Nhà thờ họ Hoàng Văn

Tác giả: admin
Ngày 2010-08-27 08:13:28

Nhà thờ họ Hoàng Văn thuộc làng Vạn Lộc, xã Nghi Tân, Thị trấn Cửa Lò (nay thuộc Phường Nghi Tân, Thị xã Cửa Lò), tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 19km theo trục đường bộ Cửa Lò – Quán Bánh – Vinh.

Nhà thờ được xây dựng từ năm 1902, là nơi thờ tự của dòng họ Hoàng Văn, trong đó có những người đỗ đạt cao, làm nên nghiệp lớn như: Hữu viện y học Hoàng Nguyên Lễ, Hoàng Huy Bính, Hoàng Duy Khương…

Hoàng Văn Tâm thuộc thế hệ thứ 18 của chi họ Hoàng Văn - Vạn Lộc. Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo nhưng Hoàng Văn Tâm đã mang sẵn trong mình dòng máu bất khuất, giàu lòng yêu nước. Quê hương, dòng họ, gia đình là cái nôi nuôi dưỡng và hun đúc nên ngọn lửa nhiệt tình cách mạng của anh -một trong những người cộng sản đầu tiên của huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Nhà thờ họ Hoàng Văn đã gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Hoàng Văn Tâm.

Đầu năm 1928, Hoàng Văn Tâm được giác ngộ và kết nạp vào Đảng Tân Việt, được tổ chức này cử về xây dựng phong trào cách mạng tại địa phương. Để thu hút lực lượng thanh niên tiến bộ và gây ảnh hưởng cho tổ chức Tân Việt, anh đã quyết định mở lớp dạy học, tuyên truyền tư tưởng yêu nước và đào tạo cán bộ cho Đảng. Nhà thờ họ Hoàng Văn được chọn làm nơi mở lớp vì đây là trung tâm của vùng Đông Nghi Lộc, hơn nữa trong họ Hoàng có nhiều người tiến bộ và có tinh thần yêu nước theo học. Hoàng Văn Tâm là giảng viên chính của lớp học. Tại nhà thờ họ Hoàng Văn, Đảng Tân Việt còn đứng ra thành lập hội “Nam đông ích” để buôn bán, gây quỹ cung cấp kinh tài cho hoạt động cách mạng, đồng thời giác ngộ tinh thần yêu nước cho đông đảo quần chúng ở địa phương.

Cuối năm 1929, nhiều đồng chí như Nguyễn Thức Mẫn, Lê Mao cũng về đây tham gia giảng bài và huấn luyện…Nhờ những lớp học tại nhà thờ họ Hoàng Văn, nên khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra, một lực lượng trẻ ở vùng Đông Nghi Lộc đã được bổ sung cho các chi bộ đảng.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Vinh – Bến Thủy, Đảng bộ huyện Nghi Lộc đã ra đời. Đồng chí Hoàng Văn Tâm được bầu vào Ban chấp hành Huyện ủy lâm thời và được phân công nhiệm vụ về xây dựng chi bộ Cửa Lò gồm các làng phía Bắc tổng Thượng Xá (Nghi Quang, Nghi Tân, Nghi Thiết). Chi bộ này do đồng chí Hoàng Văn Tâm làm bí thư, thường sinh hoạt tại nhà thờ họ Hoàng Văn.

Vào đầu tháng 7/1930, Huyện ủy Nghi Lộc đã chọn nhà thờ họ Hoàng Văn làm trụ sở làm việc để bảo đảm an toàn. Tại di tích này, Ban chấp hành Huyện ủy đã đề ra chủ trương tiến hành các cuộc đấu tranh, vạch ra các biện pháp nhằm ngăn chặn sự đàn áp của kẻ thù. Việc ấn loát truyền đơn tài liệu cũng diễn ra tại đây. Tổ ấn loát của Huyện ủy làm việc liên tục, miệt mài và bảo đảm bí mật. Trong thời gian hơn 4 tháng đóng trụ sở tại di tích này, Huyện ủy Nghi Lộc đã tổ chức được 5 cuộc đấu tranh cấp huyện, 18 cuộc đấu tranh cấp tổng, cấp xã và lãnh đạo nhân dân tham gia nhiều cuộc đấu tranh ở cấp tỉnh. Trong đó có những cuộc đấu tranh có từ 800 đến 1000 người tham gia. Phong trào đấu tranh của nhân dân Nghi Lộc từ giữa năm 1930 phát triển mạnh mẽ, rộng khắp với quy mô ngày càng rộng lớn, hòa chung với phong trào đấu tranh của tỉnh và của cả nước, góp phần thúc đẩy phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đến đỉnh cao.

Vào cuối tháng 4/1931, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, nhà thờ họ Hoàng Văn là nơi Xứ ủy Trung Kỳ triển khai hội nghị mở rộng để chỉ đạo phong trào đấu tranh. Di tích này cũng là nơi nhiều đồng chí cán bộ cốt cán của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh như: Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Đức Cảnh…về đây trao đổi, hội họp, truyền đạt các nghị quyết của Xứ ủy Trung Kỳ đến các đồng chí trong Ban chấp hành Huyện ủy Nghi Lộc.

Trước cách mạng tháng Tám 1945, nhà thờ họ Hoàng Văn là trụ sở của Mặt trận Việt Minh, nơi đây các đồng chí lãnh đạo đã chỉ đạo nhân dân giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám ở khu vực phía Đông huyện Nghi Lộc. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp và sau này, đây là nơi kết nạp đảng viên mới, nơi đưa tiễn những người con Vạn Lộc lên đường bảo vệ Tổ quốc. Nhà thờ họ Hoàng Văn còn là trụ sở làm việc của Hợp tác xã đánh cá mang tên Hoàng Văn Tâm (từ năm 1960 đến 1964) và xã Nghi Tân ( từ năm 1965 đến 1967); là kho gạo, thực phẩm trung chuyển từ cảng Cửa Lò cung cấp cho chiến trường đánh Mỹ…

Ngày nay, di tích này còn khá nguyên vẹn gồm 2 nhà Thượng điện và Hạ điện với kết cấu bằng gỗ lim, cấu trúc theo kiểu chữ “Nhị”, ngoảnh mặt theo hướng Đông Nam. Di tích còn giữ được những tư liệu, hiện vật như: bài vị, long ngai, mục chủ, gia phả, hoành phi, câu đối, thơ ca bằng chữ Hán; nhiều hiện vật liên quan đến hoạt động của Đảng và của đồng chí Hoàng Văn Tâm trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh như: mâm gỗ bồng, bộ hộp chủ dùng cất dấu tài liệu của Đảng; bộ đai trấn dùng đựng mực in khi ấn loát; phản gỗ dùng làm giường nằm của Hoàng Văn Tâm và các đồng chí trong Đảng…Đó là những nguồn sử liệu cho chúng ta có thêm cơ sở để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa xứ Nghệ.

Hàng năm, đến ngày thương binh liệt sỹ (27/7) và ngày mất của đồng chí Hoàng Văn Tâm, chính quyền cùng các tổ chức quần chúng từ huyện đến xã thường đến di tích này thắp hương tưởng nhớ đồng chí Hoàng Văn Tâm. Vì những hoạt động thiết thực và có ý nghĩa trên, nên di tích và những hiện vật tại nhà thờ họ Hoàng Văn vẫn được bảo lưu trọn vẹn.

Di tích nhà thờ họ Hoàng Văn được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1994.

Video