đầu ngón tay; lấy mâm đồng nung đỏ rồi bắt người tù ngồi lên; dùng sắt nung đỏ dí vào bẹn của tù nhân nữ… Đánh bằng roi vọt không lấy được tin tức gì, chúng đã dùng đinh đóng vào gậy để đánh người tù, mỗi lần quất gậy xuống nhấc gậy lên là thịt da của người tù móc ra theo roi, máu từ chỗ bị đánh chảy ra thấm ướt cả sàn nhà.
Trong suốt 7 tháng bị giam cầm tại Nhà lao Vinh, dưới chế độ lao động khổ sai, sinh hoạt khắc khổ và bị tra tấn xét hỏi như bao nhiêu tù nhân chính trị khác, một lần nữa tất cả những âm mưu thủ đoạn của kẻ thù đều bất lực trước ý chí, nghị lực kiên cường của đồng chí Võ Nguyên Hiến. Không đủ bằng chứng kết tội, tháng 5/1936, đồng chí được thả tự do nhưng chính quyền thực dân, phong kiến vẫn ráo riết theo dõi mọi hoạt động của Võ Nguyên Hiến.
Trở về quê hương, không phút nghỉ ngơi, đồng chí bắt tay ngày vào công việc, tích cực, sôi nổi chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 19 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1936). Nhưng hoạt động chưa được bao lâu thì Võ Nguyên Hiến bị lộ, đồng chí tiếp tục bị bắt đưa về Nhà lao Vinh giam giữ, xét hỏi. Hết tra tấn, đánh đập đến mua chuộc, dụ dỗ, thực dân Pháp vẫn không thể nào lay chuyển được tinh thần của người chiến sỹ cách mạng kiên trung. Đồng chí Võ Nguyên Hiến đã không vì những quyền lợi của kẻ thù hứa hẹn mà phản bội lại anh em, đồng chí của mình. Bài thơ “Biết ai” được sáng tác trong lao tù đã thể hiện nhân cách, đạo đức, khí tiết cao đẹp của Võ Nguyên Hiến:
“Nào biết ai đây, chỉ biết mình
Biết mình riêng ở một xà lim
Biết niềm cương quyết son ghi dạ
Biết chữ đồng tâm sắt với tình
Biết chung thống khổ không hề núng
Biết riêng sống thác, tớ xem khinh
Biết ai ai biết ai ai biết
Ai biết cho ai nỗi bất bình” (5)
Tại Nhà lao Vinh, biết mình bị bắt cùng với hai đồng chí giao thông liên lạc của Tỉnh ủy Nghệ An là Võ Ngãi và Võ Tời, mặc dù không được gặp mặt nhưng trước những đòn roi tra tấn của kẻ thù, lo cho các cơ sở Đảng mà bản thân mình và nhiều đồng chí khác đã dày công gây dựng có thể bị lộ, tan vỡ, Võ Nguyên Hiến đã nhận hết tội về mình với hy vọng các đồng chí, anh em sẽ được thả tự do, trở về quê hương tiếp tục hoạt động cách mạng. Đồng chí đã mật báo cho Võ Tời và Võ Ngãi khai hết tội cho mình đã lãnh đạo, tổ chức các hoạt động cách mạng. Trước mặt kẻ thù, đồng chí Võ Nguyên Hiến đã tự nhận tất cả các hoạt động cộng sản đều do một mình đồng chí gây ra và yêu cầu thả tất cả những người khác vì họ vô tội. Với tội danh đó, đồng chí đã phải lãnh bản án chung thân và đày đi Buôn Ma Thuột. Hành động nhân văn và quả cảm đó của Võ Nguyên Hiến đã trở thành tấm gương sáng ngời cho biết bao thế hệ tù chính trị tại Nhà lao Vinh học tập, noi theo.
Có thể khẳng định rằng, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng kiên cường không biết mệt mỏi của mình, đặc biệt trong giai đoạn 1935-1936, trên cương vị là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Võ Nguyên Hiến đã có nhiều đóng góp không nhỏ cho quá trình phục hồi của tổ chức này đồng thời ra sức xây dựng lại các cơ sở Đảng, niềm tin của quần chúng nhân dân và phong trào cách mạng của các tỉnh Trung Kỳ trước chính sách khủng bố trắng của địch. Đồng chí đã sống, chiến đấu và cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, xứng đáng là học trò được Bác Hồ đào tạo. Tên tuổi của đồng chí đã đi vào trang sử của quê hương, đất nước góp phần làm rạng danh cho mảnh đất Hồng Lam giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.
Trần Thị Hồng Nhung – Bảo tàng XVNT
Chú thích:
(1), (4) Hồ sơ số 260/ss ngày 13/11/1936 (lưu tại BTXVNT)
(2),(3) Hồi ký của đồng chí Ngô Tuân – Đăng trên Tạp chí Cộng sản – Tháng 8/1981. Tr53,54,55
(5) Tiếng hát trong tù – Tập 2- NXB Thanh niên tháng 10/1974. Tr24