Nhà thờ họ Thái Đắc

Tác giả: admin
Ngày 2010-10-13 09:07:13

Nhà thờ họ Thái Đắc trước đây thuộc làng Yên Mỹ, tổng Yên Lăng, phủ Anh Sơn, nay là xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, cách thành phố Vinh 77km về phía Tây Bắc.

Di tích nhà thờ họ Thái Đắc nằm giữa vùng đất sơn thủy hữu tình với nhiều hang động, hồ nước, khe suối… Mảnh đất này là nơi có truyền thống yêu nước và cách mạng. Họ Thái Đắc nổi tiếng với nghề đông y chữa bệnh cho nhân dân.

Nhà thờ họ Thái Đắc xây dựng từ năm 1663, đến nay đã hơn 300 tuổi. Di tích này thờ vị tiên tổ Thái Đắc Duyên quê ở Hải Dương, đã có công vào đất Hoan Châu chiêu dân, lập ấp, mở mang bờ cõi từ thế kỷ XVII…

Khi bản cáo trạng của Hoàng Văn Thái (Nghi Lộc) và tiếng súng khởi nghĩa Giáp Tuất của Trần Tấn, Đặng Như Mai (1874) vang lên, cùng với các huyện khác trong tỉnh, nhân dân Đô Lương cũng đứng lên đấu tranh mạnh mẽ hưởng ứng phong trào này. Nhà thờ Họ Thái Đắc trở thành nơi các sĩ phu trong vùng hội họp thể hiện quyết tâm chống Pháp phản đối sự đầu hàng hèn nhát của nhà Nguyễn.

Hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi (1885), cả xứ Hồng Lam bừng bừng khí thế đấu tranh. Dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã, Nguyễn Nguyên Thành, xã Bài Sơn trở thành một căn cứ địa quan trọng. Nhiều thanh niên của dòng họ Thái Đắc đã đứng ra thành lập hội hương binh tham gia vào đội quân của Lãnh Ngợi (vị tướng tài ba đã dựa vào Bài Sơn để chiêu tập binh sỹ). Nhà thờ họ Thái Đắc đã trở thành nơi ăn nghỉ và cất dấu vũ khí của nghĩa quân.

Sau khi Phan Bội Châu đỗ Giải Nguyên trường Nghệ, cụ đã cùng các sỹ phu tiến bộ lên Đô Lương để thăm dò địa thế và chọn nhân tài. Nhà thờ họ Thái Đắc lại được chọn làm nơi tập trung thanh niên đàm đạo việc nước, đọc thơ văn của cụ Phan Bội Châu và những mẩu chuyện của các bậc tiền bối họ Thái Đắc, nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước cho thanh niên và nhân dân nơi đây…

Từ năm 1925-1929, Đảng Tân Việt và tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở phủ Anh Sơn phát triển và hoạt động khá sôi nổi. Nhà thờ họ Thái Đắc được tổ chức Tân Việt chọn làm nơi mở lớp học văn hóa, sinh hoạt báo chí cho các hội viên và nhân dân trong vùng.

Tháng 10/1930, tại di tích này, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Tiềm – Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An và một số đồng chí đại diện cho Phủ ủy và Tổng ủy Yên Lăng, hội nghị thành lập chi bộ Đảng ghép Thiệp Lực gồm các làng Yên Mỹ, Yên Xuân, Đồng Xuân, Ngoại Bài, Đồng Lăng... đã được tổ chức. Chi bộ gồm 9 thành viên, đồng chí Thái Đắc Từ được cử làm Bí thư. Đây là một trong những chi bộ ra đời sớm ở huyện Đô Lương.

Dựa vào ưu điểm “địa lợi, nhân hòa” nên Phủ ủy Anh Sơn, Tổng ủy Yên Lăng đã chọn nhà thờ họ Thái Đắc để làm nơi liên lạc, in ấn, cất dấu tài liệu của Đảng trong thời kỳ 1930-1931. Hàng trăm tờ truyền đơn, báo Nhà Nông, báo Gương Vô Sản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng được các đồng chí in ra phục vụ kịp thời cho các chi bộ đảng cơ sở…Sau một thời gian, để tránh sự nghi ngờ của bọn mật thám, bộ phận ấn loát của Huyện ủy, Tổng ủy Yên Lăng chuyển đi nơi khác nhưng nhà thờ họ Thái Đắc vẫn là nơi liên lạc, hội họp, cất dấu tài liệu của Đảng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Sáng ngày 8/9/1930, đồng chí Thái Đắc Từ - Bí thư Chi bộ Đảng đã nổi trống chiêng từ nhà thờ họ Thái Đắc hòa cùng trống chiêng trong làng thúc dục nhân dân đứng lên đấu tranh. Hàng ngàn người từ các ngả đường với vũ khí trong tay cùng tiến về nơi tập trung. Quần chúng tràn ngập cả bãi cát Đặng Lâm, bến đò Hai Quai, đền Mượu với khí thế xung thiên… Hoảng sợ, thực dân Pháp đã cho máy bay đến ném bom vào đoàn biểu tình làm 9 người chết và bị thương nhiều người. Cuộc biểu tình này đã đánh dấu một bước chuyển biến về chất của phong trào cách mạng trong toàn Phủ Anh Sơn. Để giữ vững tinh thần đấu tranh, ngày hôm sau tại nhà thờ họ Thái Đắc đã diễn ra cuộc họp mở rộng do Phủ Anh Sơn tổ chức. Ngoài các đồng chí như: Nguyễn Văn Tần, Tôn Thị Quế (Tỉnh ủy viên Nghệ An), Cao Tiến Huệ… cuộc họp còn có đồng chí Nguyễn Tiềm tham dự.

Tháng 2/1931, để tránh sự bao vây khủng bố của địch, nhà thờ họ Thái Đắc trở thành nơi làm việc của Huyện ủy Yên Thành.

Phong trào cách mạng từ tháng 6/1930 đến tháng 5/1931 ở xã Bài Sơn cũng như toàn phủ Anh Sơn làm cho bộ máy cai trị của thực dân, phong kiến ở làng xã tê liệt, tan rã. Các Xã bộ nông lên nắm chính quyền. Nhà thờ họ Thái Đắc được chọn là nơi làm việc của Thôn Bộ Nông, do đồng chí Thái Đắc Từ phụ trách. Chính quyền Xô Viết ra đời trên mảnh đất này đã đem lại cuộc sống mới cho nhân dân với nhiều thành quả đáng tự hào về mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa – xã hội. Nhà thờ họ Thái Đắc còn là nơi tổ chức dạy chữ Quốc ngữ cho nhân dân…

Trong hai năm 1930-1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Bài Sơn đã giành được nhiều thắng lợi. Điều đó càng tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Nhà thờ họ Thái Đắc là di tích ghi dấu một giai đoạn lịch sử hào hùng của quê hương Xô Viết.

Năm 1940-1945, đồng chí Võ Mai được Tỉnh ủy Nghệ An cử về chỉ đạo giành chính quyền ở phủ Anh Sơn, nhà thờ họ Thái Đắc trở thành nơi hội họp của các đồng chí lãnh đạo các cơ sở Đảng.

Từ Năm 1947-1968, di tích này là nơi bộ phận tài chính của Ủy ban hành chính kháng chiến khu 4 cất dấu tài liệu, nơi hội họp của Hội nghị Tôn giáo vận Trung ương do đồng chí Hồ Tùng Mậu phụ trách, là trụ sở làm việc của Thiếu tường Nguyễn Sơn – Khu trưởng quân khu 4 và Bộ chỉ huy thanh niên xung phong làm đường 15A, nơi cất dấu vũ khí tiếp tế cho chiến trường Lào, Campuchia của Cục kỹ thuật quân giới quân khu 4… 

Không chỉ có giá trị to lớn về mặt lịch sử đặc biệt trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, di tích này còn mang nhiều giá trị khoa học, kiến trúc và nghệ thuật.

Nhà thờ họ Thái Đắc cung cấp cho chúng ta nhiều cơ sở để nghiên cứu về đời sống văn hóa của ông cha xưa qua những hiện vật quý như: long ngai, bài vị, mục chủ, cuốn thư, đại tự, câu đối, gia phả, sắc phong của các vị tổ tiên.

Di tích này có kết cấu kiểu chữ Nhị, ngoảnh mặt về hướng Nam, gồm hai nhà Hạ Đường và Thượng Đường…là lối kiến trúc truyền thống, đậm đà bản sắc xứ Nghệ. Những đường nét chạm trổ trên các văng, xà, hạ, rất tinh xảo; trên đỉnh nóc có hình lưỡng long chầu nguyệt theo thể thức đăng đối …thể hiện bàn tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân nơi đây. Những giá trị đó kết hợp với nhau tạo nên một di tích có hiếm có trên mảnh đất này.

Cũng như nhiều vùng nông thôn khác ở xứ Nghệ. Từ trước cách mạng tháng Tám đến nay, mỗi năm nhà thờ họ Thái Đắc cúng tế 3 kỳ: Lễ cầu yên, cầu phúc (ngày 7/1 âm lịch); lễ Đại tổ (rằm tháng giêng âm lịch); Lễ rằm tháng bảy (15/7 âm lịch)…Cứ 3 năm rước kiệu một lần vào ngày 15/1 âm lịch…

Trải qua sự khắc nghiệt của thời gian nhưng di tích này vẫn giữ được những nét cổ xưa. Hàng năm, đến ngày lễ cổ truyền của địa phương, dòng họ Thái Đắc và chính quyền địa phương thường tổ chức cho nhân dân đến nhà thờ để thắp hương tưởng nhớ tổ tiên và các anh hùng liệt sỹ của quê hương. Nhờ những hoạt động thiết thực và ý nghĩa trên, di tích và hiện vật trong nhà thờ họ Thái Đắc vẫn được bảo lưu được những giá trị vốn có.

Để giữ gìn và phát huy giá trị của di tích này, ngày 24/7/1997 Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch) đã quyết định công nhận Nhà thờ họ Thái Đắc là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Video