Nhà thờ họ Uông (xã Hưng Lộc – Thành phố Vinh)

Tác giả: admin
Ngày 2011-06-09 09:16:59

Nhà thờ họ Uông trước đây thuộc làng Ninh Thọ, xã Đức Thịnh, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là làng Đức Thịnh, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Di tích cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 4km về phía Đông Bắc. Du khách thập phương có thể dễ dàng tham quan di tích bằng đường bộ với nhiều loại phương tiện theo tuyến đường quốc lộ Vinh – Cửa Hội – Cửa Lò.

Dòng họ Uông là một trong những dòng họ có mặt sớm nhất trên mảnh đất Hưng Lộc, nổi tiếng bởi truyền thống hiếu học và yêu nước. Trải qua các triều đại, nhiều người làm quan to, đậu đạt, thành danh như: Uông Trọng Công (Đại tướng Đô đốc thời Lê), Uông Mạnh Chướng (Thượng thư Bộ Lại thời Nguyễn), Uông Văn Hoan, Uông Văn Đường, Uông Nhật Hân, Uông Sỹ Tư (đậu Tú tài, Thám hoa thời Nguyễn); Uông Sỹ Túy, Uông Huy Danh (tham gia phong trào Văn Thân – Cần Vương do vua Hàm Nghi khởi xướng)…

Nhà thờ họ Uông được xây dựng năm Mậu Dần – thời Nguyễn (1878) để thờ phụng tổ tiên dòng họ Uông.

Không chỉ có nhiều giá trị về văn hóa, Nhà thờ họ có những giá trị lịch sử to lớn. Đây là nơi đã ghi dấu những năm tháng đấu tranh kiên cường của nhân dân Hồng Lam trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

Tháng 7/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc (cán bộ Đông Dương Cộng Sản Đảng) đã về bắt mối với đồng chí Hoàng Trọng Trì và một số đảng viên Tân Việt; hội viên Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Lộc Đa, Đức Thịnh, Yên Dũng lập ra “Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng nông thôn phía Đông Bắc Vinh – Bến Thủy” gồm 7 đảng viên do đồng chí Hoàng Trọng Trì làm Bí thư. Đây là một trong năm chi bộ cộng sản đầu tiên của Hưng Nguyên.

Tháng 6/1930, Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Vinh – Bến Thủy đã cử cán bộ về trực tiếp chỉ đạo phong trào ở Lộc Đa. Với vị trí gần trung tâm Vinh – Bến Thủy, địa thế uy nghi, khuất tịch, cây cối rậm rạp, ít có người qua lại nên Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Vinh – Bến Thủy đã quyết định chọn Nhà thờ họ Uông làm cơ sở hoạt động và lãnh đạo trực tiếp phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tháng 7/1930, với chủ trương “…Chỉ có đấu tranh mới đòi được quyền lợi… Chỉ khi nào anh em đứng dậy làm cách mạng Cộng sản, đánh đổ tư sản đế quốc thì mới hết khổ.” Xứ ủy Trung Kỳ đã phát động quần chúng đấu tranh “Đòi quyền lợi ruộng đất cho nông dân và đời sống cho công nhân. Bỏ sưu thuế, chia ruộng đất của đại địa chủ cho dân cày nghèo…”


Tối 15/7/1930, tại Nhà thờ họ Uông đã diễn ra cuộc họp của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Vinh – Bến Thủy để đánh giá tình hình các cơ sở Đảng. Nhận thấy sự tồn tại của chi bộ ghép 7 làng không còn phù hợp với phong trào cách mạng của nhân dân, Xứ ủy Trung Kỳ đã quyết định tách thành 2 chi bộ là Lộc Đa và Đức Thịnh để chỉ đạo phong trào sâu sát ở từng địa phương. Chi bộ Lộc Đa gồm các đồng chí Dương Kiên, Hoàng Ngãi, Phạm Thành (đồng chí Dương Kiên được bầu làm Bí thư). Chi bộ Đức Thịnh gồm các đồng chí: Uông Văn Tự, Uông Nhật Vượng, Uông Nhật Hoành (đồng chí Uông Văn Tự làm Bí thư).

Đến đầu tháng 9/1930, tại Nhà thờ họ Uông, Xứ ủy Trung Kỳ tiếp tục tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các đồng chí: Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Khuê, Nguyễn Đình Cận, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Duy Trinh và một số đại biểu của các đảng bộ tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Hội nghị tiến hành tổ chức một loạt cuộc đấu tranh quyết liệt hơn, rộng rãi hơn với yêu cầu gắn liền lợi ích chính trị với lợi ích dân sinh – kinh tế, phát động quần chúng hình thành một thế trận mới nhằm xóa bỏ bộ máy chính quyền tay sai ở cơ sở, lập nên chính quyền Xô Viết công nông.

Các cuộc đấu tranh đã diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ và đạt được nhiều thắng lợi ở Lộc Đa – Đức Thịnh cũng như các huyện trong hai tỉnh Nghệ Tĩnh.

Ngày 30/8/1930, tại Nam Đàn đã diễn ra cuộc biểu tình của 3000 nông dân kéo lên huyện đường buộc tri huyện phải ký văn bản chấp nhận các yêu sách của quần chúng và không được nhũng nhiễu nhân dân.

Ngày 1/9/1930, hai vạn nhân dân Thanh Chương đã vượt sông Lam sang vây phá huyện đường khiến tên tri huyện và bọn nhan lại hoảng loạn, bỏ công đường chạy tháo thân. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi triệt để, chính quyền Xô Viết ra đời đầu tiên tại huyện Thanh Chương.

Đỉnh cao của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là cuộc đấu tranh ngày 12/9/1930, của 8000 quần chúng nhân dân tại Hưng Nguyên và Nam Đàn. Thực dân Pháp đã đưa máy bay đến tàn sát làm 217 người chết và 125 người bị thương…

Tại Lộc Đa và Đức Thịnh, theo chủ trương của Xứ ủy và Tỉnh ủy, Chi bộ Lộc Đa - Đức Thịnh đã tích cực vận động quần chúng đấu tranh đòi bọn hào lý địa phương phải trả lại tiền phù thu lạm bổ, các thứ thuế điền, tiền nghĩa thương để chia cho dân nghèo, cảnh cáo, vạch mặt những tên tay sai của thực dân. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, bọn hào lý các làng phải đem lúa, tiền nhũng lạm trả lại cho dân…

Tháng 9/1930, trong khí thế nổi dậy thành lập chính quyền Xô Viết ở nhiều nơi như Yên Dũng và một số làng, xã ở Hưng Nguyên, tại Lộc Đa chính quyền Xô Viết cũng ra đời do đồng chí Hoàng Ngãi phụ trách.

Sau khi ra đời, chính quyền Xô Viết ở Lộc Đa đã nhanh chóng thành lập các tổ chức, đoàn thể cách mạng như: 17 tổ Nông hội đỏ với 227 hội viên, hội Phụ nữ giải phóng có 40 hội viên, Đoàn Thanh niên Cộng sản có 120 đoàn viên, đội Tự vệ đỏ có 15 đội viên…

Tháng 11/1930, chính quyền Xô Viết vận động nhân dân đứng lên yêu cầu hào lý địa phương cho nhân dân “vay” quỹ “nghĩa thương”, buộc chúng phải thực hiện không dám cưỡng lại. Xã bộ nông bắt bọn hào lý nộp ngay 400 quan tiền và đem chia cho dân nghèo. Cũng trong thời gian này chính quyền Xô Viết ở Lộc Đa, Đức Thịnh phối hợp với chính quyền Xô Viết ở Yên Dũng, Đức Hậu, Ân Hậu…lãnh đạo nông dân đến “vay” thóc của các địa chủ lớn…

Khi phát hiện ra các hoạt động của chính quyền Xô Viết ở các làng, xã và phong trào nông dân nổi dậy đấu tranh ở nông thôn mà điểm nóng là Lộc Đa, Đức Thịnh, Yên Dũng… thực dân Pháp đã cấp tốc dùng sức mạnh quân sự để đối phó. Chúng đem lính khố đỏ và lính khố xanh đóng 3 đồn tại Đền Trìa, làng Tháp (cách nhà thờ họ Uông 100m), quán Cố Kham trên đường Vinh – Cửa Hội, đồng thời chúng buộc bọn hào lý lập ra nhiều điếm canh trong các xóm ngõ. Tuy nhiên, chi bộ Đảng Lộc Đa, Đức Thịnh vẫn lãnh đạo nhân dân bất chấp sự đàn áp, khủng bố của kẻ thù, tổ chức đấu tranh dưới nhiều hình thức khác nhau như: mít tinh kỷ niệm Quảng Châu Công Xã (đêm 26/12/1930 với sự tham gia của hàng nghìn người); mít tinh phản đối địch khủng bố, tàn sát nhân dân Song Lộc và vận động ủng hộ các nạn nhân ở Song Lộc…

Tuy chính quyền Xô Viết ở Lộc Đa, Đức Thịnh chỉ tồn tại trong thời gian không dài nhưng đã mang lại một làn gió mới và để lại dấu ấn sâu đậm trong mỗi người dân nơi đây.

Nhà thờ họ Uông là một trong những địa điểm làm việc của Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Vinh – Bến Thủy, nơi đây Xứ ủy Trung Kỳ đã có những quyết sách lớn chỉ đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đây cũng là nơi in ấn, cất dấu tài liệu bí mật của Đảng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931.

Sau cách mạng Tháng 8/1945, xét thấy công lao của những người nuôi dưỡng, bảo vệ cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ ở Đức Thịnh, Nhà nước đã tặng bằng “Có công với nước” cho gia đình ông Uông Văn Tự, Uông Đình Nghĩa, Uông Nhật Hoành….

Không chỉ là một trong những di tích tiêu biểu mang giá trị lịch sử của xã Hưng Lộc, Nhà thờ họ Uông còn mang trong mình nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân dân Lộc Đa – Đức Thịnh.

Ban đầu, Nhà thờ họ Uông gồm 3 gian nhà tranh, tọa lạc trên một khu đất rộng, xung quanh cây cối xanh tốt. Trước mặt di tích là cánh đồng rộng mênh mông của nhân dân Hưng Lộc. Năm 1944, nhà thờ được xây cất lại vững chãi với diện tích 30m2 bằng nhiều loại gỗ quý như lim, săng lẻ…, mái được lợp ngói đỏ Hưng Kỳ. Bài trí nội thất gồm 3 gian thờ: gian giữa thờ Đại tướng Đô đốc Uông Trọng Công; gian phải thờ Thượng thư Bộ lại Uông Mạnh Chướng; còn gian trái thờ con cháu dòng họ Uông các đời sau. Kết cấu kiến trúc của nhà thờ được xây dựng theo kiểu: “Tiền hạ - Hậu trụ” để tiện cho việc thờ cúng. Trên các đầu đao của nhà thờ có 8 con rồng chầu lại. Ở giữa nóc có biểu tượng hổ phù và mặt nguyệt. Đến năm 1982 nhà thờ tiếp tục được tu sửa lại trước sự tàn phá của thiên tai. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hiện nay Nhà thờ họ Uông vẫn còn giữ được nhiều hiện vật quý báu như: 5 ngai thờ, một số mâm chè, đài sáp, lư hương, gươm, mũ thờ…

Hàng năm, dòng họ Uông thường tổ chức tế lễ tổ tiên, tưởng nhớ các liệt sỹ đã hy sinh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh vào các ngày rằm, mồng một âm lịch. Di tích này trở thành một trong những địa chỉ để con cháu gần xa và du khách thập phương tham quan, khảo cứu về những năm tháng đấu tranh oanh liệt của ông cha trong những năm 1930-1931.

Với những giá trị to lớn đó, Nhà thờ họ Uông đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch) công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia vào năm 1992.

Video