Nhân dân Tiền Hải – Thái Bình trong cuộc đấu tranh lịch sử ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh ngày 14/10/1930

Tác giả: admin
Ngày 2019-10-29 01:10:25

Tiền Hải là huyện ven biển nằm phía Đông Nam của tỉnh Thái Bình, được hình thành trong cuộc đại khẩn hoang của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ vào những năm 20 của thế kỷ XIX. Mảnh đất này là nơi đã sinh ra nhiều danh nhân đã làm rạng danh quê hương, dân tộc tiêu biểu như: võ tướng Vũ Đức Cát; nhà tư tưởng Bùi Viện; nhà thơ Ngô Quang Bích; nhà cách mạng Vũ Trọng, Vũ Nhu…

Kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Đảng bộ huyện, nhân dân Tiền Hải đã đứng lên cùng cả nước lật nhào chế độ thực dân, phong kiến giành lại độc lập, tự do; chiến đấu anh dũng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và lập nên nhiều thành tựu đáng tự hào trong sự nghiệp xây dựng, phát triển, đổi mới đất nước. Đặc biệt trong cao trào cách mạng 1930-1931, nhân dân Tiền Hải đã cùng với nhân dân cả nước nêu cao tinh thần đoàn kết, đấu tranh mạnh mẽ để chia lửa, ủng hộ nhân dân Nghệ Tĩnh trước sự khủng bố dã man của kẻ thù.

Sau ngày kỷ niệm Quốc tế lao động 1/5/1930, phong trào cách mạng trên phạm vi cả nước phát triển nhanh chóng, trở thành cao trào với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh. Xô viết Nghệ Tĩnh đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân trong phong trào cách mạng cả nước. Thực dân Pháp và bè lũ tay sai vô cùng hoảng sợ, chúng đã điên cuồng đàn áp phong trào với phương châm “Hữu Nghệ Tĩnh bất phú - Vô Nghệ Tĩnh bất bần”.

Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã kêu gọi các đảng bộ trong cả nước phải tổ chức cho quần chúng phối hợp đấu tranh bênh vực Nghệ Tĩnh “đỏ”. Thực hiện chủ trương của Đảng, Tỉnh ủy Thái Bình đã phát động phong trào đấu tranh nhằm chia lửa với công nông Nghệ Tĩnh. Trên cơ sở phân tích tình hình chung toàn tỉnh, Tỉnh ủy quyết định chọn Tiền Hải, nơi có tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng phát triển mạnh làm ngòi nổ, mở đầu cho phong trào đấu tranh ở Thái Bình.

Đầu tháng 10/1930, đồng chí Khuất Duy Tiến (Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ) cùng đồng chí Nguyễn Chí Hiền (thay mặt Tỉnh ủy Thái Bình) đã trực tiếp về nắm bắt tình hình Tiền Hải tại các làng Đông Cao, Thanh Giám, Nho Lâm, Trình Phố… để chỉ đạo cuộc đấu tranh.

Ngày 7/10/1930, Hội nghị đảng viên được triệu tập tại nhà đồng chí Vũ Nhu (thôn Nho Lâm) để thảo luận nội dung, hình thức và phương pháp đấu tranh. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội nghị xác định đây là cuộc biểu tỉnh thị uy, đấu tranh chính trị trực diện với chính quyền địch ở cấp huyện, với mục tiêu: hưởng ứng phong trào đấu tranh của công nông Nghệ Tĩnh, kết hợp với đấu tranh kinh tế đòi cải thiện đời sống nhân dân. Để đạt mục tiêu đó, Hội nghị chủ trương: dùng lực lượng quần chúng kéo lên huyện đường đấu tranh trực diện với kẻ thù, đòi giải quyết các yêu sách một cách hòa bình. Hội nghị đã đưa ra một số khẩu hiệu chỉ đạo như:

- Không được đụng đến công – nông Nghệ Tĩnh.

- Phải trả tiền đào sông Cốc Giang.

- Yêu cầu giảm sưu thuế, xóa bỏ việc bắt muối, bắt rượu.

- Ủng hộ Liên bang Xô viết…

Hội nghị quyết định lấy ngày 14/10/1930 làm ngày mở đầu cuộc đấu tranh của nhân dân Tiền Hải, đồng thời cử Ban lãnh đạo đấu tranh gồm các đồng chí Nguyễn Chí Hiền, Vũ Nhu, Ngô Duy Phớn, Bùi Sính. Các ban chuyên môn gồm: ban tự vệ, ban giao thông, diễn thuyết, làm cờ, khẩu hiệu, truyền đơn… Ban tự vệ gồm sáu đồng chí, có nhiệm vụ theo dõi, quản lý chặt đối với Chánh Thung, Chánh Thùy và bọn kỳ hào chống đối ở ba làng có thể gây cản trở, khó khăn cho cuộc đấu tranh. Sau hội nghị, các đảng viên về cơ sở khẩn trương chuẩn bị các nội dung đã được quyết định.

Đêm ngày 13, rạng ngày 14/10/1930, nông dân ba làng Đông Cao, Nho Lâm, Thanh Giám sẵn sàng đợi giờ xuất phát. Tại đình Nho Lâm, tiếng loa, tiếng trống, tiếng tù và nổi lên rộn ràng kêu gọi quần chúng tập hợp đội ngũ. Cùng lúc đó, từ Thanh Giám, Đông Cao, quần chúng cách mạng đã được tập hợp, hiên ngang bước vào cuộc đấu tranh với kẻ thù.

Theo kế hoạch, các đoàn Nho Lâm, Thanh Giám, Đông Cao đi theo các ngả đường khác nhau rồi nhập vào nhau cùng tiến vào huyện lỵ. Ngoài ra còn có sự tham gia của nhân dân các làng như Thư Điền, Tiểu Hoàng, Trình Phố… nhân ngày phiên chợ cùng hòa nhập với đoàn biểu tình làm cho số lượng người tham gia càng đông thêm. Quần chúng nhân dân với cờ đỏ, biểu ngữ giương cao, hô vang khẩu hiệu tạo nên một khí thế hào hùng, sôi nổi chưa từng có diễn ra trên đất Tiền Hải.

Khi đoàn biểu tình kéo tới huyện đường, cổng thành đã đóng chặt. Hoảng sợ trước sức mạnh của quần chúng, tri huyện Phan Huy Tiếp bỏ trốn, chỉ còn Lục sự Bế Văn Khánh ở lại đối phó. Để ngăn chặn khí thế của quần chúng đang cuồn cuộn dâng cao, tên Khánh huy động đội lính cơ lên mặt thành chĩa súng vào đoàn biểu tình. Đồng chí Lương Thị Nguyệt (Nho Lâm) trong Ban tuyên truyền đã đứng lên kêu gọi: “Hỡi anh em binh lính, anh em cũng là những người bị áp bức bóc lột như chúng tôi. Hôm nay chúng tôi đến đấy là để đòi quan trên giải quyết một số quyền lợi kinh tế. Vì vậy anh em không nên đàn áp chúng tôi, hãy ủng hộ chúng tôi”.(1) Tiếp đó, đồng chí Phan Ái (Nho Lâm) đã diễn thuyết nêu rõ những yêu sách của ta đối với chính quyền địch, đòi giảm sưu thuế, xóa bỏ việc bắt muối, bắt rượu, phá “điền tư gián” thành công điền quân cấp, đòi trả tiền đào sông Cốc Giang v.v…

Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh quyết liệt của quần chúng cách mạng, Bế Văn Khánh đã hạ lệnh cho đội lính cơ bắn vào đoàn biểu tình, song binh lính chỉ bắn chỉ thiên. Trong khi đó, khí thế đoàn biểu tình mỗi lúc một tăng, nhân dân ào ạt tiến vào đòi mở cổng huyện đường, đòi chấp nhận yêu sách… Trước áp lực của đoàn biểu tình, Bế Văn Khánh rút súng dọa đội lính cơ, bắt nổ súng vào đoàn biểu tình làm 8 người chết, 13 người bị thương. Anh Lương Văn Sảng, một trong những quần chúng tích cực của Đảng bị đạn xuyên lòi ruột ra, nhưng anh vừa rút ruột vừa hô “Đả đảo bọn đế quốc và tay sai”, “Đảng cộng sản Việt Nam vạn tuế”. Hành động quả cảm của anh đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh chung, càng làm thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh đang rực cháy trên quê hương Tiền Hải.

Chính quyền thực dân, phong kiến đã ra sức đàn áp đẫm máu và bắt giam nhiều người trong đó có đồng chí Phan Ái, người chỉ huy cuộc biểu tình. Đến 10 giờ cuộc biểu tình giải tán. Ngay sau khi được tin cuộc biểu tình nổ ra, Vi Văn Định cùng Chánh mật thám Sôđa và Thanh tra Rigan cùng một tiểu đoàn lính khố xanh đã từ tỉnh kéo về. Chúng vừa lùng sục khu vực diễn ra biểu tình, vừa cho lính chặn các ngả đường lục soát giấy tờ để tìm bắt những người tham gia. Tàn bạo hơn chúng ra lệnh hành hạ thi thể những đồng chí đã hy sinh và chôn trong cùng một huyệt. Hai ngày sau chúng lại ra lệnh đào lên chụp ảnh nhận dạng. Nhằm triệt hạ tận gốc mầm mống cách mạng, chúng tiến hành khủng bố trắng dã man tại ba làng Nho Lâm, Đông Cao, Thanh Giám cũng như các làng phụ cận, bắt 78 người trong đó có 33 đảng viên, 8 phụ nữ. Đồng chí Phan Ái bị treo ngược lên cây thị trước đình Nho Lâm, đánh đập tra khảo dã man nhưng khí phách của người cộng sản đã làm chúng phải run sợ: “Tất cả công việc xẩy ra đều do tao làm, tao chỉ huy, việc chúng tao làm là chính nghĩa, chúng mày không cần phải hỏi”.

Trong vòng một tuần lễ giặc cho lính vào cướp của, bắt trâu bò, lợn gà, đốt 64 nóc nhà của ba làng. Riêng gia đình đồng chí Ngô Duy Phớn bị chúng phá và đốt sạch. Nham hiểm hơn, chúng còn ra lệnh theo dõi, rình bắt những ai đến viếng mộ các đồng chí đã hy sinh trong cuộc biểu tình này. Mặc cho thực dân, phong kiến đe dọa và canh phòng nhưng nhân dân vẫn đến viếng mộ những quần chúng, đảng viên đã anh dũng hy sinh.

Trong các nhà lao tại Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, các chiến sỹ cách mạng và quần chúng kiên trung, những người đã viết nên trang sử oanh liệt của nhân dân Thái Bình ngày 14/10/1930 vẫn tiếp tục thắp lên ngọn lửa đấu tranh để bảo toàn khí tiết, giữ vững cơ sở. Tháng 9/1931, thực dân Pháp đưa 44 đồng chí ra xét xử tại Thái Bình. Trên đường từ nhà lao đến phòng xử án, mặc dù bị xiềng xích nhưng các chiến sỹ vẫn hô vang khẩu hiệu đấu tranh: “Đả đảo đế quốc Pháp đàn áp dã man dân cày Tiền Hải”. Chính khí phách hiên ngang của những người con ưu tú quê hương Thái Bình đã làm cho chúng không dám xét xử công khai. Tại phiên tòa, các chiến sỹ đã đanh thép vạch trần tội ác của thực dân Pháp và bè lũ tay sai, khiến chúng không tìm được đầy đủ chứng cứ để buộc tội. Cuối cùng chúng áp đặt cho 9 đồng chí phạm vào tội “âm mưu khuynh đảo chính phủ” phải lĩnh án tù từ 10 đến 15 năm. Riêng đồng chí Ngô Duy Phớn bị kết án 15 năm tù khổ sai đày đi Côn Đảo, 31 đồng chí khác bị kết án từ 2 đến 5 năm tù. Sau phiên tòa này, hầu hết các đồng chí bị đưa đi các nhà lao Hòa Bình, Sơn La, Hỏa Lò, Hải Phòng để giam giữ.

Cuộc biểu tình ngày 14/10/1930 của nông dân Tiền Hải đã gây tiếng vang lớn trong nước và quốc tế. Xứ ủy Bắc Kỳ đã kịp thời phát động phong trào toàn xứ đấu tranh phản đối thực dân Pháp khủng bố trắng phong trào nông dân Tiền Hải. Công nhân Hòn Gai, Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương đã liên tiếp rải truyền đơn hưởng ứng và tố cáo tội ác của giặc đối với nông dân Tiền Hải. Hơn 300 nông dân Ngọc Lũ, Bình Lục (Hà Nam) đã tiến hành biểu tình, diễn thuyết vào ngày 20/10/1930 để ủng hộ công – nông Nghệ Tĩnh và nông dân Tiền Hải.

Cuộc biểu tình ngày 14/10/1930 ở Tiền Hải cùng với các cuộc đấu tranh của nông dân Kiến Xương, Thư Trì, Thái Ninh, Duyên Hà, Tiên Hưng… không chỉ đưa Thái Bình trở thành một trong những nơi có phong trào cách mạng mạnh nhất Bắc Kỳ như đánh giá của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 18/11/1930, mà trên thực tế nó còn là sự kiện lịch sử có tính bước ngoặt, đánh dấu bước phát triển về chất của phong trào nông dân Bắc Kỳ từ khi có Đảng lãnh đạo. Trong thư gửi các cấp bộ Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ đã khẳng định: “Cuộc biểu tình lưu huyết ở Tiền Hải (Thái Bình) có thể là bước đầu hết thảy công nông quần chúng đấu tranh kịch liệt ở Bắc Kỳ”(2).

Mặc dù bị thực dân Pháp dìm trong máu, nhưng cuộc biểu tình này đã chứng tỏ tình thần yêu nước quật cường, tiềm năng cách mạng to lớn của nhân dân Tiền Hải. Đồng thời nó đã khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng, đem lại cho nông dân niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh của khối liên minh công nông.

Đối với nhân dân Nghệ Tĩnh, cuộc đấu tranh ngày 14/10/1930 đã thể hiện tình đoàn kết gắn bó, sự sẻ chia, động viên kịp thời của những người nông dân Tiền Hải chân lấm tay bùn nhưng kiên cường, bất khuất trong tranh đấu với những mất mát, hy sinh của nhân dân Nghệ Tĩnh trong cao trào cách mạng 1930-1931. Chính vì vậy, tinh thần đấu tranh của nhân dân Thái Bình – Nghệ Tĩnh đã góp phần cùng nhân dân cả nước viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.

Trần Thị Hồng Nhung - Bảo tàng XVNT

Chú thích:

  1.  Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tây Tiến (1930-1975), Ban chấp hành Đảng bộ xã Tây Tiến, 1993, tr42.

   2. Lịch sử Đảng bộ Huyện Tiền Hải, Ban chấp hành Đảng bộ Huyện Tiền Hải, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2001, tr 56.

Video