154
461
4707
17092
34073
6825537
Nhà thờ họ Từ trước thuộc làng Hạ Khê, xã Xuân Trạch, tổng Phù Long, nay là xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Xã Nam Cường cách thành phố Vinh khoảng 11 km về hướng Tây Nam và cách huyện lỵ Nam Đàn khoảng 17 km. Từ thành phố Vinh theo cầu Yên Xuân (Hưng Xuân, Hưng Nguyên) rẽ phía Nam 2km là đến di tích nhà thờ họ Từ.
Nam Cường là vùng đất có lịch sử lâu đời được hình thành vào triều Lý. Khoảng thế kỷ XI, khi Uy Minh Vương - Lý Nhật Quang được cử làm Tri châu Nghệ An đã chiêu dân lập ấp, mở mang quy mô khai hoang vùng đất Nam Kim gồm có 5 xã thuộc hữu ngạn sông Lam. Trước năm 1930, Nam Cường là một xã nghèo, cư dân sống bằng nghề làm ruộng, buôn bán nhỏ, kéo sợi dệt vải nhưng nền kinh tế độc canh nông nghiệp là chủ yếu. Tuy nhiên đây là vùng đất có truyền thống hiếu học và yêu nước, nhiều thế hệ cư dân Nam Cường đã hăng hái đóng góp sức người, sức của vào các cuộc khởi nghĩa, đấu tranh chống các thế lực xâm lược nước ngoài, bảo vệ sự yên bình của đất nước.
Họ Từ là một trong 12 dòng họ ở Nam Cường có nhiều người tham gia phong trào yêu nước và đóng góp công sức xây dựng quê hương.
Nhà thờ họ Từ được xây dựng giữa thế kỷ thứ 16 để thờ các vị tổ họ Từ. Thỉ tổ khảo cố Lê Triều Từ cho đến vị tổ đời thứ 8 đều là những vị quan có công với triều đình. Trong gia phả họ Từ có ghi rõ “trong họ có người do lập được nhiều kỳ tích có công lớn với nước đã làm đến Tả hữu Thị lang”.
Tổ tiên dòng họ Từ cùng với các dòng họ khác đã chung lưng đấu cật khai phá đất hoang, mở mang diện tích canh tác và xây dựng nên những làng xã đông đúc.
Trong các phong trào yêu nước thời kỳ văn thân Cần Vương, Đông Du, người họ Từ đã tích cực hưởng ứng và đóng góp phần xương máu của mình. Những năm 1927 – 1828, đồng chí Bùi Hải Thiều, Bùi Hữu Long, Từ Lam, và Từ Ký đã tận dụng vị thế nhà thờ họ Từ là nơi cây cối rậm rạp, xóm làng thưa thớt nên sự theo dõi của địch còn sơ hở, mặt khác địa thế ở đây đường đi lối lại chằng chịt, vừa cận đồng bằng, vừa cận sông núi, tiến lui đều thuận tiện để làm nơi hội họp bí mật của tổ chức Thanh niên, Tân Việt.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), Tỉnh bộ Nghệ An cũng được thành lập. Tại Nam Cường, đồng chí ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ là Ngô Văn Sở đã bắt liên lạc với Lê Xuân Đào thành lập nhóm cộng sản mang bí danh: Trúc – Lam - Giang có nhiệm vụ phụ trách 4 tổng của Hưng Nguyên và Nam Kim (Nam Đàn). Nhóm Trúc – Lam - Giang đã đi sâu giác ngộ quần chúng để kết nạp đảng viên ở các làng dọc theo sông Lam ở vùng Nam Đàn, Hưng Nguyên và Đức Thọ. Ngày 5/6/1930, tại nhà thờ họ Từ, Chi bộ Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Nam Cường ra đời. Từ đó trở đi, nhà thờ họ Từ trở thành địa điểm hội họp, liên lạc bí mật của các cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ, huyện ủy Nam Đàn, Chi bộ Đảng tổng Phù Long và tổng Nam Kim. Nhà thờ còn là nơi tổ chức in ấn và cất giấu tài liệu, truyền đơn của Đảng. Từ những chủ trương của Đảng thông qua các cuộc họp tại nhà thờ họ Từ đã được triển khai sâu rộng xuống tận cơ sở, tạo điều kiện để phát động quần chúng đứng lên đấu tranh. Sau một thời gian, các tổ chức như thanh niên cộng sản đoàn, phụ nữ giải phóng cuãng lần lượt ra đời.
Ngày 18/6/1930, các Chi bộ Đảng tổng Phù Long, tổng Nam Kim đã vận động quần chúng cách mạng tập trung tại nhà thờ họ Từ, sau đó kéo đến chợ Đồn để dự cuộc biểu tình. Ngày 30/8/1930, Chi bộ Đảng Xuân Trạch, chi bộ Phổ Đông, chi bộ Phổ Tứ lãnh đạo 300 quần chúng nhân dân đã tập trung ở nhà thờ họ Từ rồi cùng với đoàn biểu tình của các tổng trong huyện kéo lên thị trấn Sa Nam, bao vây huyện đường Nam Đàn. Đoàn biểu tình đã đốt phá các điếm canh, phá nhà giam giải thoát cho những người đang bị cầm tù và buộc tri huyện Lê Khắc Tưởng ký vào bản yêu sách của quần chúng với lời cam kết: từ nay về sau không được nhũng nhiễu dân.
Sau cuộc biểu tình, bộ máy chính quyền địch ở các thôn xóm tỏ ra hoang mang, Chi bộ Đảng Xuân Trạch đã nắm lấy thời cơ cách mạng tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh.
Sáng ngày 12/9/1930, nhân dân ba làng Xuân Trạch, Mai Sơn, Long Xuyên đã tập trung tại nhà thờ họ Từ, kéo về Thái Lão phối hợp với 8.000 nhân dân Hưng Nguyên tiến hành cuộc biểu tình vang dội, được xem là cột mốc tiêu biểu của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Sau cuộc biểu tình ở Hưng Nguyên, lính tây ở đồn Phúc Mỹ đã kéo về Phổ Đông tiến hành đàn áp rất dã man, đốt nhà và bắn chết 7 người. Phủ ủy, Chi bộ Đảng Xuân Trạch và Tổng ủy Phù Long, Nam Kim đã tiến hành họp tại nhà thờ họ Từ nhằm bàn kế sách đấu tranh chống khủng bố. Đặc biệt ngày 07/10/1930, 300 nhân dân Xuân Trạch, Mai Sơn, Phổ Đông và Phổ Tứ lại tiếp tục tập trung tại nhà thờ họ Từ để mít tinh và tuần hành thị uy trong toàn xã nhân kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga...
Sở dĩ nhà thờ họ Từ được Liên chi Tổng Phù Long – Nam Kim tin tưởng chọn làm nơi bí mật hội họp, in ấn tài liệu cách mạng là vì 2 lý do chính. Thứ nhất, nhân dân làng Xuân Trạch từ bao đời nay đã có truyền thống đoàn kết, yêu nước và đấu tranh cách mạng. Thứ hai, những người lãnh đạo Liên chi bộ Phù Long – Nam Kim như Lê Xuân Đào, Lê Hữu Nhượng Nguyễn Văn Ngoạn, Nguyễn Trọng Thúy... đều là con, rể, cháu, chắt của dòng họ Từ.
Cuối tháng 2/1931, địch tổ chức treo cờ vàng và phát thẻ quy thuận thì bộ máy chính quyền đương thời ở Xuân Trạch từ lý trưởng cho đến cai tổng đều là con cháu họ Từ nắm giữ. Lý trưởng Từ Đức Nhã bề ngoài là người đại diện cho địch cai quản vùng này nhưng thực chất là người của cách mạng, là cơ sở bí mật nuôi dưỡng, che giấu cán bộ cách mạng. Ông đã nhiều lần cấp thẻ quy thuận giúp cho cán bộ cách mạng đi lại hoạt động dễ dàng.
Khi phong trào cách mạng 1930-1931 bị địch khủng bố trắng, nhà thờ họ Từ vẫn là chỗ dựa vững chắc cho các chiến sỹ cách mạng lui tới. Trong cách mạng tháng Tám 1945, nhà thờ là nơi nhân dân tập trung đi cướp chính quyền.
Sau ngày hòa bình lập lại, nhiều gia đình họ Từ như Từ Đức Cường, Từ Đức Ký, Từ Đức Mười đã được Nhà nước cấp bằng “Gia đình có công với Nước”...
Nhà thờ họ Từ nằm giữa làng Xuân Trạch và nay là trung tâm của xã Nam Cường, ngoảnh mặt về hướng Đông Nam với diện tích trên 2000 m2. Nhà thờ họ Từ được xây dựng giữa thế kỷ XVI với kiểu kiến trúc tứ trụ tam oai. Nguyên vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ lim, ngói vảy âm dương và gạch đá khai thác tại địa phương. Từ đó đến nay đã trên 400 năm, mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, nhà thờ họ Từ vẫn giữ được lối kiến trúc truyền thống, mang dáng nét cổ xưa. Mặc dù các nét chạm trổ trong di tích chưa đạt đến trình độ kỹ xảo điêu luyện nhưng vẫn toát lên được vẻ cổ kính, thanh thoát, nhẹ nhàng, tinh tế. Đó là những mảnh chạm khắc trên các hiện vật cổ như long ngai, án thư, kiệu đòn rồng.
Nhà thờ họ Từ là một công trình văn hóa tâm linh đẹp gồm có 3 nhà là Thượng điện, Hạ điện và nhà thờ thần tổ đời thứ 6 - Từ Sỹ Liêm.
Nhà Hạ điện có khuôn viên sân hình chữ nhật dài 12.6m, rộng 5m, mặt sân được lát bằng gạch Bát Tràng. Nhà có 3 gian 2 hồi. Các văng xà, vì kèo đều có chạm trổ hoa lá đơn giản. Cửa ra vào nhà Hạ điện gồm 3 bộ, kiểu cửa bàn khoa đóng kín, 2 đầu đốc xây tường dày 0.3m bằng gạch nung, tường phía sau để trống thông với Thượng điện, nền nhà được lát gạch Bát Tràng.
Hạ điện có kết cấu dọc là 2,15m – 2,67m – 2,15m.
Kết cấu ngang của Hạ điện là 1,25m – 1,1m – 2,9m – 1,25m.
Nhà Hạ điện có chức năng là nơi tế lễ và bày lễ vật khi cúng tế. Đồ tế khí ở Hạ điện gồm có bàn thờ, hương án để lư hương ở gian giữa, 1 cái trống to và 1 trống nhỏ đánh vào ngày lễ trọng đại.
Nhà Thượng điện là một ngôi nhà gồm 3 gian 2 hồi, nền nhà được lát gạch Bát Trang, nhà lợp ngói vảy âm dương,trên đỉnh nóc có đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt theo thể thức đăng đối, các chân kèo đều có chạm trổ tinh tế, 2 mặt đốc xây kín, mặt trước có 3 bộ ván cửa đóng kín.
Thượng điện có kết cấu dọc là 2m – 2,8m – 2m.
Kết cấu ngang là 2,7m – 1,1m – 0,9m.
Thượng điện của nhà thờ họ Từ có 3 đôi câu đối ý nghĩa sâu xa nhằm tỏ lòng kính trọng, ca ngợi công đức tổ tiên dòng họ Từ. Đồ tế khí ở gian giữa có bàn thờ 3 cấp. Cấp trên để long ngai sơn son thếp vàng có chạm trổ 2 con rồng chầu hai bên đặt ở vị trí trang trọng thờ thỉ tổ đời thứ nhất, trong long ngai có hiệu bút bằng chữ Hán. Trước bàn thờ có hương án gỗ sơn đỏ được chạm trổ tinh xảo. Trên bàn thờ ba cấp để đồ tế khí như: lư hương, cọc sáp, nậm chè, hạc đồng... Hai gian hai bên thờ các vị tổ từ đời thứ 2 đến thứ 8. Phía trước có hương án để lư hương, phía sau có bàn thờ 3 cấp.
Nhà thờ thần tổ đời thứ 6 Từ Sỹ Liêm gồm có 2 gian, 1 hồi văn được thiết kế theo kiểu nhà dọc, gian trước và gian sau, kiến trúc tứ trụ tam oai. Cửa ra vào là cửa bàn khoa đóng kín, xung quanh nhà và hai đầu đốc xây kín. Đỉnh nóc và đầu đao của nhà được uốn lượn hình hoa văn, hai đầu hồi đắp nổi hình hổ phù. Nền nhà được lát bằng gạch Bát Tràng.
Nhà thờ Thần tổ có kết cấu dọc là 0,73m – 2,2m – 2,2m.
Có kết cấu ngang là 0,9m – 2,74m – 0,9m.
Nhà thờ thần tổ Từ Sỹ Liêm có treo một đôi câu đối ca ngợi công lao của ông cũng như khẳng định đây là nơi địa linh. Đồ tế khí ở gian ngoài gồm có hương án để bình hương. Gian phía trong có hương án chạm trổ tinh xảo và bàn thờ 3 cấp, cấp trên cùng để long ngai thần tổ Từ Sĩ Liên. Bàn thờ 3 cấp để đồ tế khí: mâm chè, mâm cổ bồng, bát hương, ấm chén... Hai bên được trang trí bằng bộ bát bửu. Gian ngoài treo một bức hoành phi bằng gỗ sơn đen, xung quanh có hoa văn, ở giữa có hai chữ “Thế đức” tức là lấy đức làm gốc. Nhà thờ thần tổ còn có hòm đựng sắc phong của Vua ban cho những người họ Từ có công với nước, với dân.
Ngoài các nhà thờ chính ra, từ sân vào phía hữu nhà thờ còn có miếu thờ bà cô tổ của dòng họ rất linh thiêng. Miếu thờ bà cô tổ tôn thêm vẻ đẹp về giá trị văn hóa tinh thần cũng như bề thế của dòng họ Từ có bề dày lịch sử - văn hóa trên quê hương Nam Đàn.
Hàng năm tại nhà thờ họ Từ đã diễn ra các hoạt động: Cúng tế tổ tiên: ngày 15 tháng 11 âm lịch hàng năm là ngày giỗ tổ họ Từ đại tôn, ngày 15 tháng 2 âm lịch là ngày giỗ tổ các chi họ trong một làng; Lễ tuyên dương khen thưởng con cháu trong dòng họ có thành tích cao trong học tập, rèn luyện...
Với những đóng góp to lớn của nhà thờ họ Từ trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, đặc biệt là trong cao trào cách mạng 1930-1931, Bộ Văn hóa Thông Tin đã có Quyết định công nhận Nhà thờ họ Từ là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 2001./.