Nhớ về Nguyễn Phong Sắc

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-04 07:45:36

Nguyễn Phong Sắc (1902 -1931), sinh ra và lớn lên tại Hà Nội là một trong những người con ưu tú nhất của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội. Cụ thân sinh ra ông là Nguyễn Đình Phúc (tức Nguyễn Văn Phúc) và cụ bà là Thành Thị Tửu đều là những người thợ tiểu thủ công nhiệp truyền thống của Hà Nội. Gia đình cụ vốn là gia đình giàu lòng yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng và tham gia các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX.

Cụ Nguyễn Đình Phúc là một nhà trí thức yêu nước đất Hà Thành. Cụ là người học rộng, đọc nhiều, thông thạo chữ Hán, chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Đó là điều kiện, là cái cầu nối đưa cụ đến với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907. Tuy không phải là người đứng đầu phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục song những đóng góp của cụ vào phong trào này đã đủ để lịch sử ghi lại tên tuổi của những người con nổi tiếng đầu thế kỷ XX như: Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Võ Hoành, Đỗ Chân Thiết, Bùi Liêm, Dương Bá Trạc, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Đình Phúc...những nhân vật trụ cột của phong trào yêu nước, cải cách giáo dục.

Vào ngày 1 tháng 2 năm 1902, cậu bé Nguyễn Đình Sắc (còn gọi là Nguyễn Văn Sắc, tức Nguyễn Phong Sắc sau này) đã cất tiếng khóc chào đời tại làng Bạch Mai - một làng ven đô với những vườn trĩu quả. Địa danh Mơ - Kẻ Chợ - Chợ Mơ vẫn còn đọng lại cho đến bây giờ. Đất Kẻ Mơ là mảnh đất giàu chất lịch sử, với nhiều di tích danh thắng nổi tiếng như: Chùa Vua – nơi thờ Đế Thích (vốn là Thủy Tinh sau chuyển thành vua cờ) là di tích Cách Mạng. Chùa Hương Tuyết tuy nay cổng vào chỉ còn rất nhỏ song vốn là nơi thờ Phật và che giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Những ngôi đình làng như Đình Đại thờ Cao Sơn Đại Vương (Sơn Tinh), đình Đông thờ Linh Lang một hoàng tử triều Lý có công chống quân Tống xâm lược, ngôi đền Quang Minh thờ Liễu Hạnh công chúa. Các ngôi chùa thờ Phật - chốn danh thắng muôn đời của Thủ đô như: Liên Phái với ngọn tháp cổ hùng vỹ, chùa Mai Hương...Lui xuống phía Nam, làng Bạch Mai giáp với làng Hoàng Mai, Mai Động vốn một thời là thái ấp của Trần Khát Chân thế kỷ XIV. Đình làng các làng này thờ ông cùng nhiều đô tướng khác, làng Mai Động - đất võ, đất vật trong đình còn thờ vị tuớng Nguyễn Tam Chinh - dưới thời Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa đánh quân Tô Định giúp Hai Bà dựng nước, mảnh đất giàu lịch sử ấy cùng với một gia đình giàu truyền thống yêu nước sẽ là môi trường tốt để góp phần làm nên một Nguyễn Phong Sắc sau này.

Thầy giáo Ròn là người thầy đầu tiên dạy Nguyễn Phong Sắc tại trường Dân Tiến khi ông mới 10 tuổi. Cùng với sự dạy dỗ của gia đình, Nguyễn Phong Sắc lại được ảnh hưởng và lớn dần cùng những vần thơ yêu nước thương nòi mà ông giáo Ròn truyền dạy trong 3 năm. Khi học tại trường Công Ích, Nguyễn Phong Sắc đã chứng kiến tận mắt cảnh thực dân Pháp bắt lính và cảnh những người mẹ phải chia tay con ra đi không lần gặp lại. Anh đã xin nghỉ học trong nhiều ngày để chứng kiến những buổi xử án đối với những chiến sĩ Việt Nam Quang Phục Hội. Nguyễn Phong Sắc quyết định thi vào trường Bưởi khi bước vào tuổi thanh niên và trong thời gian học ở trường, Anh đã say mê tham dự các buổi diễn thuyết về tình hình thế giới trong nước, về hồn đất nước và lịch sử dân tộc.

Năm 1924, Nguyễn Phong Sắc chấm dứt đời học sinh, cũng là năm phong trào công nhân ở nước ta phát triển mạnh, chuyển từ đấu tranh tự phát sang tự giác. Sau khi tốt nghiệp đầu bảng kỳ thi Thành Chung, Nguyễn Phong Sắc làm việc tại Sở Tài chính Đông Dương với số lương tương đối cao. Được gia đình chu cấp học hành, cho riêng một chiếc xe kéo để đi làm nhưng lòng anh vẫn đau đáu về số phận của người dân nô lệ. Anh nói với người phu xe cho anh rằng: “Tôi chẳng có gì giận anh đâu. Tôi nghĩ rằng tôi và anh đều là dân nô lệ cho người Pháp, anh kéo xe cho tôi ngồi, tôi thấy ngậm ngùi cho thân phận cả anh lẫn tôi, thân phận kẻ mất nước. Vì vậy tôi không thể ngồi xe để anh kéo được nữa”. Bất bình trước một việc người Pháp đối xử thô bỉ với một người Việt trong Sở Tài chính Đông Dương, anh đã bỏ việc.

Năm 1927, anh tham gia vào tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội khi giai cấp công nhân Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của Chủ nghĩa Mác – Lê nin thông qua những hoạt động truyền bá của Nguyễn Ái Quốc. Những yếu tố khách quan và chủ quan ấy là cái lò tôi cho người thép Nguyễn Phong Sắc sớm trở thành một trong những người cộng sản đầu tiên của Đảng ta. Từ khi lao vào hoạt động cách mạng, bạn bè thấy anh hoạt bát hẳn lên, gương mặt hiền hòa, lấp ló nụ cười mà trước đó người ta ít thấy xuất hiện ở anh. Anh sống chân thành với anh em đồng chí, nên được mọi người quý mến, tin tưởng và giao những trọng trách.

Tháng 3 năm 1929, tại nhà 5D phố Hàm Long, anh cùng với Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Trần Văn Cung...tham gia thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Hà Nội. Ngôi nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội (nay là di tích cách mạng của Hà Nội) mãi mãi khắc ghi hình ảnh Nguyễn Phong Sắc - người con của Hà Nội, người cộng sản của Hà Nội. Tháng 4 năm 1929, Nguyễn Phong Sắc được bầu làm Bí thư của Tỉnh bộ Thanh Niên Hà Nội. Tháng 6 năm 1929, Nguyễn Phong Sắc tham gia thành lập Đông Dương Cộng Sản Đảng, được bầu làm uỷ viên Ban chấp hành Trung ương lâm thời, phụ trách Phân cục Trung bộ.

Sau ngày 3-2-1930, Nguyễn Phong Sắc được cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 10, sau Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, đồng chí được bầu là Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ uỷ Trung kỳ và trực tiếp chỉ đạo cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tháng 3 năm 1931, sau khi dự Hội nghị Trung ương lần thứ hai ở Sài Gòn, đồng chí ra Trung kỳ phổ biến Nghị quyết Trung ương lần hai cho Xứ uỷ Trung kỳ. Tiếp đó đồng chí lại ra Bắc để phổ biến Nghị quyết cho Xứ Bắc kỳ tại Hải Phòng. Rời Hải Phòng về Hà Nội, đồng chí bị địch bắt tại ga Hàng Cỏ (khách sạn Nam Lai). Bắt được Nguyễn Phong Sắc, thực dân Pháp đã tra tấn dã man hòng lung lạc người chỉ đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhưng chúng đã thất bại. Tháng 5-1931, chúng đã giết hại đồng chí tại đồn Song Lộc thuộc Nghi Lộc - Nghệ An.

Cuộc đời của người thanh niên - người cộng sản - người chiến sỹ cách mạng Nguyễn Phong Sắc thật ngắn ngủi, nhưng những bước chân tung hoành của Anh, những tình cảm và công lao to lớn của Anh khắp Bắc, Trung, Nam còn ghi dấu. Hà Nội là nơi anh sinh ra, Nghệ An, Hà Tĩnh, Sài Gòn... là nơi anh từng hoạt động cách mạng, đều trở thành quê hương yêu dấu của Anh, đó chính là Tổ quốc Việt Nam mà anh trọn đời chiến đấu và sự hi sinh cho sự tồn vong của đất nước, Nguyễn Phong Sắc đã trở thành người con yêu quý, một trong những lãnh tụ xuất sắc của dân tộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng và của dân tộc ta.

Những nhà số 152, 154, 156 phố Bạch Mai, trường Bưởi, những di tích 5D Hàm Long, 90 Thợ Nhuộm, chùa Vua, chùa Hương Tuyết, khách sạn Nam Lai, ga Hàng Cỏ, những đường phố Hà Nội vẫn còn in đậm dấu chân hoạt động và hình ảnh người cộng sản Nguyễn Phong Sắc. Đảng bộ và nhân dân Hà Nội mãi mãi ghi nhớ người con, người đồng chí, vị lãnh tụ Nguyễn Phong Sắc và với thái độ tri ân đã đặt tên một trường học, con đường mang tên Nguyễn Phong Sắc tại Hà Nội để trường tồn cùng với Thủ đô anh hùng – “Thành phố vì hoà bình”.

Tóm lại, sinh ra trong một gia đình đã có sẵn truyền thống yêu nước, từ mảnh đất quê hương là cái nôi của cách mạng đã chăm sóc, nuôi dưỡng, bồi đắp cùng với những tố chất của chính con người Nguyễn Phong Sắc đã tạo nên tình cảm cách mạng lớn lao và tầm vóc Nguyễn Phong Sắc đối với cách mạng và dân tộc. Ngược lại, chính tình cảm lớn lao đối với cách mạng và dân tộc đã làm phong phú và rạng rỡ giữa tình cảm gia đình, quê hương đối với Nguyễn Phong Sắc và tạo ra một chất keo dính tình cảm của Nguyễn Phong Sắc đối với gia đình, quê hương và đối với cách mạng. Tình cảm cách mạng, ý chí đấu tranh chống kẻ thù trong con người Nguyễn Phong Sắc được nhân lên gấp bội, bởi vì những yếu tố đó hoà quyện và thôi thúc lẫn nhau.

Tấm gương cách mạng yêu nước của cụ mãi còn đó với non sông gấm vóc của dân tộc ta. Chúng ta rất vui khi được biết các con, các cháu ông hôm nay nguyện đi theo con đường cách mạng của các bậc tiền bối, cố gắng học tập tốt, công tác tốt để góp phần nhỏ cùng Đảng bộ và nhân dân Hà Nội xây dựng Thủ đô ngày càng tươi đẹp hơn.

Nhớ mãi về Nguyễn Phong Sắc, không chỉ nhớ về một người cộng sản lớp đầu tiên của Hà Nội, của đất nước có ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc sâu sắc như gươm giáo, mà còn nhớ về một bản “tình ca Nguyễn Phong Sắc” có sức truyền cảm mạnh mẽ từ hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Đó là bản tình ca: Nguyễn Phong Sắc với gia đình, với quê hương, với cách mạng và dân tộc.

TS. Nguyễn Viết Chức
Giám đốc Sở Văn hoá và Thông tin Hà Nội

Video