Nhớ đồng chí Lê Xuân Đào – Bí thư đầu tiên của Phủ ủy Hưng Nguyên, người chiến sỹ cộng sản kiên trung trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2023-03-21 13:39:52

Trở về Hưng Nguyên trong những ngày tháng 3, trên khắp  mọi nẻo đường, chúng ta được hòa mình vào không khí sôi nổi của những ngày kỷ niệm 120 năm Năm sinh đồng chí Lê Xuân Đào – Bí thư đầu tiên của Phủ ủy Hưng Nguyên (1903-2023) - người con ưu tú của quê hương Nghệ An đã cống hiến trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Tinh thần chiến đấu vượt lên mọi hoàn cảnhvà sự hy sinh của đồng chí luôn là một tấm gương sáng làm cho các đồng chí của mình không chịu lùi bước, đó cũng là tinh thần và ý chí của những người cộng sản trên quê hương Xô Viết.“Có thể nói trong bước thoái trào, những người cộng sản ở Nghệ An đã phải đương đầu với những thử thách nghiêm trọng. Nếu không có tinh thần bất khuất, trung kiên, dám xả thân vì cách mạng thì không thể tiếp tục hoạt động trong những điều kiện khó khăn, có thể bị bắt hoặc thủ tiêu bất cứ lúc nào(1)

Đồng chí Lê Xuân Đào tên khai sinh là Lê Mạnh Thân, tên thường gọi là Chắt Lũ, sinh năm Quý Mão (1903) trong một gia đình nông dân ở làng Phù Xá, tổng Phù Long nay là xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Thân phụ ông là cụ Lê Quyến, thân mẫu là bà Hoàng Thị Chí, cả hai ông bà đều cùng ở làng Phù Xá, tổng Phù Long.

Thuở nhỏ, đồng chí  Lê Xuân Đào đã nổi tiếng thông minh, nhanh nhẹn, học giỏi. Sau khi học xong bậc Sơ học ở trường Pháp - Việt ở Tổng Phù Long, đồng chí Lê Xuân Đào được bố mẹ cho xuống Vinh theo học lớp Nhì trường Tiểu học Pháp - Việt. Năm 1918, mẹ ông là bà Hoàng Thị Chí qua đời, ít tháng sau cha ông cũng mất, để lại 5 người con, 3 trai, 2 gái. Lê Mạnh Thân lúc này mới 15 tuổi, đã nghỉ học, tiếp tục nghề chống bè thuê của cha để kiềm tiền nuôi các em. Nhưng với những truyền thống tốt đẹp của quê hương, sự giáo dục, chỉ dạy của cha mẹ lúc sinh thời, đã trở thành những mạch nguồn góp phần hun đúc, bồi đắp nên ước mơ, hoài bão làm cách mạng trong người thanh niên yêu nước Lê Mạnh Thân.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, phong trào xuất dương hoạt động cách mạng đã diễn ra sôi nổi trên quê hương Hưng Nguyên, gắn với tên tuổi của các đồng chí Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lê Thiết Hùng… Không chịu trói buộc mình trong cái vòng luẩn quẩn nơi quê nhà, Lê Mạng Thân đã quyết tâm xuất dương theo các cha chú, anh em đi trước để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Tháng 9 năm 1923, Lê Mạnh Thân được ông Võ Trọng Ân lựa chọn và tổ chức cho xuất dương sang Xiêm hoạt động cách mạng, với thẻ căn cước mang tên Lê Xuân Đào. Đây là một bước chuyển biến lớn về nhận thức của một người thanh niên yêu nước, giàu chí khí cách mạng, sẵn sàng gác lại tình riêng để xuất dương hoạt động cách mạng.

Sau một thời gian được học tập và huấn luyện tại Trại Cày ở Xiêm (Thái Lan), đồng chí Lê Xuân Đào được tổ chức cử về Nghệ Tĩnh để cùng gây dựng cơ sở cách mạng, thời gian này đồng chí tham gia Đảng Tân Việt.

Trong quá trình giác ngộ và tham gia những hoạt động cách mạng đầu tiên ở quê nhà như tổ chức Nghiệp đoàn cho công nhân trong các nhà máy, lập nhiều tổ chức Ái hữu cho bà con dân cày… nhằm tuyên truyền vận động cách mạng chuẩn bị cho cao trào cách mạng 1930 - 1931, đồng chí Lê Xuân Đào đã thể hiện tinh thần nhiệt tình cách mạng vì nước, vì dân cao cả, mãnh liệt, hoạt động ngày đêm không mệt mỏi, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, bị địch bắt tù đày, tra khảo. Có thể nói khi hòa mình trong phong trào đấu tranh của quần chúng, đồng chí càng trưởng thành hơn, vững vàng trước mọi thử thách.

Sau một thời gian hoạt động tích cực, đồng chí Lê Xuân Đào đã bị mật thám theo dõi. Đến giữa năm 1927, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà lao Vinh với số hiệu tù 1602 (2). Trải qua chế độ lao tù vô cùng khắc nghiệt, trước những âm mưu thủ đoạn và nhiều đòn roi, tra tấn của kẻ thù, đồng chí vẫn một mực không khai báo, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Vì không có chứng cứ để kết án, cuối cùng chúng quy cho Lê Xuân Đào với tội danh“Xuất dương mà không có giấy của tòa Khâm sứ” rồi giam đồng chí thêm 3 tháng nữa. Sau khi ra tù, Lê Xuân Đào tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương.

Sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), hệ thống tổ chức Đảng ở Nghệ Tĩnh cũng nhanh chóng được thành lập. Tháng 4/1930, Xứ ủy Trung Kỳ cử đồng chí Tôn Gia Tinh về bắt liên lạc với đồng chí Lê Xuân Đào thành lập Chi bộ Trúc - Lam - Giang, gồm có 3 người: Lê Xuân Đào, Nguyễn Hữu Nhượng, Nguyễn Thị Phia, đồng chí Lê Xuân Đào là Bí thư. Từ đây, phong trào cách mạng ở Hưng Nguyên phát triển mạnh mẽ. Ngày 6/9/1930, đồng chí chủ trì hội nghị các chi bộ, có đại diện Tỉnh ủy về chỉ đạo, bàn kế hoạch tổ chức cuộc biểu tình lịch sử ngày 12/9/1930. Cuộc biểu tình đã bị đàn áp đẫm máu nhưng đã ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam, là đỉnh cao của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Sau cuộc biểu tình ấy, giặc Pháp thực hiện chính sách khủng bố trắng hết sức tàn bạo. Với sự hy sinh anh dũng của cán bộ, quần chúng nhân dân Hưng Nguyên, Nam Đàn trong cuộc đấu tranh ngày 12/9/1930, sau này Trung ương Đảng đã chọn ngày 12/9 làm ngày Kỷ niệm Xô viết Nghệ Tĩnh hàng năm.

Trong một bức thư gửi Quốc tế Nông dân ngày 5/11/1930, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Hiện nay ở một số làng đỏ, Xô-Viết nông dân đã được thành lập”. Xô - Viết nông dân là một hình thức chính quyền ở nông thôn trên cơ sở liên minh công - nông - binh dưới sự lãnh đạo của một chính đảng cách mạng: Đảng Cộng sản Việt Nam. Nó làm tiền đề cho công cuộc xây dựng chính quyền Dân chủ Nhân dân và những con người như Lê Xuân Đào đã là hạt nhân xây dựng nên các Xô-Viết nông dân ngày ấy.

Tháng 10/1930, Phủ ủy lâm thời Hưng Nguyên được thành lập do đồng chí Lê Xuân Đào làm Bí thư. Trên cương vị mới, đồng chí đã không quản ngày đêm, tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham qua đấu tranh góp phần đưa phong trào cách mạng ở Hưng Nguyên có những bước chuyển biến mới.

Sau một thời gian hoạt động sôi nổi, tháng 1/1931, đồng chí Lê Xuân Đào được cấp trên điều bổ sung làm Trưởng Ban Tài chính Xứ ủy Trung kỳ. Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn trong giai đoạn khủng bố trắng. Nhiệm vụ của Ban Tài chính là huy động nguồn tài chính cho các tổ chức Đảng hoạt động. Đồng chí Lê Xuân Đào đã vận động những gia đình có điều kiện, mời cả một số thân sỹ, trí thức cộng tác ủng hộ tiền vàng cho tổ chức Đảng. Với tác phong nhanh nhẹn và mưu trí, đồng chí Lê Xuân Đào đã đi đến nhiều nơi vận động được nhiều tiền của và vũ khí cho các đoàn thể. Bên cạnh đó, đồng chí cũng trao đổi về phương pháp bảo vệ tài liệu, cách tuyên truyền và gây dựng quỹ Đảng. Từ nguồn vận động ngân sách đó, Ban Tài chính đã mua thêm vũ khí, giấy mực và các trang thiết bị khác đảm bảo những hoạt động thiết yếu của cơ quan Xứ ủy.

Khi địch khủng bố phong trào cách mạng, các cơ sở tổ chức Đảng lần lượt rút lui vào hoạt động bí mật, đồng chí Lê Xuân Đào đã được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh bộ Nghệ An.  Đồng chí đã cùng chung gian khổ với các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, giữ trọn niềm tin vào Đảng, vào chi bộ, luôn tin tưởng vào vai trò của chi bộ và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của Đảng. Trong hoàn cảnh các cơ sở Đảng từ Xứ ủy, Tỉnh ủy đến Huyện ủy lần lượt bị phá vỡ, nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo hy sinh hay sa vào lưới địch nhưng Lê Xuân Đào vẫn  giữ được tinh thần lạc quan, là chỗ dựa tinh thần cho tổ chức, cho anh em đồng chí của mình. Câu  nói“Có Chi bộ sẽ có tất cả” của đồng chí đã tạo niềm tin, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các cán bộ đảng tiếp tục đứng lên đấu tranh trong giai đoạn khó khăn, nguy hiểm nhất.

Sau khi bắt được liên lạc với Khu ủy Vinh và các tổ chức Đảng của huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, đồng chí Lê Xuân Đào về Vinh để chuẩn bị khôi phục lại hoạt động của Xứ ủy Trung Kỳ. Ngày 21/3/1932, đồng chí Lê Xuân Đào về xuôi để dự Hội nghị do Xứ ủy triệu tập. Bấy giờ các nẻo đường quen thuộc đều đã bị kẻ địch ngáng chặn, bủa vây. Đồng chí phải tự lần ra lối đi mới bằng cách xuyên qua các làng. Đêm 24/3/1932 đồng chí về đến Hưng Nguyên, vào ẩn trong chùa Kẻ Trẹ, ở Đôn Nhượng (nay thuộc xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên) thì không may có kẻ phản bội rình biết rồi báo cho bọn mật thám và Tây đồn. Chúng huy động lính đến vây bọc bắt đồng chí. Biết không thể thoát khỏi, Lê Xuân Đào đã rút súng ngắn chống lại. Mặc dù khi bọn địch biết đồng chí đã hết đạn nhưng chúng vẫn sợ, không dám đến bắt nên đã hèn nhát nổ súng giết chết đồng chí.

Sự hy sinh của đồng chí Lê Xuân Đào là một tổn thất to lớn đối với Đảng, với cách mạng, với Nhân dân ta. Công lao đóng góp của đồng chí Lê Xuân Đào cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam được Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định: “Đồng chí Lê Xuân Đào hy sinh là một tổn thất lớn của Đảng ta, cụ thể là Đảng bộ tỉnh Nghệ An và Xứ ủy Trung kỳ. Nhưng tấm gương sáng của một con người đã góp phần tổ chức nên cuộc biểu tình Thái Lão 12/9/1930 bất tử trong lịch sử dân tộc và tạo lập nên Xô Viết nông dân, một hình thức chính quyền sơ khai của giới cần lao ở các nước nông nghiệp thuộc địa là vĩnh viễn trường tồn. Nó đã thúc đẩy, làm cho các đồng chí của mình không chịu lùi bước, quyết vươn lên đấu tranh tới cùng để đưa cách mạng nước nhà đến thành công rực rỡ(3)

Hy sinh khi vừa tròn 29 tuổi đời, trong đó hơn 10 năm hoạt động không mệt mỏi, không khuất phục, đồng chí Lê Xuân Đào đã có nhiều cống hiến cho cách mạng. Đồng chí đã giữ nhiều cương vị trọng trách của Đảng như: Bí thư đầu tiên Phủ ủy Hưng Nguyên, Trưởng Ban Tài chính Xứ ủy Trung kỳ, Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh bộ Nghệ An. Dù ở bất cứ cương vị nào, giai đoạn khó khăn nào của cách mạng Nghệ Tĩnh,  đồng chí vẫn luôn nêu cao tinh thần, bản lĩnh, khí tiết của người cộng sản. Sự có mặt của đồng chí Lê Xuân Đào luôn đảm bảo cho phong trào cách mạng ở Hưng Nguyên phát triển đúng hướng, nhất là trong thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh, đồng chí là một trong những yếu nhân góp phần trong cuộc biểu tình của nông dân Hưng Nguyên, Nam Đàn ngày 12/9/1930. Với những cống hiến to lớn đối với Đảng và dân tộc ta, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Xuân Đào đã trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

                                                                                    ThS. Trần Thị Hồng Nhung

Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT

Chú thích:

(1) Tiểu ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An (2005), Nghệ An những tấm gương cộng sản tập 2, trang 300

(2) Hồ sơ về đồng chí Lê Xuân Đào lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

(3) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An (2018), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An (1930 -1945) tập 1, Nxb Nghệ An trang 85.

Video