Nhà thờ họ Võ chi cụ Tú Lang

Tác giả: admin
Ngày 2011-05-27 10:45:03

Nhà thờ này của một chi, cụ Tổ là Võ Trọng Cẩn, đậu Tú tài nên nhân dân thường gọi là nhà thờ chi cụ Tú Lang

Từ khi xây dựng 1858 đến năm 1947, nhà thờ thuộc làng Phù Xá, tổng Phù Long, tổng Hưng Nguyên. Năm 1948- 1955, di tích thuộc xã Hưng Xá, tổng Phù Long, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm 1956- 1968, di tích thuộc xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm 1969- 1970, di tích thuộc xã Hưng Đào, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm 1971- 1975, nhà thờ thuộc xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên. 1976-1991, nhà thờ thuộc xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ Tĩnh. Từ 1991 đến nay, di tích thuộc xóm 6, xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Từ thành phố Vinh theo Quốc lộ 46 đến Dài tưởng niệm các liệt sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh ( thị trấn Hưng Nguyên ), rẽ trái 6,5 km theo đường tỉnh lộ 558 đến địa phận xã Hưng Xá gặp đường liên hương Nguyễn Văn Trỗi, rẽ trái đi 800m là đến nhà thờ họ Võ chi cụ Tú Lang.

Nhà thờ họ Võ còn là di tích lịch sử gắn bó với nhiều chí sỹ yêu nước và cách mạng, nơi ghi dấu sự kiện của nhân dân Hưng Xá nói chung và con cháu họ Võ nói riêng trong phong trào Văn Thân- Cần Vương, Đông Du, Xô Viết Nghệ Tĩnh, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Theo gia phả họ Võ đại tôn ở Hưng Xá thì Thủy tổ họ Võ có nguồn gốc từ làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tinh Hải Dương vào Hưng Xá từ thế kỷ 15.

Võ Trọng Cẩn là hậu duệ đời thứ 12. Ông sinh năm 1819 trong một dòng tộc có võ công, văn nghiệp. Vốn thông minh, cần cù, từ nhỏ Võ Trọng Cẩn đã quyết tâm học tập nhằm tiến thân bằng con đường khoa cử. Năm 1858, ông thi đậu Tú tài. Nhận thấy rõ sự suy vong của triều Nguyễn, đồng cảm với nỗi thống khổ của nhân dân, Võ Trọng Cẩn từ bỏ con đường vinh hoa, dùng hiểu biết của mình chữa bệnh cho người nghèo. Người dân địa phương gọi ông bằng cái tên thân thương cụ Tú Lang. Năm 1858, Võ Trọng Cẩn dựng ngôi nhà 3 gian 2 hồi lợp ngói âm dương là nơi hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cho dân. Cụ Tú lang đã cứu chữa được nhiều người thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Đức độ và uy tín nghề nghiệp càng làm cho mọi người kính trọng và yêu mến Võ Trọng Cẩn.

Võ trọng Cẩn mất ngày 15/7/1898 Âm lịch. Ngôi nhà được con cháu sử dụng làm nhà thờ ông.

Con trai Võ Trọng Cẩn là Võ Trọng Việng sinh năm 1856. Ngay từ nhỏ, Võ Trọng Việng được nghe giới văn thân sỹ phu đàm đạo đạo việc nước tại nhà. 18 tuổi, chứng kiến cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn và Đặng Như Mai, Võ Trọng Việng lại càng nung nấu quyết tâm chống Pháp. Ông đã tham gia tích cực trong cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng. Ông được cụ Phan giao nhiệm vụ chỉ huy đội quân tại địa phương. Nhà thờ họ Võ trở thành một trong những địa điểm hội họp bí mật của nghĩa quân. Năm 1895, cuộc khởi nghĩa Hương Khê thất bại, Tác Việng vẫn kiên cường kháng cự với địch, song quá chênh về lực lượng, ông bị bắt. Biết không thể khuất phục được, thực dân Pháp đưa Võ trọng Việng về quê và xử chém tại chợ Vực. Chúng bêu đầu ông lên ngọn tre đầu làng hòng uy hiếp tinh thần nhân dân Phù Xá, rồi phá nhà thờ và toàn bộ tài sản của gia đình. Hai năm sau, con cháu đã dựng lại nhà thờ trên nền cũ.

Võ Trọng Đài sinh năm 1879 là con trai đầu của Võ Trọng Việng. Từ nhỏ Võ Trọng Đài đã nung nấu ý chí “ trả thù nhà, đền nợ nước”. Khi phong trào Đông Du sang Nhật của Phan Bội Châu thất bại, Võ Trọng Đài là người đầu tiên ở Hưng Nguyên sang Thái Lan hoạt động. Võ Trọng Đài cùng với Đặng Thúc Hứa được Phan Bội Châu giao nhiệm vụ xây dựng Trại Cày ở bản May, tỉnh Na khon và Trại Cày ở bản Thầm. tỉnh Phì Chịt. Đây là cơ sở học tập, lao động sản xuất cho những thanh niên yêu nước. Dựa trên kết quả học tập, rèn luyện để tuyển chọn học viên tích cực gửi sang Trung Quốc đào tạo lực lượng cho cách mạng Vệt Nam. Năm 1928, 1930, cả 2 lần Bác sang Thái Lan với tên gọi Thầu Chín đều được tổ chức tin tưởng bố trí ăn nghỉ trong nhà Võ Trọng Đài. Đánh giá về ông, Lịch sử Đảng bộ huyện Hưng Nguyên viết “ Võ Trọng Đài là người đầu tiên của Hưng Nguyên được các sỹ phu đưa sang Thái Lan và trở thành yếu nhân trong tổ chức Trại Cày Đặng Thúc Hứa”.

Tiếp nối con đường cứu nước của họ Võ, Võ Trọng Cánh, chắt của cụ Tú Lang cũng sang Trại Cày học tập. Về nước, Võ Trọng Cánh dưới vai thầy đồ dạy chữ Hán đã vận động, giác ngộ thanh niên tích cực để tuyển chọn đưa sang Thái Lan huấn luyện. Nhà thờ họ Võ ở Phù Xá trở thành địa điểm gặp gỡ, liên lạc, ăn nghỉ của những người cùng chí hướng đến từ các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu…Trong số những người ra nước ngoài xuất phát từ nhà thờ họ Võ, có nhiều đồng chí sau này là cán bộ ưu tú của cách mạng Việt Nam như Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lê Thiết Hùng, Lê Xuân Đào…Cuối năm 1926, Võ Trọng Cánh bị thực dân Pháp bắt vì tội cổ động phong trào xuất dương, đường dây này ngừng hoạt động.

Cuối năm 1927, ra tù, Võ Trọng Cánh tiếp tục hoạt động cách mạng trong tổ chức Tân Việt cùng với Lê Xuân Đào, Võ Trọng Ân. Nhà thờ họ Võ là cơ sở hoạt động của Tiểu tổ Tân Việt ở làng Phù Xá. Cuối năm 1929, Võ trọng Cánh bị bắt lần thứ 2, đến tháng 3/1930 mới được ra tù.

Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, Chi bộ ghép đầu tiên của hai tổng Nam Kim và Phù Long được thành lập vào tháng 4 năm 1930, do đồng chí Lê Xuân Đào làm Bí thư. Chi bộ có 3 đảng viên với bí danh là Trúc-Lam-Giang. Ngày 6/9/1930, đồng chí Lê Xuân Đào đã chủ trì cuộc họp mở rộng bàn biện pháp tổ chức cuộc biểu tình toàn huyện Hưng Nguyên vào ngày 12/9/1930. Đồng chí Võ Trọng Cánh tổ chức họp tại nhà thờ để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên: đ/c Võ Trọng Linh vừa làm giao thông, vừa làm công tác vận động trong tổ chức Nông hội đỏ; đ/c Lê Tấn và Võ Trọng Bành phục vụ ấn loát, rải truyền đơn; đ/c Lê Nghĩa chỉ đạo công tác tài chính, hậu cần cho cuộc biể tình; đ/c Võ Trọng Cánh chỉ đạo chung.

Công tác chuẩn bị chu đáo nên Phù Xá cóhàng trăm người tham gia cuộc biểu tình ngày 12/9/1930.

Đầu tháng 10/1930, Phủ ủy Lâm thời Hưng Nguyên ra đời, do đồng chí Lê Xuân Đào làm Bí thư. Đồng chí Lê Xuân Đào giao nhiệm vụ cho Võ Trọng Cánh tiếp tục xây dựng cơ sở Đảng ở làng Phù Xá.

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Trọng Cánh, Chi bộ Phù Xá được thành lập tại nhà thờ, do đồng chí Võ Trọng Cánh làm Bí thư. Từ đây, nhà thờ họ Võ trở thành nơi sinh hoạt, hội họp của Chi bộ.

Công tác xây dựng các tổ chức quần chúng được đẩy mạnh, nhiều cuộc đấu tranh nổ ra. Trước áp lực của nhân dân, bộ máy hào lý bị tê liệt, bọn quan lại phải nằm im và phục tùng mọi điều kiện của Nông hội.

Đầu năm 1931, nạn đói xảy nghiêm trọng ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Phủ ủy phân công, ngày 26/2/1931, Võ Trọng Cánh chỉ huy nông dân 3 tổng Phù Long, Thông Lạng và Yên Đô kéo đến nhà các địa chủ để vay thóc gạo. Thực dân Pháp đã điều động toàn bộ binh lính đến đàn áp. Đồng chí Cánh cùng một số đảng viên quần chúng bị bắt. Kẻ địch dùng mọi cực hình tra tấn nhưng Võ Trọng Cánh vẫn một lòng kiên trung với Đảng. Đồng chí bị xử bắn, nhà thờ và nhà của Võ Trọng Cánh bị giặc đốt phá.

Năm 1937, Chi bộ Đảng Phù Xá được khôi phục do Võ trọng Ân là Bí thư. Đồng chí Võ Trọng Ân và Chu Huy Mân đã đứng ra lãnh đạo phong trào ở Hưng Nguyên. Nhà thờ họ Võ trở thành địa điểm hoạt động của Tổng ủy, Phủ ủy và Tỉnh ủy Nghệ An. Tháng 9/1940, Võ Trọng Ân được Xứ ủy và Tỉnh ủy giao nhiệm vụ tổ chức một cuộc hội nghị với nội dung là học tập và triển khai Nghị quyết VII của Quốc tế Cộng sản. Hội nghị tổ chức thành công tại nhà thờ họ Võ trong 3 ngày 10,11 và 12 tháng 9 năm 1940.

Võ Trọng Cư, con trai đầu của Võ Trọng Cánh được cử làm Bí thư Chi bộ Phù Xá, ngày 16/11/1940. Ông còn là Chủ tịch Hội Nông dân phản đế cứu quốc phủ Hưng Nguyên.

Từ năm 1941 đến 1945, tổ chức việt Minh ở Hưng Xá lấy nhà thờ họ Võ làm nơi hội họp, sinh hoạt, triển khai lực lượng chuẩn bị giành chính quyền.

Ngày 5/4/1945, đồng chí Võ Trọng Cư mở cuộc họp tại nhà thờ thành lập Ban vận động Việt Minh Hưng Nguyên, do đồng chí làm Trưởng ban.. Trên cơ sở đó, tổ chức Việt Minh Hưng Nguyên được kiện toàn và phát triển rộng khắp từ thôn xã đến phủ huyện. Đó là điều kiện tiên quyết để Hưng Nguyên giành chính quyền thắng lợi ngay trong ngày 19/8/1945.

Nhà thờ họ Võ chi cụ Tú Lang là cơ sở hoạt động của các cơ quan, tổ chức quần chúng thời kỳ 1945 đến 1975: lớp bình dân học vụ (1946-1948), lớp tập huấn của phụ nữ huyện( 1949-1952), cơ quan lương thực nông sản của huyện đóng khi sơ tán (1965-1969).

Hàng năm cứ đến ngày Rằm tháng 7, con cháu khắp nơi tề tựu về nhà thờ tổ chức đại tế nhân ngày mất của cụ Tổ, ngày 12/9, tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sỹ là con cháu họ Võ đã hy sinh trong phong trào 1930-1931.

` Nhà thờ họ Võ chi cụ Tú Lang được xây dựng trên một khu đất cao, giữa một làng quê trù phú, sầm uất thuộc xóm 6, xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên. Phía Đông xã Hưng Xá có núi Lam Thành uy nghi trầm mặc là dấu tích một thời của khởi nghĩa Lam Sơn. Phía Nam là dòng sông Lam thơ mộng. Phía Bắc là xã Hưng Thông, quê hương của Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Xa xa là Đài tưởng niệm Thái Lão, nơi ghi dấu cuộc đấu tranh anh dũng của nhân Hưng Nguyên ngày 12/9/1930.

Di tích nhà thờ họ Võ chi cụ Tú Lang có tổng diện tích là 744m2, các công trình chính gồm: cửa cổng, sân vườn và nhà thờ.
Cửa cổng:
Cổng nhà thờ nằm ở phía góc Đông Nam, mới xây dựng năm 2007. Hai bên có 2 trụ quyết cao 1,1m, rộng 40 cm, xây bằng gạch chỉ, vữa tam hợp. Cổng được khép, mở bằng 2 cánh cửa sắt màu xanh, ở giữa trổ lối đi rộng 3,2m.

Sân vườn:
Sân có kích thước: 6m x 10,95m, lát gạch bát tràng. Trước sân có xây một tắc môn cao 1,6m, rộng 2m. Tắc môn tuy mới xây dựng nhưng thiết kế khá độc đáo. Ngoài cùng là 2 trụ quyết cao2m, rộng 0,3m, trên gắn 2 búp sen trắng. Nối hai trụ quyết là một tắc môn hình bán nguyệt xây bằng xi măng, trên đắp nổi hai dòng chữ Hán có ý nghĩa nhắc nhở con cháu đời đời nhớ đến công ơn tổ tiên. Phía trước tắc môn đặt một lư hương bằng đá, kiểu chân quì, thân được tạo hình vân mây uốn lượn.

Nhà thờ
Đây là công trình kiến trúc chính của di tích. Nhà thờ được xây dựng năm 1936 và qua hai đợt trùng tu năm 1979, 2007. Tuy vậy, kiến trúc nhà thờ vẫn mang dáng dấp cổ xưa. Nhà thờ có 3 gian 2 hồi, diện tích là 87,66m2, khung bằng gỗ, vì kèo kết cấu theo kiểu kẻ truyền giá chiêng. Ở vì thứ 2 và 3 đều trốn cột cái phía trước làm cho lòng nhà rộng hơn, mái lợp ngói âm dương, bờ nóc trang trí rồng, nguyệt, bờ giải góc cuốn hình mũi đao. Ba phía Bắc, Tây, Đông xây tường gạch, hai hồi trổ cửa sổ, phía trước đóng mở bằng hệ thống cửa ván; nền nhà lát gạch. Trước nhà có đôi ghê đá ngồi chầu theo thế đăng đối, bờm vuốt ngược, má bạnh, hàm mở rộng thể hiện vẻ uy nghiêm.. Trước thềm có hai cột quyết. Mặt trước cẩn câu đối bằng chữ Hán, với nội dung:
Vầng nhật nguyệt mười phương rạng rỡ
Đức tổ tông muôn thưở sáng ngời.

Nhà có 3 bộ cửa, mỗi bộ gồm 4 cánh. Hai bộ cửa hai gian bên ghép ván nhưng có bản lề. Bộ cửa gian giữa làm theo kiểu thượng song hạ bản. Gian giữa, nơi đặt bài vị của Võ Trọng Cẩn được mở rộng ra sau 0,6m.

Mái rải rui bản, lợp ngói âm dương. Ở giữa bờ nóc dắp nổi hình tượng rồng chầu mặt nguyệt. Kìm nóc được thể hiện dưới hình thức một dải mây cách điệu. Bờ giải xây bằng gạch có khắc họa hình tượng đao rồng.

Nhà thờ có 6 cột cái, 8 cột quân bằng gỗ lim; 12 cột hiên bằng xi măng giả gỗ. Hệ thống cột đứng trên chân tảng bằng đá xanh hình vuông có kích thước là 0,42m x 0,42m, cao 0,26m.

Nhà thờ có 4 vì nóc, kết cấu theo kiểu vì giá chiêng. Trên các con rường của các vì được trạm bong kênh hình hoa cúc, câu đầu và các kẻ trạm hình hoa dây làm tăng thêm tính mỹ thuật, cổ kính, trang nghiêm. Vì nách được kết cấu theo kiểu kẻ ngồi.

Ở gian giữa treo bức đại tự sơn son thếp vàng. Diềm bức đại tự trang trí đề tài rồng bay, phượng múa, giữa chạm nổi 3 chữ Hán với nội dung:

“ Đức lưu quang”. Phía dưới đại tự dặt một hương án, trang trí kết hợp trạm nổi, trạm lộng và trạm bong kênh hình các hoa thiêng. Trên hương án đặt một lư hương đồng, trạm hình lưỡng long triều nguyệt. Hai bên hương án đặt đôi hạc gỗ đứng trên mình rùa. Sau hương án là bàn thờ bằng gỗ lim.

Trong cùng nơi trang nghiêm nhất là hương án có kích thước: rộng 1,15m, dài 1,3m, cao 0,9m. Trên hương án có 3 long ngai bằng gỗ sơn màu đỏ, theo kiểu người ngồi trong tay ghế, hai tay choãi ra có dáng của hai con rồng vươn mình về phía trước. Chính giữa đặt bài vị viết bằng chữ Hán dành cho Võ Trọng Cẩn: “Cao cao tằng tổ khảo, lịch triều Mậu Ngọ liên khoaTus tài Võ Qúi Công thụy trung trực chân linh”. Phía trái là long ngai của bá thúc, phía phải là long ngai tổ cô

Căn cứ vào nội dung và giá trị lịch sử, nhà thờ họ Võ chi cụ Tú Lang được công nhận là di tích Lịch sử cách mạng cấp Tỉnh.

Video