Nhà thờ họ Nguyễn Thọ ( xã Nam Thành, H. Yên Thành, tỉnh Nghệ An)

Tác giả: admin
Ngày 2010-11-09 02:26:05

Nhà thờ họ Nguyễn Thọ nằm ở làng Tam Đồng, xã Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 65km về phía Tây bắc, cách huyện lỵ Yên Thành 4km về hướng Nam.

Tên gọi xã Nam Thành có từ năm 1953, trước đây gồm bốn làng: Tiền Thành, Lâm Xuyên, Tam Đồng, Lộc Tại thuộc tổng Quan Hóa, huyên Yên Thành. Xã Nam Thành là một dải đất hẹp, giáp với xã Long Thành, Khánh Thành ở phía Đông, xã Trung Thành ở phía Bắc, Minh Thành, Lý Thành ở phía Tây và Liên Thành ở phía Nam.

Nhà thờ họ Nguyễn Thọ được khởi dựng năm Kỷ Mùi (1619) dưới triều Lê Thần Tông để thờ Đức Triệu Cơ, Thái thủy tổ họ Nguyễn Thọ là Nguyễn Phúc Thắng. Nguyễn Phúc Thắng là người có tài thao lược, chiêu dân lập ấp, làm quan đến chức Đô Vệ úy – Thiên Hộ chức, được Vua Lê Thánh Tông phong tước Nhân Lý Hầu. Năm 1481, ông lĩnh mệnh đi khẩn điền hai xứ Châu Hoan, Châu Diễn, khai phá được 50 trang ấp, 13 thôn xã… Những công tích của ông được khắc vào bia đá lưu tại Nhà thờ, có đoạn:
“Khi sinh thời thì tiếng tăm vang lừng, kể từ khi Đức Tiên công sinh ra ngài, ngài đã có chí lớn từ hồi còn trẻ, luôn luôn lấy trung nghĩa để kích động lòng mình. Ngài cầm quân đánh sâu vào nước Chiêm Thành, dẹp bọn giặc Chiêm và bắt sống cả Mĩ Đản công chúa. Khi kéo cờ chiến thắng trở về được triều đình phong thưởng trọng thị và hậu cấp cho gia quyến…

…Cùng đi với Nguyễn Phúc Thắng có thân sinh Nguyễn Phúc Tri và em ruột Nguyễn Phúc Tài, có cả vị Quốc tử giám giám sinh tự Thọ Nhân và các vị công hầu trong họ. Tới các xứ duyên sơn hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An khai tịch các chỗ hoang nhàn, kiến lập ra thôn, xã..”

Do đất nước loạn lạc, họ Nguyễn Phúc đã đổi thành Nguyễn Thọ từ năm 1529.

Năm 1505, Nguyễn Phúc Thắng từ trần, hưởng thọ 77 tuổi, an táng trên một ngọn đồi cách nhà thờ 1,5 km.

Do có công lao to lớn, ông đã được các triều đại và nhân dân tôn làm Thành Hoàng của vùng Tam Trang và Lộc Tại, hiện tại nhà thờ còn lưu giữ được 12 sắc phong của ông.

Trong phong trào Cần Vương, Nhà thờ họ Nguyễn Thọ là nơi tụ họp của nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã, Nguyễn Văn Ngợi…

Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, nhà thờ họ Nguyễn Thọ là địa điểm làm việc của các tổ chức Đảng Cộng sản.
Từ năm 1925 đến năm 1929, Yên Thành là vùng đất được các cán bộ cách mạng như Phan Đăng Lưu, Phan Thái Ất, Đồ Tời…chọn làm nơi để tuyên truyền, giáo dục quần chúng, xây dựng các tổ chức cách mạng như Đảng Tân Việt, cơ sở Hưng nghiệp hội xã, trại cày…Trong số những thanh niên được kết nạp vào tổ chức cách mạng, tiêu biểu có Nguyễn Thọ Châu, Nguyễn Thọ Tám, Nguyễn Thọ Đổng. Họ tham gia truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê nin, phổ biến các tác phẩm “ Đường cách mệnh”, “ Nhật ký chìm tàu” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Nhà thờ họ Nguyễn Thọ và nhà bà Tổng Đởng ( thân mẫu Nguyễn Thọ Châu) là địa điểm in ấn tài liệu, hội họp và học tập của tổ chức cách mạng dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phan Thái Ất, bí thư Tổng nông hội Nghệ An. Sau một thời gian ngắn, họ đã giác ngộ và kết nạp được 30 thanh niên vào tổ chức cách mạng.
Trong phong trào biểu tình ủng hộ cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1930), nhân dân Nam Thành đã tham gia hưởng ứng rất tích cực.

Tối ngày 5/2/1931, sau khi nhận được Chỉ thị của huyện ủy về việc phá vỡ kế hoạch phát thẻ quy thuận của thực dân Pháp, tại nhà thờ họ Nguyễn Thọ, đồng chí Nguyễn Thọ Châu, bí thư Nông hội đỏ vùng Tam Đồng, Lộc Tại, Điện Yên, Vân Nam đã họp bàn, cử 20 hội viên tham gia phá tan buổi lễ quy thuận tại chợ Kè ngày 7/2/1031 của địch.

Tại đây, vào ngày 20/2/1931, Nông hội đỏ 3 tổng Vân Tụ, Quan Trung, Quan Hóa đã họp bàn tổ chức biểu tình vào ngày 27/2/1931. Cuộc biểu tình bị đàn áp phải giải tán nhưng đã khích lệ tinh thần đấu tranh của nhân dân lên rất cao. Tuy không chính thức thành lập Xô viết công nông nhưng việc điều hành các hoạt động ở các làng đều do Nông hội đỏ quyết định. Mười bốn cán bộ và 20 thanh niên tự vệ đỏ đã lãnh đạo nhân dân bắt địa chủ giảm tô, giảm tức, chia lại công điền, trả lại những khoản thu bất hợp lý, chia gạo cứu đói cho nhân dân…Phong trào tương thân tương ái được xây dựng và phát triển, phụ nữ bình đẳng với nam giới, một số thôn như Tây Hồ, Cự Phú đã mở lớp học chữ Quốc ngữ xóa mù cho hơn 40 người. Trong các buổi sinh hoạt, họ công khai ủng hộ Đảng cộng sản, ca ngợi nước Nga Xô viết, vận động đóng góp ủng hộ tài chính cho Đảng được 20 đồng bạc Đông Dương, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Tràng Kè, Ngọc Luật…

Trong cuộc đấu tranh sôi động đó, nhà thờ họ Nguyễn Thọ là nơi lui tới hoạt động, hội họp của các cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Nghệ An, huyện ủy Yên Thành như Chu Văn Biên, Tôn Thị Quế, Nguyễn Úy…

Sau tháng 2 năm 1931, phong trào cách mạng bị đàn áp dã man, nhiều cán bộ của Đảng bị bắt bớ, tù đày như Nguyễn Thọ Châu, Nguyễn Thọ Linh, Nguyễn Trương, Trần Tiềm, Quy Vợi, Doãn Văn, Doãn Trương…

Kẻ địch đã dùng mọi cực hình tra tấn nhưng với tấm lòng trung kiên, bất khuất, Nguyễn Thọ Châu vẫn một lòng trung thành với Đảng, hiên ngang chửi vào mặt kẻ thù. Không khuất phục được ý chí của người cán bộ cách mạng, thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí tại Tràng Kè ngày 4/6/1931. Trước đó, tháng 3/1931, một người con ưu tú khác của họ Nguyễn Thọ là Nguyễn Thọ Tám cũng đã bị địch xử bắn tại đây.

Sau một thời gian thoái trào, từ năm 1937 – 1945, nhà thờ họ Nguyễn Thọ tiếp tục trở thành nơi sinh hoạt, hội họp của Đảng và các tổ chức đoàn thể cách mạng.

Thời kỳ 1946 – 1947, nhà thờ là nơi đồng chí Hồ Mỹ Xuyên, Phó bí thư tỉnh ủy ăn nghỉ, hội họp khi xuống chỉ đạo phong trào ở địa phương.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhà thờ họ là nơi tiễn đưa nhiều con em trong họ lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trong số đó có 52 thương binh và 35 người đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Một bà mẹ của dòng họ Nguyễn Thọ xã Nam Thành đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Nhà thờ họ Nguyễn Thọ được xây dựng từ năm 1619 dưới triều Lê Thần Tông. Từ đó đến nay, mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, song đến nay vẫn giữ được kiểu dáng ban đầu. Kiến trúc tổng thể của di tích theo kiểu chữ Nhị, gồm thượng điện và hạ điện, ngoảnh mặt hướng Tây Nam.

Hạ điện có kiến trúc tứ trụ. 3 gian, hai hồi, lợp ngói âm dương, hai hồi xây kín, giữa có hệ thống cửa lùa để tiện việc tế lễ. Hạ điện có nhiều đôi câu đối cổ ghi lại công đức của dòng họ, đặc biệt nhất là chiếc bia đá cao 1,8m, rộng 0,6m được tạc vào năm Khải Định thứ 2 (1917) ghi lại công lao của ông Nguyễn Phúc Thắng.

Thượng điện kiến trúc kiểu tứ trụ, tam oai, kẻ chuyền, mái lợp ngói âm dương, là nơi thờ thần tổ Nguyễn Phúc Thắng và các hậu duệ.

Khu lăng mộ Nguyễn Phúc Thắng an tọa trên ngọn đồi cao ráo, rộng rãi, trong một khuôn viên 250m2.

Hiện nay, nhà thờ họ Nguyễn Thọ còn lưu giữ 26 hiện vật văn tự cổ, 46 hiện vật tế khí cổ và 6 hiện vật liên quan đến phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Với những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, Nhà thờ họ Nguyễn Thọ xã Nam Thành, huyện Yên Thành đã được UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định số 281/QĐ-UB/VX ngày 17 tháng 01 năm 2003 công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa.

Video