Nhân dân Bến Tre trong phong trào đấu tranh ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931

Tác giả: admin
Ngày 2019-04-23 01:12:43

Bến Tre là một trong 12 tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng đất cù lao, bốn bề sông nước. Vùng đất này mới được hình thành do phù sa của các nhánh sông lớn thuộc hệ thống sông Cửu Long bồi đắp nên. Con người nơi đây là dân tứ xứ đến để khai hoang, mở cõi do đó họ đã mang theo nhiều kinh nghiệm sản xuất, chiến đấu; mang theo lòng dũng cảm, cần cù, sáng tạo; đặc biệt là tinh thần vị tha, hào phóng… tất cả đã hình thành nên cốt cách nổi trội của người dân Nam Bộ.

Gần 90 năm đã trôi qua, kể từ ngày ra đời, Đảng bộ Bến Tre đã khẳng định vai trò, vị trí của mình trong việc vận dụng, sáng tạo đường lối của Đảng, lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách làm nên nhiều thắng lợi trong suốt chiều dài lịch sử như: phong trào đấu tranh 1930-1931, cuộc nổi dậy năm 1940, khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cũng như trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt trong những ngày đầu mới thành lập, tuy còn non trẻ nhưng Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã kiên cường, bất khuất đứng lên đấu tranh cùng chia lửa với nhân dân Nghệ Tĩnh trong cao trào cách mạng 1930-1931, thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai miền Trung – Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), vào tháng 4/1930, Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho thực hiện quyết định của Xứ ủy Nam Kỳ về việc xây dựng cơ sở Đảng ở Bến Tre, đã cử một ban cán sự gồm 3 đồng chí: Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Ân, Nguyễn Văn Trí đến Bến Tre hoạt động xây dựng cơ sở Đảng. Cuối tháng 4/1930, đồng chí Nguyễn Văn Ân thay mặt cho Tỉnh ủy Mỹ Tho đã tổ chức cuộc họp thành lập chi bộ Tân Xuân, gồm 11 đảng viên, do đồng chí Trần Văn An làm Bí thư. Đây là những hạt nhân lãnh  đạo cách mạng đầu tiên của tỉnh.

Tháng 6/1930, theo sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, Liên tỉnh ủy Mỹ Tho – Bến Tre được thành lập với nhiệm vụ xây dựng cư sở đảng ở Mỹ Tho, Bến Tre và các tỉnh miền Hậu Giang, do đồng chí Nguyễn Thiệu làm Bí thư. Đến tháng 10/1930, Bến Tre đã tổ chức được 7 chi bộ ở cù lao Minh, cù lao Bảo và một số đảng viên hoạt động rải rác ở các làng. Sự ra đời, hoạt động mạnh mẽ của các cơ sở Đảng ở Bến Tre lúc bấy giờ đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân trong tỉnh phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng.

Giữa lúc phong trào ở Bến Tre đang diễn ra sôi nổi với nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình thì thực dân Pháp cũng tiến hành chiến dịch khủng bố trắng hòng dập tắt phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, nhất là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Tháng 10/1930, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương phát động một phong trào đấu tranh mạnh mẽ trong cả nước chống khủng bố trắng và ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh: “Bổn phận cần kíp của toàn Đảng trong cả xứ là hết sức bênh vực Nghệ An đỏ, mở rộng phong trào thị uy biểu tình phản kháng lại thủ đoạn gian ác của đế quốc chủ nghĩa…,trách nhiệm tất cả đảng viên khắp mọi nơi là phải làm cho hết bổn phận để bệnh vực lấy sự tranh đấu của nông dân Nghệ Tĩnh – vận động quần chúng đại khái theo khẩu hiệu “Phản đối đế quốc chủ nghĩa thảm sát nông dân Nghệ Tĩnh. Công nông binh liên hiệp lại ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ” ( trích: Thông cáo gửi các đồng chí). Nhận được Thông cáo này, Đảng bộ Bến Tre đã lãnh đạo nhân dân liên tiếp tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình cuối năm 1930, đầu năm 1931.

Mở đầu là cuộc biểu tình với sự tham gia của hơn 10.000 quần chúng nhân dân ở vùng ba Châu (Châu Bình, Châu Thới, Châu Phú), do đồng chí Huỳnh Khắc Mẫn và Nguyễn Thiệu chỉ huy. Quần chúng cách mạng với giáo mác, gậy gộc trong tay, đội ngũ chỉnh tề, trương băng cờ đã hùng dũng kéo đến nhà việc Châu Bình hô vang các khẩu hiệu như: Đả đảo Đế quốc Pháp, đả đảo cường hào, địa chủ gian ác; Người cày có ruộng, nhà máy về thợ; Việt Nam của người Việt Nam; Chống khủng bố trắng, ủng hộ Nghệ Tĩnh Đỏ.

Khí thế cách mạng sục sôi của quần chúng đã làm cho bọn hội tề ở Châu Bình hoảng sợ bỏ chạy. Sau khi đập phá nhà việc, đốt hết sổ sách của hội tề và nổi trống vang dội, quần chúng nhân dân đã kéo đến phá trụ sở hai làng Châu Phú, Châu Thới. Qua mỗi làng, đoàn dừng lại tổ chức mít tinh, kêu gọi quần chúng nhân dân vùng lên đấu tranh. Đội tự vệ đã đốn ngã hai cây me chắn ngang quốc lộ 26 để cản xe giặc, bảo vệ quần chúng. Cuộc biểu tình mỗi lúc một đông và kéo dài đến tận 12 giờ đêm mới kết thúc. Bốn giờ sáng ngày hôm sau, địch nghe tin đã đưa lực lượng đến đàn áp, chúng lùng sục khắp nơi nhưng không tìm ra manh mối.

Cuộc biểu tình với quy mô lớn, có vũ trang đã kết thúc thắng lợi, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân và làm cho bộ máy cai trị của thực dân, phong kiến ở các làng trong tỉnh Bến Tre hoang mang, lo sợ.

Ngày 27/10/1930, tại Ba Tri, Giồng Tôm tiếp tục diễn ra cuộc biểu tình quy mô lớn với sự tham gia của hơn 1.000 quần chúng nhân dân thuộc 11 làng (Tân Xuân, Phú Lễ, Phú Ngãi, Ba Mỹ, Phước Tuy, Bảo Thạnh, Châu Bình, Châu Phú, Châu Thới, Phong Nẫm, Phong Mỹ), do các đồng chí Nguyễn Thiệu, Huỳnh Khắc Mẫn, Nguyễn Văn Trước, Nguyễn Văn Ân lãnh đạo. Đoàn biểu tình chia làm hai cánh tập trung tại xã Tân Xuân và Châu Bình, mỗi cánh đều có tổ chức đội tự vệ chặt cây ngăn lộ, phá cầu đường, ngăn cản địch đến đàn áp. Quần chúng nhân dân với giáo mác, gậy gộc trong tay, giương cao băng cờ, khẩu hiệu tập trung mít tinh sau đó chuyển thành cuộc tuần hành có vũ trang qua các làng.

Trước khí thế đấu tranh sôi nổi của quần chúng nhân dân, bọn tề hoang mang trốn chạy, thực dân Pháp đưa lực lượng đến đàn áp khiến cho nhiều người hy sinh, bị thương và bị bắt trong đó có đồng chí Nguyễn Thiệu – Bí thư Liên Tỉnh ủy. Trước sự khủng bố gắt gao của địch, Liên Tỉnh ủy Mỹ Tho – Bến Tre đã kịp thời chỉ đạo chi bộ ở các làng nhanh chóng củng cố tổ chức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục quần chúng, quyết tâm giữ vững phong trào. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời đó, phong trào đã nhanh chóng  phục hồi trong điều kiện bị địch khủng bố, các cơ sở Đảng vẫn không ngừng phát triển.

Đầu năm 1931, tỉnh Bến Tre đã có gần 20 chi bộ với hơn 100 đảng viên. Phong trào từng bước tiến lên với các cuộc mít tinh, biểu tình, bãi thị rải truyền đơn, treo cờ Đảng liên tiếp diễn ra trong tỉnh.

Tháng 1/1931, truyền đơn, biểu ngữ đã xuất hiện ở một số địa phương. Tại thị xã, trong nhà in Vân Võ Văn đã diễn ra buổi diễn thuyết kêu gọi công nhân đình công. Bên cạnh đó, học sinh trường tiểu học của tỉnh cũng đã tổ chức mít tinh  nghe đồng chí Võ Văn Khánh diễn thuyết.

Đêm ngày 25/2/1931, chi bộ Tân Hào đã tổ chức một cuộc mít tinh tại Gò Trạm để kỷ niệm ngày thành lập Đảng với sự tham gia của gần 400 quần chúng ở Tân Hào, Long Mỹ, Thuận Điền, Lương Phú, nghe đồng chí Phạm Văn Sính (Bí thư chi bộ Tân Hào) diễn thuyết. Tên Đội Hiền và Cai Lương hay tin đã dẫn lính đến xả súng đàn áp khiến 3 người hy sinh, 43 người bị bắt. Nhưng với tinh thần đấu tranh không khoan nhượng nhân dân đã dùng dao, búa, gậy gộc chống trả quyết liệt khiến Cai Lương trọng thương, Đội Hiền bị bẻ gãy súng…

Trong khi địch đang hoảng sợ đối phó với cuộc mít tinh ở Gò Trạm, thì ở Bình Thành đã nổ ra cuộc biểu tình của gần 3.000 quần chúng ở các làng: Tân Thanh, Tân Hào, Phước Long, Bình Hòa, Bình Thành. Với giáo, mác, gậy gộc thô sơ cùng băng cờ, khẩu hiệu quần chúng vừa đi vừa rải truyền đơn, hô vang khẩu hiệu kéo đến trụ sở tổng Bảo Lộc xông vào phá nhà Cai Tổng, bọn tề hoảng sợ bỏ chạy…

Từ tháng 3 đến tháng 5/1931, phong trào đấu tranh của nhân dân Bến Tre lên đến đỉnh cao với 16 cuộc biểu tình với quy mô khác nhau, nổ ra khắp các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, ngày 18/4/1931 đã có 8 cuộc biểu tình lớn nổ ra, quần chúng nhân dân đã thiêu rụi 4 nhà việc khiến thực dân, phong kiến hoang mang, rệu rã.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo kịp thời, thống nhất, tháng 5/1931 thay mặt cho Liên Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Hùng đã tổ chức cuộc họp thành lập Tỉnh ủy Bến Tre do đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn làm Bí thư. Sự ra đời của Tỉnh ủy đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh của nhân dân Bến Tre. Từ đây, những người cộng sản và nhân dân Bến Tre có riêng một cơ quan đầu não để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh.

Vừa mới ra đời, Tỉnh ủy Bến Tre tiến hành chấn chỉnh tổ chức, củng cố các cơ sở Đảng ở địa phương, củng cố hệ thống giao thông liên lạc, đồng thời xúc tiến việc xây dựng cơ sở Đảng ở Trà Vinh theo sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ. Tỉnh ủy đã ra tờ báo Búa Liềm làm cơ quan ngôn luận, bí mật in ấn, phân phát cho các chi bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng… Tuy nhiên, trước sự khủng bố dã man của thực dân Pháp, cuối năm 1932 phong trào đấu tranh của nhân dân Bến Tre tạm thời lắng xuống.

Có thể khẳng định rằng, những truyền thống tốt đẹp của mảnh đất và con người Bến Tre dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được phát huy cao độ trong cao trào cách mạng (1930 – 1931), đặc biệt là trong các cuộc đấu tranh ủng hộ, chia lửa với nhân dân Nghệ Tĩnh. Cùng với cao trào cách mạng cả nước nói chung, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nói riêng, phong trào cách mạng (1930-1931) ở Bến Tre đã tạo cơ sở vững chắc để nhân dân nơi đây đấu tranh chống lại sự cai trị, đàn áp tàn bạo của thực dân Pháp, nhằm giữ vững và phát triển phong trào cách mạng, đồng thời góp phần tô thắm thêm truyền thống yêu nước có từ ngàn đời của dân tộc.

Trần Thị Hồng Nhung – Bảo tàng XVNT

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ Tỉnh Bến Tre 1930-2000; NXB Chính trị Quốc gia; 2003.

- Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-2000); Nghệ An, 2000

Video