Nhà thờ họ Phan Mạc

Tác giả: admin
Ngày 2010-05-24 14:17:17

Nhà thờ họ Phan Mạc ở làng Đông Thôn, tổng Quan Hoa xã Tràng Thành, nay là xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Từ thành phố Vỉnh ra (hoặc từ Hà Nội vào) theo đường 1A, đến Cầu Bùng, rẽ đường 48 đến huyện lỵ Yên Thành, đi về hướng Đông Nam gần 2 km là đến di tích.

Nhà thờ do Thuỷ tổ chi họ Phan Mạc là cụ Huyền Nhai xây dựng năm 1788, thời vua Cảnh Hưng. Huyền Nhai vừa là con, vừa là học trò của cụ Mạc Mậu Giang. Mạc Mậu Giang- con trai thứ 14 của Mạc Phúc Nguyên, làm Thượng thư bộ Binh và bộ Lại dưới triều vua Mạc Mậu Hợp. Sau khi nhà Mạc bị mất ngôi, Mạc Mậu Giang chạy vào Nghệ An với biệt danh là Ngũ Phương địa sư và mở trường dạy học tại xã Xuân Thành. Trường học của Ngài sớm được nổi danh trong vùng vì có nhiều người theo học và đỗ đạt cao như Trần Đăng Dinh đậu Tiến sỹ làm quan đến chức Thượng thư, Lê Hiệu đậu Hoàng giáp làm Thượng thư bộ Hộ, Hồ Sỹ Dương đậu Tiến sỹ được phong tước Quận công... Cụ Huyền Nhai là học trò khoá đầu tiên, thi Hương đậu Giải nguyên, thi Hội đậu Tam giáp Đông tiến sỹ. Dưới triều Lê Thần Tông cụ được bổ làm Tri phủ Quì Châu, Nghệ An. Cụ đã có công mở mang kinh tế, khai hoá dân trí, giữ yên biên ải vùng cao, được triều đình phong tước “Triều liệt oai phụ phong quan”. Sau khi cụ Huyền Nhai mất, đến niên hiệu Thành Thái thứ 5 được vua ban sắc phong “Phúc thần”.
Về sau các thế hệ con cháu hậu duệ họ Phan Mạc ở Tràng Thành đã noi gương tiên tổ giữ gìn phẩm hạnh, học hành đỗ đạt, có công với nước, tiêu biểu là các ông: Phan Đăng Đệ, Phan Xuân Lung, Phan Xuân Thực, Phan Đăng Doanh, Phan Xuân Đức…

Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta cho đến khi Đảng cộng sản ra đời trực tiếp lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, trên mảnh đất Tràng Thành, tại nhà thờ Phan Mạc đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử.

Trong không khí kháng Pháp sôi nổi, nhà thờ là nơi giới văn thân tổng Quan Hoa tổ chức một cuộc họp vạch kế hoạch rào làng, ủng hộ nghĩa quân Trần Tấn và Đặng Như Mai.

Hưởng ứng phong trào chống thuế Trung Kỳ, ngày 26/2/1908, tại nhà thờ họ Phan Mạc, Chu Trạc cùng nhiều sỹ phu yêu nước trong vùng họp bàn mưu sách đánh Tây. Ngày 28/3/1908, trong buổi lễ tế cờ, Chu Trạc đã đọc lời hiệu triệu “ Ai là khách anh hùng hãy chung lưng đấu cật, nước mắt cần chi ở lúc ni”. Sau đó ông chia lực lượng thành hai đội quân lãnh đạo nhân dân chống thực dân Pháp.

Khi phong trào Đông Du của Phan Bội Châu khởi xướng, nhà thờ họ Phan Mạc là điểm hội tụ của những người yêu nước ở Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Đặc biệt người thanh niên yêu nước, người cháu trong dòng họ Phan Mạc là Phan Đăng Lưu trở thành nòng cốt thu hút lực lượng thanh niên trong vùng nuôi chí lớn tìm đường ra nước ngoài hoạt động cách mạng.

Cuối năm 1926, sau khi dự lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu, về nước, các đồng chí Trần Văn Cung, Võ Mai đã liên lạc với một số thanh niên yêu nước ở Diễn Châu,Yên Thành như: Chu Đàn, Chu Trang, Chu Huệ, Phan Đăng Lưu tuyên truyền giác ngộ cách mạng và phát triển tổ chức. Năm 1928, Tiểu tổ Tân Việt ở xã Tràng Thành được thành lập tại nhà thờ Phan Mạc gồm có 3 người: Phan Đăng Lưu, Phan Đăng Diên và Phan Xuân Thuyên. Tại nhà thờ các đồng chí đã mở nhiều lớp học chữ Quốc ngữ để tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, lý tưởng cách mạng theo tôn chỉ mục đích của tổ chức Tân Việt. Người trục tiếp giảng dạy là Phan Đăng Lưu và Phan Xuân Thuyên. Để che mắt kẻ địch và có điều kiện hoạt động các hội viên còn lập xưởng dệt vải. Ít lâu sau, đồng chí Phan Đăng Lưu được Tổng bộ cử vào Huế phụ trách “ Quan hải tùng thư”. Năm 1929, ở Yên Thành có hai tổ chức cách mạng cùng hoạt động là Thanh niên và Tân Việt. Làng Trụ Pháp là cơ sở hoạt động của Hội Thanh niên, có 43 hội viên. Tân Việt có 23 hội viên, cơ sở chính đóng ở nhà thờ họ Phan Mạc.

Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, Tỉnh uỷ Nghệ An được thành lập, những hội viên trung kiên trong Thanh niên và Tân Việt ở Vân Tụ, Tràng Thành trở thành đảng viên. Họ đã hăng hái đi đầu trong việc vận động quần chúng đấu tranh. Tháng 9-1930, đồng chí Nguyễn Hữu Bình phái viên của Tỉnh uỷ Nghệ An về triệu tập Hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Yên Thành tại nhà thờ họ Nguyễn Công. Hội nghị đã phân công các đồng chí Huyện uỷ viên trực tiếp đi xây dựng cơ sở Đảng. Tháng 10-1930, Chi bộ ghép tổng Quì Trạch và Quan Hoa ra đời có 10 đảng viên, trong đó 4 đảng viên ở Tràng Thành. Các tổ chức quần chúng cũng lần lượt được thành lập. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng của nhân dân Yên Thành nói chung, Tràng thành nói riêng phát triển mạnh. Nhà thờ họ Phan Mạc là cơ sở hoạt động của Đảng trong những năm 1930-1931.

Nhân kỷ niệm 13 năm cách mạng tháng 10 Nga, Huyện uỷ Yên Thành kêu gọi quần chúng đấu tranh. Trong cuộc đấu tranh này, nhà thờ họ phan Mạc là nơi liên lạc nhận truyền đơn, biểu ngữ, tập kết nhân dân. Đêm 6-11-1930, đồng chí Phan Xuân Khôi cùng một số tự vệ đã cắm cờ lên cây đa trước nhà thờ và các cây cao khác trên trục đường 38. Mờ sáng ngày 7-11, nhân dân Quan Hoa tập trung ngay trước nhà thờ để chuẩn bị tiến về huyện đường.

Dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản, quần chúng biểu tình vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu:
Đả đảo bọn đế quốc và phong kiến Nam triều!
Ủng hộ công nông Vinh, Bến Thuỷ, Hưng Nguyên!
Giảm sưu, hoãn thuế, miễn công dịch!
Ủng hộ cách mạng Xô Nga!

Tri huyện Hà Văn Ngoạn cùng bọn lính kéo lên ngăn cản, nhưng quần chúng không nhụt chí, vẫn ào ào tiến lên. Lính lê dương đã bắn thẳng vào đoàn biểu tình làm 17 người chết, một số bị thương.

Đêm 9-11-193o, quần chúng tập trung tại sân nhà thờ làm lễ tưởng niệm những người đã hy sinh ngày 7-11-1930
Trước khí thế cách mạng sục sôi, bọn hương hào, lý trưởng ở các làng xã hoang mang, lo sợ. Quần chúng Tràng Thành và nhiều nơi khác đứng ra thành lập chính quyền Xô Viết. Cuộc sống mới nảy nở. Ban ngày quần chúng chăm lo sản xuất, chia ruộng lúa công. Tối đến, Xã bộ nông tổ chức học chữ Quốc ngữ, đọc sách báo, thơ ca cách mạng cho nhân dân. Nhiều hủ tục văn hoá, sưu thuế nặng nề được bãi bỏ. Nhà thờ họ Phan Mạc là nơi học chữ Quốc ngữ của bà con Tràng Thành.

Theo sự hướng dẫn của Huyện uỷ, Chi bộ tổng Quan Hoa nhận truyền đơn đi rải và vận động quần chúng đấu tranh phản đối việc tổng đốc Nghệ An tập trung nhân dân phát thẻ qui thuận. Sáng 7-2-1931, đúng phiên chợ nên rất đông người. Tri huyện cùng tổng lý, chức sắc các làng có mặt đầy đủ. Buổi lễ bắt đầu, lá cờ vàng được kéo lên, tổng đốc Nguyễn Khoa Kỳ lên hiểu dụ thì bỗng thấy truyền đơn rải khắp nơi, tất cả mọi người cùng nhốn nháo, chạy toán loạn. Tổng đốc, tri huyện buộc phải rút lui. Cuộc đấu tranh thắng lợi. 

Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động năm 1931, tại nhà thờ Phan Mạc và trên đường 38, nhân dân vẫn treo cờ, biểu ngữ, rải truyền đơn vạch trần tội ác của kẻ thù.

Như vậy, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nhân dân Tràng Thành và nhà thờ họ Phan Mạc đã góp phần làm rạng danh cho quê hương.

Phát huy truyền thống đó trong cao trào cách mạng từ năm 1936 đến 1945, nhà thờ vẫn là nơi hội họp của Đảng và các tổ chức quần chúng; đảng viên, thanh niên luôn đi đầu đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ…Tháng 8 năm 1945, nhà thờ là địa điểm tập trung hội viên nông hội, tự vệ đi cướp chính quyền.

Trong kháng chiến chống Pháp, nhà thờ họ Phan Mạc là đặt trụ sở chỉ huy của đại đội Cù Chính Lan thuộc Sư đoàn 304.
Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nơi đây đã diễn ra những hoạt động: tiễn đưa con em lên dường bảo vệ Tổ quốc, nơi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của đơn vị bộ đội đóng quân tại làng, đặt tủ thuốc cứu thương của xã…

Nhà thờ họ Phan Mạc nằm trong khu vực dân cư đông đúc, mặt ngoảnh hướng Đông Nam. Nhà thờ có 4 toà nhà gỗ: nhà Bái đường, Hạ điện, Trung điện và Thượng điện. Đi vào nhà thờ phải qua cổng cao 4,6m, trên cổng đắp 2 con ghê hai bên. Sân nhà thờ lát gạch, dài 15m, rộng 8m.

Nhà Bái đường có 3 gian, 2 hồi, dài 11m, rộng 5m, cao 4,3m, kiến trúc kiểu tứ trụ tam oai. Nhà có 14 cột, hoa văn hoa lá cành được trạm trổ ở các vì kèo, trên đỉnh nóc và ở các đầu đao trạm khắc đơn giản. Tất cả gỗ dùng làm nhà thờ là gỗ lim. Hạ điện khi làm lễ có treo cờ Tiến sỹ do Phan Đăng Nhật kính dâng gia tộc và dùng một bộ Tam sự bằng đồng nặng khoảng 20 kg để thắp hương. 

Nhà Hạ điện kiến trúc có phần đơn giản hơn nhà Bái đường, gồm 3 gian, 2 hồi, tổng cộng có 8 cột gỗ lim. Nhà dài 11m, rộng 5,3m, cao 4,2m, giữa treo bức hoành phi thêu hình lưỡng long chầu nguyệt. Trong nhà có bàn thờ đồng chí Phan Đăng Lưu. Hạ điện có 2 trống và 1 chiêng đồng lớn là nhạc khí trong những ngày lễ trọng.

Nhà Trung điện có kiến trúc như nhà Bái đường, gồm 3 gian, 2 hồi, có 12 cột. Nhà dài 10,3m, rộng 5m, cao 3,9m. Nội thất của Trung điện có những hiện vật như: bức hoành phi bằng nỉ thêu hình lưỡng long chầu nguyệt, 1 trống to, đồ tế khí…

Thượng điện gồm 1 gian, 2 hồi, kiểu tứ trụ tam oai. So với 3 nhà trên thì Thượng điện được tram khắc tinh xảo với những hình như rồng, mây, hoa lá, mãng xà, kỳ lân… Nhà dài 6,8m, rộng 5m, cao 4,1m, có 8 cột gỗ. Trong nhà có đồ tế khí, kiệu long đình, lọng vải lụa, hoành phi, câu đối, 7 sắc phong.

Nhà thờ họ Phan Mạc là di tích ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, đặc biệt về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Với giá trị đó, nhà thờ họ Phan Mạc được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích cấp Quốc gia, Quyết định số 423/QĐ-VH, ngày 20/2/1997.
________________________________________

Video